Hôm 22/10/2020, Hoa Kỳ đã lên án vụ Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 của Nga, đồng thời cảnh cáo là quan hệ quốc phòng với đồng minh chiến lược này, thành viên của NATO, có nguy cơ bị tổn hại trầm trọng.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Jonathan Hoffman, nhắc lại lập trường của Washington vẫn không thay đổi : Hệ thống S-400 được đưa vào hoạt động là trái với những cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách đồng minh của Hoa Kỳ và thành viên của NATO.
Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 16/10, Ankara đã tiến hành vụ thử nghiệm đầu tiên hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Hôm qua, lần đầu tiên tổng thống Erdogan đã xác nhận vụ thử này. Ông nói : "Đúng là các vụ thử này đã được thực hiện và sẽ tiếp tục. Chúng tôi không cần hỏi ý kiến Mỹ về việc này".
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 của Nga, trong bối cảnh Ankara và Matxcơva xích lại gần nhau, đã gây bất hòa giữa nước này với các nước phương Tây, vốn xem hệ thống của Nga không tương hợp với các hệ thống vũ khí của NATO.
Đáp lại việc Ankara tiếp nhận dàn tên lửa đầu tiên vào mùa hè vừa qua, Hoa Kỳ đã đình chỉ việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình sản xuất chiến đấu cơ mới nhất của Mỹ F-35, vì cho rằng hệ thống tên lửa S-400 của Nga có thể giúp tìm ra bí mật công nghệ của loại chiến đấu cơ này. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một luật cấm bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara, vốn sản xuất nhiều linh kiện cho loại chiến đấu cơ này, đã mất toàn bộ các hợp đồng sản xuất.
Washington từng hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ không khởi động 4 dàn tên lửa S-400, thậm chí sẽ bán chúng cho một nước thứ ba. Nhưng vụ thử nghiệm ngày 16/10 đã làm thay đổi tình hình. Một đạo luật do Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017 có dự trù các biện pháp trừng phạt tự động đối với những nước nào tiến hành "một giao dịch đáng kể" với ngành công nghiệp vũ khí của Nga.
Thanh Phương