Virus corona : Ý thiếu phương tiện, không thể cứu bệnh nhân lớn tuổi
Tại một số bệnh viện ở miền bắc Ý, giờ đây chỉ những bệnh nhân trẻ được chuyển sang hồi sức tích cực : bệnh nhân lớn tuổi sẽ chiếm dụng các thiết bị trợ thở 15-20 ngày mà cũng không cứu được họ. Ban đầu chỉ những người trên 80 tuổi mới bị từ chối, nhưng nay là những bệnh nhân trên 70 tuổi và có bệnh nền. Các bác sĩ khóc khi phải chọn bệnh nhân để cứu, nhưng đành chịu vì không có đủ thiết bị trợ thở.
Một chốt kiểm tra y tế ở lối vào bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, vùng Lombardia, Ý. Ảnh chụp ngày 03/03/2020. Reuters/Flavio Lo Scalzo
Dịch bệnh virus corona chiếm trang nhất và nhiều trang trong của tất cả các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay 09/03/2020.
Les Echos chạy tựa trang nhất "Virus corona : Cuộc chiến của Châu Âu". "Ý cho cách ly, Pháp tăng cường lực lượng", tít của Le Figaro. La Croix nhận định "Virus corona : Nước Ý trên tuyến đầu", còn Libération khai thác góc độ "Virus corona : Nước Ý ẩn cư". Riêng Le Monde ra từ cuối tuần trước cho biết "Các trường học chuẩn bị như thế nào" trong tình hình dịch cúm Vũ Hán hiện nay.
Lần đầu tiên 15 triệu dân một nước Châu Âu bị cô lập
"Cách ly, miền bắc nước Ý trước thử thách gay go", Libération nhận định. Với 366 trường hợp tử vong, trong đó có 133 người chết chỉ trong vòng 24 giờ qua, và gần 7.400 người bị lây nhiễm, chính quyền Ý đã ra lệnh cách ly hơn 15 triệu dân. Toàn bộ vùng Lombardia - trung tâm kinh tế tài chính của đất nước có thủ phủ là thành phố Milano nổi tiếng - cùng với 14 tỉnh đó trong đó Venice bị cô lập.
Chỉ 15 ngày sau khi ca đầu tiên xuất hiện, biện pháp vô tiền khoáng hậu tại Châu Âu đã được áp dụng đối với hơn 15 triệu người dân Ý. Hai giờ sáng Chủ nhật 8/3, thủ tướng Giuseppe Conte đã quyết định như trên sau cuộc họp nội các khẩn cấp. Ông Conte nói rõ không chỉ cấm ra vào mà còn phải tránh di chuyển trong nội vùng, nếu không có giấy chứng nhận vì lý do nghề nghiệp, tình hình cấp thiết hay về y tế.
Tất cả các sự kiện tín ngưỡng, văn hóa, thể thao đều phải ngưng lại hoặc diễn ra không có khán giả. Trường học, nhà hát, rạp xi-nê, viện bảo tàng, hồ bơi, khu trượt tuyết đều phải đóng cửa. Các trung tâm thương mại đóng vào cuối tuần, các nhà hàng phải bảo đảm khách hàng ngồi cách nhau ít nhất 1 mét, nếu không sẽ bị rút giấy phép.
Tại Milano cũng như Codogneo và những thành phố bị cách ly lâu nay, vừa được ra khỏi vùng đỏ lại bị cách ly tiếp. Hàng trăm cảnh sát, quân nhân sẽ được điều đến miền bắc để chốt chặn và kiểm soát.
Thiếu thiết bị, các bệnh nhân lớn tuổi đành chờ chết
Trả lời phỏng vấn Libération, một bác sĩ ở Lombardia cho biết tình hình trầm trọng cho đến nỗi những bệnh nhân trên 70 tuổi bị nhiễm virus corona không còn được đưa sang khoa hồi sức vì không đủ phương tiện điều trị tích cực. Theo vị bác sĩ này, số lượng người chết vì con virus xuất phát từ Vũ Hán thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.
Với cái tên mượn là Giorgio, vị bác sĩ đang trên tuyến đầu thổ lộ hầu như tất cả các phương tiện y tế nơi ông làm việc đều đã bị trưng dụng để đón tiếp bệnh nhân. Một tình trạng "khủng khiếp, mà những người bên ngoài không thể hình dung được".
Đội ngũ y tế nhận ra sự khác thường khi nhiều người bệnh đến khám với các triệu chứng không giống cúm thông thường. Ban đầu, những bệnh nhân nặng nhất được chuyển sang các bệnh viện có trang bị đầy đủ hơn ; nhưng chỉ vài ngày sau số người nhiễm Covid-19 bùng nổ. Họ chiếm 1/4 số giường của bệnh viện, rồi phân nửa và sau đó gần như chiếm trọn.
Nếu tình trạng người bệnh xấu đi, họ được cho thở oxy và các loại thuốc thường dùng để trị SIDA. Sau bốn năm ngày sẽ giảm sốt và dần hồi phục, hầu hết là người trẻ tuổi và phụ nữ ; còn nếu tệ hơn, sẽ gởi sang các cơ sở có trang bị hồi sức.
Nhưng nay chỉ những bệnh nhân trẻ được chuyển viện : các chuyên viên gây mê yêu cầu không gởi bệnh nhân lớn tuổi vì sẽ chiếm dụng các thiết bị trợ thở 15-20 ngày mà cũng không cứu được họ. Ban đầu chỉ những người trên 80 tuổi mới bị từ chối, nhưng nay là những bệnh nhân trên 70 tuổi và có bệnh nền. Bệnh viện giữ lại những người mà biết rằng không thể làm gì hơn được cho họ, người bệnh sẽ chết.
Có những tranh luận trong nội bộ về vấn đề này, nhưng lực bất tòng tâm. Riêng tại bệnh viện nơi bác sĩ Giorgio làm việc, mỗi ngày có một, hai người tử vong, và trên bình diện cả nước, số người chết chắc chắn nhiều hơn vì tỉ lệ người già ở Ý rất cao.
Bác sĩ khóc vì phải chọn bệnh nhân để cứu
Tương tự, La Croix báo động "Nước Ý thiếu trang bị để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ". Các bác sĩ được đề nghị ưu tiên cho những ai có nhiều cơ may khỏi bệnh hơn. Ở miền Nam thì lại càng dễ tổn thương vì thiếu thốn trang thiết bị y tế.
Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ gây mê hồi sức Ý Flavia Petrini xác nhận với tờ báo công giáo : "Tại miền bắc, trên 500 bệnh nhân được sử dụng liệu pháp điều trị tích cực, các đồng nghiệp làm việc 24/24 buộc lòng mỗi ngày phải đánh giá xem các bệnh nhân nào có nhiều cơ hội sống sót hơn (…). Số bệnh nhân tăng lên từng giờ, nhưng số giường có hạn (dưới 6.000 tại các bệnh viện công), vả lại nhiều bác sĩ, y tá đã bị lây và đang bị cách ly, chúng tôi đành phải ưu tiên cho những ai còn trẻ, có nhiều khả năng vượt qua hơn".
Một bác sĩ giấu tên ở Lombardia khẳng định sự chọn lựa khó khăn này : "Trong những ngày gần đây chẳng hạn, chúng tôi phải chọn giữa một bệnh nhân 40 tuổi và một người 60 tuổi, cả hai đều có nguy cơ tử vong, để cho thở máy. Thật đau đớn, các bác sĩ khóc với nhau, nhưng chúng tôi không có đủ thiết bị trợ thở".
Le Figaro trích lời ban giám đốc phụ trách điều trị tích cực ở Lombardia, cho biết đã có tranh luận giữa các bác sĩ, liệu có nên ấn định mức tuổi để được nhận vào khoa này hay không. Nếu duy trì phương cách ai đến trước được nhập viện trước, coi như từ chối những bệnh nhân đến sau. Trước sau gì cũng phải chọn bệnh nhân. Thế nên hôm Chủ nhật khi thông tin về cách ly bị rò rỉ trên báo chí, nhiều người bỏ chạy về miền nam, chính phủ phải ra sắc lệnh như trên để tránh lây nhiễm cho các tỉnh phía nam vốn có cơ sở y tế thiếu thốn hơn miền bắc.
Nước Pháp giai đoạn 3 sẽ ra sao ?
Là nước láng giềng với Ý, nước Pháp đang trong thế khó với con số ca nhiễm đã lên đến cả ngàn, nhưng chính phủ vẫn quyết định duy trì ở giai đoạn 2. Một khi bước sang giai đoạn 3, Pháp sẽ như thế nào ? Le Figaro cho biết các biện pháp mới được áp dụng trên toàn quốc sẽ gồm hai mục tiêu : hạn chế tác động của dịch bệnh đồng thời duy trì hoạt động kinh tế xã hội trên cả nước.
Đối với chính phủ, ở giai đoạn này không chỉ là việc bảo vệ dân chúng, mà còn là giữ được hoạt động của xã hội ; nhưng không áp dụng cứng nhắc mà sẽ linh hoạt theo tình hình địa phương. Chẳng hạn đóng cửa nhà trẻ, cấm các hoạt động văn hóa thể thao, hạn chế thăm viếng các nhà dưỡng lão, ưu tiên cho đội ngũ nhân viên y tế.
Mỗi người dân phải tự hạn chế di chuyển, tốt nhất là dùng phương tiện cá nhân. Giá cả hàng hóa được giám sát, các doanh nghiệp kích hoạt kế hoạch duy trì hoạt động, như làm việc từ xa, giảm hội họp. Không còn xét nghiệm tất cả những ai nghi ngờ nhiễm virus, nhưng chỉ những người có dấu hiệu trầm trọng.
Cả thế giới gồng mình chống virus corona
Trong bài xã luận mang tựa đề "Một thử thách tập thể", Le Figaro nhận xét thế giới đang lao vào một cuộc chiến kỳ lạ, nhưng không phải giữa hai đạo quân. Từ Bắc Kinh đến Washington, từ Paris tới Canberra, toàn hành tinh phải chống lại cùng một kẻ xâm lăng.
Con virus corona đặt các chính phủ trong tình thế căng thẳng, làm rối loạn hoạt động xã hội, bóp nghẹt nền kinh tế, và khiến dân chúng run sợ. Các nền dân chủ và những thể chế độc tài đều phải tung ra những biện pháp đối phó, như ở Trung Quốc và tại miền bắc Ý kể từ hôm Chủ nhật 8/3 đều dùng cách cô lập.
Dù là trong ngôi làng toàn cầu hay từng nước, đây là thử thách tập thể. Vào thời buổi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, chủ nghĩa đa phương bị bác bỏ, con virus khiến con người và các quốc gia xích gần lại với nhau, buộc mọi người phải chung vai sát cánh, ít nhất là trong lúc này. Nhưng đến bao giờ ? Cuộc khủng hoảng dịch tễ này nếu kéo quá dài và phức tạp thêm, rốt cuộc có thể tác động ngược lại là đào sâu hố ngăn cách, gây ra những cuộc khủng hoảng chính trị và ngoại giao, và rồi thân ai nấy lo. Theo tờ báo, giữ cho được tình thần đoàn kết quốc gia là hết sức quan trọng.
Con virus của suy thoái
Xã luận của Les Echos cho đây là "Con virus của suy thoái". Phải chăng đây là vận xui của những năm chẵn ? Vào đầu những năm 80, Hoa Kỳ bị rơi vào suy thoái nặng nề do ngân hàng trung ương tăng cao lãi suất để chống lạm phát. Châu Mỹ la-tinh mất gần một thập niên để hồi phục. Đến tháng 3/2000, bong bóng chứng khoán internet bùng nổ lại khiến kinh tế Mỹ thụt lùi, tấn công thô bạo vào Châu Âu. Và thập niên 2020 mở ra với với một nạn dịch tầm cỡ chưa từng có kể từ một thế kỷ.
Bắt đầu bằng việc làm tê liệt kinh tế Trung Quốc, nay đã lan ra khắp các nước kỹ nghệ hóa. Con virus tấn công vào hệ hô hấp làm chết hàng ngàn người, và vào việc giao thương - đường hô hấp của nền kinh tế. Cú sốc thật kinh khủng, số lượng container từ Trung Quốc sụt mất phân nửa chỉ trong vòng một tháng. Sự sụp đổ của công xưởng thế giới chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến toàn cầu, tuy nhiên tác động khó thể đánh giá được.
Trước hết là tương lai không biết ra sao, chẳng hạn Trung Quốc có thể tái khởi động sản xuất được hay không. Thứ đến, nạn dịch gây tác động rất khác nhau trong từng nước và từng lãnh vực. Các nhà kinh tế của OCDE đưa ra những ước tính đầu tiên : tăng trưởng năm 2020 bị mất từ 0,5 đến 1,5%
Virus Vũ Hán sẽ gây đại dịch ?
Les Echos đặt vấn đề "Covid-19 : Sẽ là đại dịch ? Khi chuyển sang giai đoạn này, toàn nhân loại đều có nguy cơ bị con virus corona chủng mới tấn công.
Dự báo của nhà dịch tễ học Marc Lipsitch của đại học Havard hôm 24/2 trên The Atlantic gây chấn động : 40 đến 70% cư dân Trái Đất sẽ bị nhiễm, tuy nhiên cho biết còn quá nhiều nhân tố chưa rõ để có thể ước tính chính xác. Chẳng hạn R0, tức số người mà một bệnh nhân có thể lây cho. Ở trên 1 là có nguy cơ dịch : virus gây bệnh sởi có R0 18, HIV từ 2 đến 5, cúm mùa 1,3, corona chủng mới khoảng 2,5…
Tuy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ chối tuyên bố đại dịch trên toàn cầu, nhưng các ổ dịch liên tục mọc ra khắp nơi, đến nay là khoảng 80 nước. Ngay cả Châu Phi nay cũng đã có 5 nước bị lây nhiễm, ê-kíp của nhà dịch tễ học Vittorria Colizza, Viện Pierre-Louis cho rằng Ai Cập, Algérie và Nam Phi là những nước có nguy cơ nhiều nhất ở Châu Phi.
Các chuyên gia đưa ra hai kịch bản. Theo Stephen Morse thuộc Mailman School of Public Health, đại học Columbia, virus corona chủng mới có thể lây cho 60% dân số thế giới. Kịch bản thứ hai cho rằng con virus này sẽ biến mất theo mùa như virus cúm thông thường. Vấn đề đặt ra là con virus có thể biến thể để trở nên nguy hiểm hơn hay không. Nhà sinh học Michael Farzan, Viện Scripps ở California lúc đầu đã gây hoảng sợ khi nhắc nhở rằng loại virus chỉ có một sợi đơn ARN, như Covid-19, biến thể rất nhanh. Tuy nhiên cũng như SARS, con virus Vũ Hán sao chép chậm hơn virus cúm thông thường, và thậm chí sẽ yếu đi. Các nhà nghiên cứu còn phải làm việc nhiều để chứng minh điều này.
Thụy My