Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/04/2021

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh đẩy Châu Âu về phía Biden

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh đẩy Châu Âu về phía Biden

Dịch Covid-19 và công trình trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris tròn hai năm bị hỏa hoạn là hai chủ đề chính trên tất cả các nhật báo lớn của Pháp ra ngày 15/04/2021. Quan hệ Mỹ-Trung là chủ đề thời sự Châu Á được báo Le Monde Les Echos cùng quan tâm, nhưng ở hai khía cạnh khác nhau.

chauau1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo chung tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2021.  AP - Virginia Mayo

"Bắc Kinh đẩy Châu Âu về phía Biden" là tiêu đề bài viết của nhà báo Sylvie Khauffmann trên Le Monde. Lần lượt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ngoại trưởng Vương Nghị đề nghị Châu Âu "phán xét một cách độc lập và thực thi quyền tự chủ chiến lược theo đúng nghĩa". Những phát biểu này cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo Liên Hiệp Châu Âu ngả theo hướng mà Bắc Kinh không hề mong muốn.

Trong suốt 4 năm căng thẳng dưới thời chính quyền Donald Trump, Bắc Kinh tìm mọi cách để Châu Âu giữ khoảng cách với Hoa Kỳ. Và nhờ vào chính sách thực dụng của nhà tỉ phú, Bắc Kinh suýt đạt được mục tiêu. Hơn một thập niên gây ảnh hưởng với Châu Âu, bị choáng ngợp trước đà tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc, Bắc Kinh lần lượt thâu tóm được nhiều công trình hạ tầng huyết mạch ở Châu Âu để mở rộng dự án Một vành đai Một con đường. Châu Âu "ngây thơ" chỉ thấy lợi ích kinh tế che mờ ý đồ địa chính trị của Bắc Kinh và chỉ "tỉnh ngộ" vào năm 2019. Từ đó, Bruxelles xây dựng quan hệ với Bắc Kinh trên cơ sở ba khái niệm về Trung Quốc : Đó là một đối tác, một đối thủ cạnh tranh và một địch thủ mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, đối sách mới cũng không ngăn cản được Ý ký nghị định thư thỏa thuận tham gia dự án Con đường Tơ lụa mới. Năm 2020, gió thực sự đổi chiều với đại dịch Covid-19, các hồ sơ dân chủ ở Hồng Kông, nhân quyền ở Tân Cương... Bắc Kinh tìm được hậu thuẫn từ thủ tướng Đức Merkel, người đốc thúc Bruxelles kí thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc vào phút chót, ngày 30/12/2020, trước khi Đức hết nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Liên Âu. Trung Quốc đã nghĩ rằng có thể gây chia rẽ Liên minh xuyên Đại Tây Dương trong khi Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Căng thẳng dậy sóng từ đầu năm 2021. Liên Hiệp Châu Âu ban hành nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào nhiều quan chức Trung Quốc tại Tân Cương. Bắc Kinh trả đũa. Sự hung hăng của kiểu ngoại giao "chiến binh sói" Trung Quốc lại gây phản ứng ngược. Thỏa thuận đầu tư Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc, đang chờ được Nghị Viện Châu Âu thông qua, bị tổn hại. Một số nước Liên Âu tham gia nhóm 17+1 thông báo rút lui (Litva, sắp tới là Estonia). Bồ Đào Nha ngừng ý định cho Trung Quốc thuê cảng. Tân thủ tướng Ý Mario Draghi chặn thỏa thuận bán một nhà máy bán dẫn cho Trung Quốc. Montenegro phải van nài Bruxelles giúp trả khối nợ của Trung Quốc, đang bóp nghẹt quốc gia nhỏ bé này.

Một thách thức khác, nghiêm trọng hơn, mà Bắc Kinh phải đối mặt, đó là chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ngả theo sách lược "kiềng ba chân" của Liên Hiệp Châu Âu áp dụng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Antony Blinken từng phát biểu Hoa Kỳ sẽ là "đối thủ cạnh tranh khi đó là quy luật, hợp tác khi có thể, và là địch thủ khi cần thiết".

Khí hậu : Ưu tiên hợp tác hiếm hoi giữa Mỹ và Trung Quốc

Liệu khí hậu có giúp hâm nóng được quan hệ Mỹ-Trung đang mở mức nguội lạnh nhất ? Câu hỏi được nhật báo kinh tế Les Echos nêu trong bài viết : "Hoa Kỳ đi tìm quan hệ đối tác với Trung Quốc về vấn đề khí hậu", một trong những chủ đề hợp tác hiếm hoi giữa hai nước.

Ông John Kerry, đặc sứ về khí hậu, là quan chức đầu tiên của chính quyền Joe Biden đến Trung Quốc, họp với người đồng cấp Tạ Chấn Hoa (Xie Zhen Hua) ở Thượng Hải ngày 15/04, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, gồm 40 nhà lãnh đạo thế giới, do tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức ngày 22 và 23/04, cũng như cho hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow (Scotland) vào tháng 11. Ông John Kerry từng phát biểu trên đài CNN : "Chúng ta không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu này, nếu Trung Quốc không ngồi vào bàn đàm phán".

Biến đổi khí hậu là mối ưu tiên hiếm hoi của hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết về Trung Quốc sẽ trung hòa carbon vào năm 2060. Nhưng liệu hai nước gây ô nhiễm nhất thế giới có tìm được tiếng nói chung về điểm này không ? Chắc chắn là "con đường sẽ còn dài để Trung Quốc và Hoa Kỳ có được hợp tác cụ thể về những thách thức khí hậu", theo đánh giá của giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong), Đại học Nhân dân Trung Quốc, ở Bắc Kinh.

Thực vậy, Bắc Kinh luôn từ chối tách biệt thách thức khí hậu với những chủ đề gây căng thẳng, mà trái lại phải "liên kết chặt chẽ (vấn đề này) với toàn bộ mối quan hệ song phương". Trung Quốc không chấp nhận hợp tác riêng về khí hậu trong khi bị cáo buộc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trong khi đó, theo quan điểm của giới chuyên gia phương Tây, cụ thể là của hai nhà nghiên cứu Andrew Erickson và Gabriel Collins nêu trong tạp chí Foreign Affairs, "giới lãnh đạo Trung Quốc biết tầm quan trọng của nước họ trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và họ sẽ tìm cách sử dụng lợi thế này để thúc đẩy những lợi ích của Trung Quốc trong những lĩnh vực khác". Vì thế, chỉ có "áp lực, chứ không phải quan hệ đối tác", mới thúc đẩy được những tiến bộ từ phía Trung Quốc về mặt biến đổi khí hậu.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan : Thất trận ?

Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng đã "đến lúc" chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các đồng minh NATO để rút quân khỏi Afghanistan và dành toàn tâm toàn lực vào hai mối đe dọa chính : Nga và Trung Quốc.

Nhật báo công giáo La Croix nhắc lại trong bài viết "Hoa Kỳ tổ chức rút quân khỏi Afghanistan" rằng thời hạn được đưa ra là ngày 11/09/2021, muộn hơn năm tháng (ấn định là trước ngày 01/05) so với thỏa thuận đầu tiên ký ngày 29/02/2020 với lực lượng Taliban. Khoảng 9.590 quân nhân từ 36 nước thành viên NATO và các nước đối tác đang được triển khai ở Afghanistan, trong đó Mỹ có 2.500, Đức 1.300, Ý 895 và Anh 750.

Đánh giá về quyết định của Mỹ, bài xã luận của Le Figaro cho rằng tổng thống Joe Biden cuối cùng cũng chọn chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng định hình rõ nét hơn. Thế nhưng, Hoa Kỳ rút mà không đặt điều kiện gì, trong khi Taliban không giữ những cam kết với tổng thống Trump là cắt đứt quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và đàm phán chia sẻ quyền lực với chính quyền được bầu lên. Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ cảnh báo nguy cơ Afghanistan trở lại với những vi phạm nhân quyền, thậm chí là trở về "thời đồ đá", với nguy cơ một cuộc chiến mới tại Afghanistan.  

Quyết định rút quân khỏi quốc gia Nam Á này còn là thất bại của cả NATO, trong đó có Pháp từng triển khai đến 4.000 quân trước khi rút hết vào năm 2013. Theo bài xã luận của Le Figaro, có lẽ các nước phương Tây nên loại bỏ, trong một thời gian, giấc mơ ngây thơ xuất khẩu dân chủ.

Covid-19 : Chấn thương lâu dài tại Pháp, thảm kịch tại Brazil

Theo số liệu thống kê chính thức, Pháp vượt ngưỡng 100.000 người chết vì Covid-19 vào ngày 15/04/2021. Nhưng dữ liệu của viện Inserm, được nhật báo Le Monde trích dẫn, "ngưỡng này đã bị vượt qua từ cách đây nhiều tuần".

Số người chết vì Covid-19 đã bị Cơ quan Y tế công của Pháp đánh giá thấp, do không tính đến nhiều trường hợp có thể nhiễm Covid-19, như chết tại nhà, những ca tử vong là những người được điều trị lâu dài có sức khỏe yếu trong các bệnh viện hoặc những trường hợp tử vong ở bộ phận cấp cứu…

100.000 người chết vì Covid-19 là con số gây chấn động mạnh. Theo Les Echos"Pháp nằm trong số 20 nước bị dịch tác động nặng nhất trên thế giới", một "thành tích" mà điện Elysée chẳng mặn mà. Con số 100.000 đầy tính biểu tượng khiến chính phủ lúng túng vào lúc đang tìm mọi cách cho thấy ánh sáng cuối đường hầm, theo bài viết "Macron tìm cách vượt qua thảm kịch Covid-19 với 100.000 người chết", trong đó có chiến lược tiêm chủng.

Tuy nhiên, không chỉ Pháp, mà toàn thế giới cũng phập phồng ngóng tia hy vọng vac-xin. "Mục tiêu tiêm chủng của Pháp đang bị thách thức", theo nhật báo Le Figaro. Việc triển khai vac-xin Jansen của Johnson & Johnson bị lùi lại vì hiệu ứng phụ gây đông máu. Tuy nhiên, theo Les Echos, Liên Hiệp Châu Âu đã thỏa thuận được với Pfizer/BioNTech tăng số liều vac-xin giao trong quý II thêm 50 triệu liều (tổng số là 250 triệu liều được giao từ tháng 04-06/2021) và điều này có thể giúp khối tiếp tục hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối mùa hè.

La Croix chú ý đến việc "săn lùng những liều vac-xin lãng phí ở Châu Âu". Do bảo quản hay bất kỳ lý do khách quan nào đó, rất nhiều liều vac-xin đã bị bỏ phí, dù trong mức chấp nhận được theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Để tránh những lãng phí đáng tiếc này, rất nhiều sáng kiến đã được hình thành, như hai ứng dụng Covidliste và Vite ma dose tại Pháp để tìm những người tình nguyện tiêm chủng những liều chót cuối ngày. 

Brazil và thảm kịch Covid-19 : Lỗi tại ai ? Với trung bình hơn 3.000 người chết mỗi ngày và cách xử lý vô trách nhiệm của tổng thống Jair Bolsonaro, Brazil mất kiểm soát dịch Covid-19, trong khi biến thể P1 lan rộng. Theo nhật báo Libération, chừng nào dịch chưa được kiểm soát ở Brazil, cả thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng dịch tễ.

Hai năm trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris

Tròn hai năm, đúng ngày 15/04/2019, Nhà thờ Đức Bà Paris ngùn ngụt cháy trước những ánh mắt kinh hoàng và xót xa. Hai năm trùng tu, công trường vẫn ngổn ngang nhưng người dân vẫn đặt niềm tin nhà thờ sẽ mở cửa trở lại vào năm 2024.

Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris hiện trên trang nhất của nhật báo công giáo La Croix với hàng tựa : "Hai năm sau, nhiệt tâm vẫn nguyên vẹn". Libération chơi chữ khi nói về việc trùng tu Notre-Dame de Paris, với tựa trang nhất : "Nhà thờ Đức Bà : Hai năm làm việc ở một công trường vĩ đại (cũng có nghĩa là công trường thần thánh)", một công trình tái thiết kết hợp công nghệ hiện đại với tay nghề của thợ thủ công. Kiến trúc sư công trình tin chắc như đinh đóng cột là ngọn tháp mới sẽ lại vươn trên bầu trời Paris vào mùa thu 2024, vài tháng trước Thế Vận Hội ở thủ đô của Pháp.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 439 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)