Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/03/2021

Uyghur : bị lên án về tôi diệt chủng, Bắc Kinh trả đũa phương Tây

RFI tiếng Việt

Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc trừng phạt 9 công dân Anh, huy động tẩy chay thương hiệu phương Tây

Thu Hằng, RFI, 26/03/2021

Sau Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Anh bị Trung Quốc trả đũa liên quan đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ. Ngày 26/03/2021, Bắc Kinh thông báo trừng phạt 9 công dân Anh, trong đó có nhiều nghị sĩ và 4 thực thể Anh vì "truyền bá thông tin dối trá" về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.

uyghur4

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/02/2021. Reuters TV

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được AFP trích dẫn, tài sản của những công dân Anh bị trừng phạt nếu có ở Trung Quốc sẽ bị phong tỏa. Họ và gia đình bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Hồng Kông và Macao. Công dân Trung Quốc bị cấm hợp tác kinh doanh với những cá nhân Anh bị trừng phạt.

Trong số những công dân và thực thể Anh bị Bắc Kinh trừng phạt có Ủy ban Nhân quyền của đảng Bảo Thủ, cũng như cựu lãnh đạo đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith và dân biểu Tom Tugendhat, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Anh.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có khoảng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, đã đón ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 25/03 với hồ sơ chính là vac-xin ngừa Covid-19 và hợp tác kinh tế. Hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã tuần hành ở Istanbul để phản đối chính sách trấn áp của Bắc Kinh đối với cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương. Còn tại thủ đô Ankara, người Duy Ngô Nhĩ tập trung biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc.

"Dân mạng" được khuyến khích tẩy chay nhiều hãng phương Tây

Ngoài các biện pháp đáp trả các nước phương Tây lên án những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Bắc Kinh còn nhắm đến các thương hiệu lớn của phương Tây. Sau lời kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M của Thụy Điển, đến lượt Nike rơi vào vòng xoáy tẩy chay. Theo một thông điệp ngày 24/03 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, đó là những thương hiệu không sử dụng sợi bông từ Tân Cương trong khi "vẫn muốn kiếm tiền ở Trung Quốc".

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Ngoài những gian hàng có vẻ ít khách hơn thường lệ vào một buổi chiều cuối tuần và những nhân viên an ninh gạt những ống kính máy quay và máy chụp hình của các nhà báo, thì cửa hàng quần áo H&M ở trung tâm Bắc Kinh dường như tạm thoát được lời kêu gọi tẩy chay tràn lan trên mạng xã hội và được truyền thông Nhà nước đưa tin. Trong khi đó, từ thứ Tư 24/03, nếu tìm kiếm sản phẩm của H&M trên các trang bán hàng trực tuyến Alibaba, JD.com và Pinduoduo thì không có kết quả nào.

Trước khi làn sóng tẩy chay trở nên rầm rộ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi thương hiệu của Thụy Điển là "dốt nát và kiêu ngạo", sau đó là những lời bình luận trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc khẳng định là thương hiệu  trên chắc chắn sẽ phải trả "giá đắt vì hành động xấu xa của họ".

Thông điệp này được một phụ nữ trẻ Bắc Kinh lặp lại gần như thuộc lòng : "Tôi sẽ không mua hàng ở đây nữa, vì họ thiếu tôn trọng đất nước và là một mối đe dọa kinh tế. Chúng tôi biết được thông tin vào hôm qua (24/03), đó là một trong những chủ đề tranh luận chính trên mạng Weibo".

Những lời bình luận bùng nổ trên mạng xã hội Weibo, tiếp theo là chấm dứt hợp đồng. Nghệ sĩ Hoàng Hiên (Huang Xuan), nữ ca sĩ Tống Thiến (Victoria Song) khẳng định không muốn hợp tác với hãng Thụy Điển nữa. Tương tự, sáng 24/03, nghệ sĩ kiêm ca sĩ Vương Nhất Bác (Wang Yi Bo) ra thông cáo ngừng hợp tác với Nike. Thương hiệu giầy của Mỹ đã cắt đứt quan hệ với các nhà sản xuất bông ở Tân Cương trước đó 8 tháng nhưng mới chỉ được truyền thông Nhà nước nêu lên.

Ở lối ra của cửa hàng H&M, một sinh viên từ Thâm Quyến đến, đẩy một xe đầy thùng các-tông, tỏ vẻ hoài nghi. Anh nói : "Tôi nghĩ là những người kêu gọi tẩy chay bị điên. Mọi chuyện chẳng rõ ràng. Họ kêu gọi tẩy chay vì người ta xúi giục họ làm thế. Thật vô lý !"

Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 4 trên thế giới của thương hiệu H&M. Doanh thu năm 2020 đã vượt ngưỡng 287 triệu euro".

Thu Hằng

********************

Duy Ngô Nhĩ : Nhiều nước phương Tây đồng loạt trừng phạt Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 23/03/2021

Ngày 22/03/2021, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Canada và Anh Quốc cùng lúc ban hành nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc tham gia trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Trong khi đó, Úc và New Zealand khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở vùng tự trị này.

uyghur1

Biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, trước sứ quán Trung Quốc tại Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 19/02/2021.  Reuters- Leah Millis

Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lần đầu tiên các nước phương Tây hành động tập thể nhắm vào Trung Quốc. Ngoại trưởng của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí đưa thêm vào danh sách trừng phạt đã được lập hồi tháng 12/2020 tên 4 nhà lãnh đạo Trung Quốc và một thực thể của vùng Tân Cương vì vi phạm nhân quyền. Theo Công báo của khối 27 nước, những nhân vật này bị cấm visa nhập cảnh vào khối và bị phong tỏa tài sản, nếu có tại Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên của Bruxelles đối với Bắc Kinh kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Trong số các nhân vật bị trừng phạt có ông Trần Minh Quốc (Chen Ming Guo), giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương, với cáo buộc "vi phạm nghiêm trọng nhân quyền""bắt giữ tùy tiện và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các cộng đồng thiểu số Hồi Giáo khác, cũng như vi phạm một cách có hệ thống quyền tự do tín ngưỡng của họ".

Ba quan chức còn lại là ông Chu Hải Luân (Zhu Hai luan), cựu quan chức của tỉnh, người được coi là kiến trúc sư hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương, cùng với hai quan chức cấp cao là ông Vương Minh San (Wang Ming Shan) và ông Vương Tuấn Chánh (Wang Jun Zheng). Thực thể bị trừng phạt là Cơ quan Công An Quân đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương.

Anh Quốc và Canada cũng thông qua những biện pháp tương tự. Hoa Kỳ thì trừng phạt 2 trong số 4 quan chức Trung Quốc trong "danh sách đen" của Bruxelles, gồm ông Trần Minh Quốc và Vương Tuấn Chánh.

Úc và New Zealand hiện dừng ở việc lên án và bày tỏ lo ngại trước những bằng chứng rõ ràng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, theo một tuyên bố chung ngày 22/03 của ngoại trưởng hai nước. Tuy nhiên, Úc và New Zealand hoan nghênh biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhắm vào các quan chức Trung Quốc liên quan đến trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Thu Hằng

*******************

Người Duy Ngô Nhĩ : Bắc Kinh trừng phạt 10 công dân Châu Âu để trả đũa Bruxelles

Trọng Thành, RFI, 23/03/2021

Để trả đũa vụ Châu Âu trừng phạt các chức Trung Quốc tham gia trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 22/03/2021, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo lên án quyết định của Châu Âu là can thiệp "thô bạo" vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và đưa ra quyết định dựa trên "những lời dối trá, các thông tin bịa đặt". 

uyghur2

Nghị sĩ Châu Âu Raphaël Glucksmann trong một phiên họp toàn thể Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 28/11/2019.  Frederick Florin/AFP

Đồng thời, Bắc Kinh cũng ban hành các trừng phạt nhắm vào 10 công dân Châu Âu, trong số này có hai nghị sĩ Châu Âu, công dân Pháp Raphaël Glucksmann và công dân Đức Reinhard Bütikofer, người phụ trách các quan hệ với Trung Quốc của Nghị Viện Châu Âu. 

Về hành động trả đũa của Trung Quốc, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh : 

"Ăn miếng trả miếng, Trung Quốc áp dụng tập quán trả thù nguyên thủy để đối xử với các nước Châu Âu, tương tự như đã làm để đáp trả các trừng phạt của Mỹ những tháng gần đây. Các biện pháp trả đũa này nhắm vào những người bị chế độ cộng sản Trung Quốc xác định là có quan điểm ‘‘bài Hoa’’. Nói một cách khác, đây là các nghị sĩ hay giảng viên đại học lên tiếng tố cáo các xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương, bảo vệ người Hồng Kông, hay chính quyền Đài Loan. 

Đối với tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đây là một cảnh cáo : ‘‘Nếu như Bắc Kinh không hề sợ Washington, thì Liên Âu vốn yếu hơn nhiều so với nước Mỹ không phải là thế lực khiến Trung Quốc phải ngần ngại’’. Tờ báo trực thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng cho biết thêm, về chuyện này Trung Quốc có thể học hỏi được từ Nga. Thông điệp trên của Hoàn Cầu Thời Báo có thể coi như một tín hiệu tìm đồng minh, gửi đến ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hiện đang công du Trung Quốc. 

Cụ thể là, các trừng phạt nói trên cấm các đương sự cùng gia đình họ đến Hoa lục, Hồng Kông và Macao. Theo người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cá nhân và định chế liên quan cũng không được quyền có các quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Theo nhiều người liên quan, các trừng phạt này có tầm ảnh hưởng hạn chế. Một người chế giễu biện pháp phong tỏa tài sản tại Trung Quốc, một người khác nói đùa : nếu không còn có thể đi Trung Quốc, ông sẽ ở lại Đài Loan".

Thái độ của Bắc Kinh buộc Liên Âu thức tỉnh

Nhà nhân học người Đức Adrian Zenz, một chuyên gia hàng đầu về tình hình xâm phạm nhân quyền tại Tân Cương và Tây Tạng, là một trong 10 người nằm trong danh sách trừng phạt của Bắc Kinh. Các báo cáo của Adrian Zenz về tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị đày ải tại Tân Cương khiến Bắc Kinh giận dữ. Các nhà bảo vệ nhân quyền cáo buộc hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều sắc tộc thiểu số khác hiện đang bị giam cầm trong các trại tập trung tại vùng tây bắc Trung Quốc. 

Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Adrian Zenz nhấn mạnh là phản ứng của Trung Quốc buộc Liên Âu phải thức tỉnh : 

"Thành thực mà nói, tôi không chờ đợi nằm trong danh sách những người bị Trung Quốc trừng phạt nhằm trả đũa Liên Âu. Chính quyền Trung Quốc không ngừng mô tả tôi như một nhân viên CIA hay thuộc một cơ quan tình báo Mỹ. Các điều tra của tôi tại Tân Cương đã có ý nghĩa quyết định. Kết quả điều tra đã được trích dẫn hồi tháng 12/2020 trong một nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, và thậm chí trước đó. Theo tôi, toàn bộ sự việc này cho thấy vấn đề Tân Cương đang trở nên nhạy cảm với Bắc Kinh như thế nào. Chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách để dập tắt mọi nỗ lực chỉ trích hay hành động vì người dân ở Tân Cương. 

Tôi hy vọng là loạt trừng phạt này cuối cùng cũng cho phép đánh động giới chính trị và các tổ chức Châu Âu. Ở Châu Âu, người ta đã từng tin tưởng một cách ngây thơ là có thể có được các thỏa hiệp với Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ chấp nhận việc này. Tuy nhiên, các vị biết là, dưới chế độ này, các xâm phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc là mang tính hệ thống và diễn ra thường xuyên. Tôi hy vọng là các biện pháp trả đũa này rút cuộc sẽ buộc các nước Châu Âu hiểu ra bản chất thực sự của chính quyền Trung Quốc. Liên Âu phải thành lập một mặt trận thống nhất, bởi như các vị biết, Trung Quốc coi Liên Âu là kẻ yếu. Cần chấm dứt tình trạng này"

Trọng Thành

********************

Trung Quốc mở phiên tòa xử người Canada thứ hai bị bắt giữ sau vụ Mạnh Vãn Châu

Trọng Nghĩa, RFI, 22/03/2021

Sau hơn 800 ngày bị giam giữ, người thứ hai trong số hai công dân Canada bị giam giữ tại Trung Quốc bị đưa ra tòa xét xử vào hôm nay, 22/03/2021 với cáo buộc làm gián điệp.

uyghur3

Tòa án nhân dân Trung Thẩm số 2 tại quận Phong Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi xử kín ông Michael Kovrig, công dân Canada, với cáo buộc làm gián điệp, ngày 22/03/2021.  AP - Andy Wong

Giống như lần xét xử công dân Canada thứ nhất là Michael Spavor hôm 19/03 tại Đan Đông, phiên xử ông Michael Kovrig hôm nay tại một tòa án vùng ngoại ô Bắc Kinh cũng là một vụ xử kín, giới ngoại giao và báo chí không được vào tham dự.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình :

"Một chuỗi lời xướng danh khá kỳ lạ đã được ghi nhận trước Tòa án nhân dân Trung Thẩm số 2 tại quận Phong Đài ở Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao lần lượt xướng tên các đại sứ quán của mình. Tổng cộng có đại diện của 26 quốc gia, trong đó có Pháp và Đức, đã đến trước tòa để ủng hộ đại diện của Canada tại phiên tòa này. Có điều là số đông như vậy cũng vô hiệu.

Những gì diễn ra hôm nay (22/03) cũng tương tự như phiên tòa xét xử một công dân Canada khác vào ngày 19/03 vừa qua ở miền đông bắc Trung Quốc, nghĩa là không ai được vào bên trong tòa để nghe vụ xử ông Michael Kovrig. Tại cổng vào phía tây của tòa án, người ta thấy cảnh phóng viên với máy quay phim và chụp hình bị xô đẩy.

Trên bậc thềm của tòa án, một quan chức mặc đồng phục nói trong chiếc khẩu trang của mình rằng vụ án liên quan đến vấn đề "an ninh quốc gia" và do đó phiên tòa được xử kín.

Jim Nickel, đại biện sứ quán Canada cho biết : "Chúng tôi vô cùng lo ngại về việc bị từ chối, không được vào dự phiên tòa và tính chất thiếu minh bạch của toàn bộ quy trình xét xử".

Giống như Michael Spavor, Michael Kovrig đã bị bắt tại Trung Quốc vào tháng 12 năm 2018, sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Hoa Vi để chờ quyết định cho dẫn độ qua Mỹ.

Đối với nhiều nhà quan sát, hai "chàng Michael chắc chắn sẽ bị kết án, nhưng việc họ được thả ra lệ thuộc vào số phận người thừa kế đồng thời là giám đốc tài chính của đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc".

Phản ứng của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ dĩ nhiên rất quan tâm đến vụ Trung Quốc xét xử hai công dân Canada. Có mặt ngay bên cạnh đồng cấp Canada vào hôm nay trước tòa án ở Bắc Kinh, William Klein, đại biện sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng tổng thống Mỹ Biden và ngoại trưởng Antony Blinken đã xác định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét trường hợp của Michael Kovrig và Michael Spavor như thể họ là công dân Hoa Kỳ.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden, Hoa Kỳ đã nêu vấn đề này trong cuộc đàm phán với Trung Quốc tại Alaska vào tuần trước, bao gồm cả mối quan ngại của Mỹ trước việc các nhà ngoại giao không được tham dự phiên tòa xét xử ông Spavor.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)