Syria : Donald Trump chà đạp lên các mục tiêu truyền thống của Mỹ (RFI, 15/10/2019)
Đồng minh mất tin tưởng, nhiều khủng bố Daesh được tự do, chế độ Damascus kiểm soát thêm lãnh thổ, đối thủ Nga và Iran mở rộng tầm ảnh hưởng. Quyết định rút quân của Donald Trump mà ông cho là dựa theo "trực giác" đã đưa đến các hệ quả trên. Theo giới phân tích, tổng thống thứ 45 của Mỹ đã chà đạp lên các nỗ lực truyền thống và quyền lợi của chính nước Mỹ tại Trung Cận Đông.
Trực thăng và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trở về doanh trại sau một đợt tuần tra chung với lính Mỹ ở miền bắc Syria, ngày 08/09/2019. Reuters/Murad Sezer/File Photo
Sau một tuần lễ đầy những tuyên bố mâu thuẫn, cuối cùng Washington xác nhận quyết định rút hết toàn bộ 1000 quân bố trí ở miền bắc Syria, phó mặc lực lượng Kurdistan-Syria FDS, đồng minh chống Dash, một mình đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu, nòng cốt là các đơn vị biệt kích của Pháp, thiếu yểm trợ của Mỹ, cũng chuẩn bị rút quân bỏ rơi các chiến hữu từng sát cánh ngăn chận Daesh biến Syria thành bàn đạp tấn công khủng bố Châu Âu.
Robert Malley, chuyên gia chủ tịch tổ chức Khủng Hoảng Quốc Tế International Crisis Group ICG chỉ trích Washington và tổng thống Donald Trump đã "quản lý kém" đến mức để xảy ra kịch bản xấu nhất với những hệ quả tồi tệ nhất.
Bước ngoặt tháng 12 năm 2018
Để chuẩn bị tái tranh cử nhiệm kỳ hai trong điều kiện tối ưu, tổng thống Donald Trump thông báo thực hiện lời hứa rút hết quân ra khỏi Trung Cận Đông. Cuối năm 2018, ông ra lệnh rút lực lượng tại Syria.
Thế nhưng, lệnh của chủ nhân Nhà Trắng gặp phải sự chống đối của các đồng minh phương Tây và trong khu vực không muốn Hoa Kỳ bỏ trống Trung Cận Đông. Không kể công luận Mỹ chê trách mà ngay trong chính quyền và quân đội cũng không tán thành sự lựa chọn này của Donald Trump. Theo Robert Malley, các đồng minh của Mỹ và lực lượng Kurdistan-Syria được các tướng lãnh, các nhà ngoại giao Mỹ trấn an là đừng quan tâm đến "tuyên bố thiếu suy nghĩ" của ông tổng thống tỷ phú.
Tiếp theo đó, các cố vấn "hạ hỏa" được tổng thống, thuyết phục ông nghĩ đến quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ : tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tuy đã tan rã nhưng vẫn còn khả năng gây rối, bảo vệ cộng đồng Kurdistan-Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là kẻ thù và nhất là nhu cầu ngăn chận Iran bành trướng thế lực.
Mười tháng sau, lần lượt bộ trưởng quốc phòng James Mattis từ nhiệm, cố vấn John Bolton bị cách chức, tổng thống Donald Trump trở lại với quyết định "trực giác", để cho đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tha hồ tấn công người Kurdistan-Syria.
Theo AFP, tuy thông báo quyết định lần đầu vào cuối năm 2018 nhưng lệnh rút lần thứ hai được thi hành trong vội vã, thiếu tổ chức dẫn đến hệ quả tai hại cho chính những mục tiêu mà Hoa Kỳ hy sinh tính mạng binh sĩ và hàng tỷ đô la để bảo vệ.
Chuyên gia Elysabeth Dent, thuộc Viện Nghiên Cứu Trung Đông giải thích : Lẽ ra, chính quyền Trump phải tỏ ra kiên định để không cho Thổ Nhĩ Kỳ ra quân. Còn nếu cản không được thì cũng phải tổ chức triệt thoái, đem tù binh Daesh về nơi an toàn.
Donald Trump đánh mất tất cả
Hệ quả thứ hai là lực lượng Kurdistan-Syria FDS quay sang cầu viện quân đội Damascus. Tổng thống Bachar al-Assad, người mà Washington muốn trừ khử, không cần tốn một viên đạn, chiếm lại được một phần lãnh thổ ở phía bắc bị mất từ năm 2011.
Không chỉ mất địa bàn, Hoa Kỳ của Donald Trump còn đánh mất niềm tin trong "phe thân Mỹ" và "làm tăng tự tin" cho phe đối nghịch. Tại Syria, quân đội Mỹ vẫn duy trì căn cứ Al Tanf, với 150 biệt kích, ở tỉnh Homs, gần vùng tam biên Syria, Iraq và Jordan để chận Iran lập một "vòng cung Shia" đến tận Địa Trung Hải. Nhưng theo Robert Malley, cho dù có 2.000 quân đi nữa, Mỹ cũng khó chận Iran nếu không có chiến lược xuyên suốt.
Quyết định của Donald Trump còn gây hoang mang cho các đồng minh truyền thống. Là kẻ thù của Iran, Saudi Arabia trải thảm đỏ đón tiếp tổng thống Nga Putin, đồng minh của Iran, hôm thứ Hai (14/10/2019) tại Ryadh.
Chuyên gia về chính trị Syria, Joshua Landis, đại học Oklahoma, phê phán với ít nhiều khiêu khích chủ nhân Nhà Trắng : "Uy tín Donald Trump sụp đổ tại Trung Đông trong khi Putin lên như diều gặp gió. Từ nay không còn ai tin ở tổng thống Trump, mọi người đều linh cảm Mỹ sẽ bỏ Trung Đông".
Tú Anh
*******************
Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì tấn công người Kurd ở Syria (BBC, 15/10/2019)
Mỹ đã trừng phạt hai bộ và ba quan chức chính phủ cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả cuộc tấn công quân sự của nước này ở miền bắc Syria.
Hàng chục người đã thiệt mạng từ khi cuộc tấn công chống lại lực lượng người Kurd ở Syria bắt đầu hôm thứ Tư ngày 9/10
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết Tổng thống Donald Trump cũng gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để yêu cầu đình chiến ngay lập tức.
Ông Pence cho biết ông sẽ tới khu vực này "nhanh nhất có thể".
Quân đội Syria trước đó đã tiến vào các khu vực ở phía đông bắc. Điều này có thể dẫn đến một cuộc đụng độ với các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.
Việc triển khai quân đội Syria nằm trong thỏa thuận chính phủ Syria với các lực lượng người Kurd, nhóm mà cho đến tuần trước vẫn là đồng minh của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cuộc tấn công của họ nhằm đẩy lực lượng người Kurd khỏi khu vực biên giới và thiết lập những gì chính phủ ở Ankara mô tả là "vùng an toàn".
Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng "vùng an toàn" khoảng 30 km về phía Syria để tái định cư cho khoảng hai triệu người tị nạn Syria hiện đang ở trên lãnh thổ của mình.
Nhiều người trong số họ không phải là người Kurd và các nhà phê bình cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc thanh lọc sắc tộc người Kurd địa phương.
Lệnh trừng phạt của Mỹ thì sao ?
Nói chuyện với các phóng viên ở Washington DC vào tối thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin mô tả các lệnh trừng phạt "rất mạnh" này sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngân phố Hoa Kỳ tuyên bố rằng biện pháp trừng phạt đã được đưa ra với Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các bộ trưởng quốc phòng, năng lượng và nội vụ.
"Hành động của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang gây nguy hiểm cho dân thường vô tội và gây bất ổn cho khu vực, bao gồm làm suy yếu chiến dịch đánh bại ISIS [Nhà nước Hồi giáo]", tuyên bố nói thêm.
Sơ đồ vùng biên giới xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Xuất hiện cùng với ông Mnuchin, Phó Tổng thống Pence cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt "sẽ tiếp tục và sẽ nặng nề hơn cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận ngừng bắn ngay lập tức, ngăn chặn bạo lực và đồng ý đàm phán giải quyết lâu dài các vấn đề dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria".
Ông Pence cho biết Tổng thống Trump đã nhắc lại điều này trong cuộc gọi điện thoại hôm thứ Hai với Tổng thống Erdogan.
Phó tổng thống cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ "không bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Syria".
Mỹ trước đó nói rằng sự xâm nhập "không thể chấp nhận được" của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đã dẫn đến việc thả nhiều chiến binh IS đang bị giam giữ.
Trước đó vào thứ Hai, một số nước thuộc Liên minh Châu Âu cam kết đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thành công trong việc đưa ra lệnh cấm vận vũ khí toàn EU.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ xem xét lại việc hợp tác với EU vì thái độ "bất hợp pháp và thiên vị" của EU.
Các chiến binh Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại thị trấn Ayn al-Arus
Điều gì đang xảy ra ở Syria ?
Truyền thông nhà nước Syria cho biết các lực lượng chính phủ được Nga hậu thuẫn đã tiến vào thị trấn chiến lược Manbij, bên trong khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra một "vùng an toàn".
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và dân quân Syria đồng minh của họ đang tập trung gần thị trấn.
Thỏa thuận với các lực lượng người Kurd được coi là điều có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh dấu lần đầu tiên quân đội của ông trở lại các khu vực phía đông bắc kể từ năm 2012, khi đó họ phải rút quân để chiến đấu ở khu vực khác tạo cơ hội cho người Kurd lên nắm quyền kiểm soát.
Mặc dù không đồng ý với nỗ lực tự trị của họ, ông Assad cũng không tìm cách chiếm lại lãnh thổ, đặc biệt là sau khi người Kurd trở thành đối tác trong liên minh chống IS với quân đội Mỹ.
Ngoài việc chiến đấu với IS, người Kurd là nền tảng cho Mỹ trong việc hạn chế ảnh hưởng của các đối thủ Nga và Iran.
Hiện tại, lực lượng Syria sẽ không được triển khai giữa Tal Abyad và Ras al-Ain, nơi Thổ Nhĩ Kỳ tập trung nhắm tới. Các quan chức người Kurd khẳng định họ sẽ tiếp tục nắm quyền chính trị và giữ trật tự trong khu vực.
Nữ chiến binh người Kurd cầm súng trong đám tang ở Derik hôm 13/10
Chính phủ Nga, một đồng minh thân cận của ông Erdogan, cho biết họ không nghĩ đến khả năng xảy ra đụng độ giữa các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, và cho biết họ thường xuyên liên lạc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc OCHA, gần 160.000 dân thường đã được di dời, và con số này dự kiến sẽ tăng lên.
Ít nhất 50 thường dân đã thiệt mạng tại Syria và 18 người khác ở biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, các báo cáo cho biết. Các lực lượng người Kurd đã xác nhận cái chết của 56 chiến bình trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng bốn binh sĩ của họ và 16 chiến binh Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng ở Syria.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đột ngột rút hàng chục lính Mỹ khỏi đông bắc Syria sau một cuộc điện thoại với ông Erdogan.
Động thái này đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vẫn coi các thành phần của nhóm người Kurd ở Syria là một phần mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd bị cấm, nhóm đã đấu tranh cho quyền tự trị của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ trong ba thập kỷ.