Thỏa thuận đầu tư với Liên Âu : Báo Trung Quốc phớt lờ hồ sơ lao động cưỡng bức
Trọng Thành, RFI, 31/12/2020
Hôm 30/12/2020, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc thông qua trên nguyên tắc hiệp định về bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Báo chí Trung Quốc hoan hỉ đón nhận tin này, nhưng đã lờ đi hồ sơ lao động cưỡng bức, một yếu tố quan trọng trong thỏa thuận này.
Thông tin viên Liu Zhifan tường trình từ Bắc Kinh :
"Thực sự mà nói là thỏa thuận được chờ đợi từ rất lâu này đã được chào đón tại Trung Quốc như một gánh nặng được trút bỏ. Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo gần gũi với giới lãnh đạo cao cấp của Đảng, nói đến thỏa thuận này như một món quà phối hợp của Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu nhân dịp đầu Năm Mới.
Một mặt thừa nhận các khó khăn trong suốt quá trình đàm phán thỏa thuận này trong năm vừa qua, mặt khác, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn cũng không ngần ngại lên án Hoa Kỳ - đối thủ của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại - một cách khéo léo, khi khẳng định rằng, với sự hợp tác của hai bên, mọi thứ đều có thể thành tựu.
Vào lúc thỏa thuận được công bố, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoan nghênh một thỏa thuận ‘‘cân bằng’’, ở đẳng cấp cao, cho thấy quyết tâm của Trung Quốc mở cửa nhiều hơn nữa thị trường nước này, hứa hẹn tăng cường các hợp tác song phương giữa Trung Quốc với khối 27 quốc gia Liên Âu.
Rốt cuộc, duy nhất một chủ đề trong thỏa thuận bị truyền thông Trung Quốc lờ đi : lao động cưỡng bức. Đây là một điểm tắc nghẽn trong các đàm phán. Để đáp lại thái độ lưỡng lự của nước Pháp, gắn việc ký kết thỏa thuận với hồ sơ lao động cưỡng bức, Bắc Kinh đã quyết định sẽ phê chuẩn công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong lúc các cáo buộc về người Duy Ngô Nhĩ bị lao động cưỡng bức tại khu vực Tân Cương đang ngày càng trở nên mạnh mẽ trên truyền thông quốc tế".
Trọng Thành
*********************
Tự do đi lại và cư trú giữa Anh và EU: Nạn nhân hiển nhiên của Brexit
Mai Vân, RFI, 31/12/2020
Sau hơn bốn năm và hai cuộc đàm phán dẫn đến hai thỏa thuận (thỏa thuận chia tay và thỏa thuận về quan hệ trong tương lai), thế cục đã an bài và kể từ ngày 01/01/2021, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu chính thức trở thành hai thực thể riêng biệt, với rất nhiều thay đổi bắt đầu được áp dụng trong mọi lãnh vực, từ thương mại, hải quan cho đến ngư nghiệp, tự do đi lại…
Hậu Brexit : Quy định mới về "thú cưng" gây đau đầu không ít cho chủ nhân của chúng khi đi du lịch.Tolga AKMEN AFP/File
Trong số những thay đổi chính mà người dân Liên Âu cũng như người dân Anh sẽ phải làm quen trở lại, những hạn chế trong quyền tự do đi lại, cư trú và làm việc giữa hai bên sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất.
Phải nói là trên giấy tờ, Vương quốc Anh đã chính thức chia tay Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 31/01/2020, nhưng hai bên đã đồng ý trên một thời gian chuyển tiếp kéo dài cho đến hết ngày 31/12, luật lệ không có gì thay đổi. Chính vì vậy mà đa số người dân Anh cũng như Châu Âu vẫn chưa cảm nhận được thực tế của Brexit.
Thế nhưng kể từ ngày 01/01/2021, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, tình hình sẽ hoàn toàn đổi khác. Cổng thông tin về Brexit của chính phủ Pháp nói rõ là các thủ tục hải quan, cũng như kiểm soát vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, sẽ được tái lập đối với hàng hóa nhập từ Anh vào Pháp và Liên Âu. Quyền tự do đi lại của người dân giữa Liên Âu và Anh sẽ không còn được áp dụng, và tất cả các biện pháp kiểm soát sự đi lại giữa hai bên sẽ được tái lập. Công dân Liên Hiệp Châu Âu muốn định cư tại Anh, hay người Anh muốn cư trú tại Liên Âu sau ngày 31 tháng 12 năm 2020, trong hầu hết các trường hợp, đều cần phải xin visa. Riêng việc lưu trú ngắn hạn (dưới 3 tháng) sẽ được miễn thị thực.
Chấm dứt quyền tự do đi lại
Căn cứ vào các quy định mới như nêu trên, có thể nói là nạn nhân đầu tiên của tiến trình Brexit là quyền tự do đi lại của người dân hai bên bờ biển Manche (mà người Anh gọi là Chanel), với việc tái lập biên giới thực thụ giữa hai bên.
Trong một vài tháng đầu, thủ tục vẫn còn nhẹ nhàng, khi qua cửa khẩu chỉ cần xuất trình thẻ căn cước hay hộ chiếu là đủ. Thế nhưng kể từ tháng 10 năm 2021 trở đi, khi vào Anh, người Châu Âu sẽ phải xuất trình hộ chiếu, và nếu muốn lưu trú tại Anh Quốc trên ba tháng, thì bắt buộc phải xin thị thực. Các chuyến du lịch ngắn hạn sẽ vẫn được miễn thị thực.
Về thời hạn lưu trú, Vương quốc Anh sẽ cho phép công dân Châu Âu ở tối đa sáu tháng liên tục, nhưng ngược lại công dân Anh sẽ chỉ được phép ở 90 ngày ở Châu Âu.
Đối với những công dân Anh đã nghỉ hưu, vốn có thói quen qua sống hơn ba tháng tại nhà riêng thứ hai của họ ở miền Nam nước Pháp hay ở vùng Costa del Sol ngập nắng của Tây Ban Nha, thay đổi này có thể gây sốc.
Đó là chưa kể đến các vấn đề như thời hạn hộ chiếu, phải còn ít nhất là 6 tháng đối với du khách Anh qua Châu Âu, cũng như phải mua bảo hiểm du lịch cho riêng mình. Châu Âu không còn áp dụng cho công dân Anh chế độ Thẻ bảo hiểm y tế Châu Âu, đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong toàn khối. Về vấn đề này, Luân Đôn cho biết đang tìm cách thiết lập một hệ thống thay thế để du khách Anh qua Châu Âu và người Liên Âu đến Anh vẫn được bảo hiểm y tế.
Vấn đề bằng lái xe cũng sẽ được đặt ra trở lại. Nếu trước đây, khi qua Anh, người Châu Âu vẫn có thể dùng bằng lái quốc gia. Giờ đây, thì khác, họ cần phải có bằng lái quốc tế.
Ngay cả vấn đề mang theo thú cưng khi đi du lịch cũng rắc rối hơn. Trong tương lai, việc đi du lịch qua Anh với chó, mèo hoặc cá vàng của bạn, "hộ chiếu Châu Âu cho vật nuôi" sẽ không còn được công nhận. Tuy nhiên, các quy tắc sẽ không thay đổi ngay lập tức. Ở chiều ngược lại, thủ tục sẽ phức tạp hơn. Đặc biệt, chủ sở hữu sẽ cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe tốt cho con thú cưng của mình mười ngày trước khi đi du lịch và chỉ được nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu thông qua các điểm nhất định được quy định trước.
Nạn nhân thứ hai : Quyền tự do cư trú
Ngoài quyền tự do đi lại, một nạn nhân khác của Brexit quyền tự do cư trú cung gặp hạn chế đáng kể, đặc biệt là đối với những ai muốn qua sinh sống hay làm việc ở phía bên kia.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, nhờ thỏa thuận được Bruxelles và Luân Đôn nhất trí vào ngày 24/12 vừa qua, khoảng 1 triệu công dân Anh vốn đã là cư dân hợp pháp tại Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tương tự như hiện tại. Các điều kiện dễ dàng cũng được áp dụng cho hơn 3 triệu công dân Liên Hiệp Châu Âu đang sống ở Vương quốc Anh.
Nhưng đối với những người muốn thay đổi nơi cư trú sau ngày 01/01/2021, thì tình hình phức tạp hơn. Công dân Anh sẽ không còn quyền được mặc nhiên sống và làm việc tại Liên Hiệp Châu Âu, và ngược lại, người Châu Âu muốn di cư qua Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với một chính sách nhập cư khắt khe hơn. Họ sẽ bị "thanh lọc" theo một thang điểm mới, trong đó độ tuổi, trình độ tiếng Anh, trình độ học vấn sẽ được tính đến để được cấp thị thực, có giá trị trong năm năm. Thêm vào đó là yêu cầu phải có một lời mời làm việc với mức lương ít nhất là 26.500 bảng Anh (29.500 euro).
Đã qua rồi thời kỳ mà một người có thể dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bằng cách cứ đến nơi mình thích, rồi kiếm sống nhờ những công việc lặt vặt.
Hãng tin Mỹ AP đã nêu lên một vài ví dụ rất cụ thể cho thấy khác biệt giữa hai thời kỳ tiền và hậu Brexit: Một thanh niên Anh, vừa tốt nghiệp, đi nghỉ mát trên các hòn đảo của Hy Lạp, giờ đây sẽ không thể đi bộ đến một quán bar trên bãi biển và tìm kiếm một việc làm bán thời gian nếu không có thị thực cần thiết. Điều tương tự cũng áp dụng cho các công dân Châu Âu đến Vương quốc Anh. Họ sẽ không thể đến một cửa hàng bánh sandwich như Pret a Manger và xin việc mà không có giấy tờ cần thiết.
Chương trình trao đổi sinh viên Châu Âu bị hy sinh
Riêng đối với giới sinh viên, Brexit là một thảm họa, vì chính quyền Anh đã quyết định bãi bỏ chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước Châu Âu, mang tên Erasmus.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xác nhận rằng nước ông sẽ rời khỏi chương trình trao đổi sinh viên Châu Âu, Erasmus, sau 33 năm hợp tác. Với quyết định đó, sinh viên Pháp chẳng hạn, nếu muốn đến Vương quốc Anh trong khuôn khổ một chương trao đổi sinh viên đại học vào đầu năm học 2021 sẽ bị xem là sinh viên nước ngoài, với hệ quả là học phí sẽ tăng vọt.
Trong năm học 2018-2019 vừa qua, đã có gần 4.000 sinh viên Pháp đăng ký vào các trường đại học ở Vương quốc Anh. Trên bình diện Châu Âu, mỗi năm có khoảng 32.000 sinh viên Châu Âu theo học tại các trường đại học của Anh nhờ chương trình Erasmus.
Tóm lại, đối với nhiều người ở Liên Hiệp Châu Âu, tự do đi du lịch, học tập và sinh sống ở bất kỳ đâu trong khối 27 quốc gia là một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của hội nhập Châu Âu. Tuy nhiên, một số người ở Anh và các khu vực khác của Tây Âu đã trở nên hoài nghi hơn về quyền tự do đi lại sau khi một số quốc gia cộng sản cũ ở Đông Âu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2004 và nhiều công dân các nước này qua Vương quốc Anh để làm việc.
Chính nỗi lo ngại về nhập cư là một yếu tố chính trong cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 của Anh.
Mai Vân
***********************
Liên Hiệp Châu Âu - Anh chính thức ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Thu Hằng, RFI, 30/12/2020
Ngày 30/12/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã chính thức ký thỏa thuận về quan hệ thương mại hậu Brexit với Anh Quốc. Văn bản được chuyển bằng đường hàng không đến Luân Đôn để chính phủ Anh ký và sẽ có hiệu lực vào 23 giờ ngày 31/12/2020.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đánh giá trong một thông cáo rằng "thỏa thuận được chúng tôi ký hôm là kết quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng… Đây là một thỏa thuận đúng đắn và cân bằng bảo vệ toàn bộ lợi ích cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu", đồng thời cũng cho thấy "sự đoàn kết chưa từng có của các thành viên".
Tại hai cảng Calais và Dunkerque của Pháp, nơi trung chuyển khoảng 12.000 xe tải và 60.000 người mỗi ngày sang Anh Quốc, công tác tái lập biên giới và kiểm tra hải quan dần được hoàn thiện. Kể từ ngày 01/01/2021, công dân Anh phải xuất trình hộ chiếu ; các doanh nghiệp xuất hàng hóa phải khai báo hải quan trước trên internet. Phía Anh sẽ điều 230 nhân viên kỹ thuật và thú y để kiểm tra vệ sinh dịch tễ đối với động vật sống nhập khẩu, thực phẩm… Theo thẩm định, phía Pháp phải chi thêm 40 triệu euro để bảo đảm các thủ tục theo quy định mới. Chính phủ Anh hứa cung cấp 200 triệu bảng để các cảng biên giới của Anh thích ứng với tình hình mới.
Chỉ vài ngày trước khi hết giai đoạn chuyển tiếp, Anh Quốc đã ký được thỏa thuận thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép kéo dài sau ngày 01/01/2021 những điều khoản về thuế quan trong khuôn khổ thỏa thuận của Liên Hiệp Châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chờ Luân Đôn và Ankara đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn.
Thỏa thuận thương mại được ký với Việt Nam cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12.
Số phận của Gibraltar, vùng đất thuộc Anh ở nam Tây Ban Nha
Vấn đề chủ quyền đối với Gibraltar, vùng đất thuộc Anh, nằm vùng Andalusia, phía nam Tây Ban Nha, cũng là một trở ngại lớn. Madrid đã yêu cầu Luân Đôn khẩn cấp phối hợp để tìm giải pháp cho vùng lãnh thổ này.
Thông tín viên RFI Diane Cambon tại Madrid giải thích :
"Liệu biên giới giữa Tây Ban Nha và Gibraltar có bị tắc đường dài dằng dặc vào ngày 01/01/2021 hay không ? Kịch bản này có thể xảy ra nếu Madrid và Luân Đôn không đạt được một thỏa thuận từ giờ đến thứ Sáu 01/01/2021.
Lưu thông thuận lợi ở biên giới, nơi có vài nghìn người trung chuyển mỗi ngày, là chủ đề chính của các cuộc thảo luận. Khoảng 15.000 lao động xuyên biên giới có thể được cấp một thẻ qua lại để tránh phải trình hộ chiếu. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với khoảng 200 xe tải và du khách tới vùng lãnh thổ này của Anh mỗi ngày.
Một số vấn đề khác cũng cần được giải quyết, như việc duy trì chế độ bảo hiểm xã hội của Tây Ban Nha cho người mang quốc tịch Anh ở Gibraltar và sống ở Tây Ban Nha hoặc việc quản lý sân bay, vì Gibraltar sẽ ra khỏi không phận Châu Âu.
Madrid mong là Cơ quan Kiểm soát Biên giới và Bảo vệ Bờ biển Frontex của Liên Hiệp Châu Âu sẽ đảm nhiệm việc kiểm soát ở biên giới nhưng biện pháp này lại dẫn đến việc cảnh sát Tây Ban Nha hiện diện ở Gibraltar, trong khi Luân Đôn không hề muốn.
Trong suốt 300 năm là vùng lãnh thổ của Anh, chưa bao giờ Gibraltar lại có chiều hướng muốn xích gần Tây Ban Nha đến như vậy".
Thu Hằng
**********************
Covid-19 làm lu mờ cuộc bỏ phiếu thỏa thuận hậu Brexit
Minh Anh, RFI, 31/12/2020
Ngày 30/12/2020, Nghị Viện Anh bỏ phiếu thông qua thỏa thuận tự do mậu dịch hậu Brexit với đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu đã nhanh chóng bị dịch bệnh Covid-19 lấn át. Số người chết vì virus corona gần chạm ngưỡng 1.000 người trong vòng 24 giờ.
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trong cuộc tranh luận tại Hạ Viện Anh về Luật Quan hệ tương lai với Liên Hiệp Châu Âu, ngày 30/12/2020, Luân Đôn, Anh Quốc. AP - Jessica Taylor
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường thuật :
"Khoa tay múa chân hơn bao giờ hết, Boris Johnson cố làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và những lợi ích của thỏa thuận hậu Brexit trong cuộc tranh luận chớp nhoáng với các nghị sĩ. Khi tự chúc mừng về một chương mới trong một mối quan hệ mà ông cho là sẽ lành mạnh hơn trong tương lai giữa Liên Hiệp Châu Âu và Vương Quốc Anh, thủ tướng Johnson nhắc lại rằng dẫu sao thì Luân Đôn cũng từng là một thành viên không mấy gì được thuyết phục và kể từ giờ có lẽ sẽ là một "đồng minh và người bạn tốt nhất" của khối Châu Âu.
Công Đảng, phe đối lập chính, dù chỉ trích thỏa thuận này là "thiếu tham vọng và chưa hoàn hảo", cũng đã bỏ phiếu thuận và do phe bảo thủ có đa số tuyệt đối ở nghị viện, cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận chỉ mang tính hình thức. Tương tự như việc Boris Johnson ký văn bản này ở phủ thủ tướng hay như việc Nữ hoàng chuẩn y.
Nhưng việc kết thúc vội vàng 47 năm hội nhập Châu Âu này trên thực tế hầu như không được chú ý. Ngay lập tức bị giới truyền thông đưa xuống hàng thứ yếu, đoạn kết của câu chuyện Brexit dài hơi đã mất đi tầm quan trọng trước sự tàn phá của Covid-19. Boris Johnson, vẻ mặt tối sầm, phải biện minh trước những ống kính camera vào cuối ngày về việc thắt chặt những biện pháp hạn chế không biết lần thứ bao nhiêu, yêu cầu người dân Anh gia tăng nỗ lực vào lúc mà virus corona đã làm cho gần 1.000 người chết chỉ trong vòng 24 giờ".
Minh Anh