Mỹ chế tài thêm 7 giới chức Venezuela (VOA, 14/01/2020)
Hoa Kỳ ngày 13/1 áp đặt chế tài lên 7 giới chức Venezuela mà Mỹ cho là dẫn đầu nỗ lực của Tổng thống Nicolas Maduro nhằm kiểm soát quốc hội nước này khỏi tay nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido do Mỹ ủng hộ.
Nhà lập pháp Luis Parra phát biểu trong buổi lễ tuyên thệ tại Quốc hội Venezuela ở Caracas, ngày 5/1/2020.
Trước đây trong tháng, quân đội ngăn ông Guaido không cho vào quốc hội trong một thời gian đủ để Đảng Xã hội tuyên bố nhà lập pháp đồng minh Luis Parra là chủ tịch quốc hội.
Các nhà lập pháp đối lập trong một phiên họp riêng ngày 5/1 tái bầu ông Guaido và sau đó trở lại dinh lập pháp để họp. Washington đưa vào danh sách đen ông Parra và 6 người khác là đương kim hay cựu viên chức "những người, do nỗ lực của ông Maduro, âm mưu ngăn chặn tiến trình dân chủ tại Venezuela", Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Steve Mnuchin nói trong một tuyên bố.
Những đại biểu Quốc hội khác đứng về phe Maduro bị ghi vào danh sách đen ngày 13/1 gồm có : Jose Noriega, Franklyn Duarte, Jo-se Brito, Conrado Perez, Adolfo Superlano và Negal Morales.
Tuần trước, Reuters loan tin là chính quyền ông Trump cân nhắc áp đặt chế tài đối với ông Parra và hơn một chục người khác tham dự vào âm mưu của Đảng Xã hội nhằm kiểm soát quốc hội.
Các chế tài, hành động mới nhất của Washington nhắm vào chính phủ của Tổng thống Maduro theo chủ nghĩa xã hội, phong tỏa tài sản tại Mỹ của những người bị nhắm mục tiêu và cấm người Mỹ giao dịch với những người này.
Tháng 1 năm ngoái, Washington công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời hợp pháp của quốc gia thành viên OPEC và bắt đầu đưa ra các chế tài và áp lực ngoại giao để nỗ lực lật đổ ông Maduro.
Một năm sau đó ông Maduro vẫn còn nắm quyền, được quân đội ủng hộ cùng với Nga, Trung Quốc và Cuba. Một giới chức cao cấp của chính quyền hồi/10 năm ngoái nói là việc Tổng thống Trump tức giận về những biện pháp chế tài thiếu hiệu quả đã khiến cho các phụ tá sẵn sàng có những hành động thêm nữa.
********************
Hơn một chục quân nhân Saudi Arabia tập huấn ở Mỹ sẽ bị trục xuất (RFI, 13/01/2020)
Hoa Kỳ chuẩn bị trục xuất khoảng 12 quân nhân Saudi Arabia đang được huấn luyện tại Mỹ. Quyết định được đưa ra sau sự cố cách đây một tháng rưỡi, khi một quân nhân Saudi Arabia đang thực tập tại Mỹ đã bắn chết 3 người tại căn cứ Pensacola, bang Florida.
Căn cứ quân sự Pensacola, bang Florida, Hoa Kỳ, sau vụ nổ súng ngày 06/12/2019 làm 3 lính Mỹ thiệt mạng. Josh Brasted/Getty Images/AFP
Theo đài CNN ngày 11/01/2020, những người Mỹ sắp trục xuất bị tình nghi có liên hệ với những thành phần cực đoan.
Thông tín viên RFI tại New York, Loubna Anaki, cho biết thêm chi tiết :
"Trong số 850 quân nhân Saudi Arabia hiện đang được huấn luyện tại Mỹ, khoảng 12 người sẽ bị trả về nước trong những ngày sắp tới.
Theo đài truyền hình CNN, nhiều người trong nhóm này bị phát hiện tàng trữ những tài liệu khiêu dâm trẻ em, còn một số người khác dường như đã tham gia một cuộc thảo luận bị đánh giá là đáng ngại trên mạng xã hội.
Các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ là những người này ủng hộ các quan điểm cực đoan, nhưng cơ quan FBI khẳng định không ai trong số này bị cáo buộc là có dính líu đến vụ nổ súng đã làm 3 lính Mỹ thiệt mạng.
Sự cố xẩy ra vào ngày 06/12 năm ngoái, khi một quân nhân Saudi Arabia 21 tuổi thực tập tại căn cứ quân sự Pensacola ở Florida bắn chết 3 người và làm 8 người bị thương trước khi bị hạ sát.
Quân nhân này đã công bố một thông điệp bài Mỹ trước khi hành động. Từ sau vụ đó, quân nhân Saudi Arabia tập huấn tại đây chỉ còn được tham gia những buổi giảng lý thuyết. Tất cả những bài tập trên sân bãi đều bị đình chỉ trong khi chờ đợi kết quả điều tra.
Vụ nổ súng đã dẫn đến việc xem xét lại những quy định về an ninh và kiểm tra quá trình trước đây của tất cả những quân nhân nước ngoài đang tập huấn tại Mỹ".
Trọng Nghĩa
*******************
Hoa Kỳ muốn giảm hiện diện quân sự ở Châu Phi và Cận Đông (RFI, 14/01/2020)
Trên chuyến bay đến Bruxelles vào hôm qua, 13/01/2020, chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên Quân Mỹ, tướng Mark Milley, cho biết là Hoa Kỳ muốn giảm số quân đóng ở Châu Phi và Cận Đông.
Tướng Mỹ Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu Trưởng Liên Quân Mỹ tại Washington, ngày 08/01/2020. Reuters/Tom Brenner
Tướng Milley đến Bruxelles tham dự cuộc họp Ủy ban quân sự NATO trong hai ngày, 14 và 15/01/2020.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Piere Bénazet, cho biết thêm chi tiết :
Tướng Mark Milley như thế đã xác nhận những thông tin ngày càng phù hợp được tiết lộ từ/12 năm ngoái : Phương tiện quân sự của Mỹ sử dụng cho hai địa bàn Châu Phi và Cận Đông có khả năng bị giảm bớt để chuyển về nước hoặc bố trí lại ở vùng Thái Bình Dương.
Viên tướng Mỹ khẳng định là tất cả những phương án dự kiến đều sẽ được thảo luận với các đồng minh.
Bộ Tư lệnh Quân sự Mỹ phụ trách Châu Phi (Africom), được thành lập vào năm 2007, tổng hành dinh đặt ở Đức, nhưng có 7.000 quân nhân đóng ở Châu Phi, trong đó một nửa ở Djibouti, còn 2.000 người khác được triển khai thực hiện các nhiệm vụ đào tạo cho các quân đội tại chỗ.
Trong số những dự án đóng cửa, có căn cứ máy bay không người lái quan trọng của Không Quân Mỹ ở Agadez, nước Niger.
Mục tiêu của Mỹ là chuyển lực lượng quân sự qua đối phó với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, hai nước này lại càng ngày càng hiện diện đông đảo hơn ở Châu Phi, ví dụ như quân nhân Trung Quốc ở Djibouti hay lính Nga ở vùng Cộng hòa Trung Phi.
Mai Vân