Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/01/2020

Điểm báo Pháp - Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

RFI tiếng Việt

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung : Thắng lợi của Bắc Kinh ?

Báo Pháp ra ngày 15/01/2020 chủ yếu tập trung trên các chủ đề xã hội Pháp. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos là tờ duy nhất chú ý đến thời sự quốc tế khi dành tựa đầu trang nhất và hồ sơ chính cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ký kết ngày 15/01 ở Washington.

mytrung1

Cờ Mỹ và Trung Quốc cùng đồng nhân dân tệ và đô la. Ảnh minh họa. Reuters/Jason Lee/Illustration/File Photo

Dưới tựa lớn trang nhất : "Bài học của hai năm thương chiến", Les Echos đã đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 là một cuộc "hưu chiến", với một sự kiện mà tờ báo nêu bật là Trung Quốc không còn bị Hoa Kỳ coi là một nước lũng đoạn tiền tệ.

Một cuộc hưu chiến bấp bênh, Mỹ không thu được bao nhiêu

Trong bài viết chính trang trong, tờ báo kinh tế Pháp không ngần ngại cho rằng thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh và Washington ký kết hôm 15/01 chỉ là "một cuộc hưu chiến bấp bênh", giúp nhiều người thở phào nhẹ nhõm sau biết bao tháng trời căng thẳng vì leo thang.

Tuy nhiên, theo Les Echos, vấn đề đặt ra là tất cả những khúc mắc, mâu thuẫn đều chưa được giải tỏa, và các cuộc đàm phán tiếp theo được dự báo là sẽ rất tế nhị.

Đối với tờ báo Pháp, kết quả mà Mỹ thu được sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc không có nhiều : Mức tăng thuế quan mà Washington áp đặt trên hàng nhập từ Trung Quốc đã đè nặng trên hàng xuất khẩu của nước này, nhưng ngược lại, doanh số hàng Mỹ bán qua Trung Quốc cũng phải gánh chịu các đòn trả đũa của Bắc Kinh. Hệ quả là chính quyền Mỹ đã phải trợ cấp rất nhiều cho nông dân của họ.

Khía cạnh bấp bênh thứ hai là cho đến lúc này, vẫn chưa rõ là liệu Trung Quốc có sẽ tiếp tục mở cửa thị trường của họ cho hàng Mỹ, và có bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ như Hoa Kỳ đòi hỏi hay không.

Tóm lại, theo phân tích của Les Echos, Bắc Kinh đã thúc đẩy được Mỹ chấp nhận một thỏa thuận hưu chiến dù vẫn không khuất phục trước các yêu sách của Washington.

Đối với chế độ Bắc Kinh, cuộc hưu chiến thương mại đã rút được một cái gai ra khỏi chân của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cho phép trấn an các nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ Washington chút nào trước các yêu cầu của Mỹ, muốn Trung Quốc thay đổi mô hình kinh tế và đình chỉ chế độ trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.

Thỏa thuận Mỹ-Trung đi ngược lại mong muốn của Donald Trump

Nhận định chung về tạm ước thương mại Mỹ-Trung, ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và thông tin quốc tế CEPII của Pháp, cho rằng "Thỏa thuận với Trung Quốc đi ngược lại những gì mà tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm".

Đối với chuyên gia này, các mâu thuẫn chính yếu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn, cho dù đó là vấn đề trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc cho ngành công nghiệp của họ, vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ hay vấn đề ảnh hưởng của quyền lực chính trị đối với các doanh nghiệp.

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, chuyên gia Trung tâm CEPII nhắc lại rằng thoạt đầu ông Donald Trump có hai mục tiêu : Giảm thâm hụt thương mại và sửa đổi cung cách làm ăn của Trung Quốc bị coi là không công bằng, như trợ cấp ồ ạt cho ngành công nghiệp và thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng, sau hai năm thương chiến với Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn chưa giảm được một cách đáng kể. Theo các thông tin về thỏa thuận được ký kết, Bắc Kinh cam kết tăng cường việc mua các sản phẩm của Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho giới cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài thành lập cơ sở tại Trung Quốc và bảo vệ tốt hơn các quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư vào Trung Quốc.

Theo chuyên gia Sébastien Jean, những cam kết vừa kể không có nhiều ảnh hưởng lớn và không mang lại giải pháp cho việc ngăn chặn đà phi công nghiệp hóa của nước Mỹ. Các cam kết đó thậm chí còn đi ngược lại những gì ông Donald Trump đang tìm kiếm, khi tạo điều kiện cho các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc với hậu quả là bỏ bê nước Mỹ.

Mặt khác, cũng theo chuyên gia Pháp, hai phần ba các sắc thuế mà ông Donald Trump áp đặt vẫn được duy trì. Đồng thời, chính quyền Hoa Kỳ cũng đã bịt miệng Tổ chức Thương mại Thế giới.

Đối với chuyên gia này, thế giới đang chứng kiến một sự chuyển đổi từ chủ nghĩa đa phương sang chủ nghĩa đơn phương và sự xuất hiện của nền thương mại được quản lý, với các quan hệ thương mại phải chiều theo các quyết định chính trị.

Nước Pháp ngày càng càng có ít em bé hơn

Như nói ở trên, các đồng nghiệp của Les Echos đều dành hồ sơ chính cho các vấn đề xã hội Pháp. Trang nhất Le Monde dành cho các động thái của chính phủ muốn thúc đẩy công cuộc cải tổ hưu bổng, trong lúc La Croix lại chú ý đến phong trào đình công chống cải cách chế độ hưu. Riêng Le Figaro thì quan tâm đến việc người Pháp ngày càng sinh đẻ ít đi, còn Libération thì nhấn mạnh đến sự kiện chính quyền rốt cuộc đã phải công khai phê phán bạo lực quá mức của cảnh sát khi thi hành nhiệm vụ.

Lý thú hơn cả là Le Figaro, với hàng tựa lớn nổi bật trên trang nhất : "Vì sao đà sinh sản tại Pháp tiếp tục đi xuống".

Tờ báo Pháp đã nêu bật vấn đề này nhân dịp Viện Thống Kê Pháp Insee công bố bản tổng kết dân số Pháp 2019 vào hôm 14/01/2020, ghi nhận tình trạng số trẻ em được sinh ra ở Pháp tiếp tục giảm, và năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp.

Le Figaro nhận định : "Ngay giữa lúc tranh cãi nổ ra về cải cách lương hưu, với tỷ lệ giữa những người trong tuổi lao động và những người về hưu được cho là sẽ rất quan trọng trong những năm sắp tới, tỷ lệ sinh sản tiếp tục giảm ở Pháp".

Tờ báo nhắc lại số liệu của viện INSEE, cho thấy là trong năm 2019, chỉ có 753.000 em bé được sinh ra ở Pháp, ít hơn 6.000 em so với năm trước đó.

Le Figaro ghi nhận phân tích của INSEE là cho dù có giảm, những đà đi xuống đã bớt mạnh hơn so với những năm trước, trong lúc tỷ suất sinh "đang ổn định ở Pháp", và đặt câu hỏi : "Phải chăng thời kỳ hoàng kim của việc sinh sản đối với Pháp đã qua rồi ?" Đối với tờ báo, thực tế tuy nhiên là người dân đã bớt tin tưởng vào các chính sách khuyến khích sinh đẻ, và thời điểm có con càng lúc càng muộn.

Bên cạnh đó, theo INSEE, cơ cấu gia đình trong xã hội Pháp cũng đã chuyển đổi một cách sâu đậm. Mô hình thống trị không còn là một cặp vợ chồng lấy nhau rồi có con nữa. Việc có con nhờ thụ thai nhân tạo (gọi một cách khoa học là sinh sản được hỗ trợ y tế), có khả năng sắp được mở rộng cho tất cả phụ nữ, hiện đã liên quan đến một trong 30 ca sinh đẻ.

Nhật báo La Croix đã bổ sung : "Trong thực tế, các gia đình gồm hai cha mẹ đã kết hôn và con cái của họ đã trở thành thiểu số trong dân số Pháp. Nguyên do đến từ sự gia tăng các trường hợp sống Chung không giá thú và sự gia tăng của các gia đình đơn thân".

Chính quyền Pháp rốt cuộc phải thừa nhận các hành vi "bạo lực cảnh sát"

Cũng liên quan đến lãnh vực xã hội, nhật báo Libération đã chạy tựa lớn về chủ đề "Bạo lực cảnh sát" mà tờ báo cho là "Đã qua rồi thời kỳ phủ nhận trắng trợn", tựa lớn trang nhất.

Đối với Libération, "Phải mất mười ba tháng, với vô số video và số lượng người bị thương, tật chưa từng thấy ở Pháp để cấp cao nhất của Nhà Nước nhận thức được bạo lực do cảnh sát gây ra". Bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner đã phải "thay đổi giọng điệu hoàn toàn trên vấn đề này", cũng như tổng thống Emmanuel Macron vào hôm 14/01.

Theo tờ báo cánh tả Pháp, "khi để cho mức độ bạo lực trong sự can thiệp của cảnh sát tăng lên, chính phủ có thể là đã có một tính toán rất nhẫn tâm : nguy cơ bị thương tích đối với người biểu tình cũng là một biện pháp ngăn chặn các cuộc biểu tình". Để xóa tan mối nghi ngờ này, chính quyền, theo Libération không có giải pháp nào khác, ngoài việc đẩy nhanh các cuộc điều tra cần thiết về bạo lực quá đáng của cảnh sát và có biện pháp kỷ luật mỗi khi phát hiện sai phạm.

Tờ báo Pháp cho rằng các biện pháp đó không phải là nhắm vào những người biểu tình ôn hòa mà để "răn đe các phần tử xấu ngay trong lực lượng cảnh sát".

Đình công ở Pháp : Tiếp tục hay xuôi tay ?

Nhật báo công giáo La Croix tiếp tục đề cập đến phong trào đình công chống cải cách hưu bổng, với tựa lớn trang nhất : "42 ngày đình công rồi, và sau đó…", hiểu theo nghĩa "sau đó thì sao".

Phóng viên tờ báo đã đến tận một cơ xưởng của công ty xe metro và xe buýt Paris RATP để lắng nghe tranh luận của các công nhân và nhân viên đình công.

Đối với La Croix, với cuộc đình công bước vào ngày thứ 42, phong trào đấu tranh như có dấu hiệu hụt hơi, với các nhân viên lần lượt đi làm trở lại, thường là vì bắt đầu gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, để hoạt động có thể hoàn toàn bình thường trở lại, cần phải có thêm nhiều thời gian nữa.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)