Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/12/2019

Điểm báo Pháp - Cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Aung San Suu Kyi

RFI tiếng Việt

La Haye, cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Aung San Suu Kyi

Le Mondesố đề ngày 13/12/2019 chú ý đến việc "Aung San Suu Kyi chối bỏ nạn diệt chủng người Rohingya", còn Le Figaro nhận định "Ở La Haye, cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Aung San Suu Kyi".

aung1

Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) tại La Haye ngày 10/12/2019 vì vụ kiện diệt chủng người Rohingya. Reuters/Yves Herman

Giải Nobel hòa bình 1991 không nối gót Mandela và Gandhi

Khi bước vào phòng xử án của Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ theo tiếng Pháp, ICJ theo tiếng Anh), bà Aung San Suu Kyi phải đi ngang qua bức tượng bán thân bằng cẩm thạch của Nelson Mandela và Gandhi. Nhưng giải Nobel Hòa bình 1991 dường như không đi theo con đường của hai vĩ nhân này.

Le Figaro mô tả nhà lãnh đạo Miến Điện trong trang phục và phong cách quý phái, như đi dự một buổi tiệc trà. Tuy nhiên tại Cung Hòa Bình, bà lại ngồi ở hàng ghế bị cáo, và bên ngoài, một đám đông tò mò đến xem mặt thần tượng dân chủ mất ngôi. "Điều duy nhất khiến cái ác lên ngôi là sự bất động của những người thiện lành" - Abubacar Tambadou, bộ trưởng tư pháp Gambia nhấn mạnh trước tòa. Được sự ủy nhiệm của 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI), Gambia tố cáo Miến Điện vi phạm Công ước về diệt chủng năm 1948.

Le Monde cho biết, trong khi chờ đợi phán quyết của tòa, Gambia đòi hỏi những biện pháp khẩn cấp : ngưng ngay việc tàn sát người Rohingya và không được tiêu hủy các chứng cứ. Tuy nhiên theo bà Aung San Suu Kyi, "diệt chủng chỉ là một giả thiết", nêu ra "một cuộc xung đột vũ trang nội bộ". Bà không nói đến "thảm sát", mà cho rằng đó là một chiến dịch quân sự chống lại phe nổi dậy. Suu Kyi đòi hỏi tòa án giao trả "chủ quyền tư pháp" để Miến Điện xét xử một nhúm sĩ quan và lính vừa rồi phải ra tòa án quân sự.

Miến Điện còn phải đối mặt với Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) cũng tại La Haye, phụ trách xét xử các thủ phạm giết người hàng loạt. Tuy nhiên CPI chỉ xử nếu không có phiên tòa nào trong nước, trong khi bà Aung San Suu Kyi cho rằng Miến Điện có thể tự lo.

Thế giới đổi thay, ma thuật Aung San Suu Kyi không còn tác dụng

Trước Tòa án Công lý Quốc tế, các luật sư của Gambia nêu tên tướng Min Aung Hlaing, tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện. Chân dung được phóng lớn của ông này ngự trị trên một xe tải giữa đám đông người biểu tình phía trước, chủ yếu là người Rohingya tị nạn. Ảnh chụp màn hình tài khoản Facebook của bà "cố vấn nhà nước" với hàng chữ "RAPE = FAKE" (hãm hiếp = tin vịt) được chiếu lên trước tòa, nhưng bà như chìm vào dòng suy nghĩ riêng, không nhìn thẳng vào 17 vị thẩm phán.

Theo Le Figaro, về mặt luật pháp, không có gì buộc "Daw Suu" phải đi đến tận La Haye để biện hộ trước cáo buộc "diệt chủng" nặng nề, dưới sự quan sát của báo chí quốc tế. Nhà lãnh đạo Miến Điện đích thân đến tòa để đương đầu – một quyết định chưa có tiền lệ trong lịch sử tòa án Liên Hiệp Quốc, bất chấp khuyến cáo của những người thân cận.

Ông Khin Zaw Win, cựu tù chính trị, nay là giám đốc Viện Tampadipa ở Rangon, thất vọng trước sự chuyển hướng sang độc tài của thần tượng, nhận xét : "Bà ấy không nghe ai cả, đó là tính cách của bà. Aung San Suu Kyi quyết định đến Châu Âu để vực dậy hình ảnh đang trở nên xám xịt của mình, đóng vai người bảo vệ tổ quốc. Bà chơi trò dân túy".

Tuy nhiên cũng theo ông : "Đó là một sự đặt cược đầy rủi ro. Bà muốn độc chiếm diễn đàn, nghĩ rằng ma thuật Aung San Suu Kyi sẽ có tác dụng như thời xưa. Nhưng thế giới đã thay đổi, và các cáo buộc thì rất sắc bén".

Bậc thang cuối cùng : Chức tổng thống Miến Điện

Lời biện hộ của bà không thuyết phục được dư luận quốc tế, tuy nhiên Aung San Suu Kyi chỉ quan tâm đến chính trường Miến Điện, và Le Figaro cho rằng bà đã thắng cuộc thử thách Hà Lan, trong mục tiêu lấn át ảnh hưởng của phe quân đội và tái đắc cử trong năm tới. Từ khi loan báo quyết định đến La Haye "chiến đấu", bà được hoan nghênh nhiệt liệt trên mạng xã hội, và các cuộc mít-tinh ủng hộ liên tục diễn ra.

Nhà nghiên cứu Moe Thuzar của ISEAS (Viện nghiên cứu Đông Nam Á) ở Singapore nhận định, người dân coi Aung San Suu Kyi như người hùng vì đã nhận lấy những chỉ trích của quốc tế về các hành động do quân đội gây ra. Chiến dịch "đặc nhiệm" ở La Haye với danh nghĩa ngoại trưởng, giúp bà củng cố quyền lực trước các tướng lãnh.

Cho dù phán quyết của tòa như thế nào đi nữa, Aung San Suu Kyi cũng sẽ thu được nhiều lá phiếu trong năm 2020. Bản án của tòa sẽ phải chờ đợi trong nhiều năm, còn cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 11 năm tới. Vào buổi hoàng hôn của một cuộc đời chiến đấu, con gái của người anh hùng dân tộc Miến Điện còn một bậc thang cuối cùng để bước tiếp : chức tổng thống của quốc gia 53 triệu dân có vị trí chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Hiến pháp cấm bà giữ chức vụ tối cao này do kết hôn với một người ngoại quốc. Để sửa đổi quy định trên, The Lady cần được sự ủng hộ của 75% đại biểu, trong một Quốc hội có 1/4 là quân nhân. Chỉ khi nào thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2020, tham vọng này mới đạt được.

Một kịch bản khó thể diễn ra, theo nhiều chuyên gia, nhưng "Bà đầm thép" Miến Điện không phải là người chịu lùi bước. Khin Zaw Win than thở : "Đó là một nhà độc tài". Ngai vàng ở Naypyidaw xứng đáng cho cuộc chiến ở La Haye. Và những người Rohingya sẽ còn khốn đốn lâu dài trong những trại tị nạn bùn lầy ở Bangladesh, bên kia dòng sông biên giới Naf từng chở đầy xác người trong mùa mưa năm 2017.

Anh : Tắt hy vọng trưng cầu dân ý lần hai

Tại Châu Âu, Le Figaro nói về "Sự thất bại của chiến dịch đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai". Ba năm rưỡi sau khi 51,9% người Anh bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, những người ủng hộ việc ở lại Châu Âu, thiếu đoàn kết với nhau, đã mất hết hy vọng.

Một loạt những sai lầm chiến lược của các chính khách Anh đã khiến các "remainer" không còn gì để bấu víu : không có sự ủng hộ của một trong hai đảng lớn trong chính quyền, thì mơ ước của họ không thể thành sự thực. Không có một ai đủ sức thu hút để trở thành phát ngôn viên cho phe ủng hộ Châu Âu. Họ đã buông vũ khí, chỉ còn 47% trong số họ muốn tổ chức trưng cầu dân ý lại, theo thăm dò mới nhất.

Ukraine : Không đầu hàng để đổi lấy hòa bình

Cũng liên quan đến Châu Âu, Le Monde nhận định "Hòa bình ở Ukraine vẫn luôn xa vời". Chưa có tiến bộ cụ thể nào trong hội nghị "theo công thức Normandie" (Pháp, Đức, Nga, Ukraine), ngoài một số động thái nhân đạo.

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, xuất thân là diễn viên không có kinh nghiệm chính trường, không thể làm gì khác hơn trước một Vladimir Putin đầy mưu mô. Đa số cho rằng ông là nạn nhân lý tưởng của Putin, nhưng Zelensky đã không lùi bước. Ông nhắc lại lằn ranh đỏ mà nhân dân Ukraine đã khẳng định : hòa bình sẽ không được đổi bằng sự đầu hàng.

Mỹ co cụm về chính trị, nhưng vẫn là "sen đầm quốc tế" về quân sự

Nhìn sang Hoa Kỳ, cây bút bình luận Alain Frachon của Le Monde đặt câu hỏi "Phải chăng nước Mỹ rút lui trên toàn cầu ?". Tại Châu Á, Châu Âu và Trung Đông, bây giờ là khởi đầu của việc Hoa Kỳ co cụm lại cả về chính trị lẫn quân sự. Mỹ không bỏ rơi các nước đồng minh, nhưng những nước này không còn trông cậy vào sự bảo vệ của của Washington nữa. Thời kỳ "Hòa bình của Mỹ" (Pax americana) đã kết thúc chăng ?

Xu hướng thật ra có từ thời Barack Obama đã được đẩy nhanh với "America First" (Nước Mỹ trước hết) của ông Donald Trump. Ông tiến hành một chính sách ngoại giao đơn độc, đơn phương trong mục đích chỉ giành lợi ích cho nước Mỹ. Tuần này Washington còn tiếp tục làm tê liệt hoạt động giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Liệu Hoa Kỳ đang rút lui thực sự ? Theo tác giả, không đơn giản như thế. Hiện nay có đến 200.000 quân viễn chinh Mỹ, trong đó phân nửa trú đóng tại Châu Âu, 54.000 quân ở Trung Đông, số còn lại ở Châu Á, với một mạng lưới căn cứ quân sự rộng lớn tại nhiều nơi trên thế giới. Ông Trump giảm bớt cam kết chính trị của nước Mỹ, nhưng về quân sự thì không.

Ông muốn Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho công bảo vệ của Mỹ : Tokyo phải chi gấp năm lần, Seoul gấp bốn còn Bruxelles thì phải cố thêm một chút. Về tình trạng hoạt động (không nói đến chính trị), NATO đang có sức khỏe dồi dào. Riêng tại Trung Đông, lực lượng chiến lược của Mỹ đè bẹp sự hiện diện nhỏ nhoi của Nga, và có thể là Trung Quốc sắp tới. Donald Trump từng muốn bỏ rơi NATO, nhưng Quốc hội đã ngăn cản. Tóm lại, sự co cụm của Mỹ chủ yếu về chính trị chứ không phải quân sự.

Pháp : Mốc tuổi về hưu khiến những nhượng bộ của chính phủ ít được quan tâm

Tại Pháp, cải cách chế độ hưu là tựa chính của tất cả nhật báo Paris ra ngày 13/12/2019. Le Monde chạy tựa "Tranh luận về cải cách chế độ hưu : Mục tiêu còn là bảo đảm giảm chi", La Croix nói về "Những gì còn có thể thương lượng". Nếu Le Figaro quan tâm đến "Cuộc chiến về mốc tuổi" thì Les Echos chú trọng "Cuộc chiến công luận". Libération đặt câu hỏi "Noël : Đình công hay hưu chiến ?".

Hưu bổng và cuộc đình công phản đối đang kéo dài, không chỉ chiếm trọn các trang nhất mà còn là chủ đề chính của các bài xã luận.

Le Mondenhận định đây là "Một thách thức nhiều rủi ro cho chính phủ". Thủ tướng Edouard Philippe hứa hẹn "Sẽ không có người thắng lẫn người thua", nhưng rốt cuộc việc đồng nhất 42 chế độ hưu khác nhau đã khiến các nghiệp đoàn và các đảng đối lập đồng tâm nhất trí chống lại. Việc ấn định "mốc tuổi thăng bằng" là 64 – ai về hưu trước đó sẽ không được lãnh hưu bổng toàn phần – đã khiến nghiệp đoàn CFDT, vốn ủng hộ cải cách, phải kêu gọi đình công ngày 17/12 tới.

Những nhượng bộ của thủ tướng bỗng bị trở thành thứ yếu, trong khi rất đáng kể : bảo đảm hưu bổng tối thiểu 1.000 euro, tính thêm cho các bà nội trợ, người giàu đóng góp nhiều hơn. Không lặp lại các sai lầm trong thời kỳ "Áo Vàng", chính phủ đã cam kết quyền lợi với những người dễ bị tổn thương, và đền bù cho những ai bị thiệt thòi.

Tuy nhiên công cuộc cải cách không chỉ có nội dung mà còn bối cảnh. Kế hoạch cải cách được đưa ra khá trễ, trong một nhiệm kỳ 5 năm được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng thấy, và quan hệ xấu đi với các nghiệp đoàn. Chính phủ chọn lựa việc dùng công luận để chống lại nghiệp đoàn, khiến đất nước rơi vào bất ổn.

"Nước Pháp thầm lặng" trước đình công

La Croixkhuyến cáo "Hãy chọn lựa mục tiêu ưu tiên" để có được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn muốn cải cách, và ghi nhận từ hôm qua, ông Edouard Philippe đã tỏ ra muốn hàn gắn với CFDT của ông Laurent Berger. Le Figaro khi nói về mốc tuổi "thăng bằng", cột trụ của cải cách, đã ví von "cũng như ba vua ở xứ Galilea", mọi ánh mắt đều dõi theo ông Berger, người đứng đầu CFDT. Tờ báo cho rằng tuy nghiệp đoàn hàng đầu nước Pháp này đóng vai trò quan trọng, nhưng không thể đại diện cho cả xã hội.

Theo tờ báo cánh hữu, 64 tuổi là ít hơn một tuổi so với tuổi về hưu năm 1980, cách đây 39 năm. Tuổi thọ thời đó ngắn hơn, và tỉ lệ giữa người làm việc và người về hưu cân bằng hơn bây giờ. Đã hẳn là phong trào phản kháng đã cứng rắn hơn, và các cuộc biểu tình sắp tới sẽ đông đảo. Nhưng một nước Pháp thầm lặng, không xe lửa, xe điện ngầm, xe buýt, hàng ngày vô cùng vất vả trong việc di chuyển, sẽ không thể hiểu được bất kỳ nhượng bộ nào về mốc tuổi hưu, cột trụ của cải cách.

Tuổi thọ tăng, sinh suất giảm : Không thể không cải cách

Nhật báo kinh tế Les Echos kêu gọi : "Vững tâm để cải cách". Chấp nhận một thực tế đối với Pháp cũng như Châu Âu, là tuổi thọ ngày càng kéo dài trong khi sinh suất giảm, theo tờ báo, chỉ có một giải pháp chứ không phải 100 ! Chẳng lẽ về hưu ở tuổi 64 vào năm 2027 thay vì trung bình 63 tuổi như hiện nay, là đòi hỏi quá nhiều ? Nếu không sẽ phải tìm cho ra ít nhất 8 tỉ euro một năm kể từ 2025 để trả hưu bổng. Bảo đảm lương hưu mà không làm phương hại đến việc làm qua việc tăng thêm đóng góp của người lao động, chẳng phải là bước đầu của công bằng xã hội hay sao ?

Les Echos cho rằng người lãnh đạo nghiệp đoàn lớn nhất nước Pháp nên đặt lợi ích chung lên trên, như người tiền nhiệm Nicole Notat đã làm trong đợt tổng đình công quy mô hồi năm 1995. Còn Libération ghi nhận các công đoàn đang chia rẽ trong vấn đề có nên hưu chiến trong kỳ nghỉ lễ Noël cuối năm và Tết Dương lịch hay không. Nghiệp đoàn CGT ngành đường sắt cảnh báo sẽ không ngưng chiến, nhưng CFDT muốn tránh kịch bản này.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)