Châu Âu bắt đầu cứng rắn với Trung Quốc
Bên cạnh mối quan tâm chính là các chủ đề về thúc đẩy các hoạt động khôi phục kinh tế trong nước sau dịch, các báo Pháp hầu hết đều chú ý đến cuộc đối thoại thượng đỉnh qua video giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu với thủ tướng và chủ tịch Trung Quốc hôm 22/06/2020. Cũng giống như hầu hết các tờ báo khác, nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Châu Âu cao giọng trước Trung Quốc".
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Trung Quốc tại Bruxelles (Bỉ), ngày 22/06/2020. Reuters - Yves Herman
Trong cuộc họp thượng đỉnh qua video kéo dài 1 giờ này, Châu Âu đã không khách sáo che giấu thất vọng về quan hệ hai bên và thẳng thắn hiếm thấy nêu với Bắc Kinh các vấn đề "nhạy cảm" mà trước đó người ta vẫn thấy EU né tránh, sợ làm mếch lòng Trung Quốc. Theo Les Echos, trong lúc Bruxelles triển khai các chính sách cảnh giác hơn đối với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng virus corona và tình hình tồi tệ đi ở Hồng Kông càng làm quan hệ hai bên thêm dè chừng nhau hơn.
Trong cuộc hội đàm cấp cao này, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã có lời lẽ "đặc biệt cứng rắn với lãnh đạo Trung Quốc về các vấn đề an ninh mạng, quan hệ kinh tế, nhân quyền, quy chế về Hồng Kông cũng như về vấn đề khí hậu".
Nhìn chung, các lãnh đạo Châu Âu đều tỏ thất vọng. Châu Âu nhận thấy quan hệ hai bên thiếu sự qua lại và bây giờ không cần vội thúc đẩy, mà phải thay đổi trước về chiều sâu.
Việc Bắc Kinh thắt chặt quản lý Hồng Kông cũng khiến "Liên Âu tỏ lo ngại về một nước Trung Quốc ngày càng trở nên ngạo mạn và hung hăng", tờ báo nhận xét. Chính vì thế mà chủ tịch Hội Đồng Châu Âu nhấn mạnh đến mối "lo ngại sâu sắc" về nguyên tắc một đất nước 2 chế độ với Hông Kông đang bị đe dọa. Bà Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thì khẳng định "với Châu Âu, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là không thể thương lượng".
Les Echos nhận thấy, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhiều năm qua Châu Âu đã tích tụ khá nhiều thất vọng. "Từ giờ trở đi EU bắt đầu triển khai chiến lược phòng thủ rõ nét hơn trước Bắc Kinh" và, "trong khi tìm kiếm mối quan hệ tương tác có tính xây dựng với Bắc Kinh về nhiều chủ đề đa phương, Châu Âu giờ dường như đang quyết tâm nâng tầm cuộc chơi trước một đối tác từ giờ được đánh giá là đối thủ mang tính hệ thống", nhật báo kinh tế nhận định.
Đây là một sự thay đổi rõ rệt, không chỉ giọng điệu, mà còn cả về chiến lược với Trung Quốc của Liên Âu vốn trước đây vẫn bị đánh giá là nhu nhược và bất lực trước Bắc Kinh. Vấn đề còn lại là để xem từ lời nói đến hành động thực tế như thế nào trong khi mà Liên Âu vốn vẫn có điểm yếu là thiếu đoàn kết và thiếu các phương tiện gây áp lực.
Trong khi đó, "Trung Quốc của Tập Cận Bình trước tiên vẫn nhìn vào mối quan hệ dựa trên sức mạnh với câu hỏi Bắc Kinh luôn đặt ra : Đối thủ có cách nào để trừng phạt chúng ta ?". Theo như phân tích của chuyên gia về Trung Quốc của Pháp François Godement, trong bài trả lời phỏng vấn trên Les Echos, cũng về chủ đề cuộc đối thoại EU – Trung Quốc.
Covid-19 chưa bị đẩy lùi mà còn lăm le quay lại
Liên quan đến đại dịch Covid-19, các thông tin đang trở lại đầy lo lắng trên các báo. Trong khi dịch đang dần được đẩy lùi ở Châu Âu, đa phần các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang theo đuổi các kế hoạch giải tỏa và mở lại cửa biên giới, ở nhiều nơi tiến triển của dịch vẫn đầy lo ngại đặc biệt sự xuất hiện trở lại ổ dịch lớn trong lò mổ ở Đức.
Thông tin được hầu hết các báo đăng tải với đầy lo ngại. Le Monde đưa tin "hơn 1300 ca nhiễm virus corona phát hiện tại lò mổ Gustersloh đang gây lo ngại ở Đức, khiến những người ủng hộ giải tỏa nhanh phải suy nghĩ lại". Theo Le Monde, từ đầu dịch đến nay nhiều lò mổ được xác định là những ổ Covid-19 ở Đức. Nhưng trường hợp mới phát hiện lần này gây lo ngại đặc biệt. Trước hết, đó là lò giết mổ gia súc lớn nhất Châu Âu. Thứ hai là số lượng ca nhiễm rất lớn. Đến ngày 21/06, tức 4 ngày sau khi phát hiện ổ dịch, tại lò mổ này đã ghi nhận được hơn 1.300 ca nhiễm trên tổng số gần 7.000 nhân viên của công ty. Cuối cùng, bởi vì đây là lần đầu tiên sau hai tháng gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trong cả nước, chính quyền Đức đặt vấn đề có thể cho phong tỏa trở lại vùng dịch.
Trong khi đó xã luận báo La Croix kêu gọi "Cảnh giác", nhất là với nước Pháp. Đại dịch Covid-19 đúng là có vẻ chững lại ở Châu Âu. "Mong muốn lớn của mọi người đều là sang trang giai đoạn khó khăn. Bối cảnh chung khiến người ta nghĩ rằng dịch đã tắt. Trẻ em đã trở lại trường học, rạp phim mở cửa lại, các công ty lớn đẩy nhanh nhịp độ trở lại. trong các bệnh viện, các con số tử vong và người nhập viện cũng đã thuyên giảm".
Thế nhưng virus vẫn lan truyền, ở Pháp và Châu Âu, đặc biệt là nhiều nơi khác. Tổ chức Y tế Thế giới đầu tuần này đã cảnh báo "đại dịch tiếp tục tăng tốc trên thế giới". Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê giờ là tâm dịch, ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, dịch vẫn còn hoành hoành, ở Trung Quốc bóng ma về làn sóng dịch thứ hai đang hiển hiện. Châu Phi dường như tránh được đại họa nhưng vẫn còn đó nỗi lo….
Xã luận tờ báo nhấn mạnh, phải luôn đề cao cảnh giác, nhất là khi "giả thuyết về dịch trở lại vào mùa thu đã được hội đồng khoa học của chính phủ Pháp nhận định là rất có khả năng xảy ra. Chúng ta vẫn phải sống chung với Covid -19".
Lại thêm nghịch lý trong cuộc chiến chống dịch ở Pháp
Vẫn liên quan đến chủ đề dịch virus corona, báo công giáo có bài viết "Hàng triệu test PCR không sử dụng sắp sửa không thể dùng được". Sau một giai đoạn khan hiếm xét nghiệm vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch, giờ đây các xét nhiệm ở Pháp lại rơi vào khủng hoảng thừa, có nguy cơ vút bỏ vào thùng rác. Tờ báo cho hay, vì dịch Covid-19 thuyên giảm, nhu cầu xét nghiệm bệnh thấp hơn rất nhiều với mục tiêu đề ra của chính phủ là làm từ 700 nghìn xét nghiệm PCR mỗi tuần. Hàng triệu mẫu sinh phẩm xét nghiệm giờ nằm im trong các tủ đông của các phòng thí nghiệm tư nhân. Các mẫu sinh phẩm xét nghiệm này sẽ hết hạn sử dụng trong vòng 2 tháng nữa.
Facebook hướng đầu tư vào Châu Á
Vẫn trên trang báo Les Echos, liên quan đến Châu Á có bài phân tích của tờ báo có tiêu đề : "Facebook đổ về Châu Á để viết nên trang sử mới của mình".
Tờ báo nhận thấy, mặc dù chủ trương mở mang đầu tư ra bên ngoài, mạng xã hội số 1 thế giới trong vòng 6 tuần qua đã thực hiện hai vụ đầu tư lớn tại Châu Á. Facebook đang tìm đầu mối tăng trưởng nhờ và sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và thanh toán di động trong khu vực này. Les Echos cho hay : Cuối tháng Tư, Facebook đã bỏ ra gần 6 tỷ đô la để có được 10% cổ phần của Reliance Jio, nhà mạng viễn thông hàng dầu của Ấn Độ. Đầu tháng 5, mạng xã hội này lại bỏ hàng trăm triệu vào Gojek, một công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn ở Indonesia về các ứng dụng. Với các vụ đầu tư lớn này, Facebook đang chuẩn bị sân bãi để triền khai ứng dụng thanh toán tiền WhatsApp Pay. Nếu Facebook giờ tập trung chú ý đầu tư vào Châu Á, đó là vì lục địa này là nguồn tăng trưởng với tiềm năng khổng lồ về số lượng người sử dụng, hiện 40% người dùng Facebook là ở Châu Á.
Amazon cắm chân vào Pháp làm bàn đạp ở Châu Âu
Liên quan đến một ông lớn khác trong nhóm những người khổng lồ Mỹ trong lịch vực công nghệ cao GAFA, nhật báo Libération dành hồ sơ chính cho Amazon, với bài "Tại Pháp : Amazon muốn nắm quyền chỉ huy".
Libération cho biết,tập đoàn thương mại điện tử đang liên tiếp mở dự án cắm chân tại nước Pháp, để biến nước này thành một đầu cầu trong chiến lược phát triển ở Châu Âu. Sự bành trướng của Amazon đang gây tranh cãi và phản đối trong dư luận Pháp.
Theo Libération, tham vọng bành trướng của Amazon tại Pháp đang rõ dần. Trong thời kỳ gần như cả thế giới bị phong tỏa, nhưng người khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn tận dụng tốt khủng hoảng y tế. Thu nhập của Amazon tăng 26% ở quý đầu năm nay. Giữa đại dịch, Amazon vẫn khẳng định vị thế số 1 trong lĩnh vực thương mại qua mạng tại Pháp. Thời hậu khủng hoảng tập đoàn quyết định nhắm tới Pháp làm trung tâm phát triển ra toàn Châu Âu.
Đang là thị trường lớn thứ 3 của Amazon tại Châu Âu, sau Anh Quốc và Đức, Pháp có lợi thế là có biên giới với 8 nước. Các kho chứa hàng của Amazon đang mọc lên liên tiếp trong nhiều vùng của Pháp và bắt đầu vấp phải sự phản đối của nhiều cư dân địa phương hay nhiều tổ chức chính trị xã hội.
Anh Vũ