Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/12/2019

Điểm báo Pháp - Châu Âu tăng tốc sang kinh tế Xanh

RFI tiếng Việt

Châu Âu muốn tăng tốc sang kinh tế Xanh : Ba thách thức trước mắt

Hai kế hoạch lớn của Châu Âu và Pháp dự kiến công bố là tâm điểm chú ý của báo chí Pháp. Thứ nhất là dự án cuộc cải cách hưu trí đang bị phản đối dữ dội tại Pháp. Sau nhiều tháng để không khí mơ hồ ngự trị, quyết định "hạ bài" của chính phủ Pháp hôm nay, 11/12/2019, là tựa trang nhất của nhiều nhật báo. Trước hết xin giới thiệu về dự án của tân Ủy ban Châu Âu tăng tốc đưa Châu lục chuyển sang nền kinh tế Xanh.

xanh1

Tân chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen trình bày cương lĩnh định hướng cuộc chuyển hóa sang nền kinh tế Xanh (Green New Deal), Bruxelles, 11/12/2019.Aris Oikonomou / AFP

Les Echos chạy tựa trang nhất : "Khí hậu : Chương trình 1.000 tỉ euro của Liên Âu", với hình tân chủ tịch Ủy ban, nữ chính trị gia Đức Ursula von der Leyen. Đầu tư cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch là mặt trận đầu tiên của tân chủ tịch Ủy ban Châu Âu, kể từ khi nhậm chức.

"Green Deal" (Thỏa ước Xanh) là tên gọi của kế hoạch hành động khẩn cấp của Liên Âu. Với trọng lượng kinh tế đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, nhưng chỉ chịu trách nhiệm 9% lượng khí thải toàn cầu, Liên Hiệp Châu Âu coi cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh vừa là chiến lược dài hạn, cơ hội riêng cho kinh tế Châu lục tăng trưởng, nhưng cũng vừa là con đường xây dựng một mô hình mới, đưa nhân loại thoát khỏi nguy cơ diệt vong nhãn tiền, với đà nóng lên nhanh chóng của khí hậu.

Tính khẩn cấp của cuộc chiến Khí hậu gắn chặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh : "Thỏa ước Xanh sẽ là chiến lược tăng trưởng mới của Châu Âu". Về mục tiêu chung, hai cái đích đã được đưa ra : Trung hòa khí thải vào năm 2050, và giảm từ 50 đến 55% khí thải vào năm 2030, so với cái đích giảm 40% trước đây.

Chuyển hóa xã hội về mọi mặt

Thứ Sáu tuần trước, nhiều tài liệu làm việc của Ủy ban được công bố cho thấy hàng loạt lĩnh vực liên quan, từ chính sách năng lượng, vận tải, đa dạng sinh học, nông nghiệp, xây dựng, tài chính, thương mại quốc tế, quan hệ đối ngoại… Tóm lại, đây là một dự án chuyển hóa xã hội "trên quy mô toàn thể", theo nguồn tin từ các dân biểu Châu Âu.

Khí hậu, hay cuộc chuyển hóa sang xã hội không khí thải, là mục tiêu số một của Liên Âu, và dự án đầu tư 1.000 tỉ đô la trong 10 năm tới là điều đã rõ. Vấn đề cụ thể là Liên Âu nỗ lực "về tài chính và về chính trị" như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra.

Chúng ta biết, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tiếng nói quyết định trong việc huy động ngân sách, trong khuôn khổ các thương lượng về kế hoạch 2021-2027 của Liên Hiệp. Các tranh luận tại thượng đỉnh Liên Âu ngày mai và ngày mốt hứa hẹn sẽ căng thẳng.

Trong lúc một số tổ chức phi chính phủ khẳng định số tiền trên chỉ đủ chi phí cho một phần ba nhu cầu, thì nhiều tập đoàn công nghiệp lớn cảnh báo là một quyết định tăng tốc chuyển đổi "quá nhanh chóng", với các mục tiêu "phi hiện thực" sẽ là "điều phản tác dụng".

Xã luận Les Echos, với tựa đề "Sinh thái : Nếu người ta tăng tốc thì sao ?" nhấn mạnh đến nỗi lo ngại : nếu Ủy ban Châu Âu đứng trước tình thế phải hành động quá gấp gáp, họ sẽ không có đủ thời gian để kịp thương lượng và thuyết phục bên lập pháp.

Ba thách thức lớn : Ba nước Đông Âu, thuế các-bon biên giới, thuế xăng dầu

Cũng trong hồ sơ này, Les Echos có bài "Nhiều căng thẳng tại Châu Âu sắp tới", nói về những thách thức mà Ủy ban Châu Âu phải vượt qua trong việc tìm kiếm các thỏa hiệp với các quốc gia thành viên và thuyết phục các ngành công nghiệp đồng hành trong công cuộc biến chuyển này.

Thách thức thứ nhất là từ nhóm ba nước miền đông (Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech), vốn còn rất phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch (than đá). Ngày hôm nay, Ủy ban Châu Âu sẽ phải công bố các trợ giúp tài chính, để đổi lại thỏa thuận của ba quốc gia nói trên với mục tiêu chung của Liên Hiệp.

Thách thức thứ hai là ngành xe hơi. Để thuyết phục Đức, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu nỗ lực hơn, Thỏa ước Xanh công bố hôm nay ắt hẳn sẽ phải đề xuất việc xây dựng lại hệ thống trao đổi hạn mức khí thải chung. Hệ thống mới sẽ phải bao gồm khí thải trong ngành vận tải đường biển, đường sông, cũng như giảm bớt các ưu đãi về thuế nhiên liệu với ngành hàng không.

Thách thức thứ ba là Liên Âu phải tạo được một cơ chế đánh thuế các-bon tại biên giới, dù không chính thức gọi là thuế. Số tiền thu được từ "cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới" (tên gọi chính thức) có thể sẽ được đầu tư một phần cho các nước xuất khẩu hàng sang Châu Âu, để đầu tư cho năng lượng Xanh, một phần khác cho các đầu tư tại Châu Âu. Hiện tại vấn đề này vẫn đang được bàn thảo. Về nguyên tắc, loại thuế các-bon mới này phải bảo đảm "cạnh tranh bình đẳng", phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với việc thiết lập thuế các-bon tại biên giới Liên Âu, giá khí thải các-bon trong nội địa Châu Âu cũng sẽ phải được nâng lên.

Thị trường khí thải các-bon toàn cầu : Bế tắc tại COP25

Trong lúc Ủy ban Châu Âu chuẩn bị công bố Thỏa ước hành động khẩn cấp để chuyển sang nền kinh tế Xanh,cùng với vấn đề cách tính lượng khí thải, dự án thị trường mua bán tín dụng khí thải các-bon toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bế tắc tại Thượng đỉnh Khí hậu COP25 (Tây Ban Nha).

Theo Les Echos, tại Madrid, cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong việc tìm ra phương thức thực thi điều 6 của Hiệp ước Khí hậu Paris 2015. Về nguyên tắc, Hiệp ước Khí hậu sẽ có hiệu lực kể từ năm tới 2020, thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Nếu từ nay cho tới đó không đạt được đồng thuận về phương thức thực thi điều 6, thì việc phối hợp quốc tế để thực thi Hiệp ước Paris 2015 sẽ rất khó khăn.

COP25, sẽ kết thúc trong ba ngày nữa, về nguyên tắc là cơ hội lớn cuối cùng cho phép đạt đồng thuận trước khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực.

Mục "Hành tinh" của Le Monde có hồ sơ "Tại COP25, hồ sơ thị trường các-bon đầy gai góc" cho biết cụ thể là văn bản dài 34 trang, về chủ đề này, vẫn còn đến 423 điểm bất đồng.

Trên lý thuyết, thị trường mua bán khí thải sẽ cho phép các quốc gia nghèo nhận được nhiều đầu tư hơn cho năng lượng Xanh, từ các nước phát khí thải nhiều hơn mức cam kết. Tuy nhiên, thị trường này được ví như con dao hai lưỡi. Một trong các lo ngại lớn là hệ thống mua bán khí thải các-bon, nếu thiếu đi các nguyên tắc minh bạch, công bằng và hiệu quả, sẽ thay vì khuyến khích các bên nỗ lực hành động để cắt giảm khí thải, chỉ tạo ảo giác về tình trạng khí thải giảm mạnh nói chung, điều trái ngược với thực tế.

Cải cách hưu trí Pháp : "Chính phủ hạ bài"

Trở lại nước Pháp, trang nhất nhật báo Libération tóm rõ tình hình cuộc cải cách hưu trí với hai bức ảnh. Bên trên là thủ tướng Edouard Philippe (dự kiến công bố dự án cải cách hôm nay), phía dưới là hình ảnh một cuộc biểu tình chống cải cách trên đường phố. Ở giữa là hàng tựa : "Cải cách hưu trí : Mọi lá bài đã đặt trên mặt bàn".

Liệu có cơ hội thoát khỏi khủng hoảng hay không ? Có thể. Phong trào phản kháng bước có phần hạ nhiệt hôm qua, và hôm nay đến lượt thủ tướng Pháp công bố chi tiết dự án.

Bài xã luận của Libération, với tựa đề : "Cái giá phải trả", ghi nhận : nếu chính phủ trấn an được giới giáo viên, giới viên chức, thỏa mãn những yêu sách của các nghiệp đoàn CFDT và UNSA, thì chính quyền có thể hy vọng phong trào sẽ ít thu hút người tham gia hơn. Đặc biệt là tại hai tập đoàn vận tải RATP và SNCF, phản kháng sẽ giảm bớt, nếu chính phủ chấp nhận chỉ giới hạn áp dụng cải cách hưu trí với những người mới vào nghề. Nếu các nhân viên RATP và SNCF ít tham gia bãi công, giao thông công cộng sẽ được nối lại… Tóm lại, theo Libération, chính phủ cần phải trả giá.

Phong trào phản kháng sụt giảm, chính phủ "hạ bài" cũng là ghi nhận của Le Figaro trên trang nhất. Tuy nhiên, trong bài xã luận "Cứu vãn danh dự", nhật báo thiên hữu tỏ ra không mấy tin tưởng. Le Figaro dự đoán, con đường thoát khỏi khủng hoảng sẽ còn dài, trước khi mỗi người tìm thấy lối ra. Le Figaro nhấn mạnh là mục tiêu đầy tham vọng, tập trung hàng chục chế độ hưu trí khác biệt hiện hành trong một chế độ duy nhất công bằng hơn, hoàn toàn không phải là điều dễ dàng đạt được. Chính quyền sẽ bắt buộc phải có các nhân nhượng, nhiều khi rất đắt giá, và đôi khi không hề liên quan đến cuộc cải cách.

Theo Le Monde, ba nghiệp đoàn chính của cảnh sát kêu gọi bãi công kể từ hôm nay, chống lại dự án cải cách, mà theo họ xâm phạm đến quy chế đặc biệt của ngành nghề này. Báo La Croix dành hồ sơ chính chủ đề : mở rộng diện ưu đãi với những ngành nghề nặng nhọc có thể giúp cải cách hưu trí dễ được chấp nhận hơn.

Về cuộc cải cách hưu trí bị phản đối dữ dội, Le Monde giới thiệu trên trang nhất "Cảnh báo của các kinh tế gia gần gũi với Macron". Ba nhà kinh tế từng tham gia xây dựng cương lĩnh kinh tế tranh cử tổng thống của Macron hồi 2017 phê phán tình trạng "thiếu minh bạch trong việc tiến hành cải cách".

Vẫn Le Monde chú ý đến các lo ngại trong ngành khách sạn, nhà hàng về phong trào phản kháng kéo dài ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng trước mắt xung đột xã hội không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng, trái ngược với những khó khăn rất lớn hàng ngày mà người Pháp phải gánh chịu về giao thông đi lại. Le Monde nhắc lại kinh nghiệm từ cuộc bãi công khổng lồ kéo dài cuối năm 1995 tại Pháp, kéo dài cả tháng, gây tổng thiệt hại, được coi là tương đối không lớn, với khoảng 0,05% GDP nước Pháp.

Nợ gia đình Trung Quốc tăng vọt, nhiều dự án nhà chọc trời đóng băng

Về thời sự Châu Á, Le Monde có bài về tình trạng nợ gia đình quá cao tại Trung Quốc, đến mức Ngân hàng trung ương phải báo động, trong một báo cáo hôm 25/11, trong lúc tăng trưởng chững lại ở mức thấp nhất từ 28 năm nay. Chính quyền Trung Quốc lo ngại, vì tiêu thụ gia đình nội địa đóng góp 60% cho tăng trưởng (20% do xuất khẩu – theo thống kê quý một 2019). Một lý do chủ yếu của việc nợ gia tăng là do giá bất động sản gia tăng. Các gia đình trung lưu phải giảm bớt chi tiêu, cụ thể như trong việc mua sắm xe hơi. Trong hai năm vừa qua, số xe bán ra giảm 17%.

Chính quyền Trung Quốc thường dùng thị trường bất động sản làm đòn bẩy kích thích kinh tế, trong trường hợp tăng trưởng giảm sút. Bất động sản đóng góp thông thường từ 20 đến 30% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Le Monde ghi nhận tình trạng nhiều dự án nhà chọc trời của Trung Quốc đang bị đóng băng, do thiếu vốn. Theo báo Anh Financial Times, hiện tại hơn 10 dự án nhà cao hơn 300 mét đang bị đình trệ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)