Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/05/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Paris lép vế trước Berlin ?

RFI tiếng Việt

Liên Hiệp Châu Âu : Paris lép vế trước Berlin ?

Trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình 3 ngày trước vòng hai bầu cử tổng thống Pháp, ứng viên cực hữu Marine Le Pen tuyên bố : "Dù thế nào, nước Pháp sẽ bị một phụ nữ chi phối, hoặc là bà Angela Merkel, hoặc là tôi". Phát biểu này ngụ ý đến "huyền thoại" về thế yếu của Pháp trước nước láng giềng Đức. Liệu Paris thật sự lép vế trước Berlin ?

eu1

Cờ Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa. REUTERS/Hannah McKay

Bài xã luận của Le Monde số ra ngày 10/05/2017 không đồng tình với nhận xét trên.

Từ 10 năm nay, hai nhiệm kỳ của tổng thống Sarkozy và Hollande luôn bị coi là lu mờ trước nước láng giềng. Chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia kiêm nghị sĩ Châu Âu từng phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu năm 2015 rằng tổng thống Pháp là "phó thủ tướng tại tỉnh Pháp" (bà so sánh Pháp là một tỉnh của Đức).

Chắc chắn sự phát triển kinh tế Đức đã mang lại cho Berlin sức mạnh và sự nổi tiếng chưa từng có trên trường quốc tế và Châu Âu. Thái độ năng nổ thái quá của tổng thống Sarkozy và cách thể hiện mờ nhạt của tổng thống Hollande khiến công luận nghĩ rằng nước Pháp vừa vắng mặt vừa không có khả năng thay đổi, khác hẳn với hình ảnh nước láng giềng gặt hái thành quả kinh tế dưới thời thủ tướng Angela Merkel sau loạt cải cách Gerhard Schröder cũng chịu nhiều cay đắng.

Thực ra, nếu xét sâu xa, vai trò của nước Pháp đã bị lu mờ từ dưới thời cựu tổng thống Jacques Chirac. Ngược lại, từ 10 năm trở lại đây, Pháp dần dần khẳng định lại vai trò tại Liên Hiệp Châu Âu, cụ thể trong việc quản lý cuộc khủng hoảng đồng euro.

Khi ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản vào tháng 09/2008 và sau đó là cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp năm 2010, chính tổng thống Pháp lúc đó, Nicolas Sarkozy, cùng với chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE), là người cho thấy nguy cơ hệ thống và kêu gọi hành động kiên quyết, còn thủ tướng Đức Angela Merkel sẵn sàng để kế hoạch được thực hiện.

Tổng thống Pháp François Hollande đóng vai trò quan trọng trong việc cứu Hy Lạp khỏi phá sản và thành lập một liên minh ngân hàng thiết yếu. Tất cả đều được thực hiện với sự nhất trí của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.

Rõ ràng đồng euro - ý tưởng của Pháp được hình thành từ những khái niệm của Đức liên quan đến cân đối ngân sách, thiếu tinh thần tương ái, chống lạm phát - đã không kìm hãm được cú sốc. Vì thời thế thay đổi, vì người Châu Âu không phải là người Đức. Trong vòng 10 năm, quy tắc Maastricht đã được viết lại "theo kiểu Pháp".

Theo bài xã luận, thông tin về sự chống đối thường trực giữa Pháp và Đức mà các hãng truyền thông vẫn "phao" dẫn đến một hậu quả : ngăn cản bước tiến của cả hai nước có chung đường biên giới và một phần lịch sử. Tổng thống tân cử Macron đã tuyên bố sẽ không làm việc "đối mặt" với thủ tướng Đức Merkel mà là làm việc "cùng với" bà. Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử Đức vào mùa thu, ông Macron có thời gian để tiến hành những cải cách đầu tiên của mình và chứng minh rằng Pháp xứng đáng với lòng tin tưởng. Nhờ đó, thuyết phục Berlin cùng tiến xa hơn trong việc củng cố khu vực đồng euro sẽ được tiến hành một cách thoải mái hơn.

Berlin hy vọng bắt kịp "thời gian đã mất" với tổng thống tân cử Pháp

Ngay khi kết quả bầu cử tổng thống Pháp được công bố, thủ tướng Đức Merkel phát biểu "vui mừng với ý tưởng được hợp tác với tổng thống tân cử Pháp" và tin rằng "tình hữu nghị Pháp-Đức sẽ là nền tảng cho nền chính trị Đức".

Theo bài viết "Berlin hy vọng bù lại được "thời gian đã mất"", nhật báo Le Monde cho rằng những lời phát biểu của bà là thật lòng, không phải là ngôn từ ngoại giao. Vì theo bà, "trong số các ứng viên tổng thống Pháp, ông Macron là người có lập trường rõ ràng nhất đối với Châu Âu và đối với việc tăng cường hợp tác giữa hai nước… Ông là người duy nhất có khả năng thiết lập lại niềm tin giữa Pháp và Đức".

"Điều gây trở ngại mọi việc, đó là sự thiếu tin tưởng giữa Pháp và Đức" cũng được ứng viên tổng thống Pháp lúc đó nhắc đến trong buổi nói chuyện tại đại học Humboldt ngày 10/01. Ông nêu lên "trách nhiệm của Pháp" trong vấn đề này và để khôi phục niềm tin, Paris phải "tiến hành một số cải cách cơ cấu".

Dù đánh giá cao những lời hứa "cải cách" của tổng thống tân cử Pháp, Berlin cũng hiểu rằng ông Macron sẽ dựa vào đó để "đổi chác" với Bruxelles và Berlin, trong khi nhiều đề xuất của Macron khó lòng khiến chính phủ Đức chấp nhận được, như bổ nhiệm một Bộ trưởng tài chính cho toàn khối eurozone hoặc hình thành hệ thống "eurobons" bất lợi cho Đức. Đây là một hệ thống nghĩa vụ chung nhằm giúp đỡ nhau trong việc quản lý nợ của các nước trong khối đồng euro.

Vài ngày trước vòng hai bầu cử tổng thống Pháp, ông Macron chỉ trích thặng dư thương mại của Đức và những hậu quả tác động đến sự cân bằng trong khối eurozone. Với Đức, đây là một dấu hiệu cho thấy ông Macron sẵn sàng "cự" lại Berlin.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống tân cử Pháp sẽ là Đức, như ông từng phát biểu, để khẳng định vai trò quan trọng của cả hai nước với nhau. Theo phát biểu của ông Bitterlich, cựu cố vấn của thủ tướng Đức Helmut Kohl về Châu Âu, "cần phải giúp đỡ ông Macron để, trong vòng hai đến ba tuần sau khi ông nhậm chức, chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra thảo luận hàng loạt ý tưởng nhằm tái khởi động cỗ máy và tái lập niềm tin giữa Pháp và Đức. Chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian. Và chúng tôi không còn thời gian để mất".

Brigitte Macron : Đệ nhất phu nhất Pháp thực sự trong điện Elysée

Phu nhân của tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron chiếm vị trí trung tâm trong đội ngũ En Marche ! (Tiến Bước !) đã đưa ông đến chiến thắng. Vai trò quan trọng của bà có thể được gói gọn trong lời cảm ơn của Macron sau bài phát biểu buổi tối chiến thắng 07/05 : "Không có Brigitte, không có tôi ngày hôm nay".

"Brigitte Macron sẽ là đệ nhất phu nhân thực sự" theo nhận định của Le Monde. Phát biểu Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03/2017, Emmanuel Macron, khi đó còn là ứng viên tổng thống, khẳng định : "Nếu ngày mai tôi được bầu làm tổng thống (…), cô ấy sẽ không bị giấu, không ẩn sau một tin Tweet, một nơi kín đáo hay bất kỳ gì đó tương tự. Cô ấy sẽ ở bên cạnh tôi, vì cô ấy luôn luôn sát cánh với tôi".

Đằng sau phát biểu trên là ẩn ý đến Valérie Trierweiler, bạn gái cũ của tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande và cuộc tình bí mật với nữ diễn viên Julie Gayet. Đúng là những ông chủ gần đây của điện Elysée luôn có đời tư khá khác biệt. Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy từng sống trong điện Elysée với vợ cũ Cécilia Ciganer một thời gian trước khi ly hôn ngay đầu nhiệm kỳ. Sau đó, ông tái hôn với Carla Bruni. Với cặp vợ chồng cựu tổng thống Jacques và Bernadette Chirac, mỗi người có một căn hộ riêng trong điện Elysée. Cố tổng thống François Mitterrand và vợ Danielle cũng sống ly thân trước đó.

Brigitte Macron, 64 tuổi, sát cánh bên Emmanuelle Macron trong suốt 20 năm qua. Cặp đôi "không giống ai" lần lượt bước lên từng bậc danh vọng. Bà sát cánh ông trong suốt thời gian vận động, đọc lại và cố vấn cho những bài diễn văn, điều phối đối nội-đối ngoại, lên lịch làm việc hay làm cầu nối giữa ứng viên phong trào Tiến Bước với thế giới bên ngoài, nhưng chưa bao giờ bà can thiệp vào chiến lược chính trị của chồng.

Ba năm trước đó, cô giáo tiếng Pháp ở trường trung học nổi tiếng trong quận 16 Paris còn chưa biết đến thế giới chính trị và buộc dấn thân khi chồng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế. Trong vòng hai năm, bà làm cố vấn trong bóng tối nhưng "luôn có vị trí" trong văn phòng bộ trưởng, như khẳng định của Macron trong buổi chia tay với cộng tác viên để ra thành lập phong trào Tiến Bước !

Từ bóng tối, bà xuất hiện cùng với chồng trên các mặt báo Pháp và nổi tiếng vì cuộc tình không giống ai của họ. Hiếm khi có một cặp trong chính giới lại xuất hiện nhiều trên các bìa báo như vậy. Phong cách của Brigitte Macron được các chuyên gia về thời trang phân tích, chuyện tình như mơ với vị tổng thống tân cử trẻ tuổi được những người ưa chuyện ngôn tình "nghiền ngẫm". Một điều không thể phủ nhận là vợ chồng Macron giúp báo giấy bán chạy hơn.

Không chỉ ở Pháp mà báo chí thế giới cũng bị thu hút vì chuyện tình của nhà Macron. Với chiến thắng của Emmanuel Macron, người Pháp sẽ còn tiếp tục nhìn thấy và nghe bà nói trong vòng 5 năm.

Trung Quốc : Một luật sư bảo vệ nhân quyền phải nhận tội vì bị tra tấn

Chuyển sang khu vực Châu Á, một luật sư bảo vệ nhân quyền đầy nhiệt huyết vừa thú nhận bị "phương Tây tẩy não" trong một phiên tòa ngày 08/05 tại thành phố Trường Sa (Changsha), tỉnh Hồ Nam. Theo nhật báo Le Figaro, "những lời thú tội kinh khủng của luật sư" Tạ Dương (Xie Yang) là do ông bị tra tấn dã man trong tù.

Bị cáo buộc "kích động lật đổ chính quyền", ông Tạ Dương nói "xấu hổ và lấy làm tiếc về các hành động trước đây". Không chỉ là một người hùng đối với các chủ đất nhỏ bị chiếm đất, ông còn là người bào chữa cho một số công dân Trung Quốc dám ủng hộ phong trào Dù Vàng ở Hồng Kông và yêu cầu một hệ thống tư pháp minh bạch tại Trung Quốc, hiện bị trấn áp mạnh mẽ kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013.

Đoán trước rằng ông sẽ bị buộc phải thú tội trước tòa do bị tra tấn, ông đã viết "nếu một ngày nào đó, tôi thú tội trước tòa, hãy nhờ rằng điều đó không phản ánh đúng suy nghĩ của tôi, mà là do tôi bị tra tấn kéo dài".

Phản ứng dè chừng của cộng đồng quốc tế đã không tác động được đến ngành tư pháp Trung Quốc. Tuần trước, một luật sư khác Lý Hòa Bình (Li Heping), cũng bị kết án "lật đổ chính quyền". Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích bản án, song vô ích.

Những lời thú tội của luật sư Tạ Dương, hiện số phận và vị trí bị giam giữ không được tiết lộ, càng chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc "giải quyết" hoạt động của các luật sư trước Đại Hội Đảng.

Le Figaro kết luận không ai và không gì được phép khuấy động "sự hài hòa" của "giấc mộng Trung Hoa" như lời hứa của chủ tịch Tập Cận Bình, người đang trên đường tiến đến nhiệm kỳ thứ hai.

Châu Á đối mặt nguy cơ già trước khi giầu

Trong lĩnh vực xã hội, nhật báo Le Figaro phản ánh hiện tượng dân số già tại Châu Á, dựa theo báo cáo "Dân số già sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn Châu lục" được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) công bố ngày 09/05/2017.

Hiện tượng dân số già đã xuất hiện tại Nhật Bản, tỉ lệ tăng dân số sẽ gần như bằng không từ nay đến năm 2050 trên toàn Châu Á. Trong vòng 30 năm tới, số người từ 65 tuổi có thể sẽ tăng gấp hai lần so với tỉ lệ hiện nay, cao hơn cả hiện tượng lão hóa ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản nơi có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm 7% từ năm 1997 đến 2016. Tuy nhiên, tại các nước Ấn Độ, Indonesia và Philippines, dân số tiếp tục tăng từ nay đến năm 2030. Đánh giá hiện tượng trên, báo cáo của FMI kết luận : "Một số nước có nguy cơ già trước khi giầu, hay giải thích theo cách khác, các nước này phải đối mặt với thách thức chi phí ngân sách cao cho tình trạng lão hóa dân số".

Ngoài ra, Châu Á còn phải đối mặt với một thách thức quan trọng khác : Năng suất chững lại do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 hiện tác động đến các khu vực khác trên thế giới. Châu Á không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này và các lý do thường được nêu là "tỉ lệ đầu tư yếu, trao đổi thương mại thiếu mạnh mẽ hay tái phân phối nguồn vốn vào các lĩnh vực hoạt động không hiệu quả".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 617 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)