Gần 78% cử tri Nga đồng ý thông qua các điều sửa đổi cho bản hiến pháp mà có thể tạo điều kiện để Vladimir Putin cầm quyền tới tuổi 84.
Một phụ nữ bỏ phiếu hồi tháng 6/2020
Ủy ban bầu cử nói đã kiểm xong phiếu và thấy 77,9% bỏ phiếu ủng hộ, chỉ có 21,3% phản đối.
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sớm tại Nga đem lại các kết quả ban đầu tối thứ Tư, 01/07/2020 cho thấy đa số cử tri Nga ủng hộ thay đổi hiến pháp mà Tổng thống Vladimir Putin đề xuất.
Ngoài các ý niệm bảo thủ như đem Chúa Trời của Chính Thống giáo trở lại Hiến pháp, và đảm bảo chế độ hưu trí, các điều sửa đổi cho phép ông Putin bắt đầu "như mới" nhiệm kỳ 5 và 6 sau khi ông hết nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2024.
Phần sửa đổi Hiến pháp mà Nga vừa thông qua nêu rõ rằng người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời". Ý tưởng này được cả Đảng cộng sản Nga trong Viện Duma ủng hộ.
Tuy thế, đảng này vẫn tôn thời các biểu tượng của Liên Xô cũ và Lenin, nhà lãnh đạo cho xóa sổ các hoạt động tôn giáo ở Nga từ sau 1917.
Một vài người tụ họp ở Moscow phản đối cuộc bỏ phiếu
Cầm quyền tới năm 84 tuổi ?
Cho đến nay, Hiến pháp Liên bang Nga quy định tổng thống chỉ được cầm quyền liên tục hai nhiệm kỳ và không ai được tái tranh cử sau bốn lần cầm quyền.
Nhưng nhờ sửa đổi mới, ông Putin có thể làm thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa, tới tận năm 2036, khi ông 84 tuổi.
Với gần 30% phòng phiếu được kiểm sau bảy ngày bầu cử, 74% cử tri Nga đồng ý thông qua cải cách hiến pháp, theo báo Nga hôm 02/07.
Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng để ông Putin nắm quyền trọn đời được nêu ra.
30% phòng phiếu được kiểm sau bảy ngày bầu cử - AFP/GETTY IMAGES
Ngay từ 2018, Điệm Kremlin đã gợi ý là không có ai hơn ông Putin để cầm quyền, đảm bảo ổn định chính trị Nga.
Giải thích hiện tượng này, nhà báo Andrei Koleshnikov viết trên trang Moscow Times (07/2018) rằng sau khi lên cầm quyền từ 1999-2000, ông Putin đã "trở thành nước Nga".
Với nhiều người dân, họ chỉ có một bản sắc "tôi là người Nga thì tôi ủng hộ Putin".
"Tổng thống Putin trở thành lá cờ, thành biểu tượng của đa số và bầu cử chỉ là phương tiện để họ thể hiện bản sắc đó", ông Koleshnikov bình luận.
Ông cũng nói truyền thống tư duy Nga về Sa hoàng luôn nhìn thấy hai phần : thân xác vị vua, và hình ảnh, biểu tượng của nền chính trị.
Ngày nay, ông Putin hay dở ra sao thì đã là "biểu tượng tinh thần" đó của nước Nga.
Một số bình luận khác nói sự ủng hộ của ông Putin giảm đi so với hai năm trước và có thể còn giảm nữa khi các vấn đề kinh tế, xã hội do dịch Covid-19 bộc lộ thêm.
Đây là lý do ông Putin muốn có cuộc trưng cầu dân ý hiện nay chứ không đợi muộn hơn.
Đầu tuần này, số người mắc Covid-19 tại Nga vượt 660 ngàn, nhưng nhiều tờ báo và cả quan chức chính quyền nói con số thực còn cao hơn.
Có trên 9,6 nghìn người tử vong ở trên toàn Liên bang Nga vì virus corona, gồm cả con số ở những vùng xa, dù rằng Moscow có số người chết cao nhất, tính đến 01/07/2020.