Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/09/2020

Điểm báo Pháp - Khủng bố ở Paris

RFI tiếng Việt

Khủng bố ở Paris : Cơn ác mộng lại tái diễn

Ngay trong lúc đang diễn ra phiên tòa xử vụ khủng bố Charlie Hebdo ở Paris, lại xảy ra vụ tấn công mới ngay trước tòa soạn cũ của tuần báo trào phúng, hung thủ là di dân người Pakistan "vừa mới hơn 18 tuổi" trên giấy tờ. Mỗi năm, chính quyền Pháp chi ra ít nhất 2 tỉ euro để chăm sóc các "trẻ em vị thành niên" nhập cư lậu, trong đó có không ít người khai gian tuổi.

khungbo1

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ khủng bố trước tòa soạn cũ của Charlie Hebdo ở Paris ngày 25/09/2020. © Reuters/Gonzalo Fuentes

"Một triệu người chết" là tựa chính của La Croix hôm nay với tấm ảnh những người thân ôm nhau an ủi giữa một nghĩa trang điệp trùng những cây thánh giá ở Brazil. Tờ báo viết về cuộc đời của những bác sĩ, y tá điển hình đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại con virus từ Vũ Hán. Le Monde chạy tựa "Ở trung tâm những mạng lưới ủng hộ ông Trump trên Facebook". "Tấn công Paris : Hành trình của một người Hồi giáo bình thường" là tít chính của Le Figaro. Về chính trị, Libération đặt câu hỏi : "Một phụ nữ để cứu vãn cánh tả ?", còn Les Echos nói về "Pháp lao vào cuộc chạy đua 5G".

Ở trang trong, khủng bố Paris, nỗ lực ngăn chặnđợt dịch corona thứ hai, chuyến thăm Litva của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan, tổng thống Mỹ bổ nhiệm thẩm phán mới cho Tối cao Pháp viện được đề cập nhiều.

Từ nhân chứng vụ Charlie Hebdo trở thành nạn nhân

Libération nói về "Tấn công ở Paris : Một hành động được khẳng định và những vùng tối", Le Figaro dành hai trang báo lớn cho "Quỹ đạo đặc thù của một người Hồi giáo ‘đơn độc’". La Croix nhận xét "Tại Paris, vụ tấn công bằng dao phay làm sống lại ký ức tháng Giêng năm 2015", tương tự với Le Monde "Vụ tấn công ở đường Nicolas-Appert : Cơn ác mộng quay trở lại"

Trong khi phiên tòa xử các vụ khủng bố tháng Giêng năm 2015 đang diễn ra tại tòa án hình sự đặc biệt Paris từ ba tuần qua, hôm thứ Sáu 25/09 lại xảy ra một thảm kịch mới ở ngay trước trụ sở cũ của Charlie Hebdo. Một người đàn ông dùng dao phay chém vào đầu vào mặt hai người trên lề đường rồi chạy trốn – bằng métro, với khuôn mặt đầy máu, chiếc áo thun màu xanh đọt chuối và đôi giày đỏ. Anh ta bị bắt vào lúc 12 giờ 30 trước nhà hát opéra Bastille, và lập tức nhận tội.

Hai nạn nhân bị thương nặng, một nữ tiếp tân 28 tuổi và một nam nhân viên 32 tuổi đều là người của Premières Lignes, một công ty sản xuất chương trình truyền hình đóng tại cùng tòa nhà với Charlie Hebdo, đang trong lúc nghỉ giải lao. Thủ phạm không biết rằng tuần báo trào phúng sau vụ khủng bố đã dời tòa soạn đến một bunker mà địa điểm được giữ bí mật và được bảo vệ chặt chẽ. Vấn đề là nếu gõ từ "Charlie Hebdo" trên Google, vẫn cho ra địa chỉ cũ là đường Nicolas-Appert, Paris.

Các nhân viên của Premières Lignes từng là những nhân chứng đầu tiên trong vụ khủng bố Charlie Hebdo, nay trở thành nạn nhân, và khu phố bỗng dưng sống lại cơn ác mộng cũ. Những cánh cửa đóng chặt, bàn ghế được dùng để chận lối vào, những tiếng la hét, tiếng còi xe cấp cứu, cảnh sát bao vây, các trường học gần đó bị phong tỏa, bộ phận hỗ trợ tâm lý được cấp tốc lập ra ở tòa thị chính quận 11…Theo La Croix, nếu sự tàn bạo của vụ tấn công gây sốc, thì sự tái diễn này cũng làm người dân choáng váng.

Được cưu mang, vẫn khủng bố để "trả thù cho Mohamet"

Le Figaro  Le Monde cùng nêu ra việc hung thủ Hassan A., từ Pakistan đến Pháp bất hợp pháp năm 2018 cùng với hai người em. Anh ta khai rằng sinh năm 2002, có nghĩa là lúc ấy mới 16 tuổi, nhưng trông già hơn rất nhiều nên chính quyền địa phương đã yêu cầu cho kiểm tra xương để xác định tuổi thật. Tuy nhiên tòa án Cergy-Pontoise đã bác, và Hassan được cơ quan trợ giúp xã hội cho trẻ em (ASE) trợ cấp ăn ở và đào tạo nghề, giúp tìm việc. Sau hai năm được Nhà nước Pháp cưu mang, và chuẩn bị nhận việc tại một công ty xây dựng với cơ hội được hợp thức hóa giấy tờ, anh ta lại tiến hành khủng bố để trả thù việc "vẽ biếm họa nhà tiên tri Mohamet".

Hassan khẳng định hành động một mình, nhưng có 9 người đang bị câu lưu để điều tra, trong đó có một người em trai và sáu người Pakistan chung phòng với nghi can. Le Figaro cho biết thêm, năm 2019 số trẻ em vị thành niên người nước ngoài không có cha mẹ đi cùng nhập cư lậu vào Pháp lên đến 40.000 người, chính quyền địa phương phải chăm lo cho số này cho đến tuổi trưởng thành, và tiêu tốn ít nhất 2 tỉ euro mỗi năm. Riêng về di dân Pakistan, không ít người khai là từ Afghanistan để dễ xin tị nạn.

Trong khi đó Le Monde thuật lại tại tòa án hình sự Paris, hai người vợ góa của hai anh em Kouachi – các hung thủ đã thảm sát toàn bộ ban biên tập Charlie Hebdo – một mực nói rằng không hay biết gì về âm mưu của chồng. Tất nhiên là trong phòng xử án không ai tin lời khai này. Cả hai tên sát thủ đều thất nghiệp, vậy gia đình sống bằng gì ? Vợ của Said Kouachi nói rằng sống nhờ vào trợ cấp cho người khuyết tật của bà ta, còn vợ của Chérif Kouachi khai anh ta mua quần áo rồi bán lại trên mạng. Chủ tọa phiên tòa cho biết cảnh sát ghi nhận người vợ góa của hung thủ không hề tỏ ra xúc động khi xảy ra vụ tàn sát các nhà báo Pháp.

"Hãy đối mặt không sợ hãi"

Le Figaro chỉ trích tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chần chừ chưa đưa ra tuyên bố "chống ly khai", tuy ông đã trực tiếp trao đổi với đơn vị trực chiến cũng như gia đình từng nạn nhân, và thủ tướng, bộ trưởng Nội vụ đã có những phát biểu về vụ khủng bố ở đường Nicolas-Appert. Đành rằng tổng thống thứ Sáu tuần này sẽ lên tiếng "một cách thẳng thắn", nhưng tờ báo cho rằng chờ đến một tuần lễ là quá lâu.

Trong bài xã luận, Le Monde kêu gọi "Khủng bố : Hãy đối mặt không sợ hãi". Dù là hành động của một cá nhân đơn lẻ hay của những tên khủng bố thuộc một mạng lưới, đây là mối đe dọa thường trực cho tự do ngôn luận.

Vụ tấn công mới, xảy ra chỉ hai ngày sau khi 100 tờ báo Pháp cùng đăng lá thư ngỏ cổ vũ người dân bảo vệ quyền tự do căn bản này, càng củng cố lời kêu gọi : "Những kẻ thù của tự do cần phải hiểu rằng tất cả chúng ta đều là đối thủ kiên quyết của chúng, dù có những quan điểm và niềm tin tôn giáo khác nhau". Năm năm sau các vụ khủng bố Charlie Hebdo, Montrouge, Hyper Cacher, nước Pháp cũng như các nền dân chủ trên thế giới cần tiếp tục đối mặt không sợ hãi trước những kẻ gieo rắc hận thù.

Armenia và Azerbaijan lại đứng bên bờ vực chiến tranh

Nhìn sang vùng Kavkaz, Libération, Les Echos  Le Figaro có cùng nhận xét "Armenia và Azerbaijan một lần nữa lại bên bờ vực chiến tranh".

Chiến dịch phía Azerbaijan bắt đầu từ 7 giờ 10 phút sáng địa phương dọc theo "đường tiếp xúc" vùng Thượng Karabakh, huy động lục quân và không quân "có thể đông đảo hơn cả cuộc chiến bốn ngày hồi tháng 4/2016", theo một chuyên gia. Phi cơ tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái, xe tăng T-72…Baku tung vào lực lượng quy mô sau khi huy động quân dự bị vào tuần trước, trưng dụng cả các xe jeep của tư nhân.

Azerbaijan khẳng định đây chỉ là "phản công", nhưng các nhà quan sát cho rằng Baku muốn thu hồi lại nhiều hecta lãnh thổ ở Thượng Karabakh. Hồi tháng Bảy, đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Baku đòi tái chiếm vùng đất thuộc Azerbaijan quản lý thời Liên Xô cũ, dù cư dân hầu hết là người Armenia, và đã bị Armenia chiếm được trong cuộc chiến 1988-1994.

Le Figaro dẫn lời một nhà ngoại giao cho rằng tổng thống Ilham Aliev không chỉ muốn làm hài lòng xu hướng dân tộc chủ nghĩa Azerbaijan, mà còn bực tức trước thái độ được cho là mị dân của thủ tướng Nikol Pachinian của Armenia, thường xuyên đến vùng Thượng Karabakh và củng cố hệ thống quốc phòng tại đây.

Cuộc chiến ủy nhiệm thứ ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga

Les Echos nhận định, đây là cuộc chiến ủy nhiệm thứ ba, sau Syria và Libya, mà Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO) và Nga đối đầu thông qua các đồng minh tại chỗ. Cả hai nước Azerbaijan (10 triệu dân) và Armenia (3 triệu dân) đều ra lệnh tổng động viên và thiết quân luật, đôi bên đứng trước bờ vực một cuộc chiến quy mô, có nguy cơ lan ra cả bên ngoài vùng Kavkaz.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể gởi đến Azerbaijan lính đánh thuê điều từ mặt trận Syria, ông tuyên bố ủng hộ đồng minh Hồi giáo "bằng mọi phương tiện cần thiết". Còn Armenia - nước Công giáo suốt 17 thế kỷ, một thời thuộc về đế quốc Ottoman trước khi trở thành quốc gia thành viên Liên Xô – vẫn luôn được Moskva ủng hộ, và Nga có căn cứ quân sự tại đây. Nhưng Azerbaijan lại là khách hàng mua vũ khí của Nga.

Moskva kêu gọi ngưng bắn ngay lập tức và thương thảo. Pháp (có cộng đồng người Armenia đông đảo) làm trung gian hòa giải cùng với Nga và Hoa Kỳ trong Nhóm Minsk, cũng như Bruxelles. Libération dẫn lời Paul Stronski thuộc think tank Carnegie cho rằng chính quyền Trump trong năm thứ tư của nhiệm kỳ cần phải xác định chính sách đối với khu vực Kavkaz.

Nagorny Karabakh với sự hỗ trợ quân sự của Armenia đã ly khai với Azerbaijan, sau cuộc chiến 1988-1995 làm 25.000 người chết. Baku, tái vũ trang với tiền bạc dồi dào nhờ dầu khí biển Caspi (Caspienne), muốn tái kiểm soát Thượng Karabakh nhưng các cuộc đàm phán đều dậm chân tại chỗ từ nhiều năm qua.

Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga : Ba quốc gia hiếu chiến cần ngăn chận

Về địa chính trị, tác giả Dominique Moisi trên Les Echos phân tích "Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga : Ba con thú dữ đe dọa các nền dân chủ chúng ta".

Tác giả dùng từ "prédateur" (thú ăn thịt), tạm dịch "quốc gia hiếu chiến". Vấn đề được đặt ra : Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh trong NATO, nhưng lại mua chiến đấu cơ để chiến đấu với NATO. Nước Nga của Putin muốn cái chết của các thể chế tự do dân chủ, còn Trung Quốc lấy thịt đè người. Đó là ba nước mà Châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung cần phải tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết.

Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh "không giống ai" còn đỡ đầu cho Huynh đệ Hồi giáo, ưu tiên cho quan hệ với Hamas và can thiệp vào Syria, Libya, ủng hộ Hồi giáo chính trị ở vùng Balkan. Với thái độ này, làm thế nào hiện diện trong một liên minh mà mục tiêu lớn nhất là bảo vệ dân chủ và nguyên trạng lãnh thổ ? NATO, cho dù "chết não" như lời tổng thống Pháp Macron đi nữa, không cần đến một con voi đi vào cửa hàng bán đồ sứ của mình.

Nga thì không phải là đồng minh mà là đối thủ. Liên Xô, lý do hiện hữu của NATO đã sụp đổ cách đây gần 20 năm, nhưng nước Nga của ông Putin với các vụ đầu độc, tin tặc… cho thấy Kremlin vừa trừ khử các nhà đối lập ở bên trong, vừa gây bất ổn cho các đối thủ bên ngoài. Điểm giống nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ : đều là chế độ toàn trị với ý thức hệ - không còn là cộng sản đối với Nga, trở thành Hồi giáo với Thổ Nhĩ Kỳ - có cùng kẻ thù chung là các chế độ tự do dân chủ.

Tuy nhiên quốc gia cần phải ngăn chặn trước hết là Trung Quốc, cường quốc đang tranh hùng với Hoa Kỳ, và Châu Âu đang bị lệ thuộc nhiều. Cần nhớ rằng chính Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan vốn luôn đấu tranh cho quyền lợi của người Hồi giáo trên thế giới đã phải xử nhũn trước vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Theo tác giả, muốn chận đứng ba quốc gia hiếu chiến này, cần phải thấu hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của từng nước. Không thể làm dịu lũ cọp dữ bằng cách cung cấp thức ăn cho chúng, việc này chỉ làm cho thú dữ càng say mồi hơn.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)