Kinh tế thế giới "ốm yếu" vì virus corona
Tình hình dịch bệnh Covid-19 thu hút sự quan tâm của tất cả các báo Paris, nhất là trong bối cảnh cho đến chiều tối ngày 01/03, Pháp ghi nhận 130 ca nhiễm virus và trở thành ổ dịch lớn thứ hai tại Châu Âu, sau nước láng giềng Ý.
Lối vào đấu trường cổ Coloseo tại Roma không một bóng người vì Virus corona. Ảnh ngày 02/03/2020. Reuters
Ra sớm từ chiều Thứ Bảy, báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Virus corona, các bệnh viện căng thẳng". Các bệnh viện công lo ngại không thểđối phó trong trường hợp số ca tăng đột ngột vì dịch bệnh. Hệ thống bệnh viện Pháp, vốn đã suy yếu do nhiều năm phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm kinh phí, nay đã quá tải do số người đến làm xét nghiệm virus ngày càng tăng. Trong khi hơn 200 nhân viên y tế bệnh viện Creil và Compiègne, tỉnh Oise, ổ dịch chính tại Pháp, bị cách ly, Cơ quan Y tế vùng Ile-de-France thừa nhận nguy cơ lây nhiễm tại các bệnh viện là vấn đề khiến họ lo ngại nhất.
Cùng dề cập đến virus corona, báo Le Figaro chạy tựa "Virus corona : Dịch bệnh đến Pháp, chính phủ hạn chế các hoạt động tụ tập đông người". Còn trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos thể hiện sự lo ngại qua hàng tựa "Virus corona : Báo động kinh tế". Mối lo kinh tế lớn dần, không chỉ ở Châu Âu và còn trên toàn thế giới, với "một kịch bản đen tối" về vận chuyển và hoạt động của các doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi được đặt ra khi các thị trường tài chính đột ngột suy yếu.
Báo công giáo La Croix trong bài viết "Kinh tế thế giới ốm yếu vì virus corona", dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ giảm 1/2 trong quý 1/2020. Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động. Virus corona đang gây ra cú sốc kinh tế mà hiện giờ còn rất khó để thống kê các con số. Khởi phát từ Trung Quốc, dịch bệnh lan rộng tại Châu Á và Châu Âu, khiến nhiều tuyến hàng không ngưng trệ, các chuyến du lịch bị hủy, nhiều nhà máy phải đóng cửa, các sự kiện lớn và các trận thi đấu thể thao cũng bị hủy.
Dù chưa thể thống kê hết, nhưng theo La Croix, cuộc khủng hoảng mang tên virus corona đã cho phép đo lường tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới. Theo công ty phân tích dữ liệu IDC, Trung Quốc là nước sản xuất đến 70% số điện thoại smartphone bán ra trên toàn cầu. Việc nhiều nhà máy ở nước này phải ngưng hoạt động đã khiến ngành sản xuất điện thoại thông minh chỉ đảm bảo được 2/3 sản lượng trong quý 01/2020.
Trung Quốc cũng sản xuất đến 90% penicilline, lần lượt 60% và 50% các hoạt chất giảm đau, hạ sốt paracétamol và ibuprofène. Tất cả các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đều sử dụng nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Còn bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire hồi cuối tháng 02 cho biết Trung Quốc bào chế đến 80% hoạt chất phục vụ ngành dược phẩm. Theo công ty nghiên cứu Dun & Bradstreet, ít nhất 51.000 doanh nghiệp trên thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp trực tiếp tại Vũ Hán, trung tâm ổ dịch virus corona tại Trung Quốc. Việc thiếu nguyên vật liệu đến từ Trung Quốc đã khiến dây chuyền sản xuất trên thế giới bị ảnh hưởng. Nhà máy sản xuất của hãng xe hơi Fiat Chrysler tại Kragujevac, Serbia đã phải ngưng hoạt động.
Trong khi đó, ngay tại Trung Quốc, tiêu dùng nội địa cũng bị đình trệ. Điều này cũng khiến các tập đoàn lớn của Châu Âu bị thiệt hại. Từ đầu năm tới nay, lượng hàng Adidas bán được tại nước này giảm 85%. Trong khi Trung Quốc chiếm 1/4 thị trường xe hơi toàn cầu, lượng xe bán được tại đây trong nửa đầu tháng 2 đã giảm 92%.
50% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là nhờ vào tiêu thụ trong nước, vì thế chính nước này sẽ phải gánh chịu cú sốc kinh tế lớn nhất. Theo nghiên cứu của ngân hàng Nhật Nomura, dịch bệnh sẽ khiến Trung Quốc mất 3 điểm GDP trong quý 1. Các nước láng giềng như Nhật Bản và Singapore đều có thể rơi vào suy thoái.
Pháp thất thu về du lịch
Vẫn liên quan đến tác động của virus corona, nhưng trong lĩnh vực du lịch, báo La Croix nhấn mạnh “Du lịch Pháp trong tình trạng báo động”. Các chuyên gia về du lịch lo ngại là vắng khách Trung Quốc, Pháp sẽ thất thu 2 tỉ euro trong năm 2020, tương đương 0,1% GDP cả nước. Một số người am hiểu về du lịch còn cho rằng lượng khách doanh nhân đến từ mọi nước trên thế giới cũng sẽ giảm, do các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế bị hủy hoặc dời sang các nước khác ngoài Pháp.
Về số du khách Pháp sang Trung Quốc du lịch, thường thì giai đoạn đầu năm là mùa thấp điểm, nhưng theo một nghiêp đoàn du lịch, năm nay sẽ không còn nhiều du khách Pháp sang Trung Quốc, một phần cũng là do các điều kiện cấp visa nhập cảnh vào Trung Quốc đã bị chính quyền Bắc Kinh thắt chặt từ năm ngoái.
Liên quan đến láng giềng Ý, Atout France, cơ quan phụ trách phát triển du lịch Pháp, cho biết Pháp là điểm đến du lịch ngoại quốc đầu tiên của người Ý và Ý là điểm đến du lịch nước ngoài thứ hai của du khách Pháp. Tình hình dịch bệnh tại ổ dịch lớn nhất và nhì Châu Âu như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng khách từ nước này sang nước kia.
Các phong trào biểu tình có chịu lùi bước trước virus corona ?
Nước Pháp vốn nổi tiếng về các hoạt động tuần hành, biểu tình. Trong bối cảnh chính phủ đã ra lệnh cấm các buổi tụ tập trên 5.000 người ngoài trời, Le Figaro vẫn dự báo sẽ rất khó ngăn cản người dân tham gia phong trào đấu tranh đường phố. Ngay trong ngày hôm qua, khi chính quyền ra lệnh hủy giải chạy bán việt dã ở Paris với 44.000 người tham gia, nhiều thành viên đã bất chấp lệnh cấm rủ nhau chạy. Còn những người Áo Vàng phát biểu là không ai có thể ngăn cản họ biểu tình đòi quyền lợi.
Từ phía lực lượng an ninh, liệu cảnh sát Pháp đã sẵn sàng trước nỗi lo dịch bệnh hay chưa ? Nghiệp đoàn Liên minh cảnh sát quốc gia (Alliance-police nationale) dọa sẽ dùng quyền tạm ngưng làm việc để cảnh sát, nhân viên lực lượng an ninh phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona. Tuy nhiên, một sĩ quan cảnh sát trấn an Le Figaro : “Chúng tôi sẽ không ngưng làm việc chỉ vì nguy cơ bị nhiễm bệnh, nếu không thì tình hình sẽ trở nên hỗn loạn”.
Chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thất bại tại Syria
Nhìn ra quốc tế, Le Monde nhận định "Chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thất bại tại Syria". Lạnh nhạt với Tây phương, bất đồng với nước Nga… chưa bao giờ Erdogan lại bị cô lập trên trường quốc tế như hiện nay khi quân đội Thổ phải đối phó với các cuộc tấn công từ chế độ Damascus, dưới sự yểm trợ của không quân Nga.
Gần 10.000 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tại Idleb mà không có sự yểm trợ của không quân, trong khi Nga là lực lượng duy nhất làm chủ bầu trời. Theo Le Monde, chỉ riêng điều này cũng cho thấy chính sách đối ngoại và an ninh của tổng thống Erdogan là không hợp lý. Ankara vốn muốn hướng tới quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Moskva.
Chính sách này cũng bộc lộ sự yếu ớt của Ankara khi "chân trong, nhân ngoài" NATO. Khi cuộc khủng hoảng ngoại giao với Mỹ tăng cao, hồi năm 2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gián tiếp dọa rời NATO, khẳng định Ankara đang tìm kiếm những người bạn mới, ý nhắc tới nước Nga.
Thế nhưng, khi phải đối phó với sự tấn công của Nga, lãnh đạo Thổ lại đề nghị sự hỗ trợ quân sự của các đồng minh cũ, đe dọa Châu Âu về một cuộc khủng hoảng di dân mới, kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trợ giúp và đề nghị Mỹ lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa Patriot mà ông Erdogan từng từ chối để chọn hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, do dù S-400 không tương thích với hệ thống phòng vệ của NATO.
Nhờ có thỏa thuận với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhắm mắt làm ngơ khi chế độ Syria, với trợ giúp của không quân Nga, tung chiến dịch tấn công vào miền nam Idleb, hồi cuối tháng 12 năm 2019. Về phía Thổ, chính quyền Ankara nghĩ rằng cuộc phản công của Damascus nhắm vào hang ổ cuối cùng của phe nổi dậy sẽ kéo dài, cho phép Thổ có những nhượng bộ mới từ phía Nga. Erdogan trông chờ vào một chiến dịch dài hơi, mà chưa bao giờ tính đến chuyện binh lính Thổ được triển khai tại tỉnh Idleb nhờ thỏa thuận Sochi mà ông ký với đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin, hồi năm 2018, có thể bị lực lượng của chế độ Syria bao vây. Rõ ràng là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể tính đến điều đó.
Nhìn từ trong nước, đối với những người không ưa Erdogan, việc tổng thống không có khả năng dự báo tình hình là do ông ta quá tự tin vào bản thân sau 18 năm một mình nắm quyền. Theo một nhà ngoại giao được Le Monde trích dẫn, Erdogan đã trở thành nhà hoạch định chính sách duy nhất trong nước. Không nhà cố vấn nào có thể gây ảnh hưởng đến Erdogan. Dường như các quyết định đều do một mình Erdogan đưa ra mà không tham khảo ai hết, nếu có thì cũng chỉ rất qua loa.
Năm 2019, dịch sốt xuất huyết đánh bại mọi kỷ lục
Trong khi toàn thế giới đang tập trung vào dịch viêm đường hô hấp cấp tính do virus corona mới gây ra, báo Le Figaro không quên nhắc nhở độc giả về một mối nguy hiểm đang không ngừng tăng do Trái đất nóng dần lên : "Năm 2019, dịch bệnh sốt xuất huyết trên thế giới đã đánh bại mọi kỷ lục".
Trung bình hàng năm có 390 triệu người sốt xuất huyết, chủ yếu ở các vùng cận nhiệt đới như Châu Á - Thái Bình Dương, Nam Mỹ… Con số người bị bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng 30 lần so với cách nay 50 năm. Với hơn 20.000 người thiệt mạng hồi năm ngoái, sốt xuất huyết đã bị Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Các chuyên gia y tế cảnh báo tình hình năm nay cũng sẽ rất đáng lo ngại.
Riêng Châu Á - Thái Bình Dương tập trung 70% ca nhiễm trên toàn thế giới. Dịch bệnh lây lan rất mạnh ở Malaysia, Philippines và Sri Lanka. Còn tại Nam Mỹ, năm ngoái số người chết cũng tăng đến mức chưa từng có : 3 triệu người.
Trang nhất các báo Pháp
Trong khi báo Le Monde, Le Figaro và Les Echos đều chạy tựa trang nhất về virus corana, Libération đăng bức ảnh tổng thống Emmanuel Macron đậm nét, phía sau là hình thủ tướng Edouard Philippe mờ nhạt. Trên nền bức ảnh, Libération chơi chữ qua hàng tít : "Cải cách hưu trí, Manu Militari". Tờ báo cánh tả nhận định khi áp đặt điều 49 - khoản 3 Hiến pháp để rút ngắn thời gian tranh luận về dự án cải cách lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống, vốn đang gây rất nhiều tranh cãi, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron lại trở lại tính độc đoán mà ông từng tìm cách rũ bỏ.
Trong khi đó, báo công giáo La Croix loan báo "Kho tài liệu lưu trữ về Giáo hoàng Pio XII cuối cùng cũng được mở ra". Kể từ hôm nay 02/03/2020, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận các tài liệu của Tòa thành Vatican trong nhiệm kỳ của giáo hoàng Pio XII (1939-1958), nhất là về về vai trò và trách nhiệm của Giáo hội Công giáo trong việc người Do Thái bị Đức quốc xã sát hại trong Đệ nhị Thế chiến.
Thùy Dương