Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/04/2020

Lễ Phục Sinh trực tuyến, Vatican và Bắc Kinh sáp lại gần hơn

RFI tổng hợp

Lễ Phục Sinh cử hành trong khung cảnh vắng lặng vì Covid-19 (RFI, 12/04/2020)

Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, lễ Phục Sinh, một trong những ngày lễ quan trọng của người Công Giáo, được cử hành một cách tĩnh lặng khác thường tại Tòa Thánh Vatican, với Quảng Trường Thánh Phêrô hầu như vắng người, và đức giáo hoàng làm lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô vào hôm nay 12/04/2020 không một giáo dân. Để ngăn ngừa virus corona lây lan tại Ý, Vatican đã chấp hành nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa đã được ban hành.

vatican1

Quảng trường Thánh Phêrô (Vatican) hoàn toàn vắng vẻ vào đúng ngày đức giáo hoàng cử hành thánh lễ Phục Sinh ngày Chủ Nhật 12/04/2020. Reuters - GUGLIELMO MANGIAPANE

Vào trưa nay như thông lệ, đức giáo hoàng vẫn đọc bài giảng Phục Sinh và ban phép lành cho toàn thế giới, nhưng sẽ không xuất hiện ở balcon Đền Thờ Thánh Phêrô để ban phép lành, mà ở bên trong thánh đường, bên cạnh một nhóm trợ lễ tối thiểu, với buổi lễ được phát sóng truyền hình để tín đồ mọi nơi đều có thể theo dõi.

Ngay từ tối hôm qua, 11/04, hàng triệu người Công Giáo trên thế giới đã cử hành Lễ Vọng Phục Sinh, và ở rất nhiều nơi, buổi lễ đã diễn ra trong không khí vắng lặng, không có giáo dân dự lễ, mà chỉ được phát đi trực tiếp qua các hệ thống truyền hình hay mạng xã hội.

Tại Vatican, đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô gần như vắng bóng người, và ngài đã kêu gọi mọi người “đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi” mà dịch Covid-19 đang gieo rắc. Từ Roma, thông tín viên RFI Eric Senanque tường trình:

Buổi lễ đã bắt đầu trong một Đền Thờ Thánh Phêrô chìm trong bóng tối, đức giáo hoàng Phanxicô cầm một ngọn nến mà ngài thắp lên, thể hiện bước chuyển từ cõi chết về với cuộc sống, mà sự phục sinh của Chúa Kitô là biểu tượng.

 Trong bài giảng của mình, Phanxicô xác định: “Năm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận ngày Thứ Bảy Thánh là một ngày tĩnh lặng vĩ đại”, một ám chỉ rõ ràng đến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

 Thế nhưng người đứng đầu Tòa Thánh nói tiếp: “Tuy nhiên, tối nay, chúng ta sẽ chinh phục một quyền cơ bản, một quyền sẽ không bị tước đoạt khỏi chúng ta: quyền hy vọng”.

Giáo hoàng đã khuyến khích các tín đồ Công Giáo loan báo sự sống trong một thế giới được đánh dấu bằng chết chóc và hủy diệt: “Chúng ta hãy làm cho cái chết phải im tiếng, chiến tranh đã quá đủ rồi. Hãy chấm dứt sản xuất và buôn bán vũ khí, bởi vì chúng ta cần bánh mì chứ không cần súng đạn. Hãy mở rộng trái tim của những người có của, để lấp đầy bàn tay trống rỗng của những người thiếu mọi điều cần thiết”.

 Giáo hoàng cũng đề cập đến vấn đề phá thai mà theo ngài, "đang giết hại cuộc sống vô tội".

 Trong một thánh đường cuối cùng đã sáng lên, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở rằng những người Thiên Chúa Giáo là “những khách hành hương của niềm hy vọng”, những người đã “ôm lấy Chúa Giêsu khi ngài phục sinh, những người đã quay lưng lại với cái chết.”

Nhà thờ Đức Bà Paris đón lễ trong tình trạng trùng tu bị đình trệ

Tại Paris, thử thách chồng chất thử thách đối với Nhà thờ Đức Bà. Sau trận hỏa hoạn năm 2019 giờ lại thêm dịch bệnh Covid-19. Một buổi lễ ngoại lệ chưa từng có và trong nội bộ đã được tổ chức hôm thứ Sáu 10/4. Tổng Giám mục giáo phận Paris, đầu đội mũ bảo hộ, đã đến nghiêng mình kính cẩn trước chiếc mũ gai quý, được kịp cứu lấy trong trận hỏa hoạn.

Tháp tùng cùng ông còn có nghệ sĩ violon, Renaud Capuçon và diễn viên Philippe Torreton, tất cả trong trang phục bảo hộ chống chì. Dịch bệnh bùng phát đã làm cho công việc trùng tu nhà thờ bị đình trệ.

Tại Ba Lan, tuy không bị cấm, nhưng hầu hết các nhà thờ đều đóng cửa. Đề phòng dịch bệnh lây lan, chính phủ khuyến cáo tránh mọi cuộc tụ tập. Để tạo thuận lợi cho các tín đồ mùa lễ Phục Sinh, các buổi xưng tội được cử hành ngoài bãi đỗ xe khi tuân thủ mọi quy tắc về giãn cách xã hội.

Tại Mỹ, nếu như các nhà thờ tại đa số các bang tiến hành các thánh lễ qua video, tại một số bang, nhiều nhà thờ Tin Lành vẫn được phép mở cửa cho tín hữu đến dự thánh lễ bất chấp dịch bệnh hoành hành dữ dội.

Trọng Nghĩa

******************

Lễ Phục Sinh : Vatican đóng cửa do Covid-19, tín đồ xem thánh lễ qua truyền hình (RFI, 11/04/2020)

Kỳ lễ Phục Sinh năm nay thật đặc biệt với người Công Giáo. Do đại dịch Covid-19, nhà thờ, thánh đường ở rất nhiều nơi trên khắp thế giới đóng cửa. Giống như nhiều người khác, hàng trăm triệu tín đồ Công Giáo đang trong tình trạng sống cách ly, giãn cách xã hội, để phòng dịch. 

vatican2

Giáo hoàng Phanxicô chủ trì lễ rước Đường Thánh Giá tại quảng trường Thánh Phêrô, hoàn toàn không có công chúng tham gia cho dịch Covid-19, Vatican, ngày 10/04/2020. Reuters - POOL

Vatican trong kỳ lễ này cũng không mở cửa cho công chúng. Thông tín viên Éric Sénanque tường trình từ Roma :

"Vào thứ Sáu Tuần Thánh này của người Công Giáo, nghi thức Đường Thánh Giá truyền thống tại đấu trường Colosseum được thực hiện vào buổi tối ở quảng trường thánh Phêrô hoang vắng, với khu vực những hàng cột lớn mang tên nghệ sĩ Ý Bernin, hoàn toàn đóng cửa với công chúng. Chỉ có một vài tù nhân và một số thành viên trong giới y tế của Toà Thánh tham dự nghi thức vinh danh cuộc Khổ Nạn của chúa Giêsu. Đây là những người mà giáo hoàng Phanxicô chủ trương đưa lên vị trí hàng đầu năm nay. 

Vương cung thánh đường Thánh Phêrô hoàn toàn vắng người sẽ là nơi cử hành thánh lễ vào kỳ nghỉ cuối tuần này tại Vatican. Không khí này càng làm nổi bật hơn nữa tấm vóc kỳ vĩ của ngôi đền thờ lớn nhất thế giới. Tối thứ Bảy hôm nay, đối với lễ canh thức và Chủ Nhật, với thánh lễ Phục Sinh, và buổi lễ ban phép lành truyền thống urbi và orbi, giáo hoàng Phanxicô sẽ chỉ hành lễ với sự trợ giúp của một vài người. Đức Giáo hoàng cũng sẽ không lên ban công của thánh đường, như thường lệ. 

Trong khi đó, các nghi thức kỳ này sẽ phá kỷ lục về số lượng người theo dõi qua truyền hình, do hàng trăm triệu tín đồ hiện đang bị phong toả. Người khiếm thính sẽ có thể theo dõi tất cả các cuộc thánh lễ, do Vatican quyết định bố trí người phiên dịch sang ngôn ngữ điệu bộ. Tất cả các nghi thức sẽ được phát trên một kênh Youtube đặc biệt và trên TV 2000, một kênh truyền hình của Giáo Hội Ý".

Trọng Thành

********************

Covid-19 giúp Trung Quốc và Vatican xích lại với nhau (RFI, 10/04/2020)

Dịch Covid-19 có một hệ quả bất ngờ là đưa Trung Quốc xích lại gần Vatican. Tòa Thánh đã nhận được trang bị y tế do Trung Quốc gởi đến vài tuần sau khi Vatican gởi khẩu trang đến Bắc Kinh. Theo số liệu của đại học Mỹ Johns Hopkins, Vatican bị 8 ca nhiễm virus corona, trong đó có 2 ca đã khỏi bệnh. Trong một thông cáo hôm qua, 09/04/2020, Tòa Thánh đã gởi lời cảm ơn đến Bắc Kinh.

vatican3

Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá sau cánh cửa đóng kín tại nhà thờ thánh Phêrô, Vatican, Chủ Nhật 05/04/2020. POOL/AFP

Thông tín viên RFI tại Roma, Eric Sénanque, tường trình :

Hơn 500.000 khẩu trang loại dùng một lần, 27.000 găng tay phẫu thuật, 8.000 bộ quần áo và 6.000 cặp kính bảo hộ : Nhà Thuốc (tức cơ quan dược phẩm) của Vatican trong những ngày này đầy ắp những món hàng đến từ Trung Quốc.

Chuyến hàng đầu tiên đến cách đây 15 ngày nhờ hoạt động quyên góp của những người Công Giáo Trung Quốc với sự trợ giúp của hội Chữ Thập Đỏ tại chỗ. Hiệp hội Tiến Đức Công Ích (Jinde Charities), mạng lưới các hội từ thiện gắn liền với Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, có vai trò trung gian trong việc này.

Trung Quốc và Vatican không còn quan hệ ngoại giao từ năm 1951, nhưng Bắc Kinh và Roma, trong những năm gần đây, và đặc biệt là từ thời giáo hoàng Phanxicô, đã có những bước xích lại gần nhau. Đại dịch Covid-19 có dấu hiệu làm hai bên càng gần nhau thêm. Vào đầu tháng 2, trong lúc Trung Quốc là tâm dịch chính, Nhà Thuốc của Vatican đã cho gửi hơn 600.000 khẩu trang sang Trung Quốc.

Lần này, khẩu trang đến từ Trung Quốc đã được phân phát cho các bệnh viện Ý. Tòa Thánh vào hôm qua, 09/04, đã hoan nghênh "một cử chỉ hào phóng" và cám ơn người Công Giáo Trung Quốc, các định chế và tất cả các công dân khác ở Trung Quốc về sáng kiến nhân đạo này. Vatican đồng thời xác nhận lòng tôn trọng và những lời cầu nguyện của giáo hoàng dành cho họ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 432 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)