Hoa Kỳ : 100 ngày đầu tiên bất định của tổng thống Trump
Ngày 29/04 là đúng 100 ngày Donald Trump vào Nhà Trắng. Báo Le Figaro có bài "tổng kết" hoạt động của nguyên thủ Hoa Kỳ với hàng tựa "100 ngày đầu tiên bất định của tổng thống Trump" và nhận định : mặc dù tỏ ra không coi trọng cái mốc 100 ngày đầu tiên, nhưng tân chủ nhân Nhà Trắng vẫn cố chứng minh rằng trong giai đoạn nói trên, ông đã làm được nhiều việc hơn người tiền nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn của Reuters tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng (Washington, Mỹ) ngày 27/04/2017. REUTERS/Carlos Barria
Le Figaro cho biết, nguồn gốc thông lệ đánh giá công việc của tổng thống trong 100 ngày đầu tiên có từ thời Franklin Roosevelt.
Do phải đối phó với tình hình khẩn cấp của cuộc Đại Suy Thoái, vị tổng thống thứ 32 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (làm tổng thống trong 12 năm), đã chuẩn bị từ trước các chương trình hành động. Ngay sau khi trúng cử và nhờ có được đa số tại Quốc hội lưỡng viện, ông đã cho thông qua 76 đạo luật trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, trong đó có khoảng 15 chương trình cải cách vẫn có hiệu lực cho đến nay.
Nếu so sánh, thì Donald Trump tỏ ra quá kém cỏi : ông đã ký 28 sắc lệnh trong đó có 13 văn bản chỉ nhằm hủy bỏ những gì mà người tiền nhiệm đã làm. Chưa có một đạo luật nào được Quốc hội thông qua. Ngay cả những đề nghị giảm thuế cũng mới chỉ là những tuyên bố về nguyên tắc và chưa có ý kiến của Quốc hội.
Theo Le Figaro, thực ra, cái mốc 100 ngày cũng không quan trọng và những thành công và thất bại trong giai đoạn đầu tiên này không có ảnh hưởng gì nhiều đến phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Thế nhưng, sở dĩ cái mốc này làm cho Donald Trump khó xử bởi vì chính ông đã cam kết với cử tri Mỹ : Hồi tháng 10 năm ngoái, tại Gettysburg, Pennsylvania, ông đã đưa ra một "kế hoạch hành động trong 100 ngày đầu tiên để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Và ngày mai, thứ Bẩy, ông sẽ phải quay trở lại Pennsylvania để gặp các cử tri ủng hộ mình. Tại đây, những người đã bỏ phiếu cho Donald Trump vẫn tin tưởng vào ông : nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy 90% cử tri ở đây không hề hối hận khi bầu Donald Trump. Trong khi đó, trên phạm vi quốc gia, tỷ lệ được lòng dân của tân tổng thống Mỹ vẫn dao động trong khoảng 36% và 44%, mức thấp "lịch sử" đối với một vị tổng thống trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên.
Le Figaro nhận xét, do rất nhậy cảm trước các chỉ trích và bất chấp chế nhạo, mỉa mai, Donald Trump đích thân "xây đắp" tiếng tăm cá nhân. Trên Twitter, ông thanh minh : Bất kể tôi làm được việc gì trong cái giai đoạn 100 ngày phi lý này – và tôi đã làm được rất nhiều việc – thì truyền thông vẫn "hạ sát" tôi.
Nhà Trắng mở hẳn một trang thông tin về chủ đề 100 ngày và điều các sứ giả đi gặp truyền thông. Các cố vấn thân cận của Donald Trump liên tiếp có những tuyên bố ca ngợi, như tổng thống đã nhanh chóng thực hiện các cam kết.
Nếu như người ta vẫn tranh luận về tính xác đáng, theo lẽ phải hay hiệu quả của các quyết định mà tổng thống Mỹ đưa ra, thì không một ai cho rằng ông thụ động. Trong 100 ngày qua, vị tổng thống còn "non nớt" về chính trị này đã ký 32 sắc lệnh, 22 bị vong lục và 20 tuyên bố. Ông xóa bỏ hơn 90 quy định ở cấp Liên Bang bị cho là kìm hãm nền kinh tế, và không quan tâm đến môi trường, bảo hiểm xã hội hoặc kỷ luật ngân hàng.
Tuy nhiên, Le Figaro ghi nhận, kế hoạch tuyển dụng 15 ngàn nhân viên hải quan và cảnh sát biên phòng đã được bắt đầu, ông đã thực hiện 16 trong tổng số 18 cam kết thuộc phạm vi hành pháp, nhưng chưa có một dự luật nào của ông được bên lập pháp thông qua. Mặt khác, thành công rõ ràng nhất của tổng thống Mỹ trong 100 ngày đầu tiên là bổ nhiệm được nhân vật bảo thủ Neil Gorsuch, 49 tuổi, làm thẩm phán Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ.
Theo ông Julian Zelizer, giáo sư lịch sử chính trị học, đại học Princeton, thì thành công có ý nghĩa nhất trong 100 ngày đầu tiên là ông Trump đã bình thường hóa nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tổng thống Mỹ không giấu giếm là ông vừa làm vừa học việc và công khai thừa nhận rằng công việc của một vị tổng thống lại nặng nề đến như vậy. Thế nhưng, theo Le Figaro, không có gì bảo đảm là Donald Trump và nhóm cộng sự của ông sẽ làm chủ được bộ máy lãnh đạo, điều hành công việc đất nước.
Tuy vậy, ông Lee Edward, thuộc Trung tâm tham vấn bảo thủ Heritage Foundation cho rằng, có hai Donald Trump. Một người dễ bị kích động, loạn năng, khó hiểu qua các thông điệp trên mạng xã hội Twittter. Và một Donald Trump khác biết rõ việc mình làm… rất thông minh và cố tình làm cho mọi người hiểu sai, đánh giá thấp ông.
Brexit : Châu Âu bế tắc trong hồ sơ quyền công dân và tài chính
27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp tại Bruxelles vào ngày mai để thống nhất về các điều khoản liên quan tới việc Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp. Thủ tướng Đức hôm qua thể hiện quan điểm cứng rắn : ra khỏi Châu Âu, Anh Quốc không thể được hưởng quyền lợi bằng hay nhiều hơn quốc gia thành viên của Liên Hiệp. Bà Merkel muốn dẹp các "ảo tưởng" của Anh Quốc để không mất thời gian vô ích.
Ưu tiên hàng đầu của Liên Hiệp là đảm bảo quyền lợi của 3 triệu công dân Châu Âu sinh sống tại nước Anh, trong đó có 800.000 người Ba Lan. Trong bài viết "Brexit : Châu Âu bế tắc về quyền công dân và tài chính", nhật báo công giáo La Croix cho biết thủ tướng Anh Theresa May có thể sẽ yêu cầu một cam kết song phương để đảm bảo quyền lợi cho những người Anh sống tại các nước thành viên Liên Hiệp : khoảng 200.000 người Anh sống tại Pháp và hơn 300.000 người Anh tại Tây Ban Nha.
Nhưng theo La Croix, các vấn đề về ngân sách và tài chính giữa Liên Hiệp và Anh Quốc mới là hồ sơ phức tạp nhất và gây nhiều bất đồng nhất giữa các bên.
Đức : Thiết bị điện tử theo dõi đối tượng đe dọa an ninh quốc gia
Về đề tài chống khủng bố, báo Libération có bài viết "Đức chấp nhận đặt thiết bị điện tử theo dõi những người nằm trong danh sách đe dọa an ninh quốc gia". Chính phủ Đức hôm qua thông qua dự luật cho phép gắn thiết bị điện tử lên người những người bị nghi là có nguy cơ tấn công khủng bố. Cơ quan an ninh của Đức cho biết hiện có 614 người thuộc danh sách nói trên. Một nửa số họ hiện ở Đức, số còn lại ở nước ngoài. Trong số những người ở Đức, có khoảng 100 người đang bị giam giữ trong tù, 200 người còn lại vẫn được tự do và rất có thể sẽ tiến hành khủng bố.
Theo bộ trưởng nội vụ Đức, biện pháp này cho phép cấm các đối tượng bị theo dõi lại gần những địa điểm công cộng có nhiều người qua lại như nhà ga, sân bay hay các nhà máy điện nguyên tử. Chi phí cài đặt thiết bị và theo dõi cũng thấp, 36 euro/ngày so với 100 euro/ngày cho 1 tù nhân.
Nhưng các chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của biện pháp này nếu đối tượng quyết tâm "lấy mạng đổi mạng". Thêm vào đó, về đạo đức, các thiết bị này phải được tháo ra trong các trong trường hợp đối tượng gặp vấn đề về sức khỏe và cần sự can thiệp về y tế.
Mạng xã hội Twitter : Thành viên tăng, doanh thu giảm
Chuyển sang lĩnh vực kinh tế, "có nhiều người sử dụng hơn nhưng Twitter lại có thu nhập thấp hơn" là tiêu đề một bài viết trên Le Monde. Theo kết quả tài chính công bố ngày 26/04, doanh thu của tập đoàn Mỹ giảm 8% trong quý 1/2017 (gần 62 triệu đô la).
Đây là lần đầu tiên thu nhập của Twitter giảm sút kể từ khi lên sàn chứng khoán vào tháng 11/2013. Nguyên nhân là do doanh thu của Twitter từ quảng cáo tại Hoa Kỳ giảm mạnh, đặc biệt khi Twitter bị hai gã khổng lồ Mỹ Google à Facebook cạnh tranh dữ dội.
Tuy nhiên, ông Jack Dorsey, đồng sáng lập - tổng giám đốc tập đoàn vẫn tỏ ra lạc quan và đảm bảo những nỗ lực từ khi ông lên nắm quyền giám đốc vào tháng 07/2015 sẽ mang lại những kết quả dài hạn, vì số người sử dụng mạng xã hội Twitter dã tăng 14%.
Trong khi đó, Le Monde hóm hỉnh nhận xét : Twitter ngày càng có nhiều "tín đồ", còn số tiền kiếm được ngày càng ít. Trong quý 4 năm 2016, tăng trưởng của Twitter chỉ đạt gần 1%. Và các chuyên gia Wall Street dự báo tăng trưởng của Twitter sẽ còn tiếp tục giảm sút mạnh.
Nhật Bản : Mối hiểm họa từ lão hóa dân số
Trên lĩnh vực xã hội, Le Monde quan tâm tới đề tài lão hóa dân số ở Nhật Bản. Trong bài viết "Mối hiểm họa tuổi già ở Nhật Bản", Le Monde cho biết với tỉ lệ sinh 1,44 con/phụ nữ như hiện nay, theo dự báo, tới năm 2065, dân số Nhật Bản giảm còn 88 triệu người so với con số 127 triệu của năm 2015. Và cú sốc dân số sẽ làm lay chuyển cả đất nước Bắc Á này.
Trước tiên, người ta đang lo ngại tình trạng lão hóa dân số sẽ khiến hàng trăm ngành nghề truyền thống, trong đó có những nghề chỉ có ở Nhật bản, bị xóa sổ. Những nghệ nhân cao tuổi trong các nghề này hiện được người Nhật coi là "các kho báu sống".
Chính phủ lo ngại "nếu không có gì thay đổi, nước Nhật sẽ bước vào suy thoái dân số kể từ năm 2040". Tuy nhiên, thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại lạc quan tin rằng công nghệ người máy, trí thông minh nhân tạo và các công nghệ điều khiển từ xa sẽ giúp tăng năng suất lao động. Nhật Bản cũng cho rằng đây là cơ hội để phát triển công nghệ Nhật Bản.
Để bù đắp thiếu hụt nhân công, chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi làm việc. Hiện nay, 20% số người cao tuổi ở Nhật vẫn còn đi làm. Đây là tỉ lệ cao kỷ lục ở các nước phát triển.
Còn về vấn đề người nhập cư, một chuyên gia cho biết Nhật Bản còn phải làm rất nhiều việc, cả về văn hóa và thủ tục hành chính để có thể tiếp nhận người nhập cư. Hồi tháng 11/2016, thủ tướng Abe cho biết có khả năng sẽ cho phép những người có bố hoặc mẹ là người nước ngoài được phép đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong ngành ngoại giao và an ninh.
Năm 2017, chi phí chăm sóc y tế cho người cao tuổi chiếm 32,5% ngân sách cho an sinh xã hội. Con số này chỉ là 17,6 % vào năm 2000. Để khắc phục thực trạng quá tải về ngân sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chính phủ Nhật dự tính giảm lương hưu, tăng khoản đóng góp của những người trên 70 tuổi dư dả về tài chính, cắt giảm hỗ trợ của nhà nước trong chữa trị các bệnh tốn kém nhiều chi phí.
Về lâu dài, sức mua sắm của người lớn tuổi sẽ giảm. Thêm vào đó, tình trạng bấp bênh lại tăng ở giới trẻ, nhiều người không đóng bảo hiểm an sinh xã hội, không đóng góp vào quỹ lương hưu. Và tới năm 2065, chỉ có 1,3 người lao động/1 người hưởng chế độ hưu trí. Tỉ lệ này là 2,3 vào năm 2015. Le Monde kết luận : "Cú sốc lão hóa dân số ở Nhật giờ mới chỉ bắt đầu mà thôi".
Trang nhất các báo Pháp
Chỉ còn 9 ngày nữa là tới này 07/05/2017, nước Pháp bước vào vòng 2 bầu cử tổng thống. Cũng như những ngày vừa qua, các báo Pháp hôm nay đều dành nhiều trang, bài cho đề tài bầu cử tổng thống Pháp 2017.
Báo Le Monde chạy tựa trang nhất : "Giữa hai vòng bầu cử, thời gian khó khăn của Macron". Sau vài ngày cho cử tri cảm giác ông không cần cố gắng để chiến thắng trong vòng hai bầu cử, cựu bộ trưởng kinh tế Macron đã cho thấy ông không còn muốn để cho đối thủ Le Pen có "bất kỳ giây phút nghỉ ngơi nào nữa".
Trong khi đó, tờ báo thiên tả Libération tập trung vào sự bế tắc của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR). Kèm theo hàng tít lớn "Cánh hữu trước bức tường chắn" là nhận định sự thất bại của François Fillon càng đào sâu sự chia rẽ giữa phe Những Người Cộng Hòa có khuynh hướng tiến bộ và phe của Những Người Cộng Hòa có tư tưởng bảo thủ, thời khắc phân hóa của cánh hữu đã điểm. Libération cũng gửi nhiều thông điệp tới cánh tả : Làm ơn hãy để những người thuộc cánh tả tự quyết định xem họ có bầu cho Macron hay không, Im lặng vào thời điểm phải lựa chọn là phản bội nền dân chủ …
Báo kinh tế Les Echos lại tập trung vào ứng viên cực hữu Le Pen qua hàng tít lớn "Le Pen đối mặt với ngõ cụt về dự án Châu Âu". Bà Le Pen từng tuyên bố "sẽ không thể thực hiện 70% chương trình tranh cử" nếu Pháp không ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Les Echos trích dẫn kết quả 1 cuộc thăm dò cho biết 63% người gửi tiết kiệm lo ngại khả năng quay lại dùng đồng tiền franc sẽ không có lợi cho họ.
Thùy Dương