Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/03/2021

Điểm báo Pháp - Trung Quốc bị Liên Âu trừng phạt

RFI tiếng Việt

Lần đầu tiên từ sau vụ Thiên An Môn, Trung Quốc bị Liên Âu trừng phạt

Báo chí Pháp ra hôm 23/03/2021 tiếp tục đặt trọng tâm vào khó khăn mà các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp, đang gặp phải trong việc ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ ba. Bên cạnh đó, thách thức quan trong đầu tiên mà chính quyền Biden đang phải đối phó liên quan đến vấn đề nhập cư cũng được nhiều tờ báo chú ý. Về Châu Á, đề tài nóng bỏng nhất được báo chí Pháp đề cập đến là trừng phạt của phương Tây nhắm vào Trung Quốc về hồ sơ Tân Cương.

trungphat1

Lãnh đạo Ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 22/03/2021.  Reuters- POOL

Dù không chạy thành tựa chính, nhưng Le Figaro đã nêu bật sự kiện liên quan đến Trung Quốc trong một hàng tựa nhỏ ngay trên trang nhất : "Duy Ngô Nhĩ : Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc". Trong bài phân tích dài ở trang Quốc Tế bên trong, tờ báo cánh hữu Pháp nhận định rằng cùng với các đồng minh như Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada, Liên Hiệp Châu Âu đã trừng phạt Trung Quốc bất chấp phản ứng phẫn nộ của Bắc Kinh.

Le Figaro nhắc lại rằng ở cuộc họp tại Bruxelles vào hôm 22/03, ngoại trưởng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu lần này đã quyết định biến lời nói thành hành động, nhắm vào chiến dịch đàn áp mà người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là nạn nhân. Tờ báo Pháp nhắc lại là các biện pháp trừng phạt cuối cùng mà Liên Âu áp đặt đối với Bắc Kinh là lệnh cấm vận vũ khí ban hành sau sự kiện Thiên An Môn, tức là hơn 30 năm trước đây

Theo Le Figaro, quyết định trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương mang tính chất "đột phá", dựa trên một khuôn khổ mới được Liên Âu thông qua vào cuối năm 2020 để lên án các hành vi vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, nhưng lại lấy cảm hứng từ đạo luật Magnitsky của Mỹ. Khối 27 nước Châu Âu lần đầu tiên sử dụng khuôn khổ này vào đầu tháng 3, trừng phạt các quan chức cấp cao của Nga liên quan đến vụ bắt giữ và bỏ tù nhà đối lập Alexei Navalny.

Các nhà ngoại giao Liên Âu có dấu hiệu quyết tâm thúc đẩy mô hình trừng phạt mới cho phép họ phản ứng nhanh hơn nhiều so với trước đây đối với các hành vi vi phạm nhân quyền ở nước thứ ba. Như bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhắc lại, việc bảo vệ nhân quyền là "một trong những giá trị nền tảng của Liên Âu".

Đối với Le Figaro, việc bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tham gia cuộc họp hôm qua của các ngoại trưởng Liên Âu cũng đã góp phần thúc đẩy Bruxelles kiên quyết hơn với Trung Quốc, nhất là khi vài giờ sau khi Liên Hiệp Châu Âu công bố các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh, Washington, London và Ottawa lần lượt công bố các biện pháp của họ đối với các nhân vật và thực thể Trung Quốc, giống như một hành động phối hợp.

Câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra là có nên xem những biện pháp trừng phạt chưa từng có này là một bước ngoặt hay một sự nguội lạnh "đơn giản" trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Âu chỉ 3 tháng sau khi đạt được thỏa thuận về đầu tư, mà việc hoàn tất có vẻ rất mong manh ?

Dù sao đi nữa, thì Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức, tố cáo Liên Hiệp Châu Âu tin vào những điều "dối trá" và thông tin "sai lệch", để "bóp méo sự thật". Trung Quốc cũng thông báo việc đưa vào danh sách đen mười người Châu Âu và bốn thực thể của Liên Âu. Trong số các nhân vật bị nhắm, có các nhà nghiên cứu, chính trị gia và nghị sĩ Châu Âu, trong đó có nghị sĩ người Pháp Raphaël Glucksmann.

Quyết định trả đũa của Bắc Kinh, theo Le Figaro, đã được Châu Âu đón nhận một cách bình tĩnh. Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu khẳng định : "Trung Quốc không hề giải tỏa bất kỳ mối quan ngại nào của Liên Âu và tự che mặt mình". Theo ông, Liên Âu không có ý định lùi bước.

Bước đầu nhọc nhằn của đợt phong tỏa thứ ba

Le Monde trước hết cho rằng các thay đổi vào cuối tuần qua liên quan đến những biện pháp hạn chế ở cấp vùng để chống dịch Covid 19 đã khiến cho dư luận có cảm tưởng là chính quyền chỉ biết tùy cơ ứng biến mà không có được một chiến lược chung rõ ràng. Tờ báo nêu bật sự kiện ngay trong ngày đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa mới trên 16 tỉnh, chính quyền vào giờ chót đã phải thu hồi phiên bản đầu tiên của tờ giấy chứng nhận đi lại, bị coi là rườm rà khó hiểu.

Theo tờ báo, con số 21 triệu dân Pháp tại 16 tỉnh, nơi các biện pháp hạn chế mới được áp dụng, đã phải tìm cách thích nghi với cách chống dịch mà chính phủ Pháp mệnh danh là "con đường thứ ba", nhằm "kềm hãm" đà lây lan của dịch bệnh mà không cần "nhốt" mọi người trong nhà. Đối với Le Monde, chẳng những không xoa dịu được dân chúng, biện pháp phong tỏa nhẹ này lại gieo rắc sự bối rối trong tâm trí người Pháp và làm lung lay niềm tin của họ đối với giới lãnh đạo.

Tiêm chủng đại trà, tại sao không ?

Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra, đó là vì cho đến này, các nước như Mỹ, Israel, và ngay cạnh Pháp là Anh Quốc đã đẩy mạnh đáng kể chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, trong khi tại Pháp mới chỉ có 2,4 triệu người được tiêm đủ hai mũi vac-xin cần thiết.

Để ngăn chặn dịch Covid, chính quyền Pháp đang nghiên cứu việc tăng tốc độ tiêm chủng để hướng tới khả năng miễn dịch tập thể cho mùa hè này. Nhưng các bác sĩ và dược sĩ vẫn ghi nhận tình trạng thiếu hụt vac-xin vì các viện bào chế không cung cấp đủ.

Theo Libération, 4 ngày sau khi thủ tướng Pháp Jean Castex loan báo các biện pháp hạn chế đi lại mới tại 16 tỉnh, Chính quyền đã phải vội vã điều chỉnh hướng đi, cho rằng để chống virus Sars-CoV-2 và các biến thể của nó, điều quan trọng rốt cuộc không hẳn là "làm chậm" việc lây lan, mà là "đẩy nhanh" chiến dịch tiêm chủng để giảm bớt hiện tượng bệnh viện bị quá tải.

Bất chấp việc mới chỉ có 2,4 triệu người Pháp được tiêm hai mũi vac-xin, chính phủ vẫn trung thành với các mục tiêu đã đề ra là 10 triệu người được tiêm chủng vào giữa tháng Tư, 30 triệu người lớn vào cuối tháng Sáu. Đối với nhiều quan chức trong chính quyền Pháp, 30 triệu người được chích ngừa tương đương với khoảng 2/3 dân số đã trưởng thành, và như vậy nước Pháp sẽ có được khả năng miễn dịch tập thể.

Nạn bạo lực cực đoan trong giới thiếu niên phạm pháp

Le Figaro đã đọc được một báo cáo của cảnh sát mô tả theo từng giờ từng giờ các hành vi bạo lực xảy ra trên toàn quốc, mà thủ phạm là những kẻ côn đồ, một số trong đó thuộc lứa tuổi vị thành niên. Theo tờ báo cánh hữu Pháp, đó một tài liệu chính xác, đơn giản, và là bằng chứng nêu bật một hiện tượng cho đến giờ thường chỉ được biết đến một cách vụn vặt.

Le Figaro đã trích dẫn bác sĩ Maurice Berger, chuyên ngành tâm thần trẻ em, giải thích rằng đối với các thành phần thiếu niên phạm pháp cực kỳ hung bạo, bạo lực không giới hạn, có thể xẩy ra bất kỳ lúc nào, đã trở thành "yếu tố cấu thành bản sắc" của những thiếu niên này. Cho dù vậy, tờ báo ghi nhận là nhiều đại biểu dân cử tại địa phương không muốn bỏ cuộc. Nhiều thị trưởng như tại vùng Île-de-France, phụ cận Paris, đang cố gắng giúp các em này thoát khỏi vòng xoáy bạo động.

Di dân - cuộc khủng hoảng đầu tiên của Biden

Theo Le Monde, trại Donna ở miền đông nam bang Texas, hoạt động từ hơn một tháng nay, đã trở thành biểu tượng của làn sóng di dân mới mà chính quyền của tân tổng thống Joe Biden đang bất ngờ phải đối mặt, chỉ hơn 60 ngày sau khi ông vào Nhà Trắng.

Trong một tháng, hơn 10.000 trẻ em và thiếu niên không có giấy tờ đã được thông kê, một mức độ chưa từng có kể từ năm 2014. Số người đông đảo đã khiến chính quyền phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp nhận các trẻ vị thành niên này, như cam kết của tổng thống mới, vốn cực lực chống lại chủ trương trục xuất của người tiền nhiệm Donald Trump. Các cơ quan liên bang càng chịu nhiều áp lực hơn vì họ được yêu cầu phải tôn trọng những ràng buộc mới do dịch Covid-19.

Căng thẳng biên giới này đang được đảng Cộng hòa khai thác. Đảng này cáo buộc tân tổng thống yếu kém vì đã chấm dứt một chính sách được coi là đã đặc biệt làm nản chí những người muốn nhập cư vào Mỹ. Đối với Le Monde, rõ ràng là vụ di dân nhập cư này là thách thức nghiêm trọng đầu tiên đối với tân chính quyền Mỹ thuộc đảng Dân chủ. Nếu khủng hoảng kéo dài, điều đó có thể gây nhiễu cho những kết quả tích cực đầu tiên mà họ muốn phô trương, đặc biệt là việc thông qua một kế hoạch khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế, rất được lòng dân Mỹ, và hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng chống lại Covid-19 cho phép hy vọng trở lại cuộc sống bình thường.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)