Tuổi trẻ thế hệ corona : nạn nhân của khủng hoảng kinh tế
Đa phần chủ đề trên báo Pháp hôm nay ít nhiều lồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 : từ diễn văn của tổng thống Pháp tối Chủ Nhật cho đến thời sự Hoa lục, Hồng Kông. Nạn nhân bất hạnh nhất là tuổi thanh niên Pháp, vừa tốt nghiệp đúng vào lúc kinh tế suy thoái vì con siêu vi xuất phát từ Vũ Hán.
Thiện nguyện viên tổ chức tương tế Secours Populaire phân phát thực phẩm và đồ y tế cho sinh viên trước cửa đại học Paris VIII, vùng Saint-Denis, gần Paris, Pháp, ngày 06/05/2020 AFP - THOMAS SAMSON
Nước Pháp một màu xanh
Thông điệp của tổng thống Pháp tối Chủ Nhật là chủ đề thời sự số một của báo chí phát hành sáng hôm nay 15/06/2020.
Le Figaro tóm lược ý chính qua các tựa : Nước Pháp trở thành màu xanh (bản đồ). Macron phác họa con đường mới. Sang trang nhưng không quên siêu vi còn đó. Khẩu trang đề phòng dịch tái phát đợt hai. Về ý nghĩa chính trị, nhật báo thiên hữu chú ý : tổng thống ủng hộ lực lượng cảnh sát.
Nhật báo công giáo La Croix cũng chạy tựa : Macron tăng tốc sang trang giai đoạn phong tỏa. Trừ Guyanne và đảo Mayotte, nơi siêu vi còn mạnh, toàn lãnh thổ nước Pháp biến thành màu xanh. Diễn dịch cụ thể : kể từ thứ Hai, tất cả nhà hàng, quán cà-phê hoạt động bình thường. Học sinh cấp một, cấp hai đi học trở lại từ 22/06 cho đến ngày bãi trường 04/07.
Thông điệp thứ hai : Chính phủ đầu tư dồi dào cho giáo dục, huấn nghệ và tạo công ăn việc làm cho giới trẻ .
Nhật báo kinh tế Les Echos trích một câu tuyên bố làm tựa : Macron xác quyết tái xây dựng kinh tế. Bên cạnh lời xác quyết này là hai sự kiện báo động : Hệ thống trợ cấp hưu trí thâm thủng gần 30 tỷ euro. Công ty hỏa xa SNCF thất thu 4 tỷ. Tất cả cũng vì con siêu vi corona.
Tuổi trẻ 2020 : Thế hệ corona, nạn nhân của khủng hoảng kinh tế
Đó là tựa bài xã luận của Le Monde. Thế hệ corona bước vào thị trường lao động vào lúc đại dịch Covid-19 làm kinh tế Pháp suy yếu, nạn thất nghiệp gia tăng. Một số sinh viên tốt nghiệp nhưng tiếp tục học thêm. Một số khác quyết định bước vào cuộc đời đúng vào thời điểm khó khăn nhất.
Điều an ủi là khác với năm 2008, lần này chính phủ phản ứng nhanh. Một biện pháp cụ thể là trợ cấp 200 euro mỗi tháng cho 800.000 thanh niên có hoàn cảnh mong manh. Biện pháp hiệu quả bảo vệ người lớn tuổi chống siêu vi là "phong tỏa sinh hoạt". Nhưng cứu mạng thế hệ này lại gây tổn hại cho tương lai thế hệ kia. Đời sống và tương lai thế hệ trẻ đột nhiên u ám : năm học xáo trộn, chương trình tập huấn bị đình chỉ, bước đầu sự nghiệp bị khó khăn, đồng lương tuyển dụng bị hạ thấp... Điều may mắn cho thế hệ corona là mối ưu tư cho tương lai được chia sẻ từ trên thượng tầng Nhà nước, đối lập chính trị và nghiệp đoàn.
Tuy nhiên, bao nhiêu đó chưa đủ. Theo Le Monde, hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ này cần một dự án tương lai cụ thể, không bỏ sót một ai, không bỏ quên mối ưu tư về môi trường sạch. Khủng hoảng Covid-19 phải là cơ hội phác họa một mô hình xã hội mới.
Trung Quốc : Vì sao Tập Cận Bình theo vết xe đổ của Liên Xô ?
Về thời sự Trung Quốc, trước hết là thông tin siêu vi corona lây nhiễm trong khu chợ thực phẩm, 57 người bị lây nhiễm : Bắc Kinh khẩn trương đương đầu với ổ dịch mới. Libération và Les Echos cùng một tựa. Nhật báo kinh tế bình luận thêm : Sự kiện này làm dấy lên mối lo ngại dịch tái phát. Đó là một hiệu ứng xấu đối với chế độ cộng sản Trung Quốc mà trong nhiều tuần qua đã lớn tiếng quảng cáo về hiệu năng chống dịch của họ là số 1 thế giới.
Còn theo giáo sư chính trị Dominique Moïsi, vụ khủng hoảng corona còn cho thấy Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng "xô viết" hóa, theo nghĩa đi vào bế tắc.
Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc về Hồng Kông trong lúc đại dịch không khác chi với hành động của Liên Xô đưa xe tăng đàn áp phong trào dân chủ tại Budapest vào năm 1956 trong lúc cộng đồng quốc tế đang lo âu về cuộc khủng hoảng tại kinh đào Suez.
Tập Cận Bình xem đại dịch corona là cơ hội tốt để tước đoạt quy chế tự trị của Hồng Kông, như Liên Xô năm 1956 xem khủng hoảng kinh đào Suez là cơ hội để đàn áp ở Hungary.
Cũng Liên Xô với chính sách đối ngoại ngạo mạn : "Cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì của anh thì chúng ta cùng đàm phán", Trung Quốc ngày nay cũng theo chiến thuật này. Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại quên nguyên tắc khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình ?
Khủng hoảng corona giúp cho giới quan sát thấy rõ xu thế "xô viết hóa" của Trung Quốc. Thời trước, Liên Xô tan rã vì không đủ sức mà vẫn chạy đua vũ trang với Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế và giữ thái độ khiêm tốn. Bây giờ Trung Quốc quên đi thành công kinh tế là nhờ mở cửa và có qua có lại. Trung Quốc ngày nay ỷ mạnh đe dọa trừng phạt nước Úc yếu hơn nhưng sinh viên Trung Quốc rất cần đại học Úc để trao dồi kiến thức.
Một trong những yếu tố làm cho Hy Lạp cổ bị sụp đổ là thái độ kiêu căng. Trung Quốc không phải là Liên Xô nhưng thái độ ngày càng giống chính sách ngạo mạn của Liên Xô trước khi sụp đổ, Giáo sư Dominique Moïsi kết luận.
Một cách cặn kẽ, Les Echos còn dành một bài phân tích tình trạng thất nghiệp trầm kha, môt đạo quân vô công rổi nghề, thật sự là một trái bom nổ chậm đe dọa chế độ.
Trung Quốc : Chế độ Mafia
Le Figaro cũng có nhiều bài phê bình chính sách kềm kẹp của Trung Quốc : Phong trào dân chủ Hồng Kông đứng trước ngã ba đường. Một năm sau đợt biểu tình khổng lồ chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh, các nhà tranh đấu lo ngại sẽ bị đạo luật an ninh của Trung Quốc bịt miệng. Họ tự hỏi phải chọn một chiến lược nào ?
Câu trả lời của ngân hàng HSBC là "theo Trung Quốc". Ngân hàng tư nhân được thành lập cách nay 150 năm bị Trung Quốc bắt làm con tin, đó cũng là tựa của bài báo thứ hai. Bắc Kinh không tha HSBC vì đã cung cấp bằng cớ tố giác con gái của chủ nhân tập đoàn Hoa Vi là Mạnh Vãn Châu, móc ngoặc với Iran.
Trả lời phỏng vấn nhật báo thiên hữu, cựu toàn quyền Hồng Kông Christ Patten kêu gọi các chế độ dân chủ đoàn kết chống Đảng cộng sản Trung Quốc mà ông gọi là "chế độ Mafia". Theo vị toàn quyền cuối cùng của Hồng Kông, những nhà tranh đấu cho dân chủ như luật sư Lý Trụ Minh (Martin Lee) đang đi theo dấu chân của Nelson Mandela, của Martin Luther King. Họ mới là những người hùng đi vào lịch sử chứ không phải Tập Cận Bình và băng đảng xã hội đen.
Trở lại diễn văn của tổng thống Pháp, có lẽ cần phải dành phần cuối mục điểm báo hôm nay cho Libération với những bài phê bình chua cay nhất so với các đồng nghiệp : Macron tự khen Macron. Trên các hồ sơ bốc lửa, tổng thống Macron không phủ nhận có nạn kỳ thị nhưng ông xác định lập trường trật tự và ái quốc, dứt khoát không nhượng bộ những người xuống đường chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát. Theo nhật báo thiên tả, thái độ của tổng thống Pháp không có gì là mới hay độc đáo. Đó chỉ là tính toán chính trị trong bối cảnh đất nước âu lo và phe cực hữu đang khởi sắc.
Tú Anh