Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/10/2020

Giải Nobel năm 2020 : những người được chọn

RFI tổng hợp

Mùa Nobel kết thúc hoàn hảo với WFP/PAM đoạt giải Hòa Bình 2020

RFI, 10/10/2020

Sau các giải về y học, vật lý, hóa học và văn học, mùa trao giải Nobel đã kết thúc hôm thứ Sáu 09/10/2020 với việc công bố danh tánh giải Nobel Hòa Bình năm 2020. Tại Viện Nobel ở Oslo, thủ đô Na Uy, trước một cử tọa rất thưa thớt vì dịch Covid-19 vẫn hoành hành, bà chủ tịch Ủy Ban Nobel Na Uy đã xướng tên Giải Nobel năm nay : Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc – World Food Program (WFP) theo tiếng Anh hay Programme Alimentaire Mondial (PAM) theo tiếng Pháp.

nobel1

Giải Nobel Hòa Bình 2020 về tay Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc – World Food Program WFP / Programme Alimentaire Mondial PAM.  © Reuters

Việc chọn một tổ chức để trao giải được xem là một quyết định khôn ngoan, vì lẽ việc vinh danh một cá nhân luôn hàm chứa rủi ro.

Khả năng rủi ro khi trao giải Nobel Hòa Bình

Gần đây nhất là vào năm ngoái, với thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed được trao giải nhờ đã kết thúc cuộc chiến tranh với láng giềng Eritrea, nhưng hiện nay lại bị cuốn vào cuộc tranh chấp trên đất nước của mình, và đã quyết định hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử.

Xa hơn là trường hợp nhà đấu tranh nhân quyền Miến Điện Aung San Suu Kyi, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991, nhưng sau này lại trở thành một lãnh đạo nhắm mắt làm ngơ trước nạn diệt chủng người Rohingya trong nước.

Riêng về Chương trình Lương thực Thế giới, việc tổ chức này được trao giải được cho là rất xứng đáng. Bảng vàng của Ủy Ban Nobel Na Uy ghi nhận các "nỗ lực chống nạn đói, đóng góp vào việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị chiến tranh ảnh hưởng và vai trò hàng đầu trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh".

Giải Nobel đã đến rất bất ngờ với giám đốc điều hành Chương Trình Lương Thực Thế Giới David Beasley, người Mỹ. Phản ứng ngay sau khi biết tin, ông không che giấu sự sửng sốt, nhưng rất phấn khởi :

Quả là lần đầu tiên trong đời mà tôi bị nghẹn nói không ra lời. Tuyệt vời thật ! Đây chính là điều gọi là phấn khích nhất có thể xảy ra trong đời ! Một giải Nobel Hòa Bình !

Và đó là nhờ đại gia đình của Chương Trình Lương Thực Thế Giới. Họ luôn ở hiện trường, tại những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, những nơi có chiến tranh, những nơi bị thiên tai khắc nghiệt nhất. Dù khó khăn đến mấy họ cũng có mặt ! Họ xứng đáng được giải thưởng này.

Waouh ! Đến giờ tôi vẫn chưa tin nổi rằng đó là sự thật.

WFP/PAM : Tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới

Phải nói là logo của Chương trình Lương thực Thế giới đã trở thành biểu tượng ở một số vùng nhất định trên hành tinh. Trên những chiếc xe tải chở lương thực viện trợ, trên những bao gạo, những hộp sữa mẹ, trong những khu trại dành cho những người phải di dời, ở hàng chục quốc gia, hình bàn tay cầm một bắp ngô được những cành ô liu bao bọc đồng nghĩa với hy vọng, hy vọng có được một bữa ăn.

Chương trình Lương thực Thế giới tự giới thiệu mình là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới. Bộ máy khổng lồ này của Liên Hiệp Quốc bao gồm 17.000 nhân viên, ra đời vào đầu những năm 1960. Năm 2019, WFP/PAM đã cung cấp viện trợ cho 97 triệu người ở 80 quốc gia, tổng cộng là 15 tỷ khẩu phần thực phẩm.

Thiên tai, chiến sự, di dời dân cư, WFP/PAM can thiệp bằng các biện pháp tinh vi. Mỗi ngày đều có 5.000 chiếc xe tải, 20 chiếc tàu và 92 chiếc máy bay hoạt động trên hiện trường để cung cấp thực phẩm cho những người dân gặp nạn.

Tổ chức cũng đang chiến đấu nhằm ngăn không cho một số người sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh. Điều này đã trở thành một trong những hướng hoạt động chủ đạo của tổ chức. Tuy nhiên, với ngân sách 8 tỷ đô la mỗi năm, WFP/PAM không có đủ phương tiện để ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng. Và các nhà lãnh đạo của tổ chức thường xuyên phàn nàn rằng họ gặp khó khăn trong việc huy động tài chánh. Vì mọi thứ đều phụ thuộc vào tình đoàn kết quốc tế và các nhà tài trợ.

Trong bối cảnh đó, giải Nobel Hòa Bình có lẽ sẽ giúp nhiệm vụ của Chương trình Lương thực Thế giới dễ dàng hơn một chút trong tương lai.

Trọng Nghĩa

********************

Nobel Hòa bình 2020 vinh danh Chương trình Lương thực Thế giới

RFI, 09/10/2020

Trong cuộc họp báo sáng 09/10/2020 chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss Andersen thông báo giải Nobel Hòa bình năm nay vinh danh những nỗ lực xóa đói trên toàn cầu của tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới (PAM/WFP) đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và ở những vùng đang xảy ra xung đột.

nobel1

Giải Nobel Hòa bình 2020 vinh danh Chương trình Lương thực Thế giới (PAM/WFP).AP - Robert Bumstead

PAM/WFP đi vào lịch sử những giải Nobel Hòa bình trong bối cảnh virus corona làm tê liệt một phần lớn các hoạt động kinh tế trên thế giới, số người bị đẩy vào cảnh đói, nghèo không ngừng gia tăng ở khắp nơi. Nhu cầu "tương thân tương ái trên phương diện quốc tế và hợp tác đa phương trở nên cần thiết hơn bao giờ hết".

Chủ tịch Ủy ban Nobel nhấn mạnh đây là lần đầu tiên ủy ban này đã chọn trao giải thưởng cho một tổ chức nhân đạo thế giới chống nạn đói và thực tế là "cứ trên 9 người thì có 1 người không đủ no".

Vẫn theo bà Berit Reiss Andersen, Covid-19 đẩy số nạn nhân cần được Chương trình Lương thực Thế giới hỗ trợ tăng lên cao đáng kể. Trong khi chờ đợi có được vac-xin chống virus corona, lương thực vẫn là liều thuốc tiêm chủng hiệu quả nhất chống lại tình trạng hỗn loạn hiện nay.

Chương trình Lương thực Thế giới, trụ sở tại Roma (Ý), trong năm 2019, hiện diện tại 88 quốc gia, hỗ trợ 97 triệu người. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức, dịch Covid-19 có thể đẩy thêm 270 triệu người trên hành tinh vào cảnh thiếu lương thực. Như vậy, số người cần được giúp đỡ sẽ tăng thêm 82% so với giai đoạn tiền khủng hoảng virus corona.

Trên mạng xã hội Twitter, tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc này viết: Giải Nobel Hòa bình lần này là một "lời kêu gọi mạnh mẽ nhắc nhở thế giới là hòa bình và chấm dứt nạn đói là hai mục tiêu song song với nhau". Cũng tổ chức này nhắc lại là cộng đồng quốc tế từng cam kết xóa nạn đói vào năm 2030.

Thanh Hà

*********************

Nobel Hóa học 2020 tôn vinh phương pháp chỉnh sửa gien

RFI, 07/10/2020

Hai nhà di truyền học, bà Emmanuelle Charpentier người Pháp và Jennifer Doudna, người Mỹ, đã được trao giải Nobel Hóa Học ngày 07/10/2020 vì đã "phát triển một phương pháp chỉnh sửa bộ gien".

nobel2

Trên màn hình, hai chuyên gia đoạt giải Nobel Hóa Học 2020 : Emmanuelle Charpentier (T) và Jennifer Doudna  TT NEWS AGENCY/AFP

Trên trang web của Giải Nobel, Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá "Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã khám phá ra một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gien : kéo cắt gien CRISPR / Cas9".

Công nghệ này được dùng để "thay đổi gien của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao". Nhờ "kéo di truyền" CRISPR / Cas9, người ta có thể thay đổi mã sống chỉ trong vài tuần với chi phí thấp hơn, khoảng vài nghìn euro, theo trang FranceInfo trích thông tin của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp (CNRS).

"Kéo cắt gien" CRISPR / Cas9 được các nhóm nghiên cứu của hai nhà khoa học Pháp và Mỹ phát hiện ra kéo năm 2012. Từ đó, phương pháp này được sử dụng rộng rãi và đưa ngành khoa học về sự sống bước sang một kỷ nguyên mới, vẫn theo đánh giá trên trang web Giải Nobel. Phương pháp này góp phần vào việc điều trị ung thư hoặc chữa các bệnh di truyền.

Thu Hằng

***********************

Nobel Vật lý 2020 : Vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về "hố đen"

RFI, 06/10/2020

Giải thưởng Nobel Vật lý học năm nay 2020 được trao tặng cho ba nhà khoa học, nghiên cứu về "hố đen", đã mang lại "bổ sung quan trọng nhất" cho Thuyết tương đối tổng quát của Einstein. Nhà khoa học Anh Roger Penrose được trao tặng một nửa giải thưởng. Một nửa giải thưởng còn lại được trao cho nhà khoa học Mỹ Andrea Ghez và nhà khoa học Đức Reinhard Genzel.

nobel3

Trên màn hình, ba chuyên gia đoạt giải Nobel Vật lý 2020, Roger Penrose (trái), Reinhard Genzel (giữa) và Andrea Ghez.  AP - Fredrik Sandberg

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển thông báo : nhà khoa học Anh Roger Penrose, sinh năm 1931, tốt nghiệp Đại học Cambridge và hiện là giáo sư Đại học Oxford, đã được trao giải thưởng vì đã phát hiện ra "quá trình hình thành của hố đen". "Năm 1965, tức 10 năm sau khi Einstein qua đời, ông Roger Penrose đã chứng minh là các hố đen có thể ra đời và (dựa trên các mô hình toán học) ông đã mô tả chi tiết quá trình hình thành các hố đen". Ủy Ban Nobel khẳng định các công trình của giáo sư Roger Penrose là "đóng góp quan trọng nhất vào Thuyết tương đối tổng quát, kể từ Einstein đến nay".

Hai nhà khoa học Reinhard Genzel, sinh năm 1952, và Andrea Ghez, sinh năm 1965, được ghi nhận là đã có các đóng góp quan trọng vào việc phát triển các kỹ thuật mới, cho phép phát hiện ra một vật thể khổng lồ siêu đặc ở trung tâm của giải Ngân Hà, chi phối quỹ đạo của các vì sao trong giải Ngân Hà. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các nghiên cứu mang tính tiên phong của hai nhà khoa học Viện vật lý thiên văn Max-Planck (Đức) và trường Đại học Californie ở Berkeley, Los Angeles (Mỹ) đã cung cấp "các bằng chứng thuyết phục nhất cho tới nay về sự hiện diện của một siêu hố đen ở trung tâm của giải Ngân Hà".

Theo chủ tịch Ủy Ban Nobel Vật lý học, ông David Haviland, "các phát hiện của những người được trao giải năm nay đã mở ra nhiều chân trời mới cho việc nghiên cứu về các vật thể khổng lồ - siêu đặc trong vũ trụ, các vật thể kỳ lạ này đặt ra nhiều câu hỏi, cần đến các lời giải mới".

Giải Nobel Vật lý là giải được trao thứ hai, sau giải Nobel Y học. Ngày mai, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố người đoạt giải Nobel Hóa học.

Trọng Thành

***********************

Nobel Y học 2020 được trao cho ba nhà khoa học khám phá virus siêu vi gan C

RFI, 05/10/2020

Thứ Hai 05/10/2020, Stockholm bắt đầu một tuần lễ mùa giải Nobel nổi tiếng và mở màn là giải Nobel Y học được trao cho ba nhà khoa học khám phá ra siêu vi gan C. 

nobel4

Tượng Alfred Nobel, Stockholm, Thụy Điển, ngày 10/12/ 2019.  TT News Agency/Claudio Bresciani via Reuters

Giải Nobel năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt - đại dịch Covid-19 hoành hành khắp địa cầu. Tuy không có lễ trao giải long trọng, nhưng điều đó cũng không ngăn cản người ta đánh cược về tên tuổi của những người đoạt giải.

Từ thủ đô Thụy Điển, thông tín viên Frédéric Faux tường thuật :

"Liệu giải Nobel Văn học có thể thuộc về nhà văn Pháp Michel Houllebecq gây nhiều tranh cãi, hay là nữ nhà văn Mỹ gốc Caribe có nhiều đồng thuận nhất, Jamaica Kincaid ? Trong trường hợp đầu tiên, những thành viên của Viện Hàn Lâm Văn Học, vốn dĩ đã bị chỉ trích vì một vụ tai tiếng tình dục dẫn đến việc không thể trao giải Nobel năm 2018, lần này có nguy cơ gây ra thêm một cuộc tranh cãi nữa.

Giải Nobel Hòa bình có sẽ được trao cho một phụ nữ, Greta Thunberg chẳng hạn ? Với một số người, nhà hoạt động vì khí hậu người Thụy Điển là một sự lựa chọn lý tưởng. Đối với nhiều người khác, chính tự do báo chí, ngày càng bị đe dọa, mới cần được tôn vinh.

Như mọi năm, các cuộc đánh cược về tên tuổi của những người được trao giải lại nở rộ, nhưng lần này có thêm một ẩn số : Liệu tác động của dịch virus corona chủng mới có thể ảnh hưởng đến việc trao giải Nobel Y khoa hay Kinh tế hay không ? Hoặc là còn quá sớm ?

Có một điều chắc chắn là do dịch bệnh, những người được tặng thưởng giải Nobel sẽ không đến Stockholm vào tháng 12 để nhận giải, trong khi mức tiền thưởng năm nay đã được tăng lên đến gần một triệu euro."

Nobel Y học thuộc về các nhà khoa học khám phá virus siêu vi gan C

Trong khi dịch bệnh virus corona chủng mới vẫn hoành hành trên khắp thế giới, Viện Hàn Lâm Khoa Học Thụy Điển hôm nay 05/10/2020 quyết định trao giải Nobel cho ba nhà khoa học : Một người Anh và hai người Mỹ về những khám phá virus siêu vi gan C.

Michael Houghton (người Anh), Harvey Alter cùng đồng nghiệp người Mỹ khác là Charles Rice cùng nhau chia sẻ giải Nobel Y học năm 2020 vì những "đóng góp có tính quyết định" cho việc "khám phá virus siêu vi gan C", theo tuyên bố của hội đồng khoa học Nobel.

Vẫn theo hội đồng khoa học Thụy Điển, ông Harvey Alter, nay 85 tuổi, cuối thập niên 1970 đã xác định một hiện tượng lây nhiễm siêu vi gan bí ẩn không thuộc loại siêu vi A, cả siêu B trong một lần truyền máu. Nhiều năm sau đó, năm 1989, ông Michael Houghton, người Anh cùng với nhóm nghiên cứu của mình thông báo đã chiết đoạn thành công bộ gien của virus.

Về phần Charles Rice, 68 tuổi, ông đã dầy công tìm hiểu trong vòng nhiều năm cách thức virus nhân rộng để rồi nhờ vào những nghiên cứu này mà khoa học đã tìm ra được một cách điều trị mới mang tính cách mạng trong những năm 2010 : Đó chính là thuốc Sofosbuvir.

Với giải thưởng Nobel Y khoa lần thứ 111 này, kể từ giờ, thế giới có đến 222 người được trao giải khôi nguyên về "Sinh lý học hay Y học" kể từ ngày Nobel được thành lập. Dù vậy, AFP lấy làm tiếc rằng cho đến nay chỉ có 12 phụ nữ là được trao giải thưởng cao quý này.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)