Trung Quốc nguy hiểm cho thế giới hơn hẳn Liên Xô cũ
Trong bài "Mưu đồ toàn trị của Trung Quốc" đăng trên Les Echos hôm nay 07/12/2020, tác giả Dominique Moïsi nhận định trong suốt một thời kỳ dài, Châu Âu sống với sự đe dọa của Liên Xô và dưới sự bảo vệ của Mỹ. Ngày nay, mối đe dọa đến từ Trung Quốc, nghiêm trọng hơn, đáng lo hơn rất nhiều.
Rượu vang Úc trưng bày tại hội chợ nhập khẩu nông sản Thượng Hải ngày 05/11/2020. Mặt hàng này bị Bắc Kinh áp thuế nhập khẩu đến 220% để trả đũa việc Úc đòi điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona. AP - Mark Schiefelbein
Trung Quốc : Bậc thầy về ỷ mạnh hiếp yếu
Từ Hồng Kông cho đến Úc, Bắc Kinh tỏ ra là bậc thầy trong nghệ thuật đe dọa. "Nếu các vị coi Trung Quốc là kẻ thù, thì chúng tôi sẽ là kẻ thù" : Trước những cáo buộc, Bắc Kinh thường lật ngược lại như thế. Sự trả đũa thô bạo vì Úc "dám" đòi hỏi làm rõ nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19, là một cảnh báo không chỉ đối với Úc mà còn cho cả thế giới.
Bắc Kinh tấn công vào tự do ngôn luận của người Úc, đối với tất cả những gì liên quan đến Trung Quốc ; bằng những thủ đoạn từ áp lực kinh tế trắng trợn nhất cho đến chỉnh sửa ảnh để bôi nhọ quân đội Úc. Không đùa được với Bắc Kinh, nhất là đối với một nước phương Tây, dân số ít và gần gũi địa lý với đế quốc Trung Hoa.
Năm 1947, tướng De Gaulle ví von những chiếc xe tăng Xô-viết đã tiến gần nước Pháp, liệu công thức này có thể áp dụng cho Con đường tơ lụa ngày nay ? Đã hẳn thách thức từ Liên Xô và Trung Quốc có tính chất khác nhau, Trung Quốc ở xa hơn, và xe tăng Trung Quốc cũng không có ý định thay thế chiến xa Liên Xô. Tuy vậy, mối đe dọa từ Bắc Kinh là có thực, và nguy hiểm hơn rất nhiều so với Moskva.
Đế quốc Liên Xô cũ không có đủ phương tiện cho tham vọng của mình, và không nuôi ý định "phục hận" như Bắc Kinh. Sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra theo ba giai đoạn. Trước hết, ngay từ đầu thập niên 80, nhằm không để cho Nhật Bản độc chiếm phép lạ Châu Á. Thứ hai, từ cuối thập niên 90, đòi hỏi tư cách "đại huynh" ở Châu Á. Và phải chăng họ đang bước vào giai đoạn thứ ba : tham vọng Trung Quốc không dừng lại ở châu lục này, mà bao trùm lên toàn cầu, trong đó khẳng định ưu thế của chế độ toàn trị so với mô hình dân chủ ?
Nếu chỉ nói đơn thuần về mặt kinh tế, do gần gũi về địa lý, nên lâu nay nước Úc đã hưởng lợi với sự tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng về mặt địa chính trị, Úc lâm vào thế bất lợi.
Canberra cần có được sự ủng hộ của tất cả các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, và hơn nữa, của cả thế giới phương Tây. Úc kêu gọi "địa lý của các giá trị", tất nhiên không phải là việc mở rộng NATO sang Thái Bình Dương, nhưng xung đột Úc-Trung Quốc cho thấy cần phải mở mắt trước thách thức từ Bắc Kinh. Đối với thế giới dân chủ, tham vọng ngày càng lớn và thái độ ngang ngược của Trung Quốc cần phải được coi là mối đe dọa hàng đầu.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, động cơ cho mối quan hệ giữa Châu Âu và Hoa Kỳ nay đã được tìm thấy. Đó là phải đối mặt với Trung Quốc về kinh tế và công nghệ, ngoại giao và chiến lược, cuối cùng là ý thức hệ - một nhiệm vụ phức tạp. Và như vậy, trước hết không thể coi việc né tránh xung đột Mỹ-Trung là ưu tiên hàng đầu.
Vào thời buổi của Joe Biden và Tập Cận Bình, coi Washington và Bắc Kinh như nhau là diễn giải vô cùng sai lệch, hơn nữa sẽ là ngõ cụt chiến lược cho Châu Âu. Ai có thể thuyết phục được Berlin rằng xu hướng của Châu Âu là không chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Rõ ràng ưu tiên phải dành cho việc bảo vệ mô hình dân chủ trước thể chế độc tài mà Trung Quốc đứng hàng đầu.
Đối với những ai đã từng biết đến bức tường Berlin, các dấu hiệu toàn trị ngày càng thấy rõ trong thái độ Bắc Kinh. Khi nước Mỹ không còn như thời chiến tranh lạnh, và Trung Quốc nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô, không nên đánh đồng Hoa Kỳ với Trung Quốc. Khi ra khỏi NATO, tướng De Gaulle đồng thời cam kết với nước Mỹ là Pháp luôn sẵn sàng hỗ trợ khi nào cần đến, và theo tác giả Moïsi, nay cũng cần khẳng định điều này.
Những người ủng hộ Trump vẫn tin vào chiến thắng
Về nội tình nước Mỹ, thông tín viên Les Echos cho biết tổng thống Donald Trump đã có cuộc mít-tinh đầu tiên sau bầu cử tổng thống tại Georgia. Ông tiếp tục tố cáo cuộc bầu cử ngày 03/11 là gian lận, đồng thời kêu gọi cử tri dồn phiếu cho hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào tháng Giêng.
Với cùng một khung cảnh : tại một đường băng sân bay, và những người ủng hộ nhiệt thành, Donald Trump khẳng định tiếp tục chiến đấu. Những người hâm mộ nhiều lần hô vang "Chấm dứt gian lận". Hai ứng viên Cộng hòa David Perdue và Kelly Loeffler không giành được đủ số phiếu trong vòng đầu, nhưng chỉ cần một trong hai người chiến thắng lần này là đủ để đảng Cộng hòa chiếm được đa số ở Thượng Viện. Ngược lại, cả hai ứng cử viên Dân chủ đều phải thắng để đạt tỉ số 50-50.
Nhiều người trong cử tọa vẫn tin vào chiến thắng của tổng thống Trump, trong khi ngày mai là hạn chót các bang phải xác nhận kết quả và các đại cử tri sẽ bỏ phiếu ngày 14/12. Một người cho biết có thể vụ việc sẽ phải lên tới Tối cao Pháp viện. Hai thanh niên đến từ Florida nói với nhà báo Pháp, có thể đây là cuộc mít-tinh cuối cùng của chiến dịch và của ông Trump với tư cách tổng thống, nên họ nhất quyết phải tham dự. Một người ủng hộ từ Minnesota lặn lội tới thổ lộ đã rao bán nhà để chuyển đến "một bang đỏ" (thuộc Cộng hòa). Cần ghi nhận là ê-kíp của tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa đã huy động được đến 250 triệu đô la cho chiến dịch pháp lý.
Dân Mỹ nên đợi đến sang năm mới ăn Noël 2020 ?
Riêng về tình hình đại dịch Covid, Le Monde tỏ ra lo ngại khi "Nước Mỹ đã mất kiểm soát", còn Les Echos ghi nhận "Hoa Kỳ chuẩn bị tái phong tỏa".
Người dân Nam California và 5 hạt của San Francisco cùng với thành phố Berkeley được yêu cầu không ra khỏi nhà trong ba tuần. Trước đó, bất chấp khuyến cáo của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh (CDC), nhiều người Mỹ đã đi xa để mừng lễ Tạ Ơn với người thân, và một đợt dịch mới có thể xảy ra trong dịp lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch.
Les Echos trích dẫn đề nghị trên tạp chí Newsweek : dời việc mừng lễ Noël sang năm 2021 để tránh hậu quả của thảm họa, trong lúc sắp có vaccin.
Tuần báo Mỹ tỏ ra lo ngại, vì sau lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), số nạn nhân Covid đã tăng rất cao, thậm chí còn đưa ra so sánh : thứ Năm tuần trước số tử vong là 2.918 người, gần bằng số nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 là 2.977 người. Giáo sư Jennifer Dowd, trường đại học Oxford (Anh) nhấn mạnh, việc mất đi một người thân trong gia đình vì con virus từ Vũ Hán sau lễ Noël sẽ là một bi kịch, càng đau xót hơn khi vaccin sắp được phân phối. "Không ai có thể chấp nhận bị hy sinh trong chiến hào vào ngày ký kết hiệp ước hòa bình !".
Theo tờ báo Pháp, lẽ ra Newsweek nên kể ra thêm tên Augustin Trébuchon, được một số nhà sử học coi là chiến binh Pháp cuối cùng tử trận vào ngày 11/11/1918, ngày kết thúc Đệ nhất Thế chiến. Hay Henry Gunther, người lính Mỹ chết đúng 1 phút trước khi đình chiến. Với 283.000 người tử vong, nước Mỹ trả giá đắt cho đại dịch xuất phát từ Trung Quốc. Tại sao người Mỹ không thể chờ đến mùa xuân hay mùa hè tới, để tránh những cuộc di chuyển vào dịp lễ cuối năm ; một bữa tiệc thịt nướng (barbecue) thay vì gà tây ?
Venezuela : Đối lập bất lợi khi tẩy chay bầu cử Quốc Hội
Tại Châu Mỹ la-tinh, Le Figaro nói về "Thách thức nguy hiểm của việc các đảng đối lập Venezuela tẩy chay bầu cử", khi ông Juan Guaido và các đảng ủng hộ ông quyết định không tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội vào Chủ nhật 06/12 tới.
Tổng thống lâm thời được 50 quốc gia công nhận, và "G4" (tức bốn đảng lớn ủng hộ ông Guaido là Primera Justicia, Voluntad, Nuevo Tiempo, Accion Democratica) từ chối tranh cử, cho rằng các điều kiện không bảo đảm cho một cuộc bầu cử công bằng.
Theo MAS, một đảng nhỏ không tham gia tẩy chay, thì không nên tạo ra ảo tưởng là trừng phạt sẽ làm sụp đổ chế độ, hay can thiệp từ bên ngoài, đảo chánh. Còn với đảng Union et Progresso, "cách duy nhất để chống lại một chính phủ là bầu cho đối lập". Nhưng nhiều người dân nghi ngờ sự khả tín của các máy kiểm phiếu được mua từ…Trung Quốc. Một vấn đề nữa là làm thế nào Juan Guaido có thể tồn tại vì đến ngày 06/01, khi Quốc Hội mới bắt đầu hoạt động, thì nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc.
Pháp : Xét xử vụ sát hại gà trống Marcel
Cuối cùng là một câu chuyện pháp đình : Vụ sát hại gà trống Marcel hôm nay được đưa ra xét xử tai Ardèche, Pháp. Bản kiến nghị đòi "Công lý cho gà trống Marcel" đến nay đã thu thập được trên 86.000 chữ ký.
Hồi tháng Năm, chú gà trống tên Marcel quản lý sáu cô gà mái màu nâu đỏ, mỗi ngày vẫn gáy lên vài tràng kiêu hãnh, đã bị "sát hại một cách thô bạo". Và vườn rau của gia đình Verney bị rải một hóa chất nào đó khiến những quả phúc bồn tử, cà chua… đều biến thành màu nâu. Rốt cuộc một người láng giềng thú nhận là thủ phạm ám sát chú gà trống "bằng súng và gậy sắt". Chủ của gà Marcel hy vọng sẽ có một bản án thích đáng đối với những cư dân mới ở vùng quê không chấp nhận tiếng kêu của những chiếc lục lạc, tiếng hí của những con lừa. Những nạn nhân gần đây nhất có thể kể : gà lùn Bali, gà tây Marcel… tổng cộng khoảng 50 vụ trên cả nước Pháp trong năm qua !
Noël, dịch bệnh : Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, Le Figaro lo âu khi "Trợ giúp y tế của nhà nước cho người cư trú bất hợp pháp tăng vọt" : hàng năm chính phủ Pháp phải chi hơn 1 tỉ euro để bảo hiểm y tế cho trên 330.000 người không giấy tờ. Libération chỉ trích "Sinh thái : Macron, người phản bội" do tổng thống Pháp hủy bỏ đến 60% những điều ông đã cam kết về môi trường sáu tháng trước. La Croix đăng ảnh một em bé với cây thông Giáng Sinh, chạy tít "Một Noël tái sáng tạo". Trong thời kỳ đại dịch, người dân Pháp mừng lễ trong điều kiện bị phong tỏa, và đây là dịp để suy ngẫm về ý nghĩa sâu sắc của lễ Chúa giáng sinh.
Còn về quốc tế, Les Echos chạy tựa "Trận chiến cuối cùng" : Vẫn chưa có được thỏa thuận Brexit giữa Liên hiệp Châu Âu với Luân Đôn, rất nhiều điểm bất đồng chưa giải quyết được, và Pháp sẵn sàng phủ quyết để bảo vệ quyền đánh cá. Le Monde nhận xét "Hoa Kỳ phân tán trước đại dịch" : Covid hoành hành mạnh hơn nhiều so với đợt dịch trước, cơ quan y tế liên bang cảnh báo ba tháng tới sẽ là "thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ về dịch tễ".
Thụy My