Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/05/2017

Điểm tin báo chí Pháp - nhiệm vụ hòa giải đất nước bị chia rẽ

RFI tiếng Việt

Pháp : Tổng thống Macron và nhiệm vụ hòa giải đất nước bị chia rẽ

Với 66,1% phiếu bầu trong vòng chung kết bầu cử tổng thống Pháp ngày 07/05/2017, phong trào En Marche ! (Tiến Bước !) đạt được kết quả tốt hơn mong đợi là 62% để có được thế mạnh và giúp chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra vào tháng Sáu. Như vậy, tổng thống tân cử Macron mới có thể thực hiện được chương trình cải cách được đưa ra trong đợt vận động tranh cử.

macron1

Emmanuel Macron vận động tại thị trấn Sarcelles-vùng Val d'Oise, nơi có đông người nhập cư và giới bình dân. REUTERS/Martin Bureau/Pool

Trong bài viết "Macron chiến thắng và phải hòa giải đất nước bị chia rẽ", nhật báo Le Monde (09/05/2017) cho rằng nhiệm vụ trước mắt là bổ nhiệm được một thủ tướng "mới" không thuộc chính đảng truyền thống nào, hoặc một gương mặt được lòng cả hai phe tả-hữu. Tránh lặp lại những sai lầm trong 5 năm cầm quyền của François Hollande, Emmanuel Macron buộc đội ngũ cố vấn im lặng, tuy vẫn có một số rò rỉ về danh tính một số người có thể trở thành bộ trưởng, song tên của tân thủ tướng vẫn là một ẩn số và chỉ được công bố thứ Hai 15/05 sau lễ chuyển giao quyền lực.

Tận dụng thắng lợi lớn, nhiệm vụ tiếp theo của tổng thống tân cử là có được đa số tại Quốc Hội để thực hiện các chính sách cải cách. Ngày 08/05, phong trào En Marche ! được đổi tên thành đảng "La République en marche" (tạm dịch : đảng Cộng Hòa Tiến Bước) nhằm mục đích cho phép các nghị sĩ Đảng Xã Hội hay đảng Những Người Cộng Hòa thuyết phục cử tri của họ dưới mầu sắc đảng mới. Ban lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! khẳng định đã nghiên cứu 14.000 hồ sơ để lập danh sách 577 ứng viên nghị sĩ, trong đó hơn 70% xuất phát từ xã hội dân sự và là những khuôn mặt mới trên chính trường.

Thế nhưng, theo nhận định của Libération, "có được đa số lập pháp ủng hộ Macron là một thách thức mấu chốt cho kỳ bầu cử sắp tới". Vì mục tiêu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước là có được một đa số tuyệt đối tại Quốc Hội "đồng nhất, liên kết và có kỷ luật". Và để làm được điều này, Macron chỉ đưa ra một yêu cầu : Ứng viên nghị sĩ phải từ bỏ đảng phái cũ và "đăng ký ứng cử theo danh nghĩa đảng Cộng Hòa Tiến Bước". Nếu thành công, tổng thống tân cử sẽ đứng đầu một đa số gồm cả các nghị sĩ cánh trung, ủng hộ Châu Âu và xã hội-tự do, đối mặt với một cánh hữu dân tộc bài Châu Âu và một cánh tả cực đoan.

Những người thân cận của Emmanuel Macron hy vọng sẽ không xảy ra hiểu lầm giữa người dân và tổng thống tân cử như diễn ra dưới thời François Hollande. Tân chủ nhân điện Elysée cam đoan sẽ thực hiện chính xác những gì ông đã tuyên bố trong đợt vận động tranh cử. Tuy nhiên, rất nhiều người khuyên ông không nên sử dụng sắc lệnh tổng thống một cách độc đoán để sửa đổi luật Lao động, một trong những đề xuất gây sốc trong chương trình của ông, được dự kiến ngay trong tháng Bẩy.

Có cùng lo ngại trên, bài xã luận trên trang nhất của Le Figaro cảnh báo hành động hấp tấp là bản chất gây nên một cuộc xung đột xã hội mà sau đó mọi ý định cải cách sẽ bị thất bại. Mong muốn được hành động nhanh chóng của tổng thống tân cử là điều đáng khen ngợi, nhưng với ai ? Theo Le Figaro, 100 ngày đầu tiên có lẽ sẽ chỉ dành cho các cuộc thương lượng hơn là cho hành động. Đây mới thực sự là thách thức lớn đầu tiên của Macron.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng cho rằng "Với Emmanuel Macron, 100 ngày là thời hạn để tránh tình trạng mất niềm tin và tiến hành loạt cải cách đã hứa" trong bối cảnh đất nước còn bị kích động vì đợt bầu cử tổng thống.

Hòa giải người dân Pháp cũng là một trong "những thách thức khác đang chờ Emmanuel Macron" được nhật báo công giáo La Croix liệt kê. Điều này tùy thuộc vào khả năng đảm nhiệm vai trò tổng thống của tân chủ nhân điện Elysée. Sự xuất hiện nhiều đảng phái trong chính phủ cũng như trong đa số tại Quốc Hội không nhằm khích động sự cạnh tranh tả-hữu.

Nhiệm vụ thứ hai tập trung vào đối ngoại là tham gia phục hồi Châu Âu, vì trong mắt Macron, Liên Hiệp Châu Âu là thành quả quan trọng. Ông hứa "sẽ hành động để nối lại mối quan hệ giữa Châu Âu và các dân tộc hình thành nên khối này", dù theo ông, cộng đồng này quá phân tán.

Cánh tả "tan tác", cánh hữu "thành tro"

Đảng Xã Hội và đảng Những Người Cộng Hòa là những bên bị tổn thương nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua và bấu víu vào hy vọng mong manh trong cuộc bầu cử Quốc Hội, theo bài xã luận của Libération.

Thế nhưng, vẫn theo Libération, nội bộ cánh tả và hữu đều tan tác trước kỳ bầu cử này. Trong khi Jean-Luc Mélenchon, người đứng đầu phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), từ chối mọi liên minh trong cuộc bầu cử lập pháp, thì Đảng Xã Hội bị chia rẽ sâu sắc giữa những người trung thành, những người ủng hộ Macron và những người ủng hộ ứng viên Benoit Hammon.

Rất nhiều lãnh đạo cánh tả lo lắng trước sự khác biệt chiến lược có nguy cơ dẫn đến các phe phái khuynh tả như Nước Pháp Bất Khuất, Cộng Sản, Xã Hội, Đảng Xanh chia nhau những chiếc ghế cuối cùng trong Quốc Hội.

Cánh hữu cũng chẳng khả quan hơn. Những người ủng hộ Macron muốn giúp tổng thống tân cử, còn những người "cứng rắn" muốn một chính phủ "cùng chung sống" (cohabitation) mà thủ tướng sẽ là người của đảng. Vì vậy, trong nội bộ đảng Những Người Cộng Hòa rất khó tìm ra được tiếng nói chung và tỏ ra đoàn kết cho đến kỳ bầu cử Quốc Hội.

"Sóng gió" trong đảng Mặt Trận Quốc Gia

Sau thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, "đảng Mặt Trận Quốc Gia bắt đầu "tính sổ" với nhau". Sau buổi tranh luận truyền hình trực tiếp của bà Marine Le Pen, một số người trong đảng dám lên tiếng chỉ trích, nhưng tập trung chủ yếu vào những cố vấn thân cận nhất của bà. Theo nhận định Libération, đây là sự kiện đặc biệt trong đảng cực hữu, nơi chủ tịch là người đầy quyền lực.

Với Le Monde, "bà Marine Le Pen đã mắc lại một số sai lầm mà cha bà, Jean-Marie Le Pen, đã vấp phải". Đó là thái độ hung hăng trái ngược với hình ảnh "nước Pháp hòa dịu" mà bà cố thể hiện. Cuộc tranh luận truyền hình bị một số đảng viên đánh giá "là thảm họa tuyệt đối"vừa do bà thiếu kiến thức, nắm không rõ hồ sơ vừa do thái độ hung hăng.

La Croix cũng nhận định : "Trong đảng Mặt Trận Quốc Gia, thất bại đồng nghĩa với vạch tội nhau". Còn Le Figaro "thông báo sóng gió trong đảng Mặt Trận Quốc Gia". Ngay tối công bố kết quả bầu cử tổng thống, ứng viên thất cử Marine Le Pen đã lường trước những lời chỉ trích khi thông báo "một sự thay đổi sâu sắc" trong đảng. Nghị sĩ cực hữu Marion Maréchal-Le Pen, cháu của bà Marine Le Pen, cũng cho rằng "cần rút ra một số bài học" sau thất bại ở vòng hai.

Tuy nhiên, nhiều thành viên khác trong đảng đảng cực hữu này lại tỏ ra nghi ngờ : Liệu Marine Le Pen có thật sự muốn thay đổi ? Liệu bà có thực sự muốn sửa sai ? Hay bà chỉ ngăn trước những ý kiến bất bình để tiếp tục bảo vệ đường lối Le Pen-Philippot ngày càng bị phản đối ? Philippot là phó chủ tịch đảng, cũng đầy quyền lực và là người đưa ra ý tưởng nước Pháp rút khỏi khối đồng tiền chung.

Hàn Quốc sang trang với cuộc bầu cử tổng thống

Tại Hàn Quốc, áp lực đường phố và cuộc "cách mạng nến" đã dẫn đến việc bà Park Guen-hye bị phế truất sau những tai tiếng tham nhũng. Ngày 09/05/2017, cử tri Hàn Quốc đã bầu tổng thống mới. Ứng viên đảng Dân Chủ đối lập Moon Jae-in đã đắc cử, giống dự đoán của Le Monde : "Moon Jae-in bên ngưỡng cửa quyền lực ở Seoul".

Đánh giá về cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, La CroixLe Figaro lần lượt cho rằng "một trang mới mở ra tại Hàn Quốc" và "Hàn Quốc sang trang với tổng thống Park". Về chính sách đối nội, tổng thống tân cử Moon Jae-in hứa cải tổ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, tạo thêm 810.000 việc làm trong lĩnh vực công và chế độ bảo hiểm xã hội tốt hơn cho người lớn tuổi. Như mỗi kỳ bầu cử tổng thống, các vấn đề xã hội và kinh tế là những điểm ưu tiên để cử trị đưa ra lựa chọn.

Về quan hệ với người anh em láng giềng Bắc Triều Tiên, dù luôn bị đảng bảo thủ cáo buộc ủng hộ Bình Nhưỡng, ông Moon Jae-in muốn đối thoại và thực hiện các dự án hợp tác với miền Bắc vì theo ông, đàm phán là con đường duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng hạt nhân.

"Vấn đề Bắc Triều Tiên là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử" cũng là nhận định của Le Monde. Một khi đắc cử, ông Moon Jae-in sẽ chấm dứt 10 năm cầm quyền của đảng bảo thủ và chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, đối thủ Hong Jun-pyo thuộc đảng Tự Do Hàn Quốc (bảo thủ) bảo vệ việc duy trì đường lối cứng rắn đó. Ông thậm chí đề nghị tăng cường các biện pháp quốc phòng, trong đó có "Kill Chain" và hệ thống lá chắn tên lửa KAMD, đồng thời đưa các tầu ngầm hạt nhân vào hoạt động.

Hàn Quốc : Lời cầu cứu của một thế hệ trẻ tuyệt vọng

Không đề cập đến chương trình tranh cử của hai ứng viên chính, nhật báo Libération phản ánh "lời cầu cứu của một thế hệ trẻ tuyệt vọng ở Seoul" trong bài phóng sự dài.

Nợ nần và sống trong tình trạng bấp bênh, thanh niên Hàn Quốc không còn muốn hy sinh trước những sức ép về kinh tế, đạo đức của một xã hội "hung dữ". Sau một cuộc tổng tuần hành vào tháng 03/2017 chống tình trạng tham nhũng, họ hy vọng cuộc bầu cử tổng thống sẽ làm thay đổi tình hình với những lời hứa sẽ được thực hiện, như mức lương tối thiểu sẽ được tăng từ 6.500 won lên thành 10.000, giảm phí đăng ký đại học, 18 tuổi được quyền bỏ phiếu (thậm chí là xuống 16 tuổi), chế độ bảo trợ xã hội tốt hơn…

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc bị hụt hơi, trong khi đó quốc gia đông á này từng vượt khỏi nghèo đói để trở thành một trong những con rồng Châu Á. Mô hình bị lu mờ, tăng trưởng chững lại, hệ thống kinh tế-chính trị bị các tập đoàn lớn thao túng, bất công xã hội…, trước những thực trạng đó, "giới trẻ Hàn Quốc chắc chắn một điều, nếu họ không cố gắng, họ sẽ không bao giờ "ngoi" lên được cấp cao hơn, và cũng từ đó nảy sinh mong muốn ra nước ngoài sinh sống". Sức ép xã hội-kinh tế khiến Hàn Quốc giữ kỷ lục về tỉ lệ tự tử, chỉ sau Litvia.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 733 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)