Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/10/2019

Điểm báo Pháp - Brexit, Syria : Kẻ mừng người lo !

RFI tiếng Việt

Brexit, Syria : Kẻ mừng người lo !

Luân Đôn và Bruxelles đạt được một thỏa thuận cho Brexit vào phút chót ; tại Syria, nước Nga khẳng định vị thế quân sự và ngoại giao ; nỗi lo các khoản nợ của doanh nghiệp là những chủ đề thời sự chính trên các nhật báo lớn tại Pháp số ra hôm nay 18/10/2019.

brexit1

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 17/10/2019 loan báo đã tìm được "một thỏa thuận mới tuyệt vời" về Brexit với Liên Hiệp Châu Âu .AFP

Tít lớn trên trang nhất các tờ báo Pháp ưu tiên cho hồ sơ Brexit. Nhật báo kinh tế Les Echos đề tựa thông báo : "Brexit, một thỏa thuận vào phút chót". Le Figaro nhấn mạnh đến "Cơ hội cuối cùng cho một Brexit ổn thỏa". Bởi vì, bốn mươi tháng sau lá phiếu ủng hộ Brexit của người dân Anh, đây là bản dự thảo thứ 4 của một thỏa thuận dày 600 trang không phải dễ hiểu chút nào đối với những người bình thường. Và thỏa thuận này là kết quả của những nhượng bộ từ cả hai phía.

Bài xã luận của Le Figaro có tựa đề "Đây là lối ra" nhìn nhận rằng thủ tướng Anh đã biết lèo lái cuộc chơi, thương thảo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Nhật báo thiên hữu cũng không quên thái độ kiên nhẫn hết mực cũng như là sự cảnh giác cao độ của nhà đàm phán người Pháp Michel Barnier trước những mưu mẹo của Perfide Albion, đại diện phía Anh.

Giờ đây, thủ tướng Anh chỉ còn một thử thách nữa phải bước qua : Westminster. Thứ Bảy 19/10/2019, ông Boris Johnson phải thuyết phục được các nghị sĩ Anh ở Quốc Hội thông qua bản thỏa thuận vừa được đúc kết với Bruxelles. Các báo Pháp đều nhắc lại rằng, chính Nghị Viện Anh đã ba lần bác bỏ bản dự thảo thỏa thuận do cựu thủ tướng Anh, Theresa May đạt được với Bruxelles.

Tuy nhiên, theo tờ Le Monde, không cần phải đợi đến thứ Bảy này mới biết đá biết vàng. Đảng Hợp Nhất Dân Chủ Bắc Ailen (DUP) cho biết không thông qua thỏa thuận vì ít nhất hai điểm : vấn đề đường biên giới và quyền phủ quyết. Không những thế Công Đảng cũng tuyên bố không trao cho B. Johnson một món quà chính trị. Trong khi đó, để có được sự đồng ý của Nghị Viện, do không có được đa số tuyệt đối, thủ tướng Anh phải đạt được 318 phiếu thuận. Một bài toán không hề dễ chút nào cho ông Boris Johnson.

Do vậy, cả Le Figaro Les Echos cùng cho rằng cuộc biểu quyết ngày thứ Bảy này tại Nghị Viện Anh đầy rủi ro. Khả năng dự thảo bị bác lần nữa là rất cao. Trên thực tế, căn cứ theo luật do Nghị Viện bỏ phiếu, thủ tướng Anh buộc phải có "đèn xanh" của các nghị sĩ về thỏa thuận mới này, bằng không, ông phải đề nghị hoãn lại ngày Brexit.

Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra rất dứt khoát. Jean-Claude Juncker nói rõ : "Chúng tôi không nghĩ là có thể chấp thuận một sự gia hạn mới ". Tóm lại như hàng tựa của La Croix, "Brexit : Một thỏa thuận và nhiều mối ngờ vực". Cả Châu Âu mệt mỏi và hồi hộp chờ đợi ngày "Big Saturday", như cách gọi của Le Figaro.

Hải Quân Anh – Pháp hồi hộp chờ Brexit

Với thông báo đạt được thỏa thuận, các báo Pháp bắt đầu lo lắng cho tác động của Brexit trên nhiều lĩnh vực. Le Figaro đặc biệt lo cho những ảnh hưởng của Brexit đối với mối hợp tác quân sự giữa Anh và Pháp.

Giữa hai nước đã có một thỏa thuận đối tác Lancaster House, được ký kết cách nay 9 năm, thời gian đủ cho đôi bên hoàn thành việc thiết lập "khả năng tác chiến liên quân". Đợt thao dợt "Griffin Strike" ngoài khơi Scotland, kết thúc hôm qua, 17/10, là một ví dụ điển hình. Một khi có thể phối hợp nhịp nhàng, lực lượng chung Anh-Pháp sẽ được triển khai tại những nơi nào có khủng hoảng quốc tế và những thách thức chung cho cả hai nước.

Tuy nhiên, đô đốc Christhophe Prazuck lưu ý "đôi bên phải thống nhất các mục tiêu chung". Trong bối cảnh hậu Brexit , Paris và Luân Đôn chắc chắn sẽ có những lợi ích trái ngược. Nhưng Prazuck lạc quan tin rằng "Anh và Pháp vẫn là xóm giềng trong lĩnh vực quân sự và cùng chia sẻ các giá trị với nhau"

Theo Le Figaro, tuy Brexit không có những tác động trực tiếp đến việc tổ chức và hợp tác quân sự giữa hai nước, nhưng điều này rất có thể sẽ làm đảo lộn các thói quen và gây ảnh hưởng đến các việc chọn lựa trang thiết bị. Trên phương diện hàng không, Luân Đôn và Paris đã quyết định cạnh tranh nhau : Vương Quốc Anh phát triển chiếc Tempest và đã chọn Thụy Điển như là một đối tác tại Châu Âu. Về phần mình, Pháp đã quyết định hợp tác cùng Đức và Tây Ban Nha lắp đặt hệ chiến đấu cơ tương lai Scaf.

Trong bối cảnh này, đương nhiên người ta cũng sẽ thắc mắc về chiến lược kinh tế của vương quốc Anh, đang bị suy yếu vì Brexit. Liệu Luân Đôn có thể tìm cách củng cố hợp tác với Hoa Kỳ gây thiệt hại cho Châu lục hay không mà tác động có thể đến từ những hợp tác công nghiệp ?

Syria : Kẻ được, người thua

Diễn biến chiến sự tại Syria tiếp tục chiếm lĩnh mục Quốc tế các trang báo Pháp. "Washington thông báo một lệnh ngưng bắn 5 ngày", tựa của Les Echos.

Phó tổng thống Mỹ, Mike Pence, với sự tháp tùng của ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 17/10 loan báo đã tìm được một thỏa thuận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch quân sự tại Syria. Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm ngưng cuộc tấn công trong vòng 120 giờ, tức khoảng 5 ngày, thời gian để các nhóm vũ trang Kurdistan rút lui. Đổi lại, tổng thống Mỹ sẵn sàng rút lại các biện phát trừng phạt nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Libération lưu ý, thỏa thuận này đạt được không phải do công của Mỹ. Chính "Matxcơva đã thúc đẩy Ankara phải hạ nhiệt trên địa bàn". Nhật báo thiên tả chua chát nhận định, trong ván cờ này, kẻ bị thua là người Kurdistan, một lần nữa nhìn thấy niềm hy vọng có một vùng lãnh thổ tan theo mây khói. Trong số người thua có cả phương Tây, đã làm tất cả những gì không nên làm (hay ít ra tránh làm tất cả những gì cần làm) ngay từ đầu tấn bi kịch.

Bên thắng cuộc là Recep Tayyip Erdogan – có được vùng đệm biên giới an toàn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ; rồi ông Bachar Al-Assad – người tiếp tục để Nga giật dây và sau cùng là Vladimir Putin, người sẽ có tất cả các lá chủ bài trong tay một khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Lại là Nga, kẻ thắng cuộc !

Tóm lại trong ván bài này, "Nga lại một lần nữa là kẻ thắng". Libération cho biết Nga đã có một chiến lược dài lâu tại Syria. Từ lâu, Matxcơva biết rằng tính khí thất thường của Donald Trump rất có lợi cho Nga, một khi thời cơ đến Nga chỉ cần cúi xuống "lượm quả" mà thôi. Giờ đây chỉ trong vài ngày, Matxcơva đã trong thế mạnh cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao. Để có được thế cờ như ngày nay, Nga đã tính toán từng bước đi nhỏ nhất.

Một lãnh đạo phe nổi dậy Syria có tham gia đàm phán với Nga tại địa bàn kể lại với Libération chiến thuật của Nga như sau : "Người Nga không có một nước cờ duy nhất để có được một sự đầu hàng hay những dàn xếp an ninh. Họ tiến hành từng bước một, từng vùng một. Ở Aleppo, thành phố Ghouta hay Homs, chỉ sau các đợt oanh kích dữ dội phá hủy trường học, chợ và bệnh viện để bẻ gãy tinh thần người dân và đẩy họ gây áp lực đối với các chiến binh chống chế độ để đòi hưu chiến, thì Nga mới đề nghị thương thuyết. Thường họ chọn người đối thoại, dân sự hay quân nhân, trong số những nhân vật yếu thế nhất. Tất cả các cuộc đàm phán diễn ra trực tiếp với các nhà ngoại giao hay sĩ quan Nga mà không bao giờ không có sự hiện diện của đại diện Syria".

Vẫn theo lời của lãnh đạo phe nổi dậy trên, một khi đàm phán kết thúc, "quân đội Syria chẳng tiến hành một cuộc chiến nào trong những ngày qua để chiếm lại các vị trí ở phía bắc trước Thổ Nhĩ Kỳ. Họ chẳng còn sức đâu mà chiến đấu và chính một số dân quân tự vệ mang cờ Syria, do Nga huấn luyện đã chiến đấu tại những thành phố do người Kurdistan nhượng lại. Cuộc tái chinh phục được tường thuật và vinh danh nhờ vào các ống kính truyền hình Nga".

Nợ các doanh nghiệp : báo động đỏ

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Monde trên trang nhất đề tựa lớn "Báo động thế giới về nợ của các doanh nghiệp".

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nợ của các doanh nghiệp không ngừng phồng to trên nhiều Châu lục. Các định chế tài chính quốc tế lớn bắt đầu lo ngại cho hiện tượng này. Trong một báo cáo công bố hôm thứ Tư 16/10, đến lượt Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) gióng chuông báo động và lo lắng các nguy cơ mất khả năng chi trả trong trường hợp các hoạt động kinh tế bị trì trệ.

Theo các số liệu được công bố, trong quý I/2019, tổng nợ của các doanh nghiệp (trừ lĩnh vực tài chính) chiếm đến 91,4% tổng sản phẩm quốc nội GDP toàn cầu. Trong vòng có 20 năm, chỉ số nợ tăng 20 điểm, nợ các doanh nghiệp hiện cao hơn nợ của các chính phủ và hộ gia đình, theo như thẩm định của Viện Tài chính Quốc tế. Tình trạng này đáng lo nhất tại Châu Á. Còn tại Châu Âu, các ngân hàng nắm giữ một khối lượng nợ vay đáng ngờ rất lớn.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)