Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/03/2021

Điểm tuần báo Pháp – Thế chiến thứ 3 sẽ diễn ra ở Biển Đông ?

RFI tiếng Việt

Đại chiến thế giới lần 3 sẽ khởi động giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông ?

L’Express tuần này giới thiệu cuốn sách của hai cựu sĩ quan Mỹ, phác họa kịch bản một sự leo thang chiến tranh giữa Bắc Kinh và Washington, dẫn đến thảm họa nguyên tử. Một kịch bản đen tối, nhưng không kém phần hiện thực.

thechien1

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John Finn (DDG 113) tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ngày 14/01/2021. Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đã được phái trở lại Biển Đông ngay sau ngày ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ hôm 20/01/2021. USS Theodore Roosevelt (CVN 71) - Petty Officer 1st Class Christop

Biển Đông 2034 : Chiến tranh có thể bùng nổ ra sao ?

Tháng Ba, năm 2034. Trên Biển Đông, một khu trục hạm Mỹ nhận được lời cầu cứu của một chiếc tàu nhỏ vô danh đang bị bốc cháy, nên đến cứu. Đó là chiếc bẫy do Bắc Kinh giương ra. Bị một tàu sân bay Trung Quốc truy đuổi, hệ thống báo động bị vô hiệu hóa từ xa, chiến hạm của Hải quân Mỹ bị một loạt ngư lôi và hỏa tiễn đánh chìm. Cùng lúc đó, một phi công Mỹ không còn kiểm soát được chiếc tiêm kích F-35 đang trên không phận eo biển Ormuz, buộc phải hạ cánh xuống Iran. Trên biển Baltic, các tàu phá băng Nga cắt cáp internet của bờ Đông nước Mỹ, tách rời Washington và New York khỏi phần còn lại của thế giới.

Đại chiến thế giới lần thứ ba vừa khởi đầu. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Hoa Kỳ gánh chịu thiệt hại quân sự to lớn, bị bất ngờ vì cuộc tấn công mạng do các kẻ thù Trung Quốc, Nga và Iran phối hợp, trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh. Cuộc chiến dẫn đến một loạt đầu đạn nguyên tử bắn vào Hàng Châu và San Diego, khiến các thành phố cảng này bị xóa sổ. Hậu quả là hàng triệu người chết, không có ai chiến thắng.

Khung cảnh tận thế này được hình dung trong tác phẩm "2034 : A Novel of the Next World War" (Câu chuyện về cuộc thế chiến lần tới), của hai cựu sĩ quan tên tuổi, đô đốc James Stavridis 66 tuổi, cựu tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh NATO ở Châu Âu, và Elliot Ackerman 40 tuổi, cựu chiến binh lực lượng đặc biệt ở Iraq và Afghanistan. Cuốn sách của họ, hiện thực một cách đáng sợ, không làm Washington thích thú vì đang căng thẳng với Bắc Kinh, nguy cơ xảy ra sự cố tại Trường Sa và eo biển Đài Loan gia tăng.

Điều trần trước Thượng Viện ngày 09/03, đô đốc Philip S. Davidson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, bày tỏ quan ngại trước tham vọng Bắc Kinh muốn vượt qua Mỹ từ nay đến 2050, và trong sáu năm tới có thể xâm lược Đài Loan. Trước đó một hôm, tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), nhân vật số 2 trong quân đội Trung Quốc, kêu gọi tăng cường năng lực để chuẩn bị chiến tranh với Hoa Kỳ. Ông ta nêu ra "chiếc bẫy Thucydide", lý thuyết cho rằng chiến tranh không thể tránh khỏi giữa một cường quốc đang lên và cường quốc đang lãnh đạo thế giới.

Đệ tam Thế chiến và nguy cơ vũ khí nguyên tử

Trên thực tế, Bắc Kinh nay có số chiến hạm đông đảo hơn Hoa Kỳ, và ngang sức trong một số lãnh vực quân sự, tung ra số tiền khổng lồ để hiện đại hóa quân đội. Ngân sách quốc phòng 2021 được tăng 6,8% (208 tỉ đô la, so với Mỹ là 740 tỉ đô la).

Đô đốc Stavridis lo lắng, nếu đại chiến thế giới thứ ba nổ ra, "không nên nghĩ rằng nó sẽ giống như các cuộc chiến trước. Lầu Năm Góc ý thức được sẽ bị thiệt hại rất nhiều, nhưng dường như không ai hình dung một trong hai phe sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử". Ông sợ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chiến, như các cường quốc Châu Âu năm 1914.

Giáo sư Hal Brands, đại học Johns Hopkins (Maryland), trấn an : "Khi một nước thực sự muốn tránh leo thang, thì sẽ tìm được cách lùi lại". Đối với hai tác giả cuốn sách, không thể đánh giá thấp mối nguy hạt nhân. Elliot Ackerman nói : "Chúng ta đã tránh được nguy cơ tệ hại nhất này trong chiến tranh lạnh, vì kịch bản đã được nêu ra trong nhiều tác phẩm, như phim ‘Bác sĩ Strangelove’ của Stanley Kubrick, cuốn sách ‘Đệ tam Thế chiến : Chuyện chưa kể’ của Sir John Hackett. Các nhà lãnh đạo rốt cuộc tự hỏi không phải làm cách nào để thắng được cuộc chiến, mà làm sao để tránh khỏi bằng mọi giá".

Liệu logic trong thời đại chúng ta cũng tương tự ? Một số chuyên gia lo rằng Trung Quốc lấy cớ một vụ va chạm ở eo biển Đài Loan để tấn công hòn đảo. "Trong chiến tranh, cơ hội không chờ đợi", một nhà sử học Hy Lạp cổ đại đã viết như thế, người đó tên là… Thucydide !

Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Point phỏng vấn nhà tư tưởng Singapore, Kishore Mahbubani, tác giả cuốn "Ngày mà Trung Quốc sẽ thắng". Theo phân tích của ông, Bắc Kinh sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Mỹ. Ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, giờ đây siêu cường Hoa Kỳ đối mặt với Trung Quốc đầy tham vọng và toàn trị.

Ông Mahbubani cho rằng Liên Xô chỉ tồn tại chưa đầy một thế kỷ, còn Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời ; dân số Liên Xô ít hơn, và kinh tế không thể sánh được với Mỹ, còn Trung Quốc bây giờ có nền kinh tế hùng mạnh. Vấn đề lão hóa dân số không ảnh hưởng nhiều, nếu Hoa Kỳ không tiếp nhận thêm di dân và nếu ông Donald Trump quay lại, thì dân số Mỹ không tăng nhanh và dù sao đi nữa, dân Trung Quốc cũng đông hơn Mỹ. Theo ông Mahbubani, chủ nghĩa cộng sản chỉ là công cụ của giới chóp bu Bắc Kinh để lãnh đạo, thực ra xã hội Trung Quốc bây giờ là tư bản, số tỉ phú đô la ở Hoa lục đông đảo nhất kể từ 10 năm qua.

Tỏ ra bênh vực Bắc Kinh, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc nói rằng không phải tất cả các nhà ngoại giao Trung Quốc đều là "chiến lang", Trung Quốc không bành trướng, vì là cường quốc duy nhất không tiến hành một cuộc chiến tranh nào từ sau chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979. Về Đài Loan, hòn đảo này cần tránh mọi ý định độc lập, vì như vậy buộc lòng quân đội Trung Quốc phải can thiệp.

Bắc Kinh lợi dụng các bộ óc xuất sắc phương Tây

Ngược lại, trong bài điều tra công phu "Bắc Kinh đã lợi dụng các nhà nghiên cứu của chúng ta như thế nào", Le Point tiết lộ những chuyện hậu trường cho thấy tâm địa thực sự của Bắc Kinh : phía sau việc hợp tác khoa học là khai thác các bộ óc lỗi lạc của phương Tây để phục vụ cho việc nâng tầm quân đội Trung Quốc lên đứng đầu thế giới.

Hồi tháng Giêng 2020, giáo sư Gérard Mourou của trường đại học Bách khoa, giải Nobel vật lý 2018 nhờ các nghiên cứu về tia laser, một trong những học giả Pháp lừng lẫy nhất, được tiếp đón trọng thể tại Bắc Kinh. Ông là khách mời ngôi sao trong một hội nghị chuyên đề với các chuyên gia quốc tế tên tuổi làm việc tại Trung Quốc, có sự hiện diện của thủ tướng Lý Khắc Cường, tại Đại sảnh đường Nhân dân. Ngay trong lúc ấy, đại dịch Covid đang âm thầm lan tràn tại Vũ Hán, nhưng Bắc Kinh vẫn chứng tỏ tham vọng trở thành "siêu cường khoa học tương lai".

Trước đó hai tháng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký với Tập Cận Bình một thỏa thuận hợp tác chiến lược về vật lý giữa Bắc Đại (Beida, tên tắt của trường đại học Bắc Kinh) với tập đoàn Thales và đại học Bách khoa Pháp. Dự án đầu tiên là trang bị cho Bắc Đại môt hệ thống laser siêu mạnh để nghiên cứu, vì khai rằng với mục đích dân sự nên Pháp đã cho xuất khẩu. Tuy nhiên, công nghệ này có thể dùng cho quốc phòng, và các chuyên gia lo ngại quân đội Trung Quốc lợi dụng : Tập Cận Bình từng nhấn mạnh đến việc thu thập các công nghệ lưỡng dụng.

Tháng 6/2020, đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc đã cảnh báo, các định chế Pháp ký hợp tác với khoảng 15 trường đại học Trung Quốc liên quan đến kỹ nghệ quốc phòng, và các đại học quân đội này chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm.

Thâu tóm, đánh cắp công nghệ để nâng tầm quân đội Trung Quốc

Viện Chiến lược Chính trị Úc báo động vấn đề này từ 2018 : Trung Quốc lợi dụng sự cởi mở của các trường đại học phương Tây để chuyển giao công nghệ một cách chính thức. Đôi khi Bắc Kinh dùng đến gián điệp, như Úc đã phát hiện khoảng 20 vụ. Chính quyền Donald Trump năm 2020 đã cấm cửa các sinh viên và nghiên cứu sinh Hoa lục liên quan đến quân đội Trung Quốc, nhưng bị la ó là "phân biệt chủng tộc", "bài Hoa"

Nhà kinh tế Bernard Belloc mỉa mai : "Chúng ta giúp Trung Quốc tập bay và nay phải đứng nhìn hỏa tiễn phóng vọt lên trời. Pháp giúp đỡ như thể Trung Quốc là một nước đang phát triển", nhưng sau hai thập niên tương quan lực lượng đã thay đổi hẳn. Vì sao ? "Hiệu trưởng đại học Trung Quốc đều là nhân vật có vai vế rất cao trong Đảng cộng sản", với bàn tay sắt đầy quyền lực, khác hẳn với hiệu trưởng Pháp.

Toulouse, mũi nhọn về hàng không, không gian của Pháp, tiếp nhận hàng trăm nghiên cứu sinh từ Trung Quốc. Một nữ tiến sĩ trong lý lịch ghi rõ là từ một đại học thuộc quân đội, muốn làm việc trong phòng thí nghiệm robot, đã bị từ chối. Nhưng với việc kiểm tra đơn thuần trên lý lịch được khai, có bao nhiêu trường hợp quân đội Trung Quốc đã len lỏi vào được ?

Bên cạnh đó là chương trình "1.000 nhân tài" nhằm thu hút các tài năng trong các "công nghệ lưỡng dụng" - vừa dân sự vừa quân sự - về cho Trung Quốc. Bắc Kinh rất khéo chiêu dụ. Nhận được vé máy bay hạng business, ở khách sạn hạng sang, đưa đón bằng Mercedes… khiến nhà khoa học Pháp có cảm giác như một bộ trưởng.

Trung Quốc, đối tác thô bạo đã vùi dập Hồng Kông

The Economist đặt vấn đề, có thể làm ăn với Trung Quốc như thế nào sau khi Bắc Kinh đặt dấu chấm hết cho nền dân chủ của Hồng Kông. Tuần rồi Trung Quốc đã giảm tỉ lệ số dân biểu được bầu trực tiếp một cách dân chủ từ 50% xuống còn 22%, và những người này phải được kiểm tra về "lòng yêu nước", tức là trung thành với Đảng cộng sản.

Đây là hồi kết của chiến dịch đè bẹp tự do tại Hồng Kông. Các lãnh đạo phong trào phản kháng đã phải lưu vong hoặc vào tù. Trung Quốc còn đàn áp Tân Cương, tấn công tin học, đe dọa các láng giềng, gia tăng việc tôn sùng lãnh tụ Tập Cận Bình. Thế nhưng các tập đoàn đa quốc gia vẫn đầu tư vào Trung Quốc, tránh né nói đến nhân quyền.

Phương Tây không thể tách rời khỏi Trung Quốc, vì trọng lượng nước này trong thương mại quốc tế cao gấp ba so với Liên Xô năm 1959. Bắc Kinh là đối tác hàng đầu của 64 nước trong khi Hoa Kỳ chỉ có 38. Về lâu về dài, nếu Liên Xô chỉ có tài nguyên dầu khí phong phú, thì Trung Quốc đủ lớn, đa dạng và sáng tạo để thích ứng với áp lực bên ngoài, và đang thử nghiệm đồng tiền ảo để tìm cách đua tranh với đồng đô la.

Theo The Economist, nên bắt đầu bằng việc củng cố các định chế và chuỗi cung ứng, chống sự xâm nhập của nhà nước Trung Quốc. Để duy trì hòa bình, cần tăng cường các liên minh như Bộ Tứ (Quad) và quân đội Đài Loan, để nếu Bắc Kinh gây chiến sẽ phải trả một cái giá thật đắt.

Kế hoạch Biden, liều thuốc tai hại cho bệnh nhân Covid đang hồi phục

Nhìn sang Hoa Kỳ, xã luận của Le Pointđặt câu hỏi "Joe Biden, người cứu rỗi kinh tế thế giới ?". Tuần báo Pháp nhận định kế hoạch tái thúc đẩy của tân tổng thống Mỹ vừa trễ tràng lại vừa quá lố, có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.

Có những tiếng vỗ tay ở Pháp hoan nghênh kế hoạch vĩ đại 1.900 tỉ đô la của siêu anh hùng Biden, được cho là quý nhân cứu độ nền kinh tế thế giới, đồng thời chỉ trích sự chậm chạp và dè dặt của Liên Hiệp Châu Âu. Các nhà kinh tế OCDE cũng cho rằng nhờ đó tỉ lệ tăng trưởng của Hoa Kỳ từ 3,2% sẽ tăng lên 6,5%. Sự phấn khởi đối với kế hoạch Biden, theo Le Point là đáng ngạc nhiên, trước những rủi ro và đe dọa mà nó mang lại.

Trước hết, không phải ngẫu nhiên khi chỉ vài giờ sau khi Hạ Viện thông qua, chỉ số Dow Jones đã đạt một kỷ lục mới. Tấm séc 1.400 đô la mà Nhà Trắng tặng cho mỗi người Mỹ có thu nhập dưới 80.000 đô la/năm là nguồn sữa cho nhiều loại cổ phiếu : 37% được đổ vào chứng khoán. Hệ quả là giúp các nhà giàu càng giàu to, làm tăng tình trạng bất bình đẳng mà ông Biden đã hứa sẽ giảm thiểu.

Số tiền không dùng để mua cổ phiếu, đa số chi cho tiêu dùng, làm tăng mạnh nhập khẩu đóng góp vào sự tăng trưởng của… Trung Quốc, gây thiệt hại cho phương Tây. Bên cạnh đó là nguy cơ lạm phát, và đặc biệt càng làm nền kinh tế mất thăng bằng : người Mỹ chi tiêu quá khả năng, hầu hết nhờ tín dụng. Biden dùng đòn bẩy kích thích một cách quá đáng, mà quên rằng kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ Donald Trump rất khỏe mạnh trước khi đại dịch ập đến. Như vậy kế hoạch này vừa muộn màng vừa quá khổ.

Tờ báo so sánh một cách thời sự : cũng giống như chích một liều thật mạnh corticoide (thuốc kháng viêm) vào một bệnh nhân Covid đang hồi phục, với tất cả những phản ứng phụ tai hại là tạo bong bóng đầu cơ, đào sâu bất bình đẳng, quay lại với lạm phát, tăng lãi suất… Kế hoạch Biden mang động cơ chính trị nhiều hơn là kinh tế, đáng lo ngại hơn là làm an tâm.

Trung Quốc, Hồng Kông, Covid : Hồ sơ báo Pháp tuần này

Chuyên đề của L’Obs tuần này là địa ốc : xu hướng chọn nhà của người Pháp đã thay đổi sau đại dịch.L’Express chạy tựa "Xét nghiệm, khẩu trang, vac-xin : Tai họa của sự quan liêu", chỉ trích chính quyền không có những biện pháp nhanh chóng để đối phó với Covid.

Trang nhất của Le Pointđưa ảnh Tập Cận Bình với dòng tít lớn "Ngày mà Trung Quốc sẽ lãnh đạo" (thế giới). The Economist chọn hình vẽ trang bìa là một bàn tay khổng lồ đang đè bẹp nhiều con người nhỏ bé đang cầm những chiếc dù phía dưới, còn phía trên là bóng một doanh nhân cũng nhỏ bé đang xách cặp cúi chào, chạy tựa "Thực tế thô bạo của việc làm ăn với Trung Quốc".

Courrier Internationalđăng ảnh một chú chó được quấn trong chiếc khăn choàng ấm áp, với dòng tựa "Vì sao thú cưng khiến chúng ta hạnh phúc". Từ khi đại dịch bắt đầu, số lượng chó mèo được nuôi bùng nổ, vì chúng giúp chịu đựng tình trạng phong tỏa và khiến người chủ được an ủi. Hồ sơ của Courrier Internationalđược dành cho "Hồng Kông, những người ra đi". Sẽ có khoảng mấy chục ngàn người rời khỏi đặc khu, do Bắc Kinh đàn áp nặng nề và giấc mơ dân chủ tàn úa.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 561 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)