Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/01/2021

Điểm báo Pháp - Tuổi trẻ bị đại dịch che phủ nẻo tương lai

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Tuổi trẻ bị đại dịch che phủ nẻo tương lai

Trong vòng vây đại dịch, tin xấu thiếu vac-xin rơi xuống vào lúc Châu Âu không giải pháp khả thi ngoài giới nghiêm và phong tỏa. Hệ quả : công luận hoang mang, tuổi trẻ suy sụp tinh thần vì không thấy tương lai.Tại Pháp, chính phủ Macron đứng trước những thử thách đầy bất trắc, đó là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay bên cạnh các hồ sơ quốc tế nóng bỏng .

tuoitre1

Sinh viên biểu tình ở Lille, phía bắc nước Pháp, ngày 20/01/2021, đòi chính phủ quan tâm cải thiện điều kiện sinh sống và học hành trong thời Covid-19.  Reuters – Pascal Rosignol

Tựa lớn quốc tế

Trước hết, về thời sự quốc tế, Le Monde chào mừng một tuần lễ đầu tiên của tân tổng thống Mỹ : tuần lễ yên bình, Joe Biden nỗ lực hạ nhiệt tình hình chính trị, phối hợp với đảng Cộng hòa vẫn còn trung thành với Donald Trump.

Về địa chính trị, Le Monde khá phong phú : "Sẽ đến lúc Vladimir Putin phải bám ghế như Lukashenko của Belarus", "Trước vụ Alexei Navalny, cảnh sát liên bang Nga FSB đã bị nghi ngờ dính líu vào ba vụ đầu độc khác. Nạn nhân là một nhà báo độc lập, một nhà hoạt động thiện nguyện và một nhà đối lập". Bài phóng sự về dự án ống dẫn khí đốt Bắc Hải lưu số 2 tường thuật rộng rãi ý kiến của một bộ phận chính giới Đức, bất bình áp lực của Mỹ. Thị trưởng thành phố cảng Sassnitz "sợ và than phiền" : một dự án kinh tế mua khí đốt của Nga bị chính trị hóa. Trái với đa số đảng phái Đức, liên minh môi trường xem dự án này che giấu một mưu toan chính trị của Nga và các thủ đoạn gây áp lực của Moskva. Bằng chứng ? Tập đoàn nhà nước Gazprom, chủ nhân của Bắc Hải lưu số 2, chi ra 20 triệu euros vào quỹ gọi là bảo vệ môi trường của địa phương, nhưng kỳ thực để mua trang thiết bị, tiếp tục dự án ống dẫn khí, tránh né lệnh trừng phạt của Mỹ.

Về sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc, Le Monde chơi chữ : "Không cưỡng nổi hướng thăng thiên của kỹ nghệ không gian Trung Quốc".

Bài phân tích trình bày nỗ lực kiên trì của Bắc Kinh, sau nhiều năm bắt chước công nghiệp của Liên Xô và sau đó của Nga, nay đã đủ sức tự mình xây dựng một nền khoa học không gian tự lập. Từ năm 1969 đến 1972, tất cả sáu lá quốc kỳ đầu tiên được cắm trên mặt trăng, đều do Mỹ thực hiện và qua bàn tay của phi hành gia Mỹ. Nhưng từ tháng 12/2020, có thêm một lá thứ bảy, lá cờ của Trung Quốc, do rô-bô Hằng Nga 5 thực hiện. Nhưng, theo chương trình, vào thập niên 2030, lá cờ thứ 8, cũng của Trung Quốc, nhưng lần tới sẽ do một nhóm "thái không nhân - phi hành gia vũ trụ" Trung Quốc tự tay cắm xuống.

Nếu Mỹ -Trung xung đột, Châu Âu đứng đâu ?

Trong chiều hướng Trung Quốc trỗi dậy trên mọi mặt, thời luận của Alain Frachon trả lời cho câu hỏi "Châu Âu đứng đâu trong cuộc xung đột (tương lai) Mỹ-Trung ?".

Trên Financial Times, chuyên gia Anne-Marie Slaughter, nguyên là một quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Mỹ góp ý với chính quyền Biden : "Phải hành động như thể nhóm cộng sự của Biden là biểu tượng cho đội ngữ lãnh đạo mới của nước Mỹ thay vì quay lại hình ảnh đội ngũ lãnh đạo cũ". Tại sao ? Bởi vì, Châu Âu đã bắt đầu hiện hữu một cách chính trị. Ít nhất là 60% người dân Châu Âu cho rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ. Một đa số lớn hơn nữa còn nghĩ rằng cần phải xây dựng một chính sách quốc phòng riêng cho châu lục. Thay đổi rõ nét nhất là công luận Đức. Chính Donald Trump đã làm cho người dân Đức hoài nghi nước Mỹ sẽ bảo vệ mình một cách đương nhiên khi có biến.

Trong khối Châu Âu, cũng như Anh Quốc, người ta nghiêng về chủ trương "đứng giữa" nếu Mỹ-Trung xung đột. Châu Á, đồng minh của Mỹ như Tokyo và Seoul không có cùng quyền lợi với Washington trên nhiều hồ sơ, điển hình là thương mại.

Nhưng theo tác giả bài thời luận, đứng trước thách thức Trung Quốc, hai đồng minh Mỹ và Châu Âu không bị trói tay bất lực. Với Joe Biden, hai bên nói đến hâm nóng và thêm xung lực cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Với điều kiện là Châu Âu phải bớt phục tùng, trái lại, phải tỏ ra có ít nhiều sức mạnh. Châu Âu phải chứng tỏ khả năng cùng với Hoa Kỳ lập một mặt trận chung, ít ra là về các chuẩn mực liên quan đến Internet, môi trường và an toàn thực phẩm. Bởi vì đó là những chiến trường quyết định trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Covid-19 đợt ba : Khốn quẫn từ chính phủ đến dân chúng

Chính phủ Pháp đứng trước tình trạng khốn quẫn của giới trẻ. Tinh thần dân Pháp bị thách thức nghiêm trọng vì không thấy tương lai. Không một biện pháp chống dịch nào, kể cả phong tỏa, thắng được Covid-19.

Hai tựa lớn trên đây của Le Monde Le Figaro mở đầu một loạt bài ngày càng chính xác về hệ quả tâm lý sau một năm siêu vi hoành hành.

Phát ngôn viên chính phủ nhìn nhận các biện pháp giới nghiêm hiện nay không đủ để chận siêu vi lây lan. Giới chuyên gia y tế cảnh báo về hệ quả lâu dài cho học sinh nếu trường học đóng cửa. Trong bối cảnh tái phong tỏa, chính phủ hứa hẹn sẽ để sinh viên, đến trường mỗi tuần một lần. Các dân biểu yêu cầu có biện pháp nhanh và mạnh sau khi thấy rõ cả một thế hệ bị khủng hoảng tâm lý (Le Monde).

Trong khi đồng nghiệp La Croix lưu ý thái độ do dự của chính phủ mặc dù bị công luận hối thúc chuẩn bị sớm đương đầu với đợt tấn công thứ ba, biếm họa của Le Monde vẽ tổng thống Macron một mình trong sân của điện Elysée, đổ mồ hôi hột kêu cứu : "Ai có thể mách tôi phải làm gì bây giờ".

Nhật báo thiên hữu Le Figaro với hai phóng sự : Trong giới trẻ, số ca muốn tự tử gia tăng. Không thấy chân trời, người Pháp khó giữ được tinh thần. Các khoa tâm thần trong bệnh viện mỗi ngày thấy bệnh nhân mới xin khám bệnh : hồi hộp, âu lo, trầm cảm, không nhớ ngày nhớ tháng…

Những hệ quả tất yếu như lời tâm sự của một nữ sinh viên : bị phong tỏa, học từ xa, một mình trong căn phòng cư xá 9 mét vuông, sinh hoạt trong ngày thu gọn vào hai việc "học và ngủ". Thăm dò của Ipsos cho thấy : hai phần ba lứa tuổi từ 18-25 lo âu tâm lý bị tác hại.

Covid-19 : Hành trang và hành trình

Gần 50% thanh niên từ 22-24, đa số sống xa nhà "có triệu chứng lo âu thường trực". Bài xã luận "Cuộc hành trình dài đằng đẵng" của Le Figaro mang nội dung của một bản cáo trạng.

Đã xa lắm rồi cái thời mặt để trần ! Gần một năm từ khi vụ con tê tê, hay con dơi hay một thứ gì khác làm xáo trộn đời sống của chúng ta. Đó là vào mùa đông năm trước, máy bay nằm ụ, du lịch, xi-nê, kịch nghệ, tiếp xúc làm ăn, gặp gỡ gia đình, hội họp thân hữu bị xóa hết trên cuốn sổ ghi hẹn.

Trước áp lực của đại dịch, nhân loại nằm sát đất, chính phủ chuẩn bị tâm lý công luận để tái lập phong tỏa trong mối nghi ngờ, đúng chứ không sai, dân chúng sẽ khó chấp nhận. Các biện pháp y tế triền miên đã làm tổn hao tinh thần con người, tạo thành những vết thương đau sâu thẳm. Phải lắng nghe nỗi bất hạnh của giới sinh viên để cảm nhận được khả năng hủy diệt của biện pháp đóng cửa học đường, xem nhẹ nhu cầu thiết yếu của giáo dục.

Thế mà hành trình (chung với dịch) còn lâu dài hơn dự kiến ban đầu. Chúng ta lại phải cân nhắc từng sự lựa chọn và giá trị của chúng ta, những gì quý giá mà chúng ta quyết định mang theo vào "thế giới" ở bên kia bờ (Le Figaro).

Ba tháng khủng khiếp đang chờ

Cũng cùng mối lo âu, Libération lo ngại tình trạng thiếu vac-xin sẽ đưa đến những xáo trộn tại Châu Âu. Tin xấu này đã làm tắt lịm niềm hy vọng nhanh chóng sang trang Covid. Liệu có giải pháp khả thi ?

Bài xã luận "giải pháp" của nhật báo thiên tả mô tả "tủ lạnh của Đức, Tây Ban Nha, Pháp, ở nhiều tỉnh đã trống trơn. Dấu hiệu đáng lo đầu tiên là Hungary ký mua vac-xin của Nga. Chính phủ Đức ký với các công ty bào chế mua riêng. Đó chỉ là dấu hiệu báo trước sẽ có một cuộc tranh giành thô bạo. Vấn đề là không phải bằng cách "sống chết mặc bay" mà Châu Âu sẽ thắng được trận chiến Covid. Trái lại, các nước cần phải đề ra những giải pháp nhanh chóng và thích hợp với thực tế, cho dù ra ngoài khuôn khổ.

Ba tháng tới đây sẽ là ba tháng khủng khiếp, Libération cảnh giác.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tú Anh
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)