Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/06/2020

Điểm báo Pháp - Không gian mạng : Chiến trường toàn cầu mới

RFI tiếng Việt

Không gian mạng : Chiến trường toàn cầu mới của thời đại công nghệ số

Làm việc, học hành, khám chữa bệnh từ xa, mua bán trên mạng… Hơn bao giờ hết, cuộc tranh luận và sự kiểm soát của internet lại nổi lên và cần thiết như bây giờ.

cyber1

GAFA - những gã khổng lồ công nghệ số đang kiểm soát cuộc sống của chúng ta ? Ảnh minh họa AFP - Damien Meyer

Hồ sơ chính của Courrier International tuần này là những vấn đề nảy sinh trong thời đại tin học, công nghệ số với tựa lớn trang bìa : "Công nghệ số đầy quyền lực".

Tuần báo Pháp, đăng lại bài viết dài của nữ nhà báo Canada Naomi Klein có tiêu đề : "Không để những người khổng lồ internet kiểm soát cuộc sống của chúng ta". Nội dung của bài viết tập trung tố cáo sự thao túng ngày càng lớn vào đời sống của chúng ta của nhóm nhưng người khổng lồ tin học GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft).

Theo tác giả, với trận đại dịch Covid-19 này và những năm tới, công nghệ số sẽ còn chiếm một vị trí ngày càng lớn trong cuộc sống của chúng ta. Làm việc, học hành, khám chữa bệnh từ xa, mua bán trên mạng… Hơn bao giờ hết, cuộc tranh luận và sự kiểm soát của internet lại nổi lên và cần thiết như bây giờ.

Tác giả Naomi Klein nhằm chủ yếu vào Eric Schmidt, cựu chủ tịch tổng giám đốc của Google, hiện đang lãnh đạo Hội đồng Cải tiến Quốc phòng Mỹ và Ủy Ban An ninh Quốc gia về trí thông minh nhân tạo. Với chức vụ này, ông là người có ảnh hưởng lớn trong các quyết sách của Bộ Quốc phòng cũng như Quốc hội Mỹ.

Tác giả cho rằng nếu như Eric Schmidt thúc đẩy chi phí ngân sách nhà nước vào lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, các hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc triển khai các công nghệ mới như mạng truyền dẫn số liệu 5G, đó là vì những đầu tư ồ ạt đó mang lại mối lợi trực tiếp cho những tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ số. Naomi Klein khẳng định : "Trong quan điểm của Eric Schmidt, có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và một nhúm những người khổng lồ của thung lũng Silicon".

Tất nhiên, tác giả không nhằm lên án những công nghệ mới mà để gợi ra suy ngẫm về những vấn đề nảy sinh, những cái được cái mất trong kỷ nguyên tin học và công nghệ mới.

Courrier International nhận thấy, "trận đại dịch lần này đã đẩy nhanh những biến đổi đã bắt đầu từ vài năm qua. Nhiều công ty đang suy tính duy trì lâu dài hình thức làm việc từ xa. Năm học tới, các trường đại học lớn ở Anh sẽ phát triển các môn học trực tuyến và thậm chí sẽ có cả khóa học từ xa. Nhưng trong đợt phong tỏa vừa rồi đã lộ rõ những bất bình đẳng, khi mà nhiều người dân không có máy tính, hay internet…".

Theo tuần báo Pháp, trận đại dịch cùng với nhiều tháng phong tỏa đã chỉ ra rằng chúng ta rất cần các công cụ đó. Nhưng chúng không thể thay thế hết… Điều mà xã hội chúng ta phải quyết định là liệu có muốn đầu tư vào con người (có thêm thầy giáo, thầy thuốc) hay ưu tiên công nghệ hơn.

Trở lại với bài viết của Naomi Klein, tác giả tỏ lo ngại : "công nghệ chắn hẳn sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong những tháng, năm tới. Vấn đề là xem liệu công nghệ đó có chịu sự kiểm soát của nền dân chủ và của các công dân". Trong một tương lai gần, Internet sẽ chắn chắn chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống chúng ta. Thay vì để mặc cho nhóm Gafam độc quyền kiểm soát, "nên chăng phải coi internet là một dịch vụ công có mục tiêu phi lợi nhuận ?", tác giả Naomi Klein đặt câu hỏi. Đó cũng có thể là tiền đề cho một cuộc tranh luận lớn.

Một trận chiến mới trên toàn cầu

Chủ đề chính L’Express tuần này cũng liên quan đến thời đại tin học nhưng là trên mặt trận mới mang tính toàn cầu. Hồ sơ lớn của tuần báo là các vụ tấn công tin tặc và phát tán tin giả với tâm điểm chú ý là nước Nga.

Với L’Express, tin tặc giờ đã là một vấn nạn ngày càng trầm trong thế giới ngày càng lệ thuộc vào kỹ thuật số và không gian mạng. Bất kể ai cũng có thể là mục tiêu cho một cuộc tấn công tin học hủy diệt. Các mục tiêu cũng ngày càng nhiều. Đó có thể là các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, các hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, các cá nhân. Trong cuộc chiến đó, mỗi người phản ứng lại theo cách riêng của mình.

Nếu như tấn công tin tặc đã có từ thập kỷ 1990, thì gần đây các cuộc tấn công tập trung vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Thông thường, người ta sử dụng khả năng tấn công mạng trong hoạt động gián điệp ngoại giao hay thu thập các tin tức tình báo quân sự kinh tế.

Tờ báo dẫn ra một vài ví dụ, năm ngoái nhật báo New York Times cho biết Mỹ đã phát hiện các phần mềm chứa mã độc cài vào hệ thống tin học của các nhà máy điện và hệ thống dẫn khí đốt của nước này. Để đáp trả bộ chỉ huy không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh mở các cuộc tấn công tương tự vào các cơ sở lợi ích của Nga.

Vấn đề đặt ra là, theo tờ báo, khác với nguyên tắc phòng vệ chính đáng trong đời thực thì không dễ gì xác định được thủ phạm của các vụ tấn công trong không gian mạng.

Còn tại Liên Hiệp Châu Âu, từ vài tháng nay, Hội Đồng Châu Âu cho phép các quốc gia thành viên cấm nhập cảnh đối với cá nhân bị quy kết là chịu trách nhiệm của các vụ tấn công mạng, đồng thời có thể phong tỏ tài sản của những cá nhân đó. Cuối tháng 5 vừa qua, Đức đã áp dụng biện pháp này với lãnh đạo tổng cục tình báo quân đội Nga, Igor Kostiokov. Quyết định này liên quan đến những phát hiện gần đây về vụ tấn công hệ thống tin học của Quốc hội Đức hồi năm 2015.

Pháp ưa dùng con đường ngoại giao chính thức

L’Express cho biết đầu năm 2018, Pháp đã bị một đợt tấn công tin học ồ ạt từ bên ngoài vào hệ thống điện gió và các cơ quan nhà nước. Các bộ phận chuyên gia kỹ thuật, tình báo Pháp đã lần ra dấu vết thủ phạm là một số nhóm tin tặc có biệt danh "APT 29" hay "Cozy Bear" có quan hệ gần gũi với các cơ quan tình báo Nga. Sự việc được đánh giá là nghiêm trọng nhưng Pháp chỉ dừng lại ở phản ứng ngoại giao.

Để lý giải phần nào cách phản ứng Pháp, trong một bài viết có tựa đề "Tuy nhiên, Emmanuel Macron và Vladimir Putin vẫn nói chuyện với nhau…", L’Express dẫn nhận định của Arnaud Dubien, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp : "Tổng thống Emmanuel Macron tin rằng Pháp và Châu Âu sẽ có lợi khi không để Nga ngả sang Trung Quốc". Trước hết là lý do kinh tế, tờ báo nhấn mạnh.

Pháp là đối tác lớn của Nga, Pháp cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga. Có tới 1.200 doanh nghiệp Pháp, đa phần là các tập đoàn lớn, cắm đất tại Nga, theo Emmanuel Quidet, chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Pháp - Nga tại Moskva.

Nga, Pháp vẫn muốn duy trì một mối quan hệ thực dụng. Ngoài ra, tổng thống Pháp hiểu rõ vai trò của Nga trong các hồ sơ lớn của quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông hiện nay. Chính sách này tuy nhiên lại không thể đồng điệu với Bruxelles.

Tin giả : vẫn lại từ Nga

Tiếp tục trong hố sơ tin học Nga, L’Express còn có bài : "Secondary Infektion, cơ quan bóp méo thông tin".

Tờ báo cho biết, qua nhóm Secondary Infektion, người Nga đang tiến hành nhiều chiến dịch bóp méo thông tin, từ năm 2014 cho đến tận đầu năm nay. Trong một báo cáo của công ty phân tích Mỹ Graphika, được tiết lộ tuần trước, các nhà nghiên cứu đã phân tích 2.500 nội dung phổ biến bằng 7 thứ tiếng. Đó là những tin nhắn, văn bản hay tài liệu đủ các loại đã được tung lên 300 nền tảng khác nhau trên mạng internet : các diễn đàn trao đổi, mạng xã hội, trang web...

Các nhà phân tích đã phân loại các chủ đề nổi bật mà Secondary Infektion liên tục đăng tải : Chia rẽ và nêu ra những yếu kém của Châu Âu, di cư và Hồi Giáo, thất bại của Nhà nước Ukraine và những phán ngôn vu cáo các nhà đối lập với điện Kremlin… Những chủ đề như vậy khiến người ta không còn nghi ngờ về nguồn gốc của các tin giả đó, như nhận định của Graphika. Báo cáo còn cho biết, nhóm an ninh mạng của Facebook hồi tháng 5/2019 đã phát hiện những tài khoản nghi ngờ mà người quản lý được cho là ở Nga. Để lẩn tránh truy tìm tung tích, các tài khoản được tạo ra và sử dụng một lần duy nhất. Trong một chiến dịch mới đây, Secondary Infektion còn tung tin là virus corona do một phòng thí nghiệm Mỹ có cơ sở bí mật ở Kazakhstan tạo ra.

Tại Châu Âu, L’Express, cơ quan săn tìm tin giản của Bỉ DisinfoLab đã phát hiện một trang mạng Observateur Continental, hiện hoạt động tích cực ở Pháp. DisinfoLab đã tìm thấy mối liên hệ giữa trang này với hãng tin Nga InfoRos mà bản thân hãng này kết nối với cơ quan tình báo quân đội của Kremlin.

Cuộc chiến chống tin giả và tin tặc ngày càng trở nên khó khăn đó là một cuộc chiến dài hơi và cũng là một "chiến trường toàn cầu mới". Không chỉ có Nga mà tất cả các nước phát triển đều có khả năng. Hiện có từ 40 đến 50 nước có khả năng tấn công tin học, theo chuyên gia an ninh mạng Félix Aimé thuộc Kaspersky, một công ty đa quốc gia của Nga, được tờ báo trích dẫn.

Covid-19 làm Putin hết thiêng

Cũng liên quan đến nước Nga, Courrier International trích đăng lại một bài viết dài của nhà nghiên cứu chính trị Nga Alexandre Tsipko đăng trên báo Nga Nezavissimaïa Gazeta với tiêu đề "Nước Nga sau dịch, một ông Putin mất thiêng".

Ngày 1/7 tới cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp có thể giúp cho ông Vladimir Putin tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ tổng thống sau năm 2024 cho đến khi nào ông muốn, nhưng tác giả bài báo nhận thấy trận đại dịch Covid-19 đã khiến thần tượng Putin sụp đổ.

Bài viết muốn chỉ ra cho thấy tất cả những hào quang, về nước Nga hùng cường trở lại với Putin chẳng qua chỉ là tuyên truyền nhằm thần thánh hóa quyền lực, điều đã ăn sâu ở nước Nga từ thời Liên Xô cũ. Theo tác giả, trong 20 năm cầm quyền ở nước Nga, ông Putin đã làm được 2 việc lớn là vực nước Nga khỏi đói nghèo của những năm 1990 và sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014. Nhưng theo tác giả, "chẳng cần phải là thiên tài cũng có thể thấy nước Nga trước 2014, đường đường là thành viên đầy đủ trong nhóm G8, có rất nhiều cơ hội phát triển, tiến bộ hơn nhiều so với nước Nga hậu Crimea, một nước Nga bị suy yếu vì các đòn trừng phạt, bị nhìn nhận trên thế giới như là một đe dọa".

Giờ đây, biến cố lớn đại dịch Covid 19 lại càng phát lộ nước Nga vẫn là một đất nước nghèo, khả năng lãnh đạo đất nước của ông Putin cũng không có gì là thần thánh. Tác giả viết : "Khi đại dịch xuất hiện, nỗi sợ hãi cái chết xâm chiếm tâm trí thì sự huyền bí phía sau sự linh thiêng quyền lực của Putin cũng biến mất".

Tác giả nhấn mạnh : "Từ khi đại dịch nắm quyền kiểm soát sự sống của chúng ta, phương pháp dương dương tự đắc cũ kỹ của Putin không còn chỗ đứng. Từ đỉnh cao linh thiêng, ông rơi xuống đất… Đại dịch đã làm lộ ra rằng tất cả những gì Putin lên kế hoạch đều không khả thi".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)