Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/04/2021

Điểm báo Pháp - Đua tranh lãnh đạo cuộc chiến vì khí hậu

RFI tiếng Việt

Mỹ và Liên Âu đua tranh trong vai trò lãnh đạo cuộc chiến vì khí hậu

Thượng đỉnh quốc tế về khí hậu do tổng thống Mỹ triệu tập mở ra vào hôm nay 22/04/2021 dĩ nhiên là đề tài được tất cả các tờ báo chú ý. Bên cạnh đó, việc nước Pháp chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 cũng được quan tâm. Ngoài hai chủ đề nổi bật vừa kể, lời cảnh báo về nguy cơ đảng cực hữu lên cầm quyền tại Pháp  cũng là một chủ đề được bình luận.

khihau1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nghe đồng nhiệm Mỹ Joe Biden phát biểu nhân Thượng đỉnh Khí hậu trực tuyến ngày 22/04/2021. Ảnh chụp tại điện Élysée ở Paris (Pháp).  Reuters - Pool

Về hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu mở ra theo sáng kiến của tổng thống Mỹ, hầu như tất cả các báo đều hoan nghênh sự kiện Mỹ quyết định giành lại vai trò đầu tầu của thế giới trong việc chống biến đổi khí hậu.

Ngay trang nhất của mình, trên nền một bức ảnh chụp tổng thống Mỹ Joe Biden đang phát biểu, nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa : "Joe Biden muốn giành lại vị trí đầu trong cuộc chiến thế giới vì khí hậu".

Tờ báo ghi nhận : "Theo sáng kiến của tổng thống Mỹ, khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hai ngày (22-23/04/2021) nhằm khuyến khích ‘một nỗ lực quốc tế mới’ trong cuộc đấu tranh chống hiện tượng khí hậu bị hâm nóng".

Về khí hậu, nước Mỹ của Biden hoàn toàn đổi khác so với thời Trump

Le Figaro đã dành một hồ sơ 3 trang bên trong cho sự kiện, ghi nhận quyết tâm của ông Joe Biden đưa Mỹ dẫn đầu cuộc chiến vì khí hậu, với khả năng loan báo một sự "tăng tốc rõ rệt" trong việc thực hiện các biện pháp đề ra.

Tờ báo tuy nhiên cũng nêu bật việc Châu Âu vẫn hy vọng duy trì được vai trò lãnh đạo đã có được trong những năm Donald Trump ở Nhà Trắng.

Trong bài xã luận ngay trên trang nhất : "Sau thời chiếc ghế trống", Le Figaro không quên nhấn mạnh thay đổi 180 độ của Joe Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Đối với tờ báo, Thượng đỉnh Khí hậu hôm nay là một "bằng chứng thiết thực về chủ nghĩa đa phương không loại trừ ai" vì lẽ "bất chấp những căng thẳng trên các mặt trận khác, ngay cả Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Trung Quốc cũng nhận lời tham gia".

Le Figaro nhận định : "Cho dù phải cảnh giác với những sự kiện nhiều lời hứa hơn là hành động, ta vẫn có thể yên tâm khi thấy nước Mỹ lo lắng trở lại cho lợi ích chung của hành tinh".

Le Figaro đặc biệt chú ý đến Trung Quốc, nước phát ra đến 28% lượng khí Co2 hâm nóng hành tinh, hơn cả lượng khí thải của Châu Âu và Hoa Kỳ gộp lại. Đối với tờ báo Pháp, bất chấp thực tế vừa kể, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định mình là một quốc gia đang phát triển, đòi các nước "giầu" phải làm gương trong khi chính Trung Quốc thì làm ngơ trước những yêu cầu nỗ lực thêm.

Mỹ và Châu Âu trong vai trò xung kích

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng đưa hồ sơ khí hậu lên trang nhất với hàng tựa lớn nêu bật "Khí hậu : Châu Âu và Hoa Kỳ trong vai trò mũi nhọn xung kích".

Tờ báo Pháp ghi nhận sự tranh đua làm tốt giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, với việc Washington nâng cao các cam kết của mình và kêu gọi các nước khác làm theo, trong khi Châu Âu cũng đã đồng ý sẽ giảm 55% lượng khí Co2 thải ra từ nay đến năm 2030.

Động lực mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thượng đỉnh Khí hậu của tổng thống Mỹ Biden cũng được nhật báo công giáo La Croix đưa lên trang nhất dù không phải là tựa chính, nhấn mạnh đến : "Những hy vọng nẩy sinh từ hội nghị thượng đỉnh vì khí hậu".  

Trong bài ở bên trong nói về sự kiện mà tờ báo gọi nôm na là "Thượng đỉnh Biden", tên của đương kim tổng thống Mỹ, La Croix đã không giấu thái độ vui mừng trước động lực chống hâm nóng khí hậu được thúc đấy thêm trong những ngày gần đây.

Tờ báo đặc biệt ghi nhận việc tổng thống Putin của nước Nga, một quốc gia sản xuất hydrocarbon lớn trên thế giới, đã tuyên bố hôm 21/04 rằng cần phải "ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu" và "thích ứng hóa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, nhà ở và dịch vụ đô thị, tất cả cơ sở hạ tầng" với vấn đề này.

Đối với tờ báo, tuyên bố hiếm hoi của ông Putin về khí hậu, một hôm trước một hội nghị thượng đỉnh quan trọng theo lời mời của ông Joe Biden, có thể được xem là "biểu hiện của sự thi đua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Tuy nhiên tựa chính của La Croix được dành cho một hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu : "Ngành nông nghiệp cần phải thích ứng".  Tờ báo nhắc lại rằng đợt lạnh giá mới đây tại Pháp - vốn đã hủy hoại một loạt vườn nho, vườn cây ăn trái và những khu canh tác lớn khác -  đã bộc lộ tính chất mong manh của ngành trông cây ăn trái trước hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thất thường. Điều này đòi hỏi chính quyền phải có biện pháp giúp đỡ để nông dân thích ứng được với biến đổi khí hậu.

Pháp sắp được giải tỏa

Như nói ở trên, một chủ đề quan trọng thứ hai được các báo khai thác rộng rãi là việc nước Pháp sắp được "giải tỏa". Trong lúc Le Figaro nhận thấy "Macron hé mở cánh cửa dỡ bỏ phong tỏa", thì Le Monde góp ý : "Làm thế nào để giảm nhẹ các hạn chế" mà không gây hại.

Theo Le Figaro, bất chấp đà suy giảm vẫn còn mong manh của dịch bệnh, chính phủ Pháp muốn duy trì lịch trình giảm nhẹ phong tỏa đã đề ra : Các trường học và nhà trẻ sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai 26/04, trong lúc các biện pháp hạn chế đi lại sẽ bị bãi bỏ kể từ ngày 03/05, và giờ giới nghiêm có thể được điều chỉnh.

Điều quan trọng hơn cả là các quán cà phê và nhà hàng có chỗ phục vụ ngoài trời sẽ được mở cửa lại, cũng như một số địa điểm văn hóa nhất định sẽ hoạt động trở lại vào khoảng giữa tháng Năm.

Tờ báo nhắc lại rằng thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ họp báo vào chiều 22/04 để thông báo về diễn biến của dịch bệnh Covid-19, trong lúc tổng thống Emmanuel Macron dự trù phát biểu vào đầu tháng 5 để làm rõ các đường nét của giai đoạn mới này.

Làm thế nào để giảm nhẹ tốt các hạn chế

Về phần mình, Le Monde cũng ghi nhận quyết tâm "giải phong tỏa" của chính phủ, nhưng cảnh báo rằng : Khi quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập để chống dịch bất chấp các chỉ dấu y tế vẫn còn đáng ngại, chính quyền cần "hành động một cách khéo léo để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng lên trở lại".

Đối với Le Monde, các chìa khóa giúp cho việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa thành công vẫn là thúc đẩy chiến lược dò tìm, truy vết những ca nhiễm và tăng cường kiểm soát các biến thể của virus gây bệnh.

Tờ báo không quên nhắc lại rằng theo giới chuyên gia dịch tễ học, ngay cả khi việc tiêm chủng vac-xin ngừa Covid tiến triển tốt, chích ngừa không thể là chiến lược duy nhất.

Le Monde không ngần ngại khuyến cáo Paris nhìn qua Luân Đôn để rút tỉa kinh nghiệm. Vương quốc Anh đã dở bỏ phong tỏa kể từ ngày 12/04 và đang trở thành một ví dụ về việc tái lập dần dần một cuộc sống bình thường.

Cẩn thận kẻo bị như Ấn Độ

Nhật báo La Croix cũng cảnh báo chính phủ Pháp bằng ví dụ Ấn Độ, nơi dịch bệnh đang bùng lên dữ dội trở lại buộc Paris phải quyết định cách ly tất cả hành khác đến từ quốc gia Nam Á đó.

Đối với La Croix, tình hình Ấn Độ nhắc nhở mọi người về "tính chất thất thường của một trận dịch có nguy cơ bùng phát theo nhiều đợt liên tiếp khi ta vội vàng cho rằng dịch đã nằm trong tầm kiểm soát".

Trường hợp dịch bệnh thảm khốc tại Ấn Độ đã được Libération đề cập đến trong một hồ sơ hai trang, nêu bật vấn đề những nạn nhân mới của đợt "đại dịch tái phát dữ dội" này là những người dưới 20 tuổi.

Cực hữu sắp vào điện Élysée ?

Trái với các đồng nghiệp, nhật báo cánh tả Pháp Libération hôm nay đã dành trang nhất cho một vấn đề hchính trị nội bộ : Khả năng đảng cực hữu Pháp chiến thắng nhân cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới 2022.

Tờ báo chạy hàng tựa lớn dưới hình thức một lời cảnh báo : "Le Pen ngự trị ở điện Élysée : Mối nguy đang rõ nét" - Le Pen là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Quốc Gia (Rasemblement National) và điện Élysée là phủ tổng thống Pháp.

Libération đã trích dẫn một nghiên cứu ngắn của hiệp hội nghiên cứu Fondation Jean-Jaurès cảnh báo mọi người về nguy cơ hạn chế, nhưng rất thực tế, của việc phe cực hữu chiến thắng vào năm 2022. Theo hiệp hội này, có ba yếu tố dẫn đến nguy cơ nói trên : Phản ứng bác bỏ việc tổng thống Macron tiếp tục điều hành nước Pháp, đà trôi dạt hay chệch hướng hiên nay của cánh hữu truyền thống và xu thế gọi là "tầm thường hóa" đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia - tức là xem đảng này bình thường như những đảng chính trị khác.

Theo Libération, quả đúng là nguy cơ cực hữu lên cầm quyền tại Pháp "chưa bao giờ rõ nét như hiện nay", nhất là trong bối cảnh bên cánh tả chưa thấy có phương pháp cản bước nào, còn bên cánh hữu là một thái độ im lặng mang ý nghĩa nặng nề.

Tóm lại, khả năng đảng cực hữu giành được chức tổng thống Pháp là một nguy cơ thực thụ, nhất là khi chỉ còn một năm nữa là người dân sẽ bầu lại người đứng đầu Nhà nước.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)