Anh và Bruxelles chia tay êm ái : Kết thúc có hậu cho một Liên Âu đoàn kết
Trọng Thành, RFI, 28/12/2020
Châu Âu triển khai đợt tiêm chủng vac-xin phòng Covid đầu tiên, được mong đợi từ lâu, và Liên Âu cùng Anh khép lại cuộc hôn nhân nửa thế kỷ với cái kết có hậu là hai chủ đề lớn của báo chí Pháp ngày hôm nay, 28/12/2020. Bruxelles và Luân Đôn ký thỏa thuận về quan hệ tương lai "hậu ly hôn" đúng ngày Noel, tức ít ngày trước hạn chót.
Báo chí Pháp hân hoan với toàn văn thỏa thuận vừa được công bố hôm qua 27/12. Les Echos chạy tựa trang nhất : "Brexit : Những điểm chốt của một thỏa thuận lịch sử". Le Monde cũng nói về "Brexit : Những điểm chính của thỏa thuận". "Brexit chuyển sang giai đoạn thực hiện" là tựa lớn của La Croix.
Đối với Liên Âu, thỏa thuận ly hôn ký kết với Anh vào những ngày cuối của năm 2020 đang khép lại là một tin mừng. Le Monde có bài xã luận : "Thỏa thuận Brexit : thở phào nhẹ nhõm trong cay đắng". Bài viết nhấn mạnh đến sức mạnh đoàn kết của khối 27 nước, đã dẫn đến thành công. Sau 9 tháng đàm phán ròng rã, thỏa thuận 1.500 trang đã được thông qua ngày 24/12. Trong suốt thời gian đàm phán này, "trái ngược với mọi trông đợi", 27 nước Châu Âu đã thể hiện một sự đoàn kết rất mật thiết. Theo Le Monde, trong các đàm phán có ý nghĩa sống còn với tương lai của Liên Hiệp, bảo vệ "thị trường duy nhất" đã là nguyên tắc đoàn kết các nước Châu Âu.
Bài xã luận của Le Monde cũng nhiệt liệt ca ngợi ông Michel Barner, chính trị gia Pháp, người phụ trách nhóm đàm phán của Liên Âu, "bởi năng lượng mà ông đã dành cho các thương thuyết đầy gian nan, bởi sự điềm tĩnh không bao giờ thiếu vắng, bất chấp các mưu toan gây bất ổn không ngừng, bởi tinh thần vì tập thể của ông trước mỗi thử thách ‘‘chia để trị’’, và đây chính là điều cho phép giữ được niềm tin của tất cả cho đến cùng".
Bí quyết
Nhật báo Le Figaro có bài phỏng vấn trưởng đoàn đàm phán về quan hệ tương lai Luân Đôn – Bruxelles hậu Brexit, Michel Barnier. Trả lời cho câu hỏi "làm thế nào mà ông duy trì được sự đoàn kết của khối 27 nước trong vấn đề này", chính trị gia người Pháp thuật lại ngọn nguồn câu chuyện, từ điểm khởi đầu của cuộc đàm phán ly hôn với nước Anh, khởi sự từ tháng 10/2016, trong bối cảnh Donald Trump, với quan điểm bài Châu Âu, đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11 cùng năm, Liên Âu lâm vào tình trạng mong manh.
Sau khi được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker chính thức bổ nhiệm, Michel Barnier đã dành 3 tháng để gặp gỡ từng nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của khối 27 nước, để ghi nhận lập trường, quan điểm, mối lo ngại của mỗi bên. Lãnh đạo mỗi nước đều cảm thấy lo lắng, vì nhiều lý do khác nhau. Trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier nêu hàng loạt ví dụ về các nhu cầu quan trọng khác nhau của mỗi quốc gia thành viên, mà đại diện đàm phán với Anh đã coi như vấn đề chung của Liên Hiệp.
Theo trưởng đoàn đàm phán Banier, bí quyết đoàn kết 27 nước là "minh bạch hoàn toàn" với Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu : "nói tất cả, với tất cả mọi người và đồng thời !". Đây là điều đã tạo nên niềm tin cậy của toàn khối.
Xã luận La Croix, với tựa đề "Một bài học Châu Âu" cũng nêu ra cùng một nhận định Liên Âu đã tỏ ra "đoàn kết và cứng rắn", và "bài học Châu Âu" này chính là điều mà các quốc gia thành viên cần ghi nhận.
Hậu trường đàm phán
Nhật báo kinh tế Les Echos dành một bài viết điểm lại một số diễn biến quyết định trong hậu trường đã dẫn đến thỏa thuận thành công, với vai trò đặc biệt quan trọng của trưởng đoàn đàm phán Barnier. Vai trò của nhà đàm phán Pháp càng nổi rõ, khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chính trị gia Đức Ursula von der Leyen có xu hướng sẵn sàng có nhiều nhân nhượng với Anh.
Thắng lợi chính trị của thủ tướng Anh
Với thỏa thuận vừa ký với Liên Âu, theo Le Figaro, trước mắt thủ tướng Anh đã giành được một thắng lợi chính trị. Tuy nhiên, vấn đề đối với ông Boris Johnson là làm sao biến Brexit trở thành "một thành công". Thỏa thuận có thể "giúp tránh được bão tố đến ngay tức khắc, nhưng không hề đồng nghĩa với việc trời yên bể lặng". Đạt thỏa thuận rõ ràng hơn nhiều so với "no deal", nhưng theo dự báo của chính phủ Anh, GDP Anh quốc về dài hạn sẽ sụt giảm từ 6% đến 4%.
Anh : giật lùi về những năm 50
Cho dù cuộc chia tay có hậu, đây cũng là cuộc chia tay đầy cay đắng : đối với Liên Âu cũng như đối với nước Anh. Le Monde có bài bình luận mang tựa đề "Đối với người Anh, Brexit tương ứng với việc đi giật lùi về những năm 1950". Nhà bình luận Philippe Bernard đối lập các phát biểu đầy vẻ lạc quan của nhiều lãnh đạo Anh, trong đó có thủ tướng Boris Johnson, coi việc rời khỏi Liên Âu là điều "tuyệt vời", "không hề tốn kém gì", với thực tế trần trụi.
Le Monde dẫn lời ông Peter Kellner, cựu lãnh đạo viện thăm dò dư luận YouGov, có trụ sở tại Anh. Theo đó, nước Anh trong thời gian hơn 4 năm chuẩn bị cho Brexit vừa qua, giống như người nhảy từ trên vách đá : "Vào thời điểm chạm đất, nỗi đau đớn sẽ buộc người ta phải đối diện với sự thật trần trụi, những lời lẽ dối trá liên tục được đưa ra từ cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về Brexit sẽ bị phơi bày ra ánh sáng". Theo nhà báo Philippe Bernard của Le Monde, cho dù thỏa thuận hậu ly hôn được ký kết, ác mộng còn chưa chấm dứt với Anh cũng như Liên Âu. Trước hết là đối với nước Anh.
Chủ nghĩa dân tộc thức dậy với cuộc trưng cầu dân ý Brexit được ví với mồi lửa được châm lên có nguy cơ làm nổ tung Vương quốc Anh đa dân tộc, như hình ảnh mà nhà báo Ireland Fintan O’Toole đưa ra : "với một Nhà nước đa dân tộc, chơi với chủ nghĩa dân tộc mà không bị bỏng tay là một ảo ảnh". Kể từ giờ, Luân Đôn sẽ phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ ly khai của hai xứ Scotland và Bắc Ireland, và nhiều vấn đề kinh tế và địa chiến lược khác. Brexit hoàn toàn không phải là "một chuyến du ngoạn trên con đường trải đầy hoa hồng", như hứa hẹn của nhiều chính trị gia Anh quốc.
Bài viết của nhà báo Le Monde cũng điểm lại nhiều mặc cảm in đậm dấu ấn thời Thế chiến Hai của một bộ phận chính trị gia Anh quốc với Châu Âu lục địa, những mặc cảm được coi là khiến Anh quốc khó lòng xây dựng được mối quan hệ mật thiết với Liên Âu.
Tiêm chủng Covid : Thách thức vô cùng lớn
Đợt tiêm chủng vac-xin chống Covid đầu tiên tại Pháp là một chủ đề lớn của các báo hôm nay. Le Figaro có bài xã luận "Thách thức vô cùng lớn".
Theo Le Figaro, "chưa bao giờ vac-xin được chế tạo nhanh chóng đến như vậy", nhưng cũng chưa có gì bảo đảm là tiêm chủng sẽ cho phép nhanh chóng đẩy lùi đại dịch. Cần phải ít nhất vài tháng trước khi đa số dân chúng được tiêm chủng. Và từ đây đến đó, đời sống xã hội vẫn sẽ tiếp tục như từ gần một năm nay. Cụ thể là tiếp tục mang khẩu trang, nhiều quyền tự do tiếp tục bị giới hạn. Nguy cơ một làn sóng dịch thứ ba bùng phát.
Riêng về vac-xin, theo Le Figaro, nhiều câu hỏi hiện vẫn chưa có lời giải. "Liệu tất cả các tác động phụ đã được biết đến hay chưa ? Hai liều vac-xin có đủ để ngăn cản việc virus lây nhiễm ? Liệu vac-xin có hiệu quả để chống lại mọi biến thể của virus ? Cơ chế miễn dịch đạt được có duy trì được mãi không ?".
Nhật báo thiên hữu Pháp nhấn mạnh là "thành công giai đoạn tiêm chủng quyết định này là một thách thức vô cùng lớn", đối với chính quyền các nước. Điều này lại càng đặc biệt đúng với Pháp, nơi chính phủ liên tục bị lên án từ đầu dịch đến nay, do nhiều quyết định sai lầm. Chính phủ Pháp cần "hành động khéo léo" để không làm trầm trọng hơn tình trạng ngờ vực vac-xin hiện nay. Le Figaro gọi ngờ vực là một "con virus" đáng sợ khác tại nước Pháp đầu thế kỷ 21.
Dè dặt
Libération, vừa tựa đề "chậm rãi", chú ý đến chiến lược tiêm chủng mang tính thăm dò của chính phủ Pháp : tiêm chủng với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia Châu Âu khác, và trước mắt chỉ tập trung vào tiêm chủng cho người cao tuổi và nhân viên y tế ở 7.000 trung tâm dưỡng lão. Các bác sĩ, y tá, những người trên tuyến đầu chống dịch, sẽ chỉ nhận được vac-xin vào đầu tháng 3 tới. Theo Libération, lý do là chính quyền lo ngại bị những người hoài nghi vac-xin phản đối. Nhật báo thiên tả tỏ ra sốt ruột trước tốc độ triển khai tiêm chủng hiện nay, trong lúc virus đang giết thêm hơn 200 người Pháp mỗi ngày.
Lý do lựa chọn
Về chủ đề chiến lược tiêm chủng Covid, Le Monde có bài giải thích kỹ lưỡng với tựa đề "Tiêm chủng : Các lý do của lựa chọn Pháp", so sánh với một số quốc gia láng giềng Châu Âu. Nếu như nước Ý ưu tiên tiêm chủng trước hết cho toàn bộ nhân viên ngành y, với khoảng 1,4 triệu người, thì chính phủ Pháp quyết định chia thành nhiều đợt.
Đợt một, tiêm chủng cho nhân viên y tế các viện dưỡng lão, cơ sở điều trị dài hạn. Đợt hai, tiêm chủng cho các nhân viên y tế trên 50 tuổi, và nhân viên ngành y có một hoặc nhiều bệnh nền. Đối tượng tiêm chủng đợt hai cũng là người từ 65 tuổi trở lên. Số còn lại của các nhân viên ngành y sẽ được tiêm chủng vào đợt ba, tức cuối mùa xuân.
Lý do trước hết khiến nước Pháp không thể tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên ngành y, 2 triệu người, ngay trong đợt đầu, vì không đủ vac-xin. Theo ông Alain Fischer, đầu tháng Giêng tới, Pháp sẽ có tổng cộng 3 triệu liều, chưa đủ số lượng để tiêm cho riêng nhân viên ngành y (hai mũi/người). Một lý do khác được một số chuyên gia đưa ra là đa số nhân viên ngành y có sức khỏe tốt, tuổi trẻ, nên không phải là những người có nhiều nguy cơ bị lâm bệnh nặng, khi nhiễm virus.
Một lối sống hậu Covid-19
Mặc dù có thuốc chủng ngừa, nhưng cuộc sống sẽ không sớm trở lại như trước, thậm chí không thể như trước, theo nhiều chuyên gia. Le Monde dành trọn hai trang báo trong mục "Ý tưởng" đăng tải bài phỏng vấn nhà triết học Claire Marin, với tựa đề "Bị nhiễm virus hay không, chúng ta cũng sống như những người bệnh". Nhà triết học giải thích cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra đã gây ra những đổ vỡ lớn như thế nào trong xã hội Pháp, và đề xuất một lối sống khác trong năm tới 2021. Nữ triết gia Claire Marin là tác giả cuốn sách "Séparation" (Chia ly), xuất bản năm 2019, gây nhiều chú ý.