Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/09/2020

Hồ sơ TikTok : Donald Trump thậm thà thậm thụt, rối lu tù mù

Tổng hợp

Đọ sức Mỹ-Trung : Donald Trump lại đổi ý trên hồ sơ TikTok

Thanh Hà, RFI, 20/09/2020

Ngày 19/09/2020 tổng thống Hoa Kỳ thông báo đồng ý cho phép hai tập đoàn Mỹ là Oracle và Walmart mua lại ứng dụng do tập đoàn Trung Quốc ByteDance cho ra đời. Với quyết định mới của Nhà Trắng, TikTok tiếp tục được phép hoạt động tại Mỹ.

tiktok1

Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc vận động cử tri ở Fayetteville, Bắc Carolina, ngày 19/09/2020.  Reuters - TOM BRENNER

Tổng thống Trump giải thích ông đã bật đèn xanh cho việc thành lập một công ty mới mang tên TikTok Global mà ở đó 20% vốn thuộc về các tập đoàn Mỹ Oracle và Walmart với tư cách là "đối tác về mặt kỹ thuật và thương mại". Ông trông thấy ở thương vụ này viễn cảnh tạo thêm 25.000 công việc làm trên đất Mỹ. Công ty sẽ đặt trụ sở tại Texas.

Sự hiện diện của Oracle và Walmart hóa giải được những lo ngại của Washington về vấn đề bảo mật dữ liệu và an toàn cho người sử dụng. Trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Mỹ nói rõ là trong tương lai TikTok Global không liên quan gì đến Trung Quốc, "an ninh của những người dùng ứng dụng này sẽ được bảo đảm 100%".

Tuy nhiên thông báo của nguyên thủ Mỹ chưa cho phép khép lại cuộc đọ sức kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên hồ sơ này. Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ngay lập tức cho biết quyết định cấm tải ứng dụng TikTok tại Mỹ được hoãn lại tới ngày 27/09/2020 thay vì bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/09/2020 như đã thông báo ban đầu.

TikTok là ứng dụng do tập đoàn Trung Quốc ByteDance phát triển và rất được giới trẻ Mỹ ưa chuộng. Trước đây cũng chính tổng thống Trump cho rằng chính quyền Bắc Kinh lợi dụng phương tiện này để dọ thám người Mỹ. Do vậy, vì lý do "an ninh quốc gia", Nhà Trắng thông báo ý định cấm TikTok hoạt động tại Hoa Kỳ.

*********************

Trung Quốc thà để TikTok Mỹ "khai tử" hơn là bán mình

Baodautu, 12/09/220

Bắc Kinh phản đối việc ByteDance bị ép phải bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ, họ chấp nhận nhìn TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ.

FILES-US-IT-CHINA-POLITICS-TIKTOK

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tái khẳng định thời hạn để ByteDance chốt thương vụ bán TikTok vẫn là ngày 15/9, không được kéo dài. Ảnh : AFP

Công ty công nghệ Internet Trung Quốc ByteDance đã gấp rút đàm phán bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ cho các đối tác tiềm năng của Mỹ, trong đó có gương mặt sáng giá là Microsoft và Oracle sau khi Tổng thống Donald Trump ra "tối hậu thư" buộc TikTok phải lựa chọn hoặc bán mình trước ngày 15/9 hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng mới đây tái khẳng định thời hạn để ByteDance hoàn tất thương vụ bán TikTok không được kéo dài, vẫn là mốc 15/9.

Tuy nhiên, nguồn thạo tin của Reuters cho biết, các quan chức Trung Quốc cho rằng nếu phải bán TikTok, điều đó cho thấy ByteDance và Bắc Kinh trở nên yếu thế trước sức ép của Washington.

ByteDance khẳng định với Reuters rằng chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề nghị với công ty này rằng họ nên đóng cửa hoạt động TikTok tại Mỹ hoặc ở bất kỳ thị trường nào khác.

Hai nguồn tin của Reuters cho biết trong tình thế bắt buộc, Trung Quốc sẵn sàng áp dụng quy định mới điều chỉnh về danh mục các mặt hàng công nghệ trong diện hạn chế xuất khẩu được ban hành ngày 28/8 vừa qua để trì hoãn bất kỳ thỏa thuận nào của ByteDance.

Cơ quan Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc cùng các bộ ngoại giao và thương mại của nước này chưa đưa ra quan điểm về việc này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/9, khi được hỏi về ông Trump và TikTok, người ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cáo buộc Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng đàn áp doanh nghiệp nước ngoài.

Các đối tác Mỹ đang thương thảo với ByteDance về 4 phương án thực hiện thương vụ mua lại TikTok tại Mỹ. Với các phương án này, ByteDance vẫn có thể thúc đẩy thỏa thuận mua bán mà không cần đến sự chấp thuận của Bộ Thương mại Trung Quốc, bằng cách bán mảng kinh doanh TikTok mà không bao gồm các thuật toán chính của ứng dụng này.

ByteDance và người sáng lập Zhang Yiming đã bị cuốn vào cuộc đụng độ công nghệ giữa hai siêu cường thế giới. Tháng trước, Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ hoặc sẽ bị "cấm cửa" hoạt động ở thị trường này với hàng trăm triệu người dùng, chủ yếu là thanh niên.

Các quan chức Mỹ chỉ trích TikTok về việc đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư của người dùng ứng dụng này. Họ lo ngại dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị chuyển về Bắc Kinh. Tuy nhiên, TikTok khẳng định đơn vị này sẽ không tuân thủ bất kỳ yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc.

Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối các sắc lệnh hành pháp của ông Trump đối với TikTok và động thái ban hành các quy định mới về hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ ngày 28/8 vừa qua đã thể hiện tiếng nói của Bắc Kinh về vấn đề này. Giới phân tích tin rằng các thuật toán đề xuất video cá nhân hóa cho người dùng của TikTok thuộc danh sách hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh.

Reuters dẫn lời giới chức Trung Quốc tuần trước rằng các quy định mới về hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh không nhắm vào công ty cụ thể nào, nhưng họ đã tái khẳng định quyền thực hiện điều đó.

Lê Quân

****************************

ByteDance cầu cạnh Washington để tránh phải "rũ" sạch vốn khỏi TikTok Mỹ

Baodautu, 10/09/2020

Các phương án mà ByteDance đề xuất với Washington như "mũi tên trúng hai đích", vừa giúp giữ lại phần nào vốn TikTok tại thị trường Mỹ, vừa đảm bảo tuân thủ các điều kiện pháp lý của hai nước.

tiktok3

ByteDance đang trong quá trình đàm phán bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ với hãng phần mềm Mỹ Microsoft cùng Walmart và Oracle. Ảnh : AFP

Nguồn thạo tin của kênh truyền hình CNBC cho hay, Công ty công nghệ internet ByteDance (Trung Quốc) - đơn vị đang sở hữu ứng dụng video TikTok - đề xuất một số phương án với chính quyền Washington với mong muốn chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát dữ liệu TikTok cho một công ty công nghệ Mỹ, đồng thời giữ lại được phần nào vốn sở hữu tại TikTok.

Trước đó, Tạp chí Phố Wall đưa tin, ByteDance đã đề xuất với chính phủ Mỹ một số phương án để tránh phải bán toàn bộ mảng kinh doanh TikTok tại thị trường này. Việc thương thảo giữa hai bên kéo dài nhiều tháng qua, nhưng đến nay chưa rõ chính quyền Trump sẽ chấp thuận đề xuất nào của ByteDance.

Nhà Trắng mới đây ra "tối hậu thư" yêu cầu ByteDance phải công bố kế hoạch bán mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ cho một doanh nghiệp Mỹ chậm nhất là ngày 20/9 hoặc đối diện nguy cơ ngừng hoat động tại Mỹ vào ngày 29/9. Washington cũng yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào liên quan việc mua bán TikTok buộc phải thực hiện trước ngày 12/11.

ByteDance đang trong quá trình đàm phán bán lại mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ với hãng phần mềm Microsoft cùng Walmart hoặc Oracle. Khi thương thảo giữa các bên sắp đi đến hồi kết thì CEO của TikTok Kevin Mayer tuyên bố từ chức.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại thương vụ TikTok có thể "sa lầy" sau khi Bắc Kinh đưa ra các quy định mới về hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ. Các quy định này có thể buộc TikTok phải xin chấp thuận từ Trung Quốc nếu muốn bán các thuật toán của mình. Những thuật toán đề xuất video cá nhân hóa cho người đã tạo nên giá trị cốt lõi của TikTok. Những thuật toán này là một phần quan trọng trong thỏa thuận mua bán TikTok, theo Tạp chí Phố Wall.

Nếu chiểu theo quy định mới của Bắc Kinh, liệu các thuật toán đề xuất video cá nhân hóa cho người dùng có được đưa vào thỏa thuận không, các bên tham gia thương vụ TikTok băn khoăn.

Lê Quân

**************************

Tương lai nào cho TikTok sau khi 'cập bến xứ người' ?

Phương Nga (TTXVN/Vietnam+), 06/09/2020

Trong khi Microsoft có thể sử dụng TikTok để tạo ấn tượng mạnh hơn với những người dùng trẻ tuổi thì đối với Walmart, TikTok mang đến cơ hội phát triển mảng kinh doanh quảng cáo và thương mại điện tử.

tiktok4

Văn phòng TikTok tại thành phố Culver, Los Angeles, Mỹ. (Ảnh : THX/TTXVN)

Sau nhiều tuần cân nhắc, hãng công nghệ đa quốc gia ByteDance của Trung Quốc được cho là sắp công bố tên công ty được lựa chọn trong cuộc đua nhằm mua lại hoạt động tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Ba cái tên sáng giá trong thương vụ này là Microsoft, Walmart và Oracle.

Theo CNBC, ByteDance đã ra quyết định cuối cùng và có thể sẵn sàng thông báo ngay, song quy định mới về cách thức xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đã làm chậm các cuộc đàm phán.

"Không làm rung chuyển con thuyền"

TikTok hiện là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất trong Thế hệ Z (chỉ những người được sinh ra sau năm 1995 và đang chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động) với hơn 2,3 tỷ lượt tải.

Tin tức về các cuộc đàm phán nhằm mua lại hoạt động tại Mỹ của TikTok bắt đầu xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, đặt thời hạn đến ngày 15/9 ByteDance phải chấm dứt mọi hoạt động ở Mỹ, trừ khi Microsoft hoặc công ty nào đó của Mỹ mua lại cổ phần và đạt được một thỏa thuận.

Động lực của ba "ông lớn" Microsoft, Walmart và Oracle trong việc mua lại TikTok là rất rõ ràng.

Trong khi Microsoft có thể sử dụng TikTok để tạo ấn tượng mạnh hơn với những người dùng trẻ tuổi thì đối với Walmart, TikTok mang đến cơ hội phát triển mảng kinh doanh quảng cáo và thương mại điện tử.

Tương tự, Oracle cũng quan tâm đến việc sử dụng nền tảng này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh tiếp thị và các công cụ đám mây của mình.

Mặc dù vậy, sau khi được mua lại thì số phận của TikTok sẽ ra sao? Đó là câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời, đặc biệt là trong bối cảnh các quy định mới về xuất khẩu của Trung Quốc được cho là có thể đe dọa sự phủ sóng của TikTok ngay sau khi được bán.

Các chuyên gia cho rằng bất kỳ chủ sở hữu mới nào của TikTok cũng sẽ muốn duy trì những tính năng vẫn còn đang rất hấp dẫn của ứng dụng bằng cách giữ nguyên hiện trạng, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.

Mukul Krishna, người đứng đầu mảng doanh nghiệp và truyền thông kỹ thuật số toàn cầu tại Frost & Sullivan, chia sẻ với Business Insider: "Trọng tâm trước mắt sẽ là "không làm rung chuyển con thuyền". Theo đó, "nếu bạn đang nói về 'tương lai' gần, ít nhất là đối với người dùng, điều tốt nhất sẽ là không có gì thay đổi".

Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác cũng cho rằng TikTok có khả năng sẽ chứng kiến một số thay đổi khi có chủ sở hữu mới, dù đây không phải chuyện một sớm một chiều.

Sự thay đổi đối với ứng dụng này có thể liên quan đến việc sửa đổi các cảnh quay hậu trường để đảm bảo tuân thủ các vấn đề về bảo mật liên quan đến điều khoản thỏa thuận và lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.

Điều đáng chú ý là cả Microsoft và Oracle đều từng có nhiều dự án hợp tác chặt chẽ với chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ.

Tổng thống Trump đã nhắc đến lịch sử làm việc của Microsoft với chính phủ trong một cuộc họp báo vào tháng 8/2020 và chỉ ra những giải pháp bảo mật "cấp cao" của Microsoft đã cho phép tập đoàn này làm việc với các cơ quan liên bang quan trọng như Bộ Quốc phòng.

Nhiều công cụ quảng cáo hơn cho những "influencer"

Walmart trong một tuyên bố cho biết việc hợp tác với Microsoft để mua lại TikTok có thể giúp họ "tiếp cận và phục vụ khách hàng đa kênh", đồng thời phát triển "thị trường của bên thứ ba cũng như hoạt động kinh doanh quảng cáo".

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ kế hoạch này sẽ tác động đến trải nghiệm của người dùng TikTok như thế nào.

Brian Yarbrough, nhà phân tích cấp cao về nghiên cứu cổ phần của Edward Jones, cho rằng Walmart có thể tích hợp nhiều quảng cáo hơn vào ứng dụng với định hướng tập trung thương mại điện tử : "Tôi không mong đợi TikTok sẽ có nhiều thay đổi, song quảng cáo có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn theo thời gian".

tiktok5

Biểu tượng công ty ByteDance tại trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh : AFP/TTXVN)

Trong khi đó, chuyên gia Mukul Krishna cho biết thương vụ mua TikTok có thể mang lại cho "gã khổng lồ" công nghệ Oracle một chỗ đứng trong không gian tiếp thị kỹ thuật số, vì họ sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu của những người có ảnh hưởng xã hội (influencer) đương thời và tương lai của TikTok. Đây là những thông tin hữu ích cho các nhà quảng cáo.

Ngoài ra, đối với bản thân ứng dụng TikTok, Oracle có khả năng sẽ tích hợp nhiều công cụ hơn để cung cấp cho những influencer này cơ hội kiếm tiền từ nội dung của chính mình.

Chuyên gia Krishna nói: "Nếu bạn nói chuyện với bất kỳ nhà tiếp thị kỹ thuật số nào, bạn sẽ thấy rằng ngay bây giờ họ đang cố gắng xác định những người có ảnh hưởng xã hội trên tất cả các nền tảng mạng xã hội".

Chuyên gia này nói thêm trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra là "Ai là người có ảnh hưởng trên TikTok, tôi nên liên hệ với ai?"

Hiệu suất và bảo mật tốt hơn ?

Cuối cùng, điều quan trọng và có nhiều khả năng xảy ra nhất đó là khả năng tăng cường tính bảo mật của TikTok. Chắc chắn rằng bất kỳ ai muốn tham gia vào thuơng vụ mua lại nền tảng mạng xã hội này đều phải đáp ứng các yêu cầu bảo mật cụ thể để được chấp thuận, bởi đây là "nguồn cội" của lệnh cấm mà Tổng thống Trump đưa ra.

Chuyên gia Krishna nói: "Chủ sở hữu tiếp theo của TikTok phải hiểu rằng dữ liệu và cách thức bảo mật là những yếu tố được chú trọng hàng đầu".

Ngoài ra, Chuyên gia Krishna cũng cho rằng Microsoft có thể cải tiến giao diện người dùng của ứng dụng, chẳng hạn như cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.

Cho đến nay, vẫn chưa thể biết chắc chắn TikTok sẽ trải qua những thay đổi như thế nào sau khi được mua lại. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng ý rằng bất kỳ chủ sở hữu tiềm năng nào cũng sẽ muốn duy trì trải nghiệm người dùng như hiện tại, vốn là điều khiến ứng dụng này trở nên phổ biến trước đó, trong khi ưu tiên phát triển các thay đổi phụ trợ.

Ray Wang, nhà phân tích chính và là người sáng lập của Constellation Research Wang, nói : "Tôi không nghĩ mọi người sẽ muốn làm xáo trộn những thứ như cách thức tạo ra nội dung, tính dễ sử dụng của TikTok. Theo tôi, việc xây dựng thêm một "gã khổng lồ" kỹ thuật số tiếp theo sẽ là điều mà các công ty hướng tới".

Phương Nga

Quay lại trang chủ
Read 477 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)