Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/01/2020

Coronavirus : một đe dọa mới cho nhân loại vào dịp đầu năm Canh Tý

RFI tiếng Việt

Virus corona : Hơn 40 triệu người Trung Quốc bị cách ly (RFI, 24/01/2020)

Đến ngày 24/01/2020, loại virus corona mới từ Vũ Hán đã làm cho 26 người chết và 830 người bị lây nhiễm. Chính quyền Trung Quốc ra lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập" tại 13 thành phố, cô lập tổng cộng 41 triệu người, cao hơn cả dân số Ba Lan hay Canada.

corona1

Ga xe lửa Hán Khẩu (Hankou), Trung Quốc đóng cửa sau khi dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 23/01/2020. China Daily via Reuters

Sau Tử Cấm Thành, sân vận động "tổ chim" ở Bắc Kinh và Disneyland ở Thượng Hải, đến lượt nhiều đoạn Vạn Lý Trường Thành cũng bị đóng cửa với khách tham quan.

Trong số các bệnh nhân bị lây nhiễm, có 177 ca bệnh nặng, và 34 người được cho là "khỏi bệnh" và đã xuất viện, hơn 1.000 trường hợp khác đang được xem xét. Chính quyền cam kết trong vòng 10 ngày sẽ xây xong một bệnh viện mới có diện tích 25.000 mét vuông với 1.000 giường dành riêng cho việc chữa trị các bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde mô tả tình trạng ảm đạm tại thủ đô Trung Quốc những ngày cận Tết :

"Tòa đô chính Bắc Kinh chuẩn bị một lễ hội Tết thật hoành tráng, nhưng con virus corona đã làm tiêu tan giấc mộng. Trên những đại lộ lạnh vắng của thủ đô Trung Quốc tối ngày 23/01, những hàng cây quấn đầy những dây đèn lung linh nhiều màu sắc trở nên cô đơn.

Gần sân vận động Công Nhân, cũng như tất cả những nơi khác, đường phố vắng bóng người dân Bắc Kinh. Nhiều người đã về quê trong dịp "xuân tiết" (chunjié) để ăn Tết cùng với gia đình, nhưng còn việc đi lễ ở các đền chùa vào cuối tuần này thì nên quên đi là hơn.

Giống như tại thành phố Vũ Hán ở miền trung, Chiết Giang ở miền đông hay Macao tận phía nam, người dân Bắc Kinh không còn hứng thú gì đối với những cuộc vui tập thể. Cơ quan văn hóa và du lịch loan báo hủy bỏ tất cả những lễ hội ở thủ đô.

Những cuộc hội hè trong dịp Tết âm lịch thường diễn ra sau bữa tiệc gia đình : người ta cùng thưởng thức các món mứt Tết, thắp hương và phóng tay mua các mặt hàng bày bán quanh đền chùa. Một điều trở thành bất khả khi mọi cuộc tụ tập được coi là ổ phát tán virus. Tương tự đối với các cơ sở khác, các viện bảo tàng…

Tử Cấm Thành không còn tung ra những cuộc múa lân, múa rồng mừng xuân Canh Tý nữa. Công trình nổi tiếng nhất Trung Quốc đóng cửa từ hôm nay cho đến khi có lệnh mới".

Tại Hồng Kông trong vòng 24 giờ qua, có 18 người phải nhập viện và 27 bệnh nhân bị cách ly. Thông tín viên Florence de Changy cho biết :

"Trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên ở Hồng Kông là một người Trung Quốc 39 tuổi, từ Vũ Hán đến cùng với gia đình bằng xe lửa. Người này đã bị cách ly tại một trung tâm chuyên về bệnh truyền nhiễm. Nhưng trong thời gian chính quyền lo cô lập bệnh nhân thì thân nhân của ông ta đã đi máy bay đến Philippines.

Ca thứ hai được xác nhận là một người Hồng Kông 56 tuổi, từ Vũ Hán về qua Thâm Quyến cách đây ba ngày. Tất cả những ai có tiếp xúc với hai bệnh nhân trên đây vì đi cùng xe lửa, máy bay, taxi hay ở cùng khách sạn đều được kêu gọi ra trình diện cơ quan y tế.

Nhiều dân biểu đối lập tố cáo thái độ thờ ơ của chính quyền, mà họ cho rằng do không muốn làm phật lòng Bắc Kinh bằng những biện pháp khắt khe hơn. Còn tại Macao, vốn đã có hai trường hợp nhiễm virus, trưởng đặc khu muốn đóng cửa toàn bộ các casino".

Thụy My

*******************

WHO : "Quá sớm" để ban bố tình trạng báo động toàn cầu về virus corona (RFI, 24/01/2020)

Mặc dù số người chết vì dịch viêm phổi cấp do virus corona vẫn không ngừng tăng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tối ngày 23/01/2020 tuyên bố không đặt tình trạng báo động toàn cầu, do nội bộ định chế này chưa đạt được đồng thuận.

corona2

Coronavirus qua ống kính hiển vi. Creative commons

Từ trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, thông tín viên RFI Jérémie Lanche cho biết chi tiết :

"Đây là một quyết định 50/50, chỉ thêm một chút nữa là lệnh báo động toàn cầu đã được đưa ra. Đó cũng là kết quả cuộc họp thứ hai của Ủy ban đặc trách về các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới. Đối với nhiều chuyên gia, quy mô dịch bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở người bệnh đáng để nâng mức báo động. Thế nhưng, đối với nhiều chuyên gia khác, cũng đông đảo không kém, thì cần thận trọng khi nâng mức báo động toàn cầu vì số ca nhiễm bệnh ở các nước khác là thấp và Bắc Kinh đã có các biện pháp cách ly.

Tedros Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu : "Ủy ban bị chia rẽ về quyết định có nên tuyên bố tình trạng báo động toàn cầu về y tế hay không. Nhưng quý vị đừng nhầm lẫn. Trung Quốc đang trong tình trạng khẩn cấp về virus corona. Tình trạng báo động chưa được ban hành ở những nơi còn lại trên thế giới. Nhưng rất có thể sắp tới sẽ là như vậy".

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định điều đó và theo dõi tình hình sát sao từng phút. Ủy ban đặc trách các tình huống khẩn cấp vẫn được đặt trong trình trạng báo động. Một cuộc họp mới dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng 10 ngày nữa, nhưng có thể là sớm hơn tùy theo diễn biến tình hình. Một lãnh đạo nhấn mạnh, nhiều người bệnh đang trong tình trạng nghiêm trọng. Cần phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có thêm nhiều trường hợp tử vong trong thời gian tới".

Bộ Y tế Nhật Bản ngày 24/01/2020 khẳng định có thêm ca thứ hai nhiễm virus corona. Người này khoảng 40 tuổi, đến từ Vũ Hán, Trung Quốc, bị sốt từ hôm 14/01, đã đi khám bác sĩ tại Trung Quốc nhưng không được chẩn đoán nhiễm virus conora. Sau khi sang Nhật ngày 19/01, người này lại đi khám và hôm 22/01 được phát hiện nhiễm corona và hiện đang được điều trị tại bệnh viện ở Tokyo.

Cùng ngày, hãng tin Hàn Quốc Yonhap cũng cho biết một người đàn ông Hàn Quốc 55 tuổi sau khi trở về từ Vũ Hán đã được xét nghiệm dương tính với virus corona tại sân bay quốc tế Gimpo, phía tây Seoul.

Trong khi đó, tại Pháp, bộ trưởng y tế Agnès Buzin hôm 23/01 thông báo triển khai một xét nghiệm nhanh, cho kết quả chỉ sau vài giờ. Xét nghiệm này dự kiến sẽ được áp dụng trong các bệnh viện ở Pháp trong vài ngày tới.

Thùy Dương

*******************

Dịch bệnh Trung Quốc do "con gì cũng ăn" ? (RFI, 24/01/2020)

Loại coronavirus mới đã làm 17 người chết và 634 người lây nhiễm (tính đến ngày 22/01/2020) bị nghi ngờ xuất phát từ chợ hải sản Hoa Nam (Huanan) ở Vũ Hán (Wuhan), thành phố 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc. Nơi đây tập trung nhiều loại động vật hoang dã, như loài chồn hương đã làm lan truyền dịch SARS năm 2002-2003.

corona3

Công an Trung Quốc mang khẩu trang khi kiểm tra xe cộ tại một trạm thu phí để ngăn chặn việc buôn lậu động vật hoang dã tại Vũ Hán, ngày 24/01/2020. Reuters/David Stanway

Tuy mang tên là chợ hải sản, nhưng chợ này còn bán nhiều loại động vật khác – theo như một brochure quảng cáo và điều tra của báo chí Hoa lục. Ngôi chợ đã bị đóng cửa vào tháng trước, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên nơi một nhà buôn trong chợ.

Hôm thứ Tư 22/1, Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm tra và Phòng ngừa Dịch tế quốc gia nhìn nhận, việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thường diễn ra tại chợ này.

Phải chăng chuyện cũ lặp lại ? Dịch SARS đã giết hại 650 người tại Trung Quốc vào đầu những năm 2000, là từ loài chồn hương vốn thường được bày bán ở các chợ Quảng Châu. Bị cấm tiêu thụ trên lý thuyết, chồn hương vẫn nằm trong danh sách 112 mặt hàng được một thương nhân ở chợ Vũ Hán chào bán.

"Sản phẩm được đông lạnh và giao tận nhà sau khi giết mổ". Tờ quảng cáo giới thiệu đủ loại động vật sống, từ chuột, chồn, cá sấu, chó sói, kỳ nhông khổng lồ cho đến những con công, rắn, nhím, thịt lạc đà. Cửa hàng mang tên "Thú rừng và thú nuôi bán sỉ" từ thứ Năm 23/01/2020 không còn liên lạc được cả qua điện thoại lẫn internet.

Một nhật báo Bắc Kinh, tờ Beijing News dẫn ra một số thương gia khác trong chợ, chuyên bán động vật hoang dã cho đến khi chợ này bị đóng cửa.

"Con gì cũng ăn"

Người Trung Quốc thường khoe sẵn sàng ăn "tất cả những gì có bốn chân trừ cái bàn, những gì bơi được trừ tàu thuyền, những gì bay được trừ máy bay". Những loài động vật hiếm cũng được săn lùng vì tin rằng có dược tính.

Tuy nhiên thói quen "con gì cũng xơi tuốt" tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe con người – Christian Walzer, hiệp hội sinh thái Mỹ Wildlife Conservation Society cảnh báo. Theo ông, 70% bệnh lây nhiễm là từ động vật hoang dã, và các ngôi chợ là môi trường lý tưởng của virus để truyền bệnh sang người.

Theo một nghiên cứu về di truyền học được công bố hôm thứ Ba 21/1, chủng coronavirus mới có thể sinh ra từ loài dơi. Tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc tiết lộ loại virus này rất gần với một chủng virus hiện diện nơi những con dơi.

Loài dơi là nơi tồn trữ virus, nhưng không có nghĩa là chúng truyền bệnh trực tiếp sang người. Ngược lại, một bài viết trên Journal of Medical Virology hôm thứ Tư 22/1 khẳng định loài rắn có thể là vật trung gian truyền bệnh sang con người.

Thụy My

********************

Virus lạ gây viêm phổi thách thức chính quyền Tập Cận Bình (RFI, 23/01/2020)

Ngăn chặn dịch bệnh lây lan vì lợi ích kinh tế và chứng minh với quốc tế rằng Trung Quốc đang làm chủ tình hình, tránh để lâm vào một cuộc khủng hoảng y tế. Đó là hai thách thức virus viêm phổi corona đang đặt ra cho chính quyền của ông Tập Cận Bình.

corona4

Chợ hải sản ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 10/01/2020. ©Reuters/Stringer

Hiện đã có 13 trong số 26 tỉnh thành của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều ca lây nhiễm. Ổ dịch là thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị cách ly với phần còn lại của đất nước làm xáo trộn các hoạt động mua bán vào mùa Tết nguyên đán. Chứng khoán tại Thượng Hải, Hồng Kông sụt giảm do mối lo ngại virus corona ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Ba tuần kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình hôm đầu tuần đã kêu gọi huy động "toàn lực" và "cứu sống những sinh mạng và sức khỏe của cộng đồng phải được đặt lên trên tất cả mọi ưu tiên". Thủ tướng Lý Khắc Cường thì ân cần động viên nhân viên y tế đề cao cảnh giác tối đa.

Tất cả những nỗ lực này nằm trong chiến dịch trấn an công luận Trung Quốc, bởi mỗi lần xảy ra khủng hoảng y tế như dịch viêm phổi cấp tính hồi năm 2003 hay an toàn thực phẩm đe dọa đến sức khỏe công cộng, người dân Trung Quốc luôn thận trọng với những thông tin từ phía chính quyền. Người ta lo ngại các giới chức y tế ở mọi cấp che giấu thông tin, giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh. Tuần qua, vào lúc cơ quan y tế của thành phố Vũ Hán nói đến 41 người bị lây nhiễm, một nghiên cứu của đại học Anh, Imperial College - Luân Đôn, nêu lên khả năng gần 2.000 người bị viêm phổi vì virus corona.

Bên cạnh mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh hoành hành trong lúc ngày càng có nhiều chuyên gia lo ngại virus có thể lây từ người sang người, một ưu tiên khác của Bắc Kinh là bảo vệ đà tăng trưởng cho Trung Quốc. Nền kinh tế thứ nhì thế giới đã phải liên tục đương đầu với thương chiến Mỹ-Trung, với khủng hoảng chính trị Hồng Kông làm kinh tế tại đặc khu hành chính vốn rất năng động bị sa sút.

Các đợt áp thuế dồn dập của chính quyền Trump nhắm vào hàng Trung Quốc trong gần hai năm qua khiến nhiều hãng xưởng của Trung Quốc điêu đứng. Xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2019 giảm 23%. Bắc Kinh trông cậy vào tiêu thụ nội địa để làm lực đẩy cho tăng trưởng. Vậy mà các cuộc xuống đường của phe dân chủ Hồng Kông, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, khiến nhiều cửa hàng ở Hồng Kông phải đóng cửa, các khu thương mại và khách sạn vắng khách.

Giáo sư Mary-France Renard, đại học Clermont-Ferrand, lưu ý virus corona tai hại ở chỗ nó khiến mọi người lo sợ, tránh đi ra đường hay lui tới những nơi công cộng. Hệ quả kèm theo là ngành du lịch lại bị mất khách. Năm 2002-2003, dịch viêm phổi cấp tính SARS đã gây tác hại đến kinh tế Trung Quốc, nhưng chỉ mang tính tạm thời, vì vào thời điểm đó, theo giáo sư Renard, GDP của Trung Quốc tăng 10%. Nay tỷ lệ tăng trưởng của nước này chỉ trên dưới 6% mà thôi.

Về phần cơ quan tư vấn SinoInsider trụ sở đặt tại Mỹ, chuyên gia Larry Ong cho rằng, việc ông Tập Cận Bình phải lên tiếng về dịch viêm phổi hiện nay đủ cho thấy "tình hình nghiêm trọng đến mức độ nào", bởi vì nếu không khéo, để dịch bệnh lan rộng, thì sẽ vô cùng tai hại đối với hình ảnh của nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Gần hai thập niên trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tố cáo Trung Quốc che giấu thông tin. Trong lĩnh vực y tế, che giấu thông tin hay cung cấp thông tin chậm trễ có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng tai hại. Dịch SARS hồi năm 2002-2003 làm 774 người chết trên thế giới, trong đó có gần 350 bệnh nhân tại Hoa Lục. Kịch bản đó vẫn còn ám ảnh cộng đồng quốc tế.

Lần này, theo chuyên gia thuộc đại học Canterbury- New Zealand, Anne Marie Brady, ở cấp trung ương, giới lãnh đạo biết rõ là kịch bản đó không thể tái diễn. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì toàn cầu với trọng lượng kinh tế gần bằng 1/5 của thế giới, là một quốc gia có tiếng nói quyết định trên nhiều hồ sơ lớn của quốc tế, từ Iran đến Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phải ứng xử như một quốc gia có trách nhiệm. Chính vì thế, giáo sư Dali Yang, giảng dạy tại đại học Chicago, Hoa Kỳ cho rằng, "việc chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng về virus corona mang yếu tố quyết định và nếu dịch bệnh được ngăn chặn trong một thời gian không quá dài, uy tín của lãnh đạo Trung Quốc càng được tăng thêm".

Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở đây là kịch bản "trên bảo mà dưới không nghe". Bắc Kinh có thể làm được gì nếu như giới lãnh đạo cấp địa phương, vì một lý do nào đó, cố tình che giấu thông tin, như câu hỏi đã được Larry Ong của công ty tư vấn SinoInsider nêu lên. Cũng chuyên gia này không loại trừ kịch bản xấu nhất, đó là thành phố Vũ Hán đã không còn kiểm soát nổi tình hình, phải cầu cứu trung ương. Bắc Kinh đã khéo léo dàn dựng các buổi họp báo để chứng minh với công luận trong nước và quốc tế rằng, chính quyền Trung Quốc không có gì để giấu giếm, mà trái lại đang hành xử như một quốc gia có trách nhiệm.

Thanh Hà

******************

Virus viêm phổi : Hai thành phố ở Trung Quốc bị cách ly (RFI, 23/01/2020)

Kể từ sáng nay 23/01/2020, người dân Vũ Hán bị cấm ra khỏi thành phố, các chuyến tàu và chuyến bay từ đây đều bị ngưng. Chủng coronavirus mới xuất phát từ thành phố này đã làm 17 người chết tại Trung Quốc, tổng số người bị nhiễm lên trên 570, hầu hết ở Vũ Hán.

corona5

Sân bay Vũ Hán vắng vẻ, ngày 23/01/2020. Leo RAMIREZ / AFP

Không ít người tìm cách ra khỏi Vũ Hán trước giờ đóng cửa, nhưng xe cộ bị chận lại ở các xa lộ. Trên những chuyến bay cuối cùng từ Vũ Hán, tất cả các hành khách đều mang khẩu trang.

Cũng hôm nay, một thành phố khác là Hoàng Cương (Huanggang), nằm kế cận Vũ Hán, cấm cư dân ra khỏi thành phố trừ trường hợp đặc biệt, giao thông công cộng bị ngưng, các địa điểm vui chơi giải trí bị đóng cửa từ cuối giờ chiều.

Thành phố Ngạc Châu (Ezhou) 1,1 triệu dân gần đó cho nhà ga ngưng hoạt động. Tiên Đào (Xiantao) đóng các tuyến lưu thông chính, và Xích Bích (Chibi) cho ngưng giao thông công cộng – hai huyện này có hơn 2 triệu dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoan nghênh biện pháp cô lập sẽ giúp giảm phần nào nguy cơ lây lan. Các chuyên gia của tổ chức này vẫn chưa thống nhất được về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn thế giới. Cuộc họp khẩn tiếp tục diễn ra hôm nay.

Phóng sự của Thông tín viên Stéphane Lagarde về tình hình tại Vũ Hán :

"Tất nhiên là tôi sợ. Bạn bị sốt, và sau đó bạn không thở được". Người sinh viên này cũng như mọi người dân ở Vũ Hán đều biết rõ các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ : sốt cao và khó thở, xuất hiện từ một tháng qua tại khu phố Hán Khẩu. Và giờ đây lại có thêm một virus nữa, đó là nỗi sợ hãi, làm dân chúng đứng ngồi không yên từ mấy ngày qua.

Những quán cà phê, khách sạn, cửa hàng tại thành phố Vũ Hán trở nên vắng vẻ, nhưng không chỉ là do kỳ nghỉ Tết âm lịch. Tại sân trượt băng hình con rồng ở một trung tâm thương mại, một bé gái trượt một mình trên sân băng.

Cô Cheerwin, 23 tuổi, làm ở bộ phận tiếp tân nói : "Mọi việc trở nên trầm trọng hơn tại Hán Khẩu. Từ vài ngày qua, phụ huynh không đưa con cái tới đây nữa, họ sợ bị nhiễm virus. Hiện giờ thì tôi không cảm thấy sợ. Tôi tự nhủ nếu trẻ em tới chơi trượt băng, tức là các bé ấy khỏe mạnh, nên chẳng có gì phải sợ".

Được bao bọc bằng những rào cản màu đỏ và giám sát thường xuyên, khu chợ hải sản ở Hán Khẩu hoàn toàn bị cách ly từ khi bệnh dịch xuất hiện, kể từ tuần này các chợ nông sản khác của Vũ Hán bị đóng cửa. Và từ hôm nay thì toàn bộ thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân đã bị cách ly với thế giới.

Việt Nam xác nhận có hai người Trung Quốc nhiễm coronavirus

Hai người Trung Quốc đang sống tại Việt Nam đã được xét nghiệm dương tính với loại coronavirus mới giống như SARS, đang được cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy. AFP dẫn lời các viên chức có trách nhiệm của Việt Nam hôm nay 23/01/2020 xác nhận như trên.

Một người đàn ông Trung Quốc sống ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị lây nhiễm từ người cha đi từ Việt Nam sang Vũ Hán hôm 13/1. Hai cha con lần lượt nhập viện vì sốt cao từ ngày 17/1, và theo bệnh viện thì đang dần hồi phục. Theo báo chí trong nước, các nhân viên y tế được lệnh không rời khỏi Sài Gòn dịp Tết để ứng phó với bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 601 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)