Phương Tây lên cơn sốt nóng trước viễn cảnh IS sụp đổ (Đất Việt, 10/05/2017)
Khi thế giới đang hân hoan trước viễn cảnh IS sắp bị tiêu diệt thì giới lãnh đạo phương Tây đang rất lo lắng về điều này.
Phương Tây lo lắng trước viễn cảnh IS bị tiêu diệt
Tờ DailyMail của Anh cho biết, các thành viên chủ chốt của liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria do Hoa Kỳ lãnh đạo đã gặp nhau tại Copenhagen vào hôm thứ 9/5 để đánh giá các bước tiếp theo của chiến dịch khi kết liễu xong IS.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc Jim Mattis và người đồng cấp Đan Mạch Claus Hjort Frederiksen là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của 15 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh hôm 9/5.
Khi trả lời những câu hỏi về việc liên minh sẽ làm những gì trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chống IS, ông Mattis nói với các phóng viên trước khi đến Đan Mạch rằng : "Chúng ta sẽ nhìn vào tương lai, quyết định xem có cần thêm gì nữa không".
Mặc dù các quan chức lãnh đạo phương Tây cảnh báo rằng hành động quân sự của liên minh này để dẫn đến sự sụp đổ "Caliphate" của các phần tử khủng bố sẽ phải tiếp tục một thời gian dài nữa, nhưng họ cũng lạc quan về tiến trình và động lực thúc đẩy cuộc chiến.
Sau nhiều tháng chiến đấu khốc liệt trên tất cả các chiến trường, tổ chức khủng bố IS đã mất quyền kiểm soát phần lớn thành trì của mình tại thành phố Mosul (thuộc tỉnh Nineveh) ở Iraq, trong khi những kẻ khủng bố đã bị cô lập trong pháo đài Raqa của Syria.
Một số quốc gia liên minh đang theo dõi một cách thận trọng đối với những biến động từ các khu vực lãnh thổ do IS kiểm soát đang ngày càng co hẹp lại. Vậy họ đang chú ý đến điều gì ? Đó là việc hàng chục ngàn tay súng người nước ngoài đang chiến đấu cho IS sẽ đi đâu, về đâu.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất
Theo một quan chức cao cấp của chính quyền Hoa Kỳ, Interpol đã xác định được 14.000 tay súng người nước ngoài (con số mà họ biết chắc chắn) đã sang Syria và vẫn còn sống. Trong đó, số lượng chiến binh nước ngoài lớn nhất đến từ Tunisia, tiếp theo là Saudi Arabia.
Viên chức này cho biết, hàng ngàn tay súng thánh chiến người Châu Âu đã tới chiến trường Syria và Iraq chiến đấu cho các ổ nhóm khủng bố và phiến quân đối lập, trong đó có ít nhất 100 công dân Đan Mạch - nước chủ nhà của hội nghị liên minh lần này.
Ít ai biết được rằng, cơ quan thi hành luật pháp quốc tế Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, tiếng Anh : International Criminal Police Organization) chính là thành viên của liên minh chống ISIS, trở thành thành viên thứ 68 của liên minh.
Tổ chức cảnh sát quốc tế này cho biết, hàng chục ngàn chiến binh nước ngoài vẫn còn ở lại Iraq và Syria, và ngay tại các quốc gia của liên minh chống khủng bố, đặc biệt là ở Châu Âu, đang mở rộng cửa cho làn sóng những kẻ khủng bố cứng đầu có thể "chuyển lửa về quê hương".
Châu Âu đứng trước hiểm họa làn sóng khủng bố hồi hương
Các cơ quan an ninh và tình báo các nước Châu Âu ước tính rằng hàng nghìn tay súng khủng bố Hồi giáo sinh ra ở Châu Âu có thể đang trên đường trở về nhà sau khi cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq đang đến hồi kết.
Giáo sư Peter Neumann, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về chủ nghĩa cực đoan tại ĐH King, London cho biết, xung đột tại Iraq và Syria đã dẫn đến cuộc huy động lính nước ngoài lớn nhất kể từ cuộc chiến tại Afghanistan năm 1980 của Liên Xô, khi mà có hơn 20.000 người nước ngoài đã tham chiến chỉ trong 1 thập kỉ.
Theo báo cáo của Trung tâm chống khủng bố quốc tế ở Hague, số người nước ngoài gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các tổ chức cực đoan khác có thể lên tới 27.000-31.000 tay súng, đến từ ít nhất 86 quốc gia. Trong đó, 60%-70% đến từ các nước Trung Đông khác và khoảng 20% - 25% là từ các nước phương Tây.
Tại thời điểm "hưng thịnh", IS thu hút hàng nghìn tân binh mỗi tháng, trong đó có không ít các tay súng ở Châu Âu.
Theo giáo sư Peter Neumann, có khoảng 700 người từ Pháp, hơn 500 người từ Anh, 400 người từ Đức, 300 người từ Bỉ và 100 người từ Mỹ đã gia nhập IS. Tuy nhiên, các nguồn tin khác cho rằng, con số này có thể tăng cao gấp vài lần trong thực tế.
Theo giới chức tình báo Đức, đã có khoảng từ 4.000 - 6000 tay súng khủng bố người nước ngoài trong hàng ngũ IS ở Iraq và Syria tới từ các quốc gia Liên minh Châu Âu. Trong đó, khoảng 14% đã chết, khoảng 1/3 đã trở lại quê hương, số còn lại vẫn ở nước ngoài hoặc không rõ tung tích.
Các nhà phân tích từ lâu đã lưu ý sự khác biệt giữa các tay súng IS địa phương và nước ngoài. Tay súng nước ngoài là những tên khủng bố liều lĩnh nhất, chiến đấu dữ dội nhất, bởi chủ yếu là chúng tình nguyện đến để chiến đấu cho "lý tưởng Hồi giáo".
Hồ sơ của một tay súng nước ngoài thuộc IS bị thu giữ
Ông Aymenn al-tamimi, nhà phân tích về các nhóm phiến quân cho biết, các tay súng IS người nước ngoài là những thành viên có động lực nhất, bởi chúng nghĩ đó sẽ là cuộc phiêu lưu vĩ đại của đạo Hồi.
Thế nhưng sau khi đến Syria và Iraq, nhiều tay súng nước ngoài đã nhận thấy những trải nghiệm với IS không như những gì chúng từng hình dung, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo chỉ là Hồi giáo giả mạo và không phải là tổ chức chiến đấu cho lý tưởng mà chúng kỳ vọng.
Cùng với việc IS liên tục mất các vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq, sức hấp dẫn của tổ chức khủng bố này đối với những kẻ cực đoan tình nguyện đã giảm xuống rõ rệt, khiến các tay súng này nảy sinh tâm trạng chán chường và muốn hồi hương, dẫn đến làn sóng các tay súng nước ngoài trở về Châu Âu.
Ở Châu Âu, tâm trạng phẫn uất không được phát tiết đã khiến chúng thành những "bầy sói" hay "sói đơn độc" vô cùng nguy hiểm đối với quê hương mình, bởi phần lớn trong số chúng bị cực đoan hóa mạnh mẽ, rất thiện chiến và được huấn luyện khủng bố rất kỹ lưỡng.
Do đó, việc giới chức lãnh đạo liên minh lo lắng về ngày tàn của "Caliphate" của chủ nghĩa khủng bố cũng là điều dễ hiểu, bởi họ không thể diệt sạch các phần tử thánh chiến, điều này cũng có nghĩa là làn sóng những con sói nguy hiểm hồi hương sẽ ngày càng lớn hơn, dẫn đến nguy cơ khủng bố ở Mỹ và Châu Âu cũng sẽ đặc biệt gia tăng trong thời gian tới.
Toàn Thắng
*******************
Syria : Hàng ngàn người từ Trung Quốc chiến đấu cho các nhóm chủ chiến (VOA, 10/05/2017)
Người Tây Tạng, người Trung Quốc, người Uighur, và các nhà hoạt động Mỹ biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc tại Washington ngày 16/9/2015.
5.000 người Uighurs từ vùng Tân Cương cực tây Trung Quốc đang chiến đấu cho nhiều nhóm chủ chiến khác nhau tại Syria, đại sứ Syria tại Trung Quốc loan báo hôm 8/5, đồng thời khuyến cáo Trung Quốc nên chú ý việc này.
Trung Quốc lo ngại người Uighurs, phần lớn theo Hồi Giáo và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Syria và Iraq để chiến đấu cho các phần tử hiếu chiến tại đây và đã di chuyển qua các nước Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong vụ sát hại một con tin Trung Quốc vào năm 2015, nêu bật những lo ngại của Trung Quốc về người Uighurs đang chiến đấu tại Trung Đông.
Hàng trăm người đã thiệt mạng tại Tân Cương trong vài năm qua, hầu hết trong các vụ đụng độ giữa người Uighurs và sắc tộc đa số người Hán. Chính phủ nói những xáo trộn này là do các phần tử hiếu chiến Hồi Giáo muốn thành lập một quốc gia riêng rẽ có tên là Đông Turkestan.
Đại sứ Syria tại Bắc Kinh, Imad Moustapha, nói với Reuters bên lề một diễn đàn doanh nghiệp rằng dù một số người Uighurs chiến đấu với Nhà nước Hồi Giáo, nhưng đa số họ chiến đấu "dưới danh nghĩa riêng" để quảng bá cho lý tưởng ly khai của họ.
Trung Quốc chưa bao giờ nêu con số những người Uighurs đang chiến đấu tại Trung Đông, nhưng nhiều lần cảnh báo là đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Không thể kiểm chứng độc lập về số thống kê người Uighurs tại Syria.
Các tổ chức nhân quyền và những người Uighurs lưu vong nói nhiều người Uighurs đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn giản là tránh sự đàn áp của Trung Quốc tại quê nhà, một cáo buộc mà Trung Quốc phủ nhận.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong vào tháng 3 năm nay, ca ngợi "hợp tác quan trọng" giữa tình báo Syria và Trung Quốc chống lại những phần tử hiếu chiến Uighurs. Ông nói các quan hệ với Trung Quốc đang "tăng tiến".
Syria đang nỗ lực thu hút trở lại đầu tư của Trung Quốc.
Đại sứ Moustapha cho biết sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh "Con đường Tơ lụa" mới của Trung Quốc vào tuần tới nhằm mở rộng sự liên hệ giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu với hàng tỉ đô la đầu tư về hạ tầng cơ sở.