Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/11/2019

Tập thăm Hy Lạp, Campuchia thả đối lập, Nga thoát Trung

Tổng hợp

Tập Cận Bình thăm Hy Lạp, mắt xích quan trọng "Con đường tơ lụa" tại Châu Âu (RFI, 11/11/2019)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Athens từ tối qua 10/11/2019 trong khuôn khổ chuyến công du ba ngày, hôm nay gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hy Lạp với mục tiêu tăng cường hợp tác song phương "trong tất cả mọi lãnh vực".

cam3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Hy Lạp. Ảnh ngày 11/11/2019. Reuters/Costas Baltas

Ông Tập Cận Bình hôm nay hội đàm với tổng thống Prokopis Pavlopoulos và thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hy Lạp để ký các thỏa thuận hợp tác về giáo dục, hàng hải thương mại và năng lượng. Thủ tướng Mitsotakis vừa thăm Thượng Hải tuần trước cùng với đoàn doanh nhân 60 người, tuyên bố : "Chưa bao giờ tốt đẹp hơn bây giờ để mở ra một trang mới với Trung Quốc". Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, chuyến thăm này mang lại một "sức bật mới" cho quan hệ đôi bên và cho Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Sau khi nhượng lại cho tập đoàn Trung Quốc Cosco hai bến tàu của hải cảng Pirée năm 2008, Athens nhanh chóng mở rộng hợp tác với Bắc Kinh. Trong 15 năm qua, các công ty Hy Lạp đã cho đóng hơn 1.000 chiếc tàu có trị giá trên 15 tỉ euro tại Trung Quốc.

Đến năm 2016, Cosco đã mua lại 67% cổ phần hải cảng Pirée và được sử dụng bến tàu còn lại của cảng này cho đến năm 2052. Tập đoàn Cosco hy vọng chuyển đổi cảng Pirée thành trung tâm chính chuyển hàng Trung Quốc sang đông nam Châu Âu, làm cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á.

Hy Lạp đã ký kết một chương trình đầu tư 906 tỉ euro trong khuôn khổ BRI, trở thành mắt xích quan trọng cho "Con đường tơ lụa mới" ở Châu Âu. Athens hy vọng đón tiếp 500.000 du khách Trung Quốc trong hai năm tới, so với con số 200.000 của năm 2019. Trong năm nay, Hy Lạp đã cấp "visa vàng" cho 3.400 Trung Quốc, theo chương trình được đưa ra năm 2013 : công dân các nước ngoài Châu Âu được cấp visa 5 năm có thể gia hạn, nếu đầu tư ít nhất 250.000 euro vào nhà ở.

Sau chuyến thăm Athens, Tập Cận Bình sẽ đến Brazil dự lễ bế mạc thượng đỉnh BRICS (Nam Phi, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga).

Thụy My

********************

Cam Bốt : Dỡ lệnh quản thúc nhà đối lập Kem Sokha (RFI, 10/11/2019)

Sau hai năm bị giam giữ, rồi bị quản thúc tại gia, Kem Sokha, một trong hai nhà đồng sáng lập đảng đối lập Cam Bốt, chống thủ tướng Hun Sen, đã được trả tự do vào sáng hôm nay 10/11/2019. Trong khi đó, nhà đối lập Sam Rainsy đang sống lưu vong hôm qua đã không thể nhập cảnh hồi hương, dù có thể ông đã về đến Malaysia.

cam1

Biểu tình đòi trả tự do cho nhà đối lập Cam Bốt Kem Sokha, Sydney, 16/03/2018. Reuters/David Gray

Quân đội Cam Bốt đã được huy động ở biên giới và trong cả nước để đối phó với tình hình.

Từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết chi tiết :

"Theo lệnh tòa án đưa ra sáng hôm nay (Chủ Nhật), ông Kem Sokha từ nay được tự do đi lại, nhưng với điều kiện không được rời khỏi Cam Bốt. Đây là lần đầu tiên Kem Sokha được tự do đi lại sau hai năm, trong đó có một năm ông bị giam giữ và một năm bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, Kem Sokha vẫn bị cấm tham gia các hoạt động chính trị và ngày diễn ra phiên tòa xét xử ông cũng không được thông báo.

Bị tố cáo là phản bội, Kem Sokha bị bắt hồi tháng 09/2017. Đảng đối lập chính tại Cam Bốt, do Kem Sokha và Sam Rainsy đồng sáng lập, bị tố cáo muốn lật đổ chính phủ. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đã bị Tòa Tối Cao giải tán 8 tháng trước cuộc bầu cử lập pháp. Phiếu bầu sẽ được dồn cho đảng của thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền lãnh đạo suốt 34 năm qua.

Việc ông Kem Sokha được trả tự do diễn ra vào ngày hôm nay. Đây là một thời điểm mấu chốt. Tuần tới, Ủy Ban Châu Âu sẽ phải ra quyết định có duy trì hay đình chỉ thỏa thuận mang tên "Tất cả trừ vũ khí" hay không. Theo thỏa thuận này, Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Cam Bốt, với điều kiện Phnom Penh phải tôn trọng nhân quyền. Việc trả tự do cho ông Kem Sokha là một phần đòi hỏi rõ ràng để Liên Âu chấp nhận duy trì thỏa thuận với Cam Bốt.

Chính phủ Cam Bốt cũng đang trong tình trạng lo ngại khi Sam Rainsy, nhà đối lập chính trị lâu năm của thủ tướng Hun Sen vẫn thông báo ông sẽ trở về nước".

Thùy Dương

****************

Macron tin rằng Putin không muốn Nga thành "chư hầu" của Trung Quốc (RFI, 08/11/2019)

Trong một bài phỏng vấn báo chí đăng ngày 07/11/2019, tổng thống Pháp Macron đã biện hộ cho chủ trương hòa giải với Nga khi cho rằng Moskva không có chọn lựa nào khác ngoài "quan hệ đối tác" với Châu Âu. Một lý do được ông Macron nêu bật là tổng thống Nga Putin không có ý định trở thành "chư hầu của Trung Quốc".

cam2

Nguyên thủ Nga Vladimir Putin và Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón nhận cặp gấu trúc Ru Yi và Ding Ding, tại sở thú Moskva, 05/06/2019. ALEXANDER VILF / SPUTNIK / AFP

Trả lời tuần báo Anh The Economist, tổng thống Emmanuel Macron đã thừa nhận rằng hiện nay lãnh đạo nước Nga đang phát triển một chiến lược đối kháng với Châu Âu. Chủ trương đó xuất phát từ quan điểm bảo thủ của chủ nhân điện Kremlin, nhưng về lâu về dài, đường lối đó chắc chắn phải theo hướng hợp tác với Châu Âu.

Theo đánh giá của tổng thống Pháp, GDP nước Nga hiện nay chỉ "tương đương với Tây Ban Nha", trong lúc dân số đang trong chiều hướng "suy giảm và lão hóa". Tuy nhiên, về quân sự, Nga lại đang tăng cường võ trang, với một nỗ lực "nhiều hơn bất kỳ một quốc gia Châu Âu nào khác", theo một "mô hình quân sự hóa quá mức, và gia tăng các cuộc xung đột" như ở Ukraina chẳng hạn. Đối với ông Macron, đó là một mô hình phát triển mà nước Nga không thể duy trì lâu dài.

Về tương lai nước Nga, tổng thống Pháp cho rằng Moskva sẽ không thể tự mình khôi phục vai trò cường quốc, kể cả khi nhờ vào các sai lầm của phương Tây trong thời gian qua, như tại vùng Cận Đông, trở thành trọng tài trong cuộc khủng hoảng ở Syria kể từ khi can thiệp quân sự tiếp tay cho chính quyền của tổng thống al-Assad năm 2015.

Nga cũng có thể đi theo "mô hình Á-Âu", chuyển trục qua Châu Á và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhưng theo ông Macron, vấn đề đối với Nga là trong mô hình đó, có một quốc gia giữ vai trò thống trị là Trung Quốc, và "sẽ không bao giờ có sự cân bằng".

Tổng thống Pháp đã nêu ra một ví dụ : "Tôi đã nhìn cách sắp xếp chỗ trong các cuộc họp về con đường tơ lụa mới và thấy rằng tổng thống Nga ngày càng ít thấy gần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".

Tổng thống Pháp đã kết luận như sau : "Tôi không tin, dù chỉ trong một giây, rằng chiến lược của ông Putin là trở thành chư hầu của Trung Quốc, và như vậy liệu ông ấy còn giải pháp nào khác hơn là khôi phục chính sách cân bằng với Châu Âu ?"

Đây không phải là lần đầu tiên mà tổng thống Pháp nêu lên vấn đề cần phải lôi kéo nước Nga về với Châu Âu, thay vì để cho Moskva trôi dạt về phía Trung Quốc.

Nhân cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin tại Brégançon, miền am nước Pháp, nơi ông đang nghỉ hè, rồi sau đó là trong phát biểu trước các đại sứ ngày 27/08 vừa qua, tổng thống Macron đã gợi lên chủ trương xích lại gần Moskva, trong đó có mục tiêu là phải lôi kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc.

Ngay từ khi ấy, một số chuyên gia phân tích đã tỏ ý hoài nghi về khả năng tách được Moskva ra khỏi Bắc Kinh.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, trả lời báo La Croix ngày 10/09, cho rằng tổng thống đã phán đoán sai.

Theo ông Heisbourg, quan hệ đối tác Nga-Trung không hề hình thành trong bối cảnh Nga bị phương Tây gây sức ép, mà là một lựa chọn đã có từ lâu và tự nguyện của hai nước. Đối với chuyên gia này, ông Putin còn chia sẻ với ông Tập Cận Bình xu hướng độc tài, phủ nhận dân chủ theo kiểu phương Tây, ủng hộ các nhà độc tài trên thế giới…

Chuyên gia Heisbourg còn nhắc lại rằng Nga và Trung Quốc đã cùng nhau dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong nhiều trường hợp liên quan đến tình hình Syria, và rất lâu trước khi quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga xấu đi về vụ bán đảo Crimée vào năm 2014.

Báo chí chính thống của Nga cũng không giấu quan điểm hoài nghi. Trang tin RT của Nga vào hôm qua 07/11, khi loan tin về nhận định của ông Macron, đã cho rằng tổng thống Pháp như đã quên rằng liên minh chiến lược Nga-Trung đã có từ rất lâu, và đã được thể chế hóa trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thành lập từ năm 2001.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)