Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/05/2020

Điểm báo Pháp - Hậu phong tỏa : nhất thiết phải mở lại trường học

RFI tiếng Việt

Pháp thời hậu phong tỏa : Vì sao nhất thiết phải mở lại trường học ?

Covid 19 tiếp tục là chủ đề chính trên trang bìa các tuần báo ra vào giữa tháng 5/2020, với trọng tâm chú ý là giai đoạn "hậu phong tỏa" trên L’Express và Le Point, trong lúc L’Obs, Courrier International và The Economist mở rộng tầm nhìn ra toàn bộ thời kỳ có thể gọi là "hậu Covid-19".

confinement1

Một lớp học tại trường tiểu học Simone Veil ở Nice, miền nam nước Pháp, nhân ngày học đầu tiên hôm 13/05/2020 sau hai tháng đóng cửa vì dịch Covid-19. Reuters - Eric Gaillard

Trang bìa L’Express tuần này nêu bật một biện pháp biểu tượng của thời kỳ hậu phong tỏa tại Pháp : Mở cửa lại các trường học. Ngay dưới hàng tựa nhỏ : "Vì sao nhất thiết phải mở lại các lớp học", L’Express chạy một tít lớn trên hai hàng như để trả lời cho câu hỏi đặt ra : "Trường học cũng vậy, cũng là một nhu cầu sống còn !".

Trường học góp phần giảm bất bình đẳng xã hội

Đối với tạp chí Pháp, cho dù nguy cơ dịch bệnh Covid-vẫn còn, các lớp học cần phải được cấp tốc mở lại vì rất nhiều lý do hoàn toàn chính đáng, để đấu tranh chống lại tình trạng bất bình đẳng trong xã hội cũng như trong giáo dục. Dĩ nhiên là chính quyền phải có những biện pháp phòng ngừa y tế cần thiết.

L’Express đã dành một hồ sơ sáu trang cho việc phân tích những lý do vì sao cần phải đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của các giáo viên, giới làm công tác giáo dục, lãnh đạo các hiệp hội. Đối với những người này, trường lớp là cái phao cấp cứu đối với với các thiếu niên đang gặp khó khăn, cả về học vấn lẫn tâm lý, là nơi để lắng nghe và giúp đỡ các em trong trường hợp cần thiết.

Một thông tri mới đây của Bộ Y tế Pháp, căn cứ vào vô số các nghiên cứu trong nước và ngoài nước, đã xác định rằng do tình trạng phong tỏa, sức khỏe của hàng triệu trẻ em đang bị đe dọa, đặc biệt là những em phải sống trong những gia đình nghèo khó, nhà cửa chật chội, thiếu kết nối internet nên không thể học từ xa.

Tạp chí Pháp đã trích dẫn các chuyên gia theo dõi các vấn đề y tế cảnh báo : "Việc bị cắt đứt với một môi trường giáo dục, đồng thời là môi trường sống, có thể có tác hại trước mắt và lâu dài đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất [...]. Các tầng lớp bấp bênh nhất về kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và điều đó sẽ có hậu quả không tốt cho sự phát triển và sức khỏe của con cái họ, đào sâu thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội vốn đã rất cao."

L'Express đã ghi nhận lời chứng của một giáo viên vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô bắc Paris, nơi có đến 28% cư dân sống dưới ngưỡng nghèo khó, cho biết là đối với các em học sinh thuộc các gia đình khó khăn, bữa ăn tại căng tin nhà trường là bữa ăn có chất lượng duy nhất trong ngày.

Một giáo viên khác, cũng giảng dậy ở vùng ngoại ô bắc Paris thì nêu lên thảm cảnh của nhiều em mà việc sống ở nhà "đồng nghĩa với bất hạnh", với việc các em bị bố mẹ đánh đập, trong khi mà trường học chính là nơi mang lại hạnh phúc cho các em.

Ngoài ra còn có tình trạng các em phải bỏ bê việc học vì không thể học từ xa do không có phương tiện vi tính hay kết nối Internet. Thực tế là hiện vẫn có 15% dân Pháp không có Internet.

Đó là chưa kể đến các vấn đề tâm lý, như học một mình ở nhà rất buồn chán, hay sinh lý như các tình trạng lạm dụng màn hình, tăng cân, rối loạn giấc ngủ…

Nước Pháp thời hậu Covid-19 sẽ vươn dậy như thế nào

Tuần báo Pháp Le Point cũng dành trang bìa cho nước Pháp, nhưng nhìn dưới góc độ lịch sử cận và hiện đại.

Bên cạnh một bức ảnh của tướng De Gaulle, là các con số biểu thị cho bốn năm trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước Pháp, 1871, 1919, 1945… và 2020 ? Ý nghĩa chuỗi con số này đã được làm rõ trong hàng tựa lớn : "Nước Pháp đã vươn dậy trở lại như thế nào".

Theo Le Point, trong lịch sử cận đại của nước Pháp, sau mỗi lần bị tàn phá nặng nề, chủ yếu là do chiến tranh, chính quyền Pháp và người dân Pháp đã biết đoàn kết một lòng để khôi phục lại đất nước, như vào năm 1871 sau khi Pháp bị thua trong cuộc chiến với đế quốc Phổ, tiền thân của nước Đức ngày nay, hay vào năm 1919, sau Đệ Nhất Thế Chiến, hoặc năm 1945, sau Đệ Nhị Thế Chiến, với sự giúp đỡ một phần của Hoa Kỳ.

Tình hình 2020 sau Covid-19 cũng tệ như 1945, sau Thế Chiến II

Thế còn năm 2020 này thì sao ? Đối với tạp chí Pháp, với dịch Covid-19, cho dù bộ máy sản xuất và cơ sở hạ tầng của Pháp không bị bất kỳ thiệt hại nào, nhưng tình hình hiện tại có thể gợi lại những khó khăn mà nước Pháp đã gặp phải vào năm 1945.

Hiện nay, Nhà nước Pháp bị lâm vào tình trạng bị nợ tối đa, trong lúc các ngân quỹ đều trống rỗng, sự yếu kém về kinh tế của nhiều doanh nghiệp nhỏ là điều hiển nhiên, trong lúc tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết xây dựng một Nhà nước-Phúc Lợi kiểu mới.

Đối với Le Point, tương tự như vào năm 1945, vấn đề đặt ra không chỉ khôi phục nền kinh tế truyền thống, mà còn phải chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là bảo vệ các ngành công nghiệp của ngày mai như trí tuệ nhân tạo, 5 G, cáp quang học... Để làm điều này, Pháp có thể vay tiền của Châu Âu, định chế sẽ đóng vai trò của người Mỹ vào năm 1945.

Tuy nhiên, theo Le Point, hiện nay có hai câu hỏi chưa có lời giải đáp. Thứ nhất là liệu trong nước Pháp ngày nay đã có hay chưa một ý chí chung là phải xóa bỏ cái cũ để "đại tu mô hình kinh tế và xã hội" như vào năm 1945 ? Câu hỏi thứ hai là liệu người Pháp ngày nay có sẵn sàng "xắn tay áo" lao vào công cuộc khôi phục đất nước với tinh thần kỷ luật từng được các nhà sử học nêu bật hay không?

"Thế giới hôm sau" qua ba câu hỏi

Chủ đề Covid-19 cũng xuất hiện một cách gián tiếp trên trang bìa tạp chí L’Obs, nhưng liên quan đến cuộc sống con người trong thế giới hậu Covid-19, một vấn đề hết sức triết lý.

Chen vào giữa hàng tựa lớn trang bìa "Thế giới hôm sau - Le Monde d’après" - tức là thế giới thời hậu Covid-19 - tạp chí L’Obs đã xen vào hai câu hỏi nhỏ "Ta giữ cái gì ?" và "Ta bỏ cái gì". Ở trang trong, có thêm câu hỏi thứ ba "Ta sáng tạo cái gì ?".

Tạp chí Pháp giải thích rằng ba câu hỏi kể trên đã được triết gia Pháp Bruno Latour đặt ra gần đây khi ông suy nghĩ về bộ mặt của "Thế giới hôm sau", sau những biến động trong cuộc sống do dịch Covid-19 gây nên.

Trong bối cảnh trong hai tháng qua, trên báo chí cũng như trên mạng xã hội đã xuất hiện biết bao phân tích, ý kiến về những bài học cần rút tỉa, những điều cần thay đổi sau đại dịch, tạp chí Pháp đã chuyển ba câu hỏi của triết gia Latour cho các kinh tế gia, khoa học gia, những lãnh đạo công đoàn hay chính khách… với đề nghị trả lời.

Trong số những người được hỏi có các tên tuổi như nhà kinh tế Thomas Piketty, cựu bộ trưởng môi trường Pháp Nicolas Hulot, hay nữ thủ tướng Iceland…

Covid-19 biến các nhà dịch tễ học thành "siêu sao"

Riêng về dịch Covid-19, tạp chí L’Obs nêu bật sự ưu ái dành cho các nhà khoa học mà tờ báo cho là đang trở thành các "siêu sao".

Trong một hồ sơ dài 4 trang, L’Obs trích dẫn triết gia Pháp Elodie Giroux ghi nhận : "Xã hội chúng ta có xu hướng tôn vinh những cá nhân và xu hướng này đang mạnh hẳn lên hiện nay vì người ta cần đến những anh hùng vào lúc có khủng hoảng".

Thế nhưng, tạp chí Pháp lại thấy rằng đây là một nghịch lý vì biến khoa học thành những câu chuyện về các cá nhân anh hùng thì quả là phi lý. Nhìn về lịch sử khoa học thì đây là một bước lùi vì các bộ môn chuyên ngành ngày nay hơn bao giờ hết đều là những công trình tập thể.

Hiện tượng lại càng đáng ngạc nhiên hơn vì người ta đang chứng kiến sự phục thù của dịch tễ học, một ngành mà cho đến nay không mấy được tôn vinh.

Nữ bác sĩ Anne-Marie Moulin, cũng là một triết gia đã nhận xét một cách hóm hỉnh : "Dịch tễ học từng không được xem như một ngành khoa học vẻ vang, vì bị đánh giá là quá gần với khoa học xã hội và không dẫn đến nhiều khám phá lớn. Thế nhưng vào lúc này, các nhà dịch tễ học đột nhiên xuất hiện như những nhà khoa học lớn".

Bây giờ họ đã trở nên những chỉ huy trưởng của đội ngũ y tế đang ở tuyến đầu chống dịch. Tại Pháp, những người lính thì được vỗ tay hoan hô lúc 20 giờ, còn các chỉ huy thì được người ta tôn sùng.

Thành phố thời hậu Covid-19 sẽ ra sao ?

Tương tự như đồng nghiệp L’Obs, tạp chí Pháp Courrier International tuần này cũng dành hồ sơ chính cho thời kỳ hậu Covid-19, nhưng khai thác khía cạnh "Thay đổi các thành phố" như thế nào.

Đối với Courrier International, các đô thị lớn là những nơi bị dịch Covid-19 tác hại nhiều nhất, do đó cần phải được thiết kế lại sao cho dễ sống hơn trở lại. Và vấn đề không đơn giản vì phải suy nghĩ lại từ những khâu nhà ở, chuyên chở công cộng, cho đến khâu đô thị hóa nói chung.

Goodbye toàn cầu hóa ?

Còn The Economist thì chú ý đến một hậu quả của đại dịch Covid-19 được thường xuyên nhắc tới từ hơn hai tháng qua.

Dưới hàng tựa lớn trang bìa "Goodbye toàn cầu hóa", tuần báo Anh cảnh báo về "mồi nhử nguy hiểm của sự tự cung tự cấp".

Tài phiệt vùng Vịnh thủ lợi nhờ dịch bệnh

Dịch Covid-19 đã gây tác hại ghê gớm cho kinh tế nhiều nước trên thế giới, nhưng không phải ai cũng thiệt. Theo L"Express, dịch do virus corona gây nên lại là "của trời cho" cho giới tài chính vùng Vịnh : Trong lúc phần lớn các công ty xí nghiệp thế giới gặp nhiều khó khăn, một số gần kề phá sản, thì các quỹ đầu tư vùng Vịnh xoa tay mừng rỡ.

Dù rất ít được quảng đại quần chúng biết đến, các quỹ khổng lồ này, do các vương quốc dầu lửa điều hành, nắm hàng trăm tỷ đô la tích sản, và dĩ nhiên đã lợi dụng tình trạng thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ, mất đi 20% trong vòng vài tuần.

Một số công ty, như ở Châu Âu và Mỹ đã thấy giá trị của mình tuột giảm 50% có khi 60%, trở thành những miếng mồi ngon dễ bắt và Quỹ Đầu tư Nhà nước Saudi Arabia (Public Investment Fund-PIF) đã nhanh chóng lộ mặt.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 542 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)