Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/09/2020

Liên Hiệp Quốc cảnh báo Trung Quốc, WHO điều tra Covid-19

Tổng hợp

Liên Hiệp Quốc : Luật an ninh quốc gia đe dọa nghiêm trọng tự do tại Hồng Kông

RFI, 04/09/2020

Theo AFP hôm 04/09/2020, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cảnh báo Trung Quốc, luật an ninh quốc gia áp đặt tại Hồng Kông là một nguy cơ trầm trọng đe dọa các quyền tự do căn bản của đặc khu.

lhq1

Tỷ phú Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) được tòa xử trắng án, ngày 03/09/2020.  AFP Photo/Isaac Lawrence

Trong lá thư đề ngày 01/09, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc tố cáo Bắc Kinh không tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế. Luật an ninh quốc gia đặc biệt đe dọa các quyền "tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp", hình sự hóa mọi chỉ trích đối với Trung Quốc.

Luật an ninh quốc gia được Trung Quốc áp đặt mà không thông qua Nghị Viện Hồng Kông, người dân không hề biết được nội dung trước đó. Luật này trừng phạt các tội danh "nổi dậy, ly khai, khủng bố, thông đồng với thế lực nước ngoài" với các định nghĩa mơ hồ, khiến các nhà đấu tranh dân chủ dễ dàng bị quy chụp. Nhiều nước phương Tây nhất là Hoa Kỳ đã lên án luật này, Bắc Kinh cho rằng đó là sự can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Bị cáo buộc đe dọa, tỉ phú Lê Trí Anh trắng án

Vẫn liên quan đến Hồng Kông, hôm nay nhà tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ nhân tờ báo đối lập Apple Daily đã được trắng án trong một vụ kiện, có thể khiến Bắc Kinh bực tức vì các thẩm phán Hồng Kông vẫn độc lập. Từ Hồng Kông, thông tín viên De Changy cho biết thêm chi tiết :

"Ông Lê Trí Anh xác nhận : ‘Vâng, tôi đã được trắng án, đó là một dấu hiệu tốt. Điều này cho thấy dù trường hợp này bị chính trị hóa, nhưng vẫn còn các thẩm phán làm tốt công việc của mình, không bị ảnh hưởng chính trị’.

Ông chủ báo Apple Daily bị một phóng viên của tờ báo cạnh tranh Oriental Daily cáo buộc là đã đe dọa người này trong một vụ tranh cãi năm 2017, theo đó ông Lê Trí Anh không chỉ thóa mạ mà còn dọa sẽ làm khốn đốn.

Dựa trên các video và lời chứng trong phiên tòa, thẩm phán cho rằng các cáo buộc trên không có cơ sở. Đó chỉ là giây phút giận dữ của ông Lê Trí Anh đối với nhà báo. Người này đã thừa nhận là có nhiệm vụ theo dõi ông thường xuyên, suốt ba năm trời trước khi xảy ra sự việc. Thẩm phán cũng ghi nhận là nguyên đơn không có khả năng trả lời những câu hỏi đơn giản trong phiên tòa, gây nghi ngờ về sự khả tín.

Phán quyết của tòa được vỗ tay hoan nghênh, trong khi bên ngoài tòa án một số người thân Bắc Kinh tụ tập lại hô hào "Lê Trí Anh phải vào tù !"

Thụy My

*******************

Covid-19 : WHO mở điều tra về quá trình thế giới đối phó với đại dịch

RFI, 04/09/2020

Hôm 03/09/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tiến hành điều tra về phương thức thế giới đối phó với đại dịch Covid-19, khiến hơn 863.000 người chết. WHO hứa "minh bạch hoàn toàn" về các hồ sơ liên quan.

lhq2

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO - tại Genève, Thụy Sĩ.  AFP

Tháng 5/2020, hội nghị toàn thể các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất về nguyên tắc sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19, một trong các khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất với nhân loại, nhằm rút ra các kinh nghiệm cho tương lai. Tháng 7/2020, WHO thông báo lập Ủy ban Đánh giá Độc lập, dưới sự đồng chủ tọa của cựu thủ tướng New Zealand, Helen Clark, và cựu tổng thống Liberia, Ellen Johnson Sirleaf.

Hơn 120 chuyên gia khắp nơi trên thế giới đã ứng cử vào Ủy ban này. Danh sách 11 thành viên của Ủy ban Đánh giá Độc lập được công bố hôm qua. Theo AFP, trong danh sách này, có chuyên gia về Sida người Pháp Michel Kazatchkine, cựu ngoại trưởng Anh David Miliband, cựu tổng thống Mêhicô Ernesto Zedillo, chuyên gia Trung Quốc về các bệnh hô hấp, bác sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) hay cựu chủ tịch Quỹ Thế giới chống Sida, Lao và Sốt rét, ông Mark Dybul người Mỹ. Các chuyên gia sẽ trình báo cáo sơ bộ đầu tiên vào tháng 10 tới, trước khi đệ nạp báo cáo cuối cùng vào tháng 5/2021.

Trong việc tổ chức đối phó toàn cầu với đại dịch Covid-19, WHO bị rất nhiều chỉ trích, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên, bị cáo buộc là đã chậm trễ trong việc tuyên bố "tình trạng khấp cấp toàn cầu", chỉ được đưa ra vào ngày 30/01/2020, trong lúc dịch bệnh đã được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019. WHO cũng bị phê phán là đưa ra nhiều khuyến cáo mâu thuẫn, liên quan đến con đường lây truyền virus, hay trong việc đeo khẩu trang.

Định chế quốc tế này cũng bị dư luận lên án là đã tỏ ra quá mức dễ dãi với Trung Quốc. Chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump nhiều lần tố cáo WHO là "con rối trong tay Bắc Kinh". Chuyên gia về Sida người Pháp Michel Kazatchkine, thành viên trong Ủy ban Đánh giá Độc lập về đại dịch của WHO, cũng từng chỉ trích mạnh mẽ WHO về điểm này. Trong số các thành viên của Ủy ban vừa được bổ nhiệm, có cựu chủ tịch tổ chức Y sĩ Không Biên giới Joanna Liu, cũng có thái độ phê phán mạnh mẽ WHO trong việc đối phó với đại dịch Ebola tại miền tây Châu Phi.

Riêng về thái độ của Washington đối với Tổ chức Y tế Thế giới, nhiều nhà quan sát cũng lưu ý, trước khi đại dịch bùng lên mạnh tại Mỹ, tổng thống Donald Trump cũng từng không ngớt ca ngợi chính quyền Tập Cận Bình minh bạch, đối phó tốt với dịch bệnh. Trong một bài tổng thuật hồi tháng 5/2020, kênh truyền thông Mỹ CNN tổng kết, kể từ khi dịch bùng lên tại Trung Quốc, đầu tháng Giêng 2020 cho đến ngày 01/04/2020, tổng thống Trump đã ca ngợi Bắc Kinh "ít nhất 37 lần" về vấn đề này. Thái độ dễ dãi của tổng thống Trump với Trung Quốc cũng được coi là một nguyên nhân khiến chính nước Mỹ chủ quan trước đại dịch.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 670 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)