Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/08/2020

Điểm báo Pháp – Liên Âu, Belarus, Nga, Mali

RFI tiếng Việt

Liên Âu can thiệp vào khủng hoảng Belarus nhưng ngại phản ứng từ Nga

Trên trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay, 20/08/2020 có hai chủ đề lớn đã đẩy toàn bộ các hồ sơ khác xuống hàng thứ yếu : Cuộc đảo chánh quân sự tại Mali và quyết định của Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào Belarus. Điểm được các báo nêu bật là Châu Âu đã đứng ra bênh vực phong trào biểu tình chống bầu cử gian lận và trừng phạt giới lãnh đạo tại Minsk, nhưng lại cố tránh khiêu khích Nga.

belarus1

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel chuẩn bị họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Châu Âu trực tuyến, Bruxelles, Bỉ ngày 19/08/2020.  Reuters - POOL

Trong bài viết mang tựa đề : "Belarus : Châu Âu rón rén vì ngại khiêu khích Moskva", Le Figaro nhận thấy thách thức thực sự đối với Châu Âu là tránh được kịch bản Nga sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Cố lôi kéo Nga vào một giải pháp cho Belarus

Đối với 27 nước Liên Âu, không thể chỉ ngồi yên quan sát, nhất là nếu Belarus xích lại gần Nga. Nhưng cũng không thể can thiệp quá mạnh, xen quá mức vào nội tình Belarus để thêm củi lửa cho Lukashenko. Châu Âu không quên tuyên bố của Moskva, đã nói đến hành động "can thiệp của thế lực ngoại bang" tuy không nêu đích danh Châu Âu.

Theo Le Figaro, chính việc lo ngại Nga đưa quân can thiệp đã thúc đẩy Bruxelles tổ chức cuộc họp bất thường. Và cũng không lạ gì khi Charles Michel, Emmanuel Macron và Angela Merkel đều đã nhấc điện thoại để trao đổi với Vladimir Putin, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã ghi nhận tuyên bố của điện Kremlin là Nga không có ý muốn can thiệp quân sự vào Belarus.

Về tiến trình chính trị, Châu Âu yêu cầu chính quyền Belarus tiến hành một cuộc đối thoại quốc gia, nhưng tránh kêu gọi bầu cử lại, mà chỉ hỗ trợ cho nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus. Và Châu Âu cũng không còn nghĩ đến việc làm trung gian hòa giải. Trách nhiệm này được giao  phó cho Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE mà Nga cũng là một thành viên.

Putin trong tư thế cân nhắc hơn thiệt

Về phần Libération, tờ báo thiên tả này La Croix có cái nhìn hơi khác đồng nghiệp Le Figaro. Bài viết "Belarus : Châu Âu xen vào, Nga kín đáo", nhấn mạnh đến việc Châu Âu đã không công nhận thắng lợi của ông Lukashenko, trong lúc mà Putin, dù chính thức ủng hộ đồng minh của mình, nhưng không quá lộ liễu.

Tờ báo ghi nhận là thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã thúc giục ông Putin gây sức ép với Lukashenko để ông chấp nhận đối thoại với đối lập và từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Phủ tổng thống Pháp thì kêu gọi một sự "phối hợp" giữa Nga và Châu Âu để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Belarus.

Về phía Nga, ông Putin vẫn tiếp tục ủng hộ đồng minh chính trị, kinh tế, quân sự lâu năm của mình nhưng chỉ chỉ trích một cách nửa vời việc Châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ Belarus.

Đối với Libération, tuy có những tuyên bố bực dọc, gây lo ngại trong những ngày qua, Nga lúc này có vẻ không sẵn sàng "lội nước" để cứu vãn chế độ sắp sụp đổ của Lukashenko.

Tờ báo trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng "Putin đang cân nhắc lợi hại sao cho không phải trả giá cao. Hậu thuẫn cho Lukashenko có lợi lộc gì không? Hay là tác động đến tiến trình chuyển tiếp, gây ảnh hưởng với lãnh đạo tương lai và cả tương lai của đất nước" mà ông không muốn thấy thoát khỏi ảnh hưởng Nga.

Ý kiến chung các chuyên gia là khi nào cuộc phán kháng ở Belarus không có màu sắc bài Nga và thẳng thừng thiên Châu Âu thì Putin sẽ không can thiệp.

Cặp bài trùng Macron-Merkel lại phối hợp hành động vì Châu Âu

Bài phân tích về quyết định của Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến Belarus đã được Le Figaro lồng vào hồ sơ chung về cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức mở ra hôm nay tại Pháp mà tờ báo nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa chính : "Merkel và Macron chăm lo cho một Châu Âu đang chịu nhiều áp lực".

Le Figaro đã điểm qua những vấn đề đang khiến hai lãnh đạo hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu nhức đầu : Không kể đến kế hoạch vực dậy kinh tế cần phải triển khai, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp còn phải phối hợp hành động trên hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit, Mali, bên cạnh nhiều hồ sơ khác nữa.

Theo tờ báo, sau cú phối hợp ngoạn mục đã cho phép thông qua kế hoạch vực dậy kinh tế Châu Âu thời hậu Covid vào cuối tháng 7, Angela Merkel và Emmanuel Macron gặp nhau lại vào hôm nay ở Brégançon tại Pháp, nơi tổng thống Pháp đang nghỉ hè.

Đối với Le Figaro, lời mời của ông Macron cho thấy tầm quan trọng mà ông dành cho quan hệ cá nhân với thủ tướng Đức, với biết bao thách thức đang chờ đợi hai nhà lãnh đạo : Cụ thể hóa đề án vay mượn của Châu Âu với bao nhiêu là cuộc thảo luận kỹ thuật phức tạp, phối hợp đáp án chung trước dịch Covid-19 đang tăng lây nhiễm trở lại, gọt dũa các giải pháp của Liên Âu trước tình hình Belarus, đưa ra cùng một tiếng nói đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng sức ép lên Hy Lạp, chuẩn bị cho tình huống không có thỏa thuận về Brexit với Luân Đôn…

Theo Le Figaro, quả là đối với Paris và Berlin, các tình trạng khẩn cấp đang dồn dập, trong bối cảnh giữa hai lãnh đạo không phải lúc nào cũng dễ nhất trí, đặc biệt là trên hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp.

Trên các vấn đề này, Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có thể khai thác mối ưu tư hiện này của bà Merkel, muốn dựa trên đầu tàu Pháp-Đức để trau chuốt di sản Châu Âu của mình.

Đảo chánh ở Mali, Pháp không khỏi lo ngại

Một trong những chủ đề bao trùm trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay là cuộc đảo chánh tại Mali, một nước Châu Phi đồng minh của Pháp đang vất vả chiến đấu chống các nhóm thánh chiến Hồi giáo.

Dưới hàng tựa lớn trang nhất : "Tại Mali, một cuộc đảo chánh khiến Pháp lo ngại", Le Monde đã tóm lược sự kiện, theo đó tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta, còn được gọi theo tên tắt là IBK, tại chức từ năm 2013, đã bị lật đổ hôm 18/08 trong một cuộc đảo chánh quân sự. Ông đã bị một nhóm quân nhân bắt giữ vào buổi trưa, đến tối thì loan báo quyết định từ chức trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia.

Le Monde ghi nhận là giới quân nhân đảo chánh khẳng định là họ muốn thiết lập một tiến trình "chuyển tiếp chính trị dân sự" sau khi vị tổng thống bị phản đối dữ dội từ nhiều tháng nay bị lật đổ. Một phát ngôn viên của phe đảo chánh cũng cho biết là giới chỉ huy cuộc đảo chánh sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế của nước Mali.

Đối với tờ báo Pháp, Paris hiện đang lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bùng lên ở Mali sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị tại một quốc gia đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến đang hoành hành ở vùng ba biên giới Mali, Burkina Faso và Niger.

Trong bài viết trang trong mang tựa "Sau cuộc đảo chính ở Mali, Pháp lo ngại an ninh trong khu vực sẽ tiếp tục xấu đi", Le Monde nêu bật các lý do khiến Paris lo lắng : Đó là việc Mali là một quốc gia không có toàn vẹn lãnh thổ, với quyền lực trung ương quá yếu, nhưng lại là một đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến và là một nhân tố then chốt trong khu vực Châu Phi nói tiếng Pháp.

Chiến dịch Barkhane của Pháp dứt khoát bị tác động

Nhật báo công giáo La Croix cũng dành tựa chính trang nhất cho tình hình Mali, nhưng nhìn thấy là nước này đã tiến thêm "một bước vào chốn mịt mù".

Đối với La Croix, sau khi bị giới quân nhân đảo chánh lật đổ, tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta đã tuyên bố từ chức, giải tán chính phủ và Quốc hội. Trong lúc đó thì phe đảo chánh đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một "tiến trình chuyển tiếp chính trị dân sự" với mục tiêu là tổ chức được một cuộc "tổng tuyển cử đáng tin cậy" thể hiện tính dân chủ và yêu cầu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Theo La Croix, đây là một "tiến trình chuyển tiếp đầy nguy cơ" do việc người dân đã mất niềm tin nghiêm trọng đối với giới chính trị Mali, trong lúc đất nước này tiếp tục bị các nhóm thánh chiến Hồi giáo đe dọa.

Boubacar Traoré, giám đốc Văn Phòng Tham Vấn về an ninh Châu Phi Afriglob cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay tại Mali là làm sao "tạo lại tính chính đáng cho Nhà nước và áp đặt được quyền lực quốc gia" trên người dân vốn đã phải liên tục trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị.

Đối với nước Pháp, La Croix ghi nhận là cuộc đảo chánh đã đặt ra một thách thức mới cho chiến dịch Barkhane mà Pháp đang tiến hành chống thánh chiến Hồi giáo tại Mali.

Cho dù ngay trong những phát biểu đầu tiên, phe đảo chánh ở Mali đã nhấn mạnh đến tính bền vững của các hoạt động quốc tế đang diễn ra ở Mali, thì cho dù không bị đe dọa, nhưng chiến dịch Barkhane vốn bao trùm vùng 3 biên giới Mali, Burkina Faso và Niger sẽ gặp thêm trở ngại trong một môi trường bất ổn và biên giới bị khép kín.

Đảo chánh ở Mali : 7 năm lãng phí ?

Đề tài Mali cũng hiện diện trên trang nhất tờ báo thiên tả Libération, dù không phải là chủ đề số một, dưới dạng một câu hỏi ngắn gọn : "Đảo chánh tại Mali : Đe dọa hay hy vọng ?".

Trong một hồ sơ dài 4 trang bên trong, Libération giải thích rõ ràng hơn. Cuộc đảo chánh là một mối đe dọa vì đánh dấu sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc ổn định đất nước.

Libération nhắc lại rằng vào năm 2012, tại Mali cũng đã xẩy ra một cuộc đảo chánh quân sự, lật đổ chế độ của tổng thống Amadou Toumani Touré, với hệ quả là đẩy miền bắc Mali vào vòng tay các nhóm thánh chiến. Pháp đã phải tung chiến dịch Serval để can thiệp và tái chiếm miền bắc. Sau đó, Ibrahim Boubacar Keïta, được bầu lên làm tổng thống Mali rồi được bầu lại vào mùa hè năm 2018.

Thế nhưng, tình hình Mali vẫn không yên, miền bắc Mali không những chưa được bình định mà giờ đây, đến lượt miền trung Mali cũng bị lực lượng thánh chiến liên tục tấn công. Và chế độ IBK, bị người dân phản đối ngày càng dữ dội, đã lại bị cuộc đảo chánh quân sự hôm thứ Ba vừa qua lật đổ một cách dễ dàng.

Tuy nhiên theo Libération, cuộc đảo chánh lần này dường như lại được cả phe đối lập lẫn người dân Mali ủng hộ vì họ rất chán ngán chế độ tệ hại đương quyền, và đây chính là dấu hiệu hy vọng.

Thanh niên Thái Lan đòi cải tổ chế độ quân chủ

Về Châu Á, Libération nhìn về Thái Lan với biểu tình sôi sục và ghi nhận trong hàng tựa : Người Thái đòi hỏi "cải tổ chế độ quân chủ".

Tờ báo phỏng vấn bà Christine Cabasset, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Đương Đại, để tìm hiểu thêm về những cuộc biểu tình của sinh viên Thái Lan gần đây, chưa từng thấy về quy mô cũng như đòi hỏi, sẵn sàng tố cáo nền quân chủ Thái Lan. Hôm Chủ nhật 16/08 vừa qua, đã có 10.000 người xuống đường, điều chưa từng thấy từ năm 2016.

Theo chuyên gia Cabasset, những người biểu tình có 4 yêu sách chính: Trước tiên họ đòi hỏi giải tán Quốc hội, tức là muốn thủ tướng Prayuth ra đi; họ cũng muốn có một Hiến pháp mới, vì Hiến pháp hiện tại là do chế độ quân phiệt soạn ra; đòi hỏi thứ 3 là chấm dứt sách nhiễu đối lập. Riêng yêu sách thứ tư là điều chưa từng có từ trước đến nay : Cải tổ chế độ quân chủ.

Theo bà Christine Cabasset, đòi hỏi thứ tư còn mang tính lịch sử. Quốc vương hiện tại Rama X, lên ngôi tháng 5/2019. Người cha, quốc vương Rama IX - đã trị vì suốt 69 năm - rất được kính trọng, nhưng quốc vương mới không có được hào quang này. Ông sống phần lớn thời gian tại Đức và bị chỉ trích về cuộc sống xa hoa.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp, phải lưu ý người Thái không đòi bãi bỏ nền quân chủ mà chỉ muốn hiện đại hóa, muốn Quốc hội có quyền kiểm soát nhà vua, hoàng gia và tài sản của vua.

Vấn đề là ở Thái Lan, chỉ trích chế độ quân chủ là việc làm rất nguy hiểm. Chiếu theo luật khi quân nghiêm khắc hiện hành, thì mọi chỉ trích có thể dẫn đến án tù giam.

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 552 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)