Quanh vụ Anh Quốc rút phép của Truyền hình Trung Quốc
Nguyễn Hùng, VOA, 11/02/2021
Kênh truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc đã mất quyền phát sóng ở Anh sau khi bị cơ quan giám sát truyền thông của vương quốc này, gọi tắt là Ofcom, tước giấy phép hoạt động.
Cờ Trung Quốc tại tổng hành dinh CCTV, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và cơ quan "anh em", CGTN, phát tin bằng tiếng Anh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng đả phá quyết định này và nói họ sẽ có hành động trả đũa.
Trong lúc đó CGTN tìm được hai học giả cánh tả người Anh viết bài đả phá quyết định của Ofcom, cơ quan hoạt động độc lập với chính phủ Anh và có trách nhiệm đảm bảo các đài phát thanh và truyền hình tuân thủ pháp luật.
Vì sao mất giấy phép ?
Trước khi bị tước giấy phép hôm 4/2/2021, CGTN cũng đang bị Ofcom điều tra vì cáo buộc đưa tin thiên lệch liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi năm 2019. Ofcom nói cuộc điều tra sẽ còn tiếp diễn dù CGTN đã bị cấm hoạt động ở Anh.
Có hai lý do chính khiến CGTN, tên viết tắt tiếng Anh của China Global Television Network – tức Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, bị tước quyền phát sóng.
Thứ nhất, điều tra củaOfcom cho thấy Star China Media Limited, công ty trách nhiệm hữu hạn đang sở hữu giấy phép mà theo đó CGTN hoạt động, thực tế không có trách nhiệm với nội dung được phát. Vì lý do này họ không đủ điều kiện để tiếp tục sở hữu giấy phép.
Ofcom cũng nói họ không thể chuyển giấy phép của Star China Media Limited cho CGTN vì hãng này thực tế do Đảng cộng sản Trung Quốc quản lý. Các cơ quan được phép phát thanh và truyền hình ở Anh phải giữ nguyên tắc trung lập và chuyện họ bị một chính đảng quản lý không đảm bảo được tiêu chí do Ofcom đề ra.
Quyết định của Ofcom cũng tạo tiền lệ khiến các đài phát thanh và truyền hình của các chính thể cộng sản trong đó có Việt Nam khó có thể được phép hoạt động tại Anh.
‘Chính trị cánh hữu’
Một ngày sau khi mất giấy phép họ có trong suốt 18 năm, CGTN hôm 5/2/2021 đã lên tiếng nói cuộc điều tra của Ofcom nhắm vào hãng này từ đầu năm 2020 bắt nguồn từ sức ép của "các tổ chức cực hữu và các lực lượng chống đối Trung Quốc".
CGTN cũng tìm được hai cây viết người Anh lên tiếng đả phá quyết định của Ofcom.
Cây viết Hugh Goodacre, giảng viên đại học tại University Collge London và University of Westminster viết hôm 7/2 : "Quyết định gần đây [của Ofcom] là ví dụ đáng hổ thẹn về chuyện sự tuyên truyền chống Trung Quốc đang ngày càng cắm rễ sâu trong mọi mặt của văn hoá chính trị cánh hữu ở Anh".
Còn cây viết cực tả người AnhJohn Ross, người hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, viết : "Hành động [của] Anh cũng tiếp nối cuộc tấn công từ nhà nước nhắm vào CGTN tại Hoa Kỳ nơi gần đây họ bị buộc phải đăng ký với tư cách đại diện nước ngoài – khiến nhân viên Hoa Kỳ của họ bị tra tấn tinh thần và khó phát triển về nghề nghiệp".
Ông Ross, người từng là giám đốc phụ trách chính sách kinh tế cho Thị trưởng London, nhân vật cực tả Ken Livingstone, hồi những năm 2000 viết tiếp : "Phương Tây thường lớn tiếng nhận rằng họ đại diện cho "tự do ngôn luận" và coi đây là "quyền phổ quát".
"Nhưng thực tế là họ chỉ cho phép tự do ngôn luận ở dạng thức rất hạn chế ; chỉ khi đại đa số người dân ủng hộ chủ nghĩa tư bản nói chung và ủng hộ chính quyền nói riêng".
Riêng chuyện CGTN chỉ chọn đăng ý kiến của các nhân vật cực tả để đả phá điều được coi là các "quyết định cực hữu" ở Anh và Hoa Kỳ cho thấy sự thiên lệch của họ.
Họ đã tự chứng minh rằng họ đã không có sự đưa tin bất thiên vị mà họ phải có để được cấp phép phát hình tại Anh.
Đó là còn chưa kể mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với Đảng cộng sản.
Hiển nhiên chính quyền nào cũng tìm cách gây ảnh hưởng tới các cơ quan truyền thông. Nhưng chỉ có tại các quốc gia cộng sản họ mới có thể làm thế một cách trực tiếp và sỗ sàng.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/2/2021
************************
Trung Quốc cấm BBC World News sau tin bài về Covid và Tân Cương
BBC, 12/02/2021
Chính quyền Trung Quốc chính thức cấm đài truyền hình BBC của Anh Quốc phát hình trên nước họ sau quyết định của Ofcom ở Anh rút giấy phép của CGTN.
BBC World News TV là kênh truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh hàng đầu trên toàn thế giới
Trong quyết định công bố hôm 11/02/2021, Cục Phát thành, Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc (SARFT) nói tin bài của BBC World News "vi phạm nghiêm trọng quy định về phát thanh truyền hình".
Trung Quốc cho rằng các phóng sự về dịch virus corona của BBC và bài về tình trạng của dân tộc Uighur ở Tân Cương "không đúng sự thật, không công bằng", và "có hại cho quyền lợi Trung Quốc".
Đài BBC đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của chính quyền Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Dominic Raab nhắn trên Twitter rằng hành động của Trung Quốc cấm BBC News "là hành vi không thể chấp nhận được nhằm ngăn chặn tự do truyền thông".
CGTN hết quyền hoạt động ở Anh
CGTN bị cho là vi phạm quy tắc phát hình ở Anh sau vụ chiếu phỏng vấn có vẻ như được thực hiện bằng biện pháp cưỡng ép với công dân Anh Peter Humphrey
Sự việc xảy ra sau khi Cơ quan Giám sát Truyền thông Anh (Ofcom) thu giấy phép của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network - CGTN) ở Anh.
Hôm đầu tháng Hai, Ofcom nói công ty chủ quản của CGTN là Star China Media Limited "không có kiểm soát biên tập" hàng ngày với kênh truyền hình này và hoạt động của CGTN "trái với nguyên tắc quản trị truyền thông" theo luật ở Anh Quốc.
CGTN, hậu thân của CCTV, đã bành trướng ra các thị trường quốc tế và lấy trụ sở xây dựng hoành tráng tại khu Chiswick, London làm đại bản doanh cho hoạt động của họ ở Châu Âu.
Năm ngoái, CGTN bị cho là vi phạm quy tắc phát hình ở Anh sau vụ chiếu phỏng vấn có vẻ như được thực hiện bằng biện pháp cưỡng ép với công dân Anh Peter Humphrey.
Năm 2013, doanh nhân Humphrey và vợ người Trung Quốc bị bắt ở Trung Quốc vì các cáo buộc liên quan đến quản lý số liệu khách hàng.
Trong phiên tòa, đài báo Trung Quốc đăng cảnh ông "thú tội trên truyền hình" (forced confession), một hình thức các chế độ phi dân chủ thường áp dụng để "chứng minh bị cáo đã nhận tội", nhưng là điều phi pháp theo luật tố tụng hình sự ở Phương Tây.
Sau khi bị xử hai năm rưỡi tù (2014) và được thả sau một năm vì lý do sức khoẻ, ông Humphrey tố cáo công an Trung Quốc cưỡng bức ông thú tội trên video, điều vi phạm nhân phẩm của ông.
BBC World News TV là kênh truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh, và có mặt trong các khách sạn cao cấp và cơ sở, tư gia cho người nước ngoài.
Đa số người Trung Quốc không tiếp cận được kênh này.
****************************
Trung Quốc cấm BBC World News, Hong Kong bỏ phần radio của BBC
VOA tiếng Việt, 12/02/2021
Hôm thứ Sáu 12/2, Trung Quốc cấm kênh tin thế giới BBC World News của Anh trong các mạng lưới truyền hình của Trung Quốc. Cùng ngày, hãng phát thanh truyền hình công cộng của Hong Kong cho biết họ sẽ ngừng tiếp sóng kênh phát thanh Thế giới vụ của BBC (BBC World Service), một tuần sau khi Anh thu hồi giấy phép phát sóng đối với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Biển hiệu của đài BBC tại văn phòng của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 12/2/2021.
Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cho biết các phóng sự của BBC World News về Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng" điều khoản đòi hỏi phải "trung thực và công bằng", làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu đoàn kết dân tộc.
Trong khi đó Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK), cơ quan phát thanh truyền hình được cấp tiền từ công quỹ ở lãnh thổ cũ của Anh, cho biết họ tạm ngừng tiếp sóng các chương trình tin tức của đài BBC.
BBC, một công ty đại chúng, nói rằng họ là "đài phát thanh truyền hình đưa tin quốc tế đáng tin cậy nhất trên thế giới" và họ "đưa tin về tình hình thời sự ở khắp nơi trên thế giới một cách công bằng, khách quan và không sợ hãi hay thiên vị".
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi lệnh cấm của Trung Quốc là "sự hạn chế tự do truyền thông không thể chấp nhận được", đồng thời nói thêm rằng "Trung Quốc là nước có một số hạn chế đối với quyền tự do truyền thông và internet thuộc diện nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, và bước đi mới nhất này sẽ chỉ càng làm tổn hại đến tiếng tăm của Trung Quốc trong con mắt của thế giới mà thôi".
Đại sứ quán Trung Quốc tại London đáp trả bằng một tuyên bố chát chúa : "Việc BBC không ngừng bịa đặt ra ‘những lời nói dối tầm cỡ thế kỷ’ trong việc đưa tin về Trung Quốc là đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của báo chí, đồng thời là tiêu chuẩn kép và có thành kiến về ý thức hệ".
"Cái gọi là ‘tự do truyền thông’ chẳng qua là cái cớ và vỏ bọc để tung ra những thông tin sai lệch và vu khống chống lại các quốc gia khác", vẫn lời của Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh.
Hôm thứ Năm 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng "thật đáng lo ngại là (Trung Quốc) hạn chế các cơ quan và các mạng báo chí, cản trở họ hoạt động tự do ở Trung Quốc, trong khi các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh lại sử dụng môi trường truyền thông tự do và cởi mở ở nước ngoài để quảng bá cho thông tin sai lệch".
Trong tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ "lo ngại sâu sắc" sau khi có bài phóng sự của BBC về các vụ cưỡng hiếp và xâm hại tình dục có hệ thống đối với phụ nữ trong các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc về tình trạng xâm hại ở Tân Cương và nói rằng bài phóng sự "hoàn toàn không có cơ sở thực tế".
Hôm 4/2, cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Anh đã thu hồi giấy phép của Mạng Truyền hình Hoàn cầu Trung Quốc (CGTN) sau khi một cuộc điều tra cho thấy giấy phép do Star China Media Ltd. đứng tên, và như vậy là sai luật.
Trung Quốc nói quyết định đó mang tính chính trị và phía Trung Quốc bảo lưu quyền đưa ra "sự đáp trả cần thiết".
****************************
Trung Quốc cấm chương trình của đài truyền hình Anh BBC World News
Thanh Hà, RFI, 12/02/2021
Phát phóng sự về nạn tra tấn và bạo lực tình dục tại Tân Cương, đài truyền hình Anh BBC World News bị Trung Quốc cấm cửa. Ngày 11/02/2021 Cơ quan đặc trách truyền thanh và truyền hình quốc gia Trung Quốc viện cớ kênh này vi phạm "nghiêm trọng" nguyên tắc chỉ đạo về đưa tin của Hoa Lục để cấm đài truyền hình Anh hoạt động tại nước này.
Đúng vào ngày Tết Nguyên Đán, Cơ quan đặc trách truyền thanh, truyền hình quốc gia Trung Quốc NRTA thông báo cấm kênh truyền hình Anh BBC phát sóng do không đưa tin một cách "trung thực và công bằng, làm tổn hại đến quyền lợi quốc gia của Trung Quốc". Hệ thống truyền thanh và truyền hình của Hồng Kông cũng thông báo ngưng phát sóng chương trình của BBC.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại lệnh cấm được Trung Quốc đưa ra 10 ngày sau khi đài truyền hình Anh phát một bài phóng sự điều tra về nạn tra tấn, bạo hành tình dục nhắm vào phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong các trại "dạy nghề" ở Tân Cương. Tuần trước, bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu đài BBC chính thức xin lỗi vì phóng sự này.
Ngoại trưởng Anh, Dominic Raab chỉ trích Bắc Kinh "vi phạm quyền tự do báo chí". Luân Đôn nhắc lại Trung Quốc là một trogn những quốc gia "khắt khe nhất về quyền tự do báo chí và kiểm duyệt internet", quyết định cấm kênh truyền hình Anh phát sóng "càng làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế". Bộ ngoại giao Mỹ cũng "mạnh mẽ lên án" quyết định của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Luân Đôn trên mặt trận truyền thông đã khai mào : tuần trước Anh Quốc rút giấy phép hoạt động của kênh truyền hình Trung Quốc CGTN do kênh này được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng Luân Đôn từ tháng trước tố cáo Bắc Kinh đối sử "man rợ" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trước đó nữa đài BBC đã phát phim tài liệu nói về nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 làm Trung Quốc giận dữ.
Nghị viên Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Nghị Viện Anh ghi nhận "cần theo dõi kỹ hơn và thấu đáo hơn về thái độ càng lúc càng gay gắt của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với các phương tiện truyền thông ngoại quốc".
Thanh Hà
*************************
Kênh CGTN của Trung Quốc bị tước giấy phép tại Anh
BBC, 04/02/2021
Cơ quan Giám sát Truyền thông Anh (Ofcom) vừa tước giấy phép của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network - CGTN) ở Anh.
Các quan chức Trung Quốc khai trương Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) vào cuối năm 2016
Anh Quốc nói công ty chủ quản của CGTN là Star China Media Limited "không có kiểm soát biên tập" hàng ngày với kênh truyền hình này.
Đây là lý do khiến Ofcom cho là hoạt động của CGTN "trái với nguyên tắc quản trị truyền thông" ghi theo luật ở Anh Quốc.
Theo tờ Telegraph (04/02/2021) một nữ phát ngôn viên của Ofcom tuyên bố "giấy phép cho CGTN lại thuộc về một chủ thể không kiểm soát được kênh này về mặt biên tập".
Tờ báo chạy tựa đề là "kênh truyền hình vệ tinh của Trung Quốc bị tống cổ khỏi Anh".
Người ta tin rằng dù một công ty đăng ký để xin giấy phép cho CGTN hoạt động ở Anh, đường lối biên tập của kênh lại do truyền hình Trung Quốc mà Đảng Cộng sản chỉ đạo, điều khiển từ xa.
CGTN có trụ sở tại Bắc Kinh và phát bằng tiếng Anh ra thế giới từ ba trung tâm quốc tế là London, Washington D.C. và Nairobi.
Các báo Anh cho hay năm ngoái, Ofcom đã kết luận rằng CGTN "vi phạm quy tắc phát hình" vì không đảm bảo được tính bất thiên vị (impartiality) trong tường thuật về biểu tình ở Hong Kong.
Theo BBC News, cuộc điều tra của Ofcom tháng 5/2020 đã nêu ra kết luận như trên về cách kênh truyền hình quốc tế của chính quyền TQ đưa tin về biểu tình Hong Kong.
Ofcom đã làm gì với các đài nước ngoài ?
Hồi 2018, Ofcom đã phạt kênh truyền hình Al Arabiya của chủ từ Ả Rập Saudi 120 nghìn bảng vì phát hình "lời thú tội" của một nhà lãnh đạo đối lập Bahrain mà không nói là ông bị tra tấn.
Năm 2011, Ofcom phạt kênh Press TV của Iran 100 nghìn bảng vì phát bài phỏng vấn với nhà báo Maziar Bahari của Newsweek vì cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh cai ngục Bahrain cưỡng bức ông Bahari.
Sang năm 2012, Ofcom tước giấy phép hoạt động của Press TV tại Anh Quốc.
Việc mất giấy phép năm nay sẽ gây khó khăn lớn cho CGTN vì đài này dùng cơ sở được đầu tư nhiều tiền của tại Chiswick, phía Tây London làm đại bản doanh cho mọi hoạt động ở Châu Âu.
Đài Truyền hình Trung ương TQ - CCTV bắt đầu phát ra quốc tế bằng tiếng Anh năm 2013 và từ 2016 thì lập ra kênh CGTN.
Đài BBC cũng chịu sự giám sát của cơ quan Ofcom
Chính quyền Trung Quốc từng hy vọng kênh này đem lại uy tín cho quốc gia của họ và sẽ tiếp cận công chúng Phương Tây trực tiếp bằng tiếng Anh.
Ofcom là cơ quan giám sát truyền thanh truyền hình Anh Quốc, chỉ báo cáo lên Nghị viện, và hoạt động độc lập với chính phủ.
Cơ quan này giám sát cả đài BBC và các kênh truyền hình nội địa của Anh cũng như phụ trách cấp phép cho các đài nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Anh.
Nguyên tắc vận hành và tiêu chí quản lý truyền thông của Ofcom có thể đọc công khai tại trang https://www.ofcom.org.uk/about-ofcom.
Công chúng cũng có thể khiếu nại về các kênh thông tin Anh và nước ngoài hoạt động ở Anh tới Ofcom.