Vì sao Trung Quốc tiết lộ tin sát thủ tàu sân bay ‘bắn trúng mục tiêu’ trên Biển Đông lúc này ?
VOA, 18/11/2020
Hai tên lửa của "sát thủ tàu sân bay" mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắn trên Biển Đông trong cuộc tập trận hồi tháng 8 đã bay hàng nghìn cây số trúng vào mục tiêu giả định là một con tàu đang di chuyển ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa. Thông tin vừa được một chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan Trung Quốc tiết lộ sau gần 3 tháng diễn ra cuộc tập trận, theo tường thuật của South China Morning Post.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc được trình diễn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai được tổ chức trước cổng Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 3/9/2015.
Hai tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D đã được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc và tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, và theo lời cựu sĩ quan Vương Tương Tuệ, hiện là giáo sư của Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh, thì 2 tên lửa này đã đã đánh trúng một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.
"Ngay sau đó, một tùy viên quân sự Mỹ tại Geneva đã phàn nàn [với chúng tôi] và nói rằng điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu như tên lửa bắn trúng một tàu sân bay Mỹ. Họ xem đây là sự phô trương lực lượng. Nhưng chúng ta đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ", SMCP dẫn lời cựu đại tá Vương nói.
Tiết lộ của ông Vương đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra thông tin chi tiết về vụ phóng hai tên lửa DF-26B và DF-21D trên Biển Đông hồi tháng 8. Vào thời gian đó, có thông tin cho rằng tên lửa đã bị hỏng và rơi xuống biển.
Cựu đại tá Trung Quốc còn nói thêm rằng các vụ phóng tên lửa là "lời cảnh báo trực tiếp" tới Hoa Kỳ, "yêu cầu nước này không nên có bất kỳ sự mạo hiểm quân sự nào".
Đề cập của ông Vương được cho là có liên quan đến tuyên bố của Bắc Kinh về việc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đi vào vùng cấm bay mà không được phép trong cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này.
Trong thời điểm đó, Hoa Kỳ cũng đang triển khai các tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz trong khu vực.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia về Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, thì việc tiết lộ thông tin của cựu đại tá Trung Quốc không thể là một "cảnh báo" đối với Mỹ.
"Tiết lộ ra là để doạ các nước trong khu vực thôi chứ không phải để doạ Mỹ", Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với VOA.
"Muốn vận động hàng không mẫu hạm thì phải cần thời gian rất lâu và phải có bao nhiêu chiến hạm khác xung quanh. Trung Quốc mới có hai hàng không mẫu hạm gần đây thôi nên không thể so sánh với Mỹ. Mỹ đã có hàng không mẫu hạm từ lâu rồi và họ liên tục sử dụng các hàng không mẫu hạm này", Giáo sư Ngô Vĩnh Long lý giải thêm.
Theo ông, ngay cả thời điểm cựu quan chức Trung Quốc đưa ra thông tin về tên lửa hàng không mẫu hạm cũng không liên quan đến thời điểm được cho là khá nhạy cảm vào lúc này, khi tại Washington đang diễn ra những chuyển biến về quyền lực.
"Họ tiết lộ chuyện đó có thể không phải là vì thấy sự thay đổi quyền lực ở Mỹ, vì dù sao đi nữa thì chính sách của Mỹ ở Biển Đông và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng vẫn tiếp tục thôi, có thể còn mạnh hơn cả dưới thời của ông Trump nữa", giáo sư của Đại học Maine nhận định.
Cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trình diễn khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa thực tế mà được xác nhận, trong khi hiện vẫn chưa rõ nhiều chi tiết như về tàu mục tiêu giả định, cấu tạo, tốc độ di chuyển của nó hay cách quân đội Trung Quốc điều khiển tên lửa bắn tới mục tiêu như thế nào.
Reuters tường thuật đánh giá của chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắn tổng cộng 4 tên lửa đạn đạo.
Trong một tuyên bố hôm 27/8, Lầu Năm Góc nói : "Bộ Quốc phòng (Hoa Kỳ) lo ngại về quyết định gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả bắn tên lửa đạn đạo, xung quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ ngày 23 – 29/8".
Theo Lầu Năm Góc, tên lửa DF-21D có tầm bắn tối đa hơn 1.500 km, trong khi DF-26 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 2.500 km.
*******************
Mark Zuckerberg bị Thượng nghị sĩ Mỹ chất vấn vì ‘cúi mình’ trước chính phủ Việt Nam
VOA, 18/11/2020
Ông chủ mạng xã hội nổi tiếng Facebook, Mark Zuckerberg, vừa bị chất vấn tại Uỷ ban Tư pháp của Thượng viện Hoa Kỳ về hành vi tiếp tay cho chính quyền Việt Nam kiểm soát và đóng tài khoản của người sử dụng có tiếng nói bất đồng với chính phủ.
Mark Zuckerberg, CEO của mạng xã hội Facebook, ra điều trần trực tuyến với Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 17/11/2020.
Tại buổi điều trần hôm 17/11 cùng với người đứng đầu trang Twitter, Mark Zuckerberg nhận được câu hỏi chất vấn từ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marsha Blackburn rằng liệu Facebook có thường xuyên kiểm duyệt tài khoản của người sử dụng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài hay không.
"Tôi không chắc liệu có điều gì cụ thể mà ngài đang đề cập đến hay không, nhưng nói chung chúng tôi không kiểm duyệt", người sáng lập Facebook trả lời.
Đề cập trực tiếp đến "chế độ cộng sản" và số lượng 60 triệu người sử dụng Facebook tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục đặt câu hỏi cho Zuckerberg rằng liệu Facebook có "theo lệnh của chính phủ Việt Nam", đóng cửa và cấm tài khoản của một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam chỉ vì người này chỉ trích chính sách đất đai của chính phủ hay không.
"Thưa Thượng nghị sĩ, tôi không rõ tất cả chi tiết của việc đó, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể đã làm điều đó. Và nói chung, chúng tôi cố gắng tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau mà chúng tôi đang hoạt động", Mark Zuckerberg trả lời.
Thượng nghị sĩ Blackburn cũng cáo buộc người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên "lợi nhuận hơn nguyên tắc" khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.
Bà Blackburn chỉ ra hàng loạt các dẫn chứng cho thấy Facebook "cúi mình" trước các chính phủ Cộng sản và độc tài.
Chẳng hạn, Facebook đã gỡ bỏ các bức ảnh của Nhà tiên tri Mohammed theo lệnh của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để tránh nguy cơ mất 40 triệu người dùng ở nước này.
Tại Nga, mạng xã hội Facebook cũng đồng ý gỡ bài đăng ủng hộ nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny, một đối thủ nổi tiếng chuyên phê bình Tổng thống Vladimir Putin và vừa bị đầu độc ở Nga vài tháng trước.
"Ông có nghĩ rằng nhiệm vụ của Facebook là tuân thủ sự kiểm duyệt do nhà nước tài trợ để có thể tiếp tục hoạt động, kinh doanh và bán quảng cáo ở quốc gia đó không ?", Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục chất vấn Mark Zuckerberg.
"Nhìn chung, chúng tôi cố gắng tuân theo luật pháp ở mọi quốc gia mà chúng tôi hoạt động và kinh doanh", CEO của Facebook lặp lại.
Đáp lại, Thượng nghị sĩ của bang Tennessee hứa rằng những cải cách pháp lý của Điều mục 230 sẽ "tước bỏ lá chắn trách nhiệm mà ông đã biến thành một bức tường mờ ảo".
Điều mục 230 của luật pháp Hoa Kỳ có vai trò then chốt trong sự phát triển của mạng xã hội ngày nay khi cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet và Twitter, Facebook, YouTube… được miễn trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do bên thứ ba đăng trên nền tảng của họ trong hầu hết các trường hợp.
Thượng nghị sĩ Blackburn cho biết Đạo luật Đa dạng Quan điểm và Tự do Trực tuyến hiện đã sẵn sàng để bổ sung và kiềm chế một số biện pháp bảo vệ trên.
Mark Zuckerberg cùng với Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey, phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/11 vì những cáo buộc kiểm duyệt, trong đó có cả nội dung liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua.