Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/05/2020

Điểm báo Pháp - Liên Hiệp Quốc là hiện thân cho sự rối loạn của thế giới

RFI tiếng Việt

Covid-19 : "Liên Hiệp Quốc là hiện thân cho sự rối loạn của thế giới"

Con đường ra khỏi phong tỏa tại Pháp tiếp tục là chủ đề lớn của các nhật báo Pháp ngày 30/04/2020, với nhiều góc độ khác nhau, sau kế hoạch vừa được thủ tướng đưa ra. Báo chí nói nhiều đến vấn đề quyền của người lao động, trước ngày 1/5, ngày Quốc tế Lao động nhưng sẽ không có tuần hành trên đường phố, do phong tỏa. Về quan hệ quốc tế, đáng chú ý có hồ sơ của Le Monde với chủ đề "Liên Hiệp Quốc, biểu tượng cho một thế giới hỗn loạn". 

lhq1

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an, New York, ngày 26/02/2020, trước khi Liên Hiệp Quốc tạm đóng cửa vì đại dịch Covid-19. AFP/Archivos

Hồ sơ của Le Monde bắt đầu với nhận định : đến cả Hollywood cũng không dự đoán trước được một tình trạng tê liệt đến mức như vậy. Trong bộ phim Contagion năm 2011, của đạo diễn Steven Soderbergh, với kịch bản một đại dịch tương tự như đại dịch hiện nay, các lãnh đạo thế giới đã phối hợp với nhau nhờ một hệ thống cầu truyền hình với công nghệ tân tiến, phản ứng kịp thời với đại dịch. 

Ai cũng biết, ngay từ khá sớm, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay là nghiêm trọng nhất đối với nhân loại kể từ năm 1945. Từ nhiều tuần trước đó, toàn bộ hành tinh đã rơi vào tình trạng náo loạn, virus corona mới khiến hàng chục nghìn người chết, hàng tỉ người phải sống trong tình trạng phong tỏa. Tuy nhiên, phải đến ngày 09/04, một cuộc họp qua cầu truyền hình đầu tiên về Covid-19 mới được tổ chức tại Hội đồng Bảo an. Không hề có bức ảnh nào về cuộc họp đựợc công bố ngoài một bức chụp lại từ màn hình đăng trên Tweeter của đại sứ Đức, người đã nỗ lực vận động để tổ chức cuộc họp này.

Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an tháng 4/2020 là Cộng hòa Dominica. Kết quả của cuộc họp đầu tiên về Covid-19 của Hội đồng Bảo an là một thông cáo báo chí, được đại diện của Cộng hòa Dominica đọc trong vòng 70 giây. "Hình ảnh mờ nhạt, đứt đoạn" của thông báo báo chí từ Hội đồng Bảo an hôm đó là "một biểu hiện sống động cho tình trạng chắp vá của cơ chế điều hành toàn cầu hiện nay". 

Trung Quốc ngăn chặn thảo luận về Covid-19

Vì sao Hội đồng Bảo an lại phản ứng chậm trễ như vậy ? Một điều rất rõ ràng là ngay từ đầu tháng 3/2020, Trung Quốc, với tư cách chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng, đã tuyên bố sẽ không tổ chức bất cứ thảo luận nào về đại dịch. Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun giải thích : không cần thiết phải tổ chức thảo luận, vì thế giới đang sắp sửa vượt qua dịch, "khi mùa xuân đến". Kết cục là trong tháng 3, Hội đồng Bảo an đã thảo luận về nhiều xung đột trên thế giới, nhưng lại không hề đả động đến đại dịch đang khiến toàn cầu chao đảo. Bắc Kinh đã tìm mọi cách đến ngăn cản các cường quốc "nhúng mũi vào dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và những bê bối của nước này trong việc xử lý dịch bệnh này".

Việc Trung Quốc làm chủ tịch luân phiên vào tháng 3 là yếu tố quyết định, nhưng lịch trình chủ tịch luân phiên là điều ngẫu nhiên trùng hợp. Le Monde lưu ý là sự bất đồng sâu xa khiến Hội đồng Bảo an bị tê liệt lại là điều không khó dự đoán, nếu nhìn vào xu thế suy yếu kéo dài của định chế tối cao của Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm bảo vệ an ninh toàn cầu. 

Thành phần hiện nay của Hội đồng Bảo an hiện nay không còn thể hiện cho sự cân bằng sức mạnh của thế giới như ba phần tư thế kỷ trước, "Hoa Kỳ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo" trong lúc "Trung Quốc chỉ coi cơ chế đa phương quốc tế, như một công cụ thống trị". Trong bối cảnh này, cuộc khủng hoảng Covid-19 chỉ là "chiếc kính phóng đại" làm cho toàn bộ thế giới thấy rõ hơn các bế tắc, mâu thuẫn xưa cũ như phân tích của nhà luật học Serge Sur, Đại học Panthéon - Assas, Paris. 

Theo nhà chính trị học Thomas Gomart (IFRI), kể từ khi xung đột Syria quốc tế hoá, từ năm 2014, Hội đồng Bảo an đã thể hiện rõ sự bất lực, với việc Trung Quốc và Nga liên tục sử dụng quyền phủ quyết. Định chế tối cao bảo vệ an ninh toàn cầu chỉ còn là nơi đối đầu giữa các đại cường. Sự tê liệt của Hội đồng Bảo an, sự rút lui của Mỹ, để lại nhiều khoảng trống cho Bắc Kinh. Nhà chính trị học Gomart chỉ ra sự mâu thuẫn của Hoa Kỳ và phương Tây nói chung, một mặt khẳng định vai trò của Liên Hiệp Quốc, mặt khác lại rút dần các đóng góp về tài chính.

Nỗ lực cứu vãn cơ chế đa phương

Chính trong bối cảnh này, Le Monde nhấn mạnh đến các nỗ lực ngoại giao của Pháp và một số ít quốc gia, cố gắng duy trì một số hợp tác tối thiểu. Trong hậu trường, tổng thống Pháp Macron đã nỗ lực vận động 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an ủng hộ sáng kiến của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngừng bắn toàn cầu, để tập trung vào dịch bệnh. Một nghị quyết không mang tính cưỡng chế, kêu gọi bảo vệ cơ chế đa phương, đoàn kết toàn cầu trước đại dịch, theo sáng kiến của 6 nước, trong đó có Na Uy, Ghana và Thuỵ Sĩ, đưa ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, được thông qua với 193 phiếu vào ngày 02/04, một tuần trước khi Hội đồng Bảo an nhóm họp về Covid-19. 

Hội đồng Bảo an hoàn toàn bất lực, Bắc Kinh ngăn chặn quốc tế tập hợp nỗ lực chung đối phó với đại dịch, nhưng tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới rất cần đến một cơ chế hợp tác đa phương. Cơ chế đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề rất cần đến sự chung tay của các thế lực đang trỗi dậy, để phục hồi và cải thiện. Theo Le Monde, không thể trông chờ ở việc cải tổ Hội đồng Bảo an, khả năng hành động hiện nay đang nghiêng về phía các thế lực khu vực, như Liên Âu, Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil, với sự tham gia mạnh mẽ của xã hội dân sự. Thiết lập được các liên minh đa dạng như vậy mới hy vọng có thể trả lời được các thách thức lớn của nhân loại hiện nay : Khí hậu, quyền con người, y tế.

Trung Quốc muốn "sang trang khủng hoảng"

Về Trung Quốc, Le Figaro hôm nay có hai bài viết đáng chú ý. Bài "Trung Quốc muốn sang trang khủng hoảng" cho biết Bắc Kinh vừa công bố sẽ họp Quốc hội thường niên vào ngày 22/05 tới, cuộc họp đầu tháng Ba bị dời lại do đại dịch. Tại Trung Quốc, nhiều người nhìn nhận đây là dấu hiệu tình hình đã trở lại bình thường. Việc Bắc Kinh triệu tập họp Quốc hội, sau nhiều thảo luận nội bộ, cho thấy chính quyền Trung Quốc tin tưởng là khống chế được dịch, và có thể bắt tay vào công cuộc chấn hưng kinh tế. 

Tuy nhiên, theo một nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh, không khí trong nội bộ chính quyền Trung Quốc vẫn "rất căng thẳng". Việc bắt giữ viên thứ trưởng Công an Tôn Lập Quân (Sun Lijun), được thông báo hôm Chủ Nhật 26/4, tiếp theo vụ bắt giam Nhậm Chí Cường, một thành viên nổi tiếng về các ý kiến khác biệt trong Đảng, cho thấy lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình không dễ dàng duy trì quyền lực độc tôn. 

Theo Le Figaro, vấn đề hàng đầu đối với lãnh đạo nhiều địa phương Trung Quốc hiện nay là không để bị Trung ương áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng quá cao, rất khó đạt được, do nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh, và sự thận trọng của người tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, mà Hắc Long Giang là một ổ dịch mới. Toàn bộ người từ bên ngoài vào Trung Quốc hiện vẫn phải cách ly. Hoạt động tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải vẫn còn chưa trở lại bình thường, với giao thông hiện chỉ bằng phân nửa so với trước.

Phương Phương : "Nạn nhân mới nhất của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc"

Nhà văn Phương Phương (Fang Fang), nạn nhân mới nhất của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là một bài viết đáng chú ý khác trên Le Figaro. Nhà văn Phương Phương, trở nên nổi tiếng, được ngưỡng mộ khắp nơi, cách nay ít tuần, với các ghi chép mô tả cuộc sống hàng ngày trong thời gian hai tháng phong tỏa tại Vũ Hán. Giờ đây, cũng nhà văn này đang trở thành đối tượng của các dòng Tweet đầy thù hận, đe dọa giết hại tại Trung Quốc. Những người lên án bà, gọi bà là "kẻ phản bội tổ quốc". 

Tại sao lại là phản bội tổ quốc ? Những dòng ghi chép thuật lại cuộc sống tại thành phố Vũ Hán bị phong toả của Phương Phương đi ngược lại với quan điểm mà chính quyền Trung Quốc đang muốn biến thành chính thức : đó là chính quyền đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh, và không hề có trách nhiệm gì về các thảm họa tại Vũ Hán, tại Hồ Bắc. Một blogger viết : "Chính quyền đã hết sức cố gắng với bên ngoài để khiến cho người dân Trung Quốc được trắng án, thế mà bà, với ngòi bút của bà, bà đã lôi cả đất nước xuống vực thẳm". 

Riêng việc tác phẩm của Phương Phương được dịch ra tiếng nước ngoài đã bị nhiều người lên án là phản bội. Hiện giờ nhà văn phải từ chối các phỏng vấn của mọi đài báo nước ngoài, để không cho những người thù hận có cớ để tiếp tục tấn công. Theo Le Figaro, từ nhiều tháng nay, chính quyền Trung Quốc đã để cho trỗi dậy một làn sóng dân tộc chủ nghĩa đầy thù hận nhắm vào phương Tây. 

Theo một giáo sư chính trị học Trung Quốc xin ẩn danh, thì để phủi bỏ nguyên nhân để dịch Covid-19 bùng phát là do Đảng, chính quyền Trung Quốc phải tìm mọi cách chĩa mũi ra bên ngoài. Theo ông, "chủ nghĩa dân tộc thù hận như vậy không phải là mới tại Trung Quốc, cái đặc biệt hiện nay là quyền lực tối cao của ông Tập Cận Bình phải được bảo vệ bằng mọi giá. Ông ta phải là người không được mắc sai lầm".

"Ba điều kiện để ra khỏi phong tỏa thành công"

Trở lại tình hình nước Pháp, với việc giai đoạn ra khỏi phong tỏa đầy gian nan, nhật báo Le Monde chú ý đến việc thủ tướng Edouard Philippe đưa ra hàng loạt các điều kiện để bảo đảm một làn sóng dịch thứ hai không xuất hiện. Xã luận Le Monde có bài "Ba điều kiện để ra khỏi phong tỏa thành công" nhấn mạnh đến ba chủ thể chính : Chính quyền, đại diện dân cử địa phương và các công dân.

Về phía chính quyền, cần bảo đảm cung cấp các phương tiện thiết yếu bảo đảo an toàn, khẩu trang, xét nghiệm, việc sử dụng xét nghiệm cũng như việc truy tầm người nhiễm virus, tổ chức cách ly phải tuân thủ các khuyến cách của giới khoa học. Các dân biểu địa phương có vai trò hỗ trợ rất lớn, đặc biệt trong việc tổ chức mở lại các trường học. Các công dân bình thường có vai trò quyết định trong việc tuân thủ các khuyến cáo về bảo đảm an toàn y tế, những người bị nhiễm virus thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp. Tóm lại, tất cả phải cùng nỗ lực, không thể trông đợi mọi thứ từ Nhà nước. 

Bất bình vì bị chính quyền coi nhẹ

Trong khi đó, bài xã luận của Le Figaro, với tựa đề "Trách nhiệm tập thể", tỏ ra rất bất bình với thái độ bị coi là khinh thường của chính quyền đối với 60 triệu người dân Pháp, với rất nhiều khuyến cáo, khuyến nghị, trong lúc bản thân chính quyền không chuẩn bị và cung cấp các phương tiện cần thiết, đặc biệt là khẩu trang, xét nghiệm, phương tiện định vị người nhiễm virus.

Theo Le Figaro, chính quyền không cần phải dạy khôn người dân, không cần phải nhắc đi nhắc lại là cần học cách sống chung với virus, bởi từ 45 ngày nay, cả ngày lẫn đêm, trên tất cả các phương tiện truyền thông, mọi người "đã phải sống chung với thực tế đáng nguyền rủa này".

Tóm lại, Le Figaro kết luận, công dân Pháp là "những người tự do và có trách nhiệm", và họ chắc chắn "sẽ chung sống được với virus, trong cuộc sống kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo". Vẫn Le Figaro dẫn kết quả thăm dò dư luận do Odoxa-Dentsu Consulting thực hiện, cho biết 55% không tin vào chính phủ sẽ dẫn dắt thành công việc ra khỏi phong tỏa (giảm 7% so với tuần trước).

Về phần mình, La Croix, trong bài xã luận "Đức tin sau ngày 11/05", phàn nàn về việc chính phủ sẽ chỉ cho phép các hoạt động tín ngưỡng nối lại từ ngày 02/06. Nhật báo công giáo phê phán thái độ thiếu coi trọng của chính quyền đối với các tôn giáo, cụ thể là với những tín đồ Công giáo mộ đạo, "hiện chỉ còn là một thiểu số nhỏ trong xã hội Pháp".

Tuy nhiên, La Croix cũng nhấn mạnh là các tín đồ Công giáo, thay vì phẫn nộ, hãy coi đây là dịp để chứng tỏ đức tin. Không nhất thiết phải tổ chức thánh lễ trong thời gian trước 02/06. Đây cũng là một cơ hội để bày tỏ tình huynh đệ, sự chia sẻ, với những người đang trong cảnh ngộ khó khăn, những ai đang phải sống cô đơn. 

Ngày Quốc tế Lao động : "Hỡi những người lao động từ xa… !" 

La Croix chạy tựa trang nhất : "Sự trở lại của lao động và vai trò của các nghiệp đoàn". Hồ sơ chính của nhật báo công giáo chú ý đến việc hôm nay, các nghiệp đoàn gặp thủ tướng để thảo luận về các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn y tế cho người lao động, một khi các hoạt động sản xuất được nối lại kể từ ngày 11/05.

Trang nhất nhật báo thiên tả Libération chạy tựa "Ngày mùng Một tháng 5 phong tỏa. Hỡi các nam nữ lao động từ xa…" như một lời hiệu triệu (mang âm hưởng "Quốc tế ca") trên nền đỏ rực, với cánh tay vung lên, bàn tay nắm chặt bàn phím, như một vũ khí tranh đấu. Libération đặc biệt chú ý đến việc chế độ làm việc từ xa trở nên phổ biến, nhờ các tiến bộ công nghệ mang lại nhiều lợi thế, nhưng cũng tạo ra nhiều lạc hướng gây bất lợi cho người lao động.

Bài xã luận của Libération và chùm bài đầu số báo dành trọn vẹn cho chủ đề này. Trong số báo hôm nay có bài phỏng vấn nhà xã hội học lao động Danièle Linhart, về nguy cơ lao động từ xa "có thể tạo nên bầu không khí lo sợ, bất lợi cho các hoạt động sáng tạo, vốn cần đến không khí tập thể". 

Pháp tăng cường bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược

Tựa trang nhất của Les Echos là "Sự trở lại của chủ nghĩa yêu nước kinh tế". Chủ đề chính của nhật báo kinh tế hôm nay là "Bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược của nước Pháp" trước các đe dọa thôn tính của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định mới của chính phủ Pháp, đưa ra hôm 29/4, ngưỡng tối đa của đầu tư nước ngoài, không thuộc các nước Châu Âu, giảm từ 25% trước đây xuống còn 10%, tính cho đến cuối năm nay. Các doanh nghiệp công nghệ sinh học cũng được xếp vào nhóm chiến lược. 

Trên cấp độ Châu Âu, chủ thuyết về đầu tư nước ngoài cũng đang thay đổi nhanh chóng, trong bối cảnh đại dịch. Cuối tháng trước, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên gia tăng bảo vệ "an ninh và chủ quyền kinh tế". Tuy không nói rõ, nhưng Trung Quốc là đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, siết chặt quy định với đầu tư nước ngoài không có nghĩa là rơi vào tình trạng bảo hộ chủ nghĩa, chống lại toàn cầu hoá. Hôm qua, bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh là cuộc khủng hoảng này không khiến toàn cầu hóa chấm dứt, mà vấn đề là "điều chỉnh" tiến trình này. Hiện tại có khoảng 2 triệu người làm công ăn lương tại Pháp làm việc cho các công ty nước ngoài.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)