Hồng Kông, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Mỹ : Những thùng thuốc nổ năm 2019 (RFI, 26/12/2019)
Năm 2019 là năm giầu biến cố, năm của mọi sự phẫn nộ. Từ Châu Á sang Châu Âu, từ Châu Phi đến Châu Mỹ, đất bằng như dậy sóng. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông gần như tăng lên đến đỉnh điểm. Tại Hoa Kỳ, chính trường cũng sôi sục vì thủ tục luận tội phế truất Donald Trump.
Người Hồng Kông xuống đường ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, ngày 22/12/2019. Reuters/Lucy Nicholson
Hồng Kông : Mảnh đất tự do còn "sót lại" của Trung Quốc
Tại Châu Á, mọi tâm điểm thời sự tập trung vào Hồng Kông, cựu thuộc địa của Anh Quốc, được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Từ sáu tháng qua, người dân Hồng Kông, đặc biệt là giới trẻ, những sinh viên – học sinh đã rầm rộ xuống đường, ban đầu chống đối ôn hòa dự luật dẫn độ của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau chuyển thành các phong trào đòi dân chủ, phản đối Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do với mức độ bạo lực tăng dần.
Đỉnh điểm của những cuộc biểu tình là cuộc đọ sức giữa sinh viên với cảnh sát tại khuôn viên đại học Bách Khoa PolyU, tưởng chừng sắp có nội chiến. Nỗi bực tức của người dân Hồng Kông còn được thể hiện qua lá phiếu trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2019, với thắng lợi lớn của phe ủng hộ dân chủ.
Hình ảnh của chính quyền Bắc Kinh còn bị nhòe thêm cùng với tai tiếng Xinjianggate, khi tờ New York Times công bố những tiết lộ được cho là do một quan chức cao cấp Trung Quốc cung cấp về các trại tù bí mật giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.
Từ những sự việc này, ông François Bougon, cựu thông tín viên hãng thông tấn Pháp AFP, phụ trách mảng Quốc tế cho báo mạng độc lập Mediapart, trên đài France Culture có một nhận xét khá thú vị như sau :
"Hồng Kông cho thấy rõ ngay lập tức tính chất thời sự, đó là Trung Quốc, nhất là Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, khó thích ứng với sự đa dạng đến chừng nào. Điều thật sự khác biệt và thú vị là một số người Hồng Kông mà tôi có dịp tiếp xúc nói với tôi rằng, không giống như ở Tân Cương, nơi ngự trị của sự im lặng, ít ra ở Hồng Kông người ta có thể bày tỏ chính kiến.
Chính nhờ vào vai trò của trung tâm tài chính này, vào quy chế đặc biệt mà Hồng Kông ngày nay đang thụ hưởng ʺMột đất nước, hai chế độʺ, mà người dân ở đây còn có khả năng bày tỏ chính kiến, thái độ. Trong khi mà nhiều cộng đồng thiểu số bị trấn áp khác như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ lại cực kỳ khó khăn để có tiếng nói trên trường quốc tế, ở nước ngoài.
Do vậy, điều gây ấn tượng ngay lập tức đối với tôi, đó là khả năng tiếng nói của người dân ở Hồng Kông còn được lắng nghe. Các phương tiện truyền thông nước ngoài vẫn có thể tới Hồng Kông, chứ còn tại Tân Cương hay Tây Tạng là điều bất khả".
Chile, Lebanon, Algeria, Iran, Iraq : Nổi dậy đòi nhân phẩm !
Cùng lúc này tại những nước khác như Iran, Iraq, Lebanon, Algeria, đi qua cả Pháp, rồi đến Ecuador, Chile của Châu Mỹ, người dân cũng ồ ạt xuống đường phản đối đời sống đắt đỏ, vật giá leo thang, đòi công bằng, tự do, nhân phẩm và chống đối một tầng lớp kỹ trị già nua.
Làn sóng phản kháng 2019 có gì khác biệt so với mùa xuân 1968 ở Pháp và mùa xuân Bắc Kinh năm 1989 ? Nhà chính trị học Dominique Moisi, trên đài RFI phân tích :
"Lý do cốt lõi là những người cầm quyền cảm nhận quá trễ nỗi tuyệt vọng của dân chúng, nỗi tuyệt vọng thúc đẩy giới trẻ phản kháng. Cũng vì thế mà cách nay 30 năm, vào năm 1989 tại Trung Quốc, xảy ra cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, hay ở Pháp, mùa xuân 1968, rồi ở các nước Bắc Phi, Trung Đông với phong trào Mùa Xuân Ả Rập 2010, 2011.
Nhưng giữa 1989 và 2019, tâm trạng phẫn nộ không giống nhau. Năm 1989, tuổi trẻ Trung Quốc đấu tranh vì cảm thấy có "niềm hy vọng" làm thay đổi cuộc đời. Nhưng không riêng gì tuổi trẻ mà các thành phần khác cũng đấu tranh vì thấy có hy vọng. Năm 2019, trái lại, thanh niên xuống đường vì tuyệt vọng, vì mất niềm tin. Đó là tâm trạng không thể tiếp tục chịu đựng mãi, không thể sống im lặng mãi trong điều kiện bị tước đoạt nhân phẩm.
Xuống đường phản kháng là sự "bùng nổ" của tình trạng bất công xã hội tích tụ. Trong một thế giới toàn cầu hóa, không có chuyện gì có thể che đậy mãi. Giới lãnh đạo ở mỗi nước đều nhận ra họ là "cá mè một lứa", bị dân ghét bỏ thì sớm muộn gì cũng chìm tàu. Họ có làm gì cũng muộn".
Syria và chủ trương "phi phương Tây hóa" của Mỹ
Tình hình vịnh Ba Tư năm 2019 cũng không mấy gì khá hơn. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng đột biến tưởng chừng sắp có chiến sự xảy ra. Chính quyền Teheran trong năm 2019 này vẫn tiếp tục gồng mình chịu thêm đòn phạt của Mỹ, vốn dĩ bắt đầu có những tác động lên đời sống của người dân.
Nhưng đáng chú ý nhất là tình hình chiến sự tại Syria đã có những diễn biến ngoạn mục. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/10/2019 bất ngờ thông báo rút quân khỏi vùng đông bắc Syria, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tấn công người Kurdistan, một đồng minh chống khủng bố Daesh của Mỹ từ bốn năm qua. Quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng đã làm dấy lên nhiều chỉ trích từ nhiều nước trong liên minh quốc tế chống khủng bố.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Alexandra de Hoop Scheffer, nhà chính trị học, chuyên gia về Hoa Kỳ và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giám đốc hội cố vấn German Marshall Fund of the United States, trên đài France Culture, những sự kiện gần đây tại Syria và nền ngoại giao bất ổn của Donald Trump thể hiện một sự "phi phương Tây hóa" (désoccidentalisation) trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, và sự thoái lui của Hoa Kỳ với những cam kết và các đồng minh truyền thống của họ.
"Khi nói chuyện với các giới chức quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ, thì đối với họ, lý tưởng nhất là việc chia sẻ gánh nặng chi phí, chia sẻ trách nhiệm có lẽ nên được dựa theo các tiêu chí địa lý. Thế nhưng, điều chúng ta thấy rất rõ hiện nay là trên phương diện đối ngoại, nỗi ám ảnh trước hết của Mỹ chính là Trung Quốc, tiếp đến là Nga.
Mối lo chống khủng bố ngày càng ít đi. Đúng là kể từ sau vụ khủng bố 11/9 chính quyền Washington đã lao vào cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở Iraq, tại Afghanistan, gần đây nhất là ở Syria. Nhưng giờ đây Mỹ muốn thoái lui ra khỏi cuộc chiến này.
Trong khuôn khổ này, quyết tâm của Mỹ đã thấy rõ trong cách tiếp cận vấn đề từ dưới thời Obama, và cách tiếp cận này đã được thực hiện nhanh chóng dưới thời Trump đẩy nhanh : Đó là tìm cách ủy nhiệm, giao phó ngày càng nhiều trách nhiệm xử lý các cuộc khủng hoảng tại Châu Phi và Trung Đông như Iraq, Syria … cho các đồng minh. Đó là những đồng minh trong khu vực của Mỹ và cho cả chúng ta, nước Pháp và Châu Âu nữa và điều này dẫn đến những hệ quả rất cụ thể đối với chúng ta".
Donald Trump : Ngôi sao không thể dập tắt !
Chính trường Mỹ năm 2019 sôi động với thủ tục phế truất tổng thống Donald Trump vì vụ tai tiếng Ukrainegate. Sau một tháng lấy các lời khai nhân chứng, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp công khai, Hạ Viện Mỹ ngày 18/12/2019 đã thông qua bản luận tội tổng thống Mỹ Donald Trump.
Như vậy, Donald Trump là vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị đưa ra luận tội và bị đưa ra xét xử để phế truất. Tuy nhiên, cũng như hai vị tổng thống trước là Andrew Johnson và Bill Clinton, ông Donald Trump khó có thể bị phế truất, vì Thượng Viện là do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Vậy phải chăng đây là một chiến lược sai lầm của phe Dân chủ ?
Nhà báo Phạm Trần từ Washington phân tích :
"Khi cho rằng có sai lầm về chiến lược, vì họ nghĩ và thấy là việc luận tội ở tại Hạ Viện, dù đã quyết định luận tội ông Trump rồi, cuối cùng lên đến Thượng Viện ông Trump vẫn không bị truất phế và ông Trump vẫn làm tổng thống. Họ cho rằng là tình hình kinh tế thời Donald Trump là rất khá, tình hình kinh tế vẫn đi lên, thì như vậy việc luận tội này sẽ có hại cho đảng Dân chủ, và uy tín của ông Trump sẽ còn tăng lên nhiều hơn so với trước khi chưa bị luận tội.
Các quan sát viên, các nhà bình luận cũng như các chuyên gia về vấn đề luật pháp của Hoa Kỳ cho rằng kế hoạch của đảng Dân chủ muốn hạ bệ ông Trump chẳng những không thành công, mà còn làm cho uy tín của đảng Cộng hòa đi lên. Nhưng đó là vì người dân Mỹ chỉ nhìn vào thực tế là khi họ có công ăn việc làm, họ có đời sống khá giả, thì họ không có quan tâm đến chuyện chính trị.
Người dân Mỹ nghĩ rằng ở Washington, cả Nhà Trắng, bên hành pháp lẫn lập pháp đã có những chuyện giằng co với nhau, những chuyện tranh cãi với nhau không làm việc gì lợi ích. Hiện bây giờ, ông Trump đã làm cho tình hình kinh tế đi lên, thất nghiệp giảm, đó mới chính là điều người dân Mỹ quan tâm.
Đấy chính là lý do tại sao các nhà quan sát cho rằng, đảng Dân chủ đã có những chiến lược sai lầm trong vấn đề luận tội ông Trump".
Minh Anh
****************
2019 : Giới trẻ toàn cầu đòi các chính phủ hành động vì khí hậu (RFI, 26/12/2019)
Trong năm 2019, năm nóng nhất được ghi nhận cho tới nay, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc tuần hành rầm rộ của công dân toàn cầu, đặc biệt là giới trẻ, đòi các chính phủ phải có hành động khẩn cấp vì khí hậu.
Xuống đường vì khí hậu tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 20/09/2019. Ben STANSALL / AFP
Thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi Greta Thunberg, mà cách đây một năm không ai biết đến, đã trở thành biểu tượng của thế hệ trẻ phẫn nộ vì thấy chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới không có hành động gì để chống biến đổi khí hậu, hiện đang gây tác hại ngày càng nặng nề lên hành tinh của chúng ta, gây ra những thiên tai ngày càng dữ dội. Là người phát động phong trào "bãi khóa vì khí hậu" vào mỗi thứ sáu, Greta đã là động lực thúc đẩy hàng trăm ngàn bạn trẻ xuống đường. Ảnh hưởng của Greta Thunberg lên đến mức mà cô đã được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là nhân vật của năm 2019. Thiếu nữ Thụy Điển này cũng đã được đề cử cho giải Noel Hòa bình 2019.
Extinction Rebellion, phong trào bất phục tùng dân sự bất bạo động, xuất phát từ Anh Quốc, cũng đã nhanh chóng lan ra nhiều nước khác. Những người tham gia phong trào đã ngăn chận các trục lộ ở Luân Đôn và đã có nhiều hành động khác trên khắp thế giới, không sợ bị câu lưu hàng loạt.
Một trong trào khác cũng ra đời trong năm 2019, đó là Youth4Climate ( Giới trẻ vì khí hậu ).
Phong trào tuần hành vì khí hậu đã gia tăng cường độ kể từ khi vào cuối năm ngoái, nhóm chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc ( GIEC ) công bố bản báo cáo đặc biệt báo động về những nguy cơ trầm trọng đối với Trái đất, nếu mức tăng nhiệt độ của hành tinh chúng ta không được kềm chế trong khoảng từ 1,5 đến 2°C.
Công dân toàn cầu lại càng thức tỉnh khi được biết 2019 là một trong những năm thuộc loại nóng nhất kể từ nhân loại bắt đầu đo nhiệt độ Trái Đất, sau các năm 2015, 2016, 2017 và 2018.
Nhưng cho dù phong trào công dân đấu tranh vì khí hậu ngày càng lớn mạnh, hội nghị thứ 25 của Liên Hiệp Quốc vì khí hậu COP25 tại Madrid vào đầu tháng 12 vừa qua đã chỉ đạt được một thỏa thuận ở mức tối thiểu.
Thanh Phương