Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/07/2021

Điểm báo Pháp – Dân Nga tẩy chay thuốc tiêm chống Covid

RFI tiếng Việt

Nga : Tiêm chủng chậm do ngờ vực lan rộng trong dân

Biến thể virus Delta đã chiếm đến 70% số ca nhiễm tại Nga trong thời gian gần đây. Nga chỉ sử dụng vac-xin nội địa, trong đó có Sputnik V được xuất khẩu sang nhiều nước. Tuy nhiên, kể cả ở thủ đô Moskva, một trong những vùng có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất nước, cũng chỉ có 35% người dân được chủng ngừa Covid-19, những nơi khác chỉ là 23%. Theo phóng sự của báo Le Figaro trong số ra ngày 29/07/2021, "chiến dịch tiêm chủng tại Nga chậm lại là do sự ngờ vực rộng rãi".

nga1

Trung tâm thương mại Gostiny Dvor biến thành trung tâm tiêm chủng, Moskva, Nga, ngày 13/07/2021.  AP - Denis Kaminev

Ví dụ thành phố Vologda có 300.000 dân, nơi hai phóng viên của báo Le Figaro có mặt, có chưa đầy 20% người đã tiêm mũi đầu tiên. Để khống chế đà lây nhiễm của biến thể Delta, thành phố mở thêm hai điểm tiêm chủng lớn ở ngay trung tâm thành phố và Cung Thể thao, nhưng kết quả không như kỳ vọng là có thêm nhiều người đến ngay từ tháng Bẩy : chỉ có khoảng 50 người/ngày và mức kỉ lục là 130 người, theo một tình nguyện viên.

Một người đàn ông, được phóng viên của Le Figaro phỏng vấn, cho biết ông đi tiêm chủng vì ông là công nhân của tập đoàn dầu khí Gazprom. Chính phủ Nga bắt buộc 60% nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan hành chính phải tiêm chủng. Tuy nhiên, nhiều người thân của ông từ chối vì sợ phản ứng phụ.

Đây chỉ là một trong những lý do giải thích hơn 60% người Nga vẫn từ chối đi tiêm chủng, theo kết quả một cuộc thăm dò. Nguyên nhân chính là tâm lý ngờ vực trong dân.

Thứ nhất là do họ không được cung cấp đầy đủ thông tin. Một cặp trẻ, Maxime và Macha, đến tiêm chủng sau khi đã suy nghĩ rất lâu và nhờ đọc được bài báo về vac-xin Sputnik V đăng trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet. Nhưng rất ít người bỏ công tìm kiếm thông tin như họ.

Thứ hai là do tuyên truyền thái quá. Truyền hình nhà nước liên tục chỉ trích vac-xin nước ngoài, nói rằng những loại vac-xin đó giết người. Hậu quả là "gậy ông đập lưng ông". Maxime cho biết : "Khái niệm chung về vac-xin đã bị mất uy tín. Tại sao lại phải tin rằng vac-xin của chúng tôi tuyệt vời và hiệu quả ?".

Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Ekaterina Schulmann cũng nhận định tương tự : "Ngoài việc vac-xin gây lo sợ vì nó còn mới, thì việc tuyên truyền của Nhà nước từ lâu đã gieo dần sự ngờ vực về mọi thứ, từ thể chế đến y học, khoa học… Chúng tôi sống trong một thế giới không có sự thực, đó là điều mà họ nói với chúng tôi. Điều buồn cười là chiến lược này, được sử dụng để chống đối lập chẳng hạn, giờ quay sang chống chính quyền trong lúc dịch bệnh này, thời điểm mà cần huy động mọi người bằng sự tin cậy, thiết thực, chứ không phải là những biện pháp độc đoán. Do đó mà có phần nào tâm lý thụ động, uể oải đối với virus corona".

Người dân không biết tin vào đâu, vào ai và quay sang tìm những thông tin mà họ tự cho là "đáng tin" trên mạng xã hội, như Artiom, một người bán hàng 40 tuổi, khi hỏi ngược lại phóng viên của Le Figaro"Virus nào ? Tại sao lại phải sợ một con virus không tồn tại ? Thậm chí các bác sĩ còn bảo là chưa nhận dạng được chúng !". Ông còn cho rằng "một nhóm người đã tạo ra "virus" này, đó chỉ là trò chơi chính trị vượt tầm nước Nga".

Thứ ba là thiếu minh bạch. Lực lượng nhân viên y tế cũng do dự tiêm chủng, dù họ không phản đối, nhưng lý do là có quá ít thông tin khả tín về vac-xin Sputnik V. Ví dụ, Sputnik V được bào chế và sản xuất quá nhanh, bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trước trên động vật và hơn nữa cứ 6 tháng phải tiêm một lần. Một thành viên Liên đoàn Bác sĩ, một công đoàn độc lập gần với đối lập, nói là "chỉ muốn có thêm thông tin để mỗi người có thể tự đưa ra lựa chọn, chứ không phải bị ép buộc".

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người tin vào vac-xin Nga và tình nguyện tiêm chủng vì "chẳng cần phải bàn cãi gì cả, đại dịch ở đó và chúng ta có vac-xin hiệu quả" hoặc "sợ bị bệnh hơn là vac-xin, sự lo sợ thái quá đó thật nực cười". Phát biểu của hai cụ bà với phóng viên của Le Figaro cũng là ý kiến của nhiều người dân ở Vologda và một lần nữa cho thấy người dân bị chia rẽ vì vấn đề tiêm chủng, hiện tiến chậm, nhưng chắc tại Nga.

Pháp : Kìm hãm đợt dịch mới

Khác với Nga, Pháp đã có hơn 50% người dân được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng cũng bị chựng lại trong khi gần như không thể tránh được đợt dịch thứ 4. Do đó, chính phủ Pháp phải đưa ra một loạt biện pháp thúc đẩy người dân đi tiêm chủng để "kìm hãm đợt dịch Covid mới", theo trang nhất của báo La Croix.

Một trong bốn kịch bản cho mùa khai giảng, được bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Pierre Blanquer nêu lên ngày 28/07 là "Nếu có một ca nhiễm Covid trong trường cấp 2 và cấp 3, chỉ có những học sinh đã tiêm chủng mới được đến lớp", những học sinh không tiêm chủng sẽ phải theo học từ xa.

Nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá "biện pháp dịch tễ mới khuyến khích mạnh mẽ việc tiêm chủng cho mùa khai giảng". Còn theo Le Monde, hiện mới chỉ có 31% thiếu niên từ 12-17 tuổi được tiêm liều đầu tiên và phụ huynh vẫn chia rẽ về vấn đề tiêm chủng cho con em. Vì thế, "tiêm chủng cho thiếu niên trở thành thách thức của mùa khai giảng"

Le Figaro cũng đề cập đến "Kế hoạch khai giảng của Blanquer bị chỉ trích". Báo Libération vẫn giữ thói quen chơi chữ : "Khai giảng, tiêm chủng hoặc đứng góc" khi nói đến thông báo bất ngờ của bộ trưởng Giáo dục nhằm thúc đẩy tốc độ tiêm chủng ở thiếu niên. Giới chuyên gia cho rằng sự phân biệt này sẽ tạo ra hai nhịp độ học tập khác nhau và "điều này có nguy cơ tăng thêm bất công", theo bà Carla Dugault, đồng chủ tịch FCPE, Hội phụ huynh học sinh lớn nhất ở Pháp, được Libération trích trong bài "Thêm một năm học từ xa, có lẽ chúng ta sẽ không trụ được".

Còn nhật báo công giáo La Croix cho rằng phát biểu của bộ trưởng Giáo dục là "vụng về" nhưng tỏ ra thông cảm với nỗi lòng của ông Jean-Michel Blanquer sau hai năm học đầy biến động vì Covid-19. Dù không cần có "giấy chứng nhận y tế" (được áp dụng gần như đại trà tại ở các tụ điểm đông người và tạm hoãn đến ngày 30/09 đối với thiếu niên từ 12-17 tuổi) để đến trường, nhưng với biện pháp trên, chính phủ muốn thúc đẩy các bậc phụ huynh cho con đi tiêm chủng. Dù trên giấy tờ là không bắt buộc, nhưng với biện pháp trên, liệu họ còn không gian tự do nào không? Vì thế, trong bài xã luận, La Croix đặt câu hỏi : Tại sao lại không đưa ra tranh luận rõ ràng vấn đề này, trong khi tiêm chủng đã bắt buộc với nhiều bệnh truyền nhiễm khác?

Để vac-xin được chia sẻ công bằng trên thế giới

Trong khi "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra" về vac-xin ngừa Covid-19, đặc biệt là tại nhiều nước phương Tây, nơi có nhiều người do dự hoặc phản đối tiêm chủng, Jean-Marie Dru, trong mục "Ý kiến và Thảo luận" của nhật báo kinh tế Les Echos, cho rằng cần chia sẻ vac-xin công bằng trên thế giới, trong đó Pháp và người Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng, và cần phải hành động nhanh theo ba điểm chính.

Thứ nhất là cần có ý thức tập tể. Không ai thực sự được an toàn khi cả thế giới chưa được tiêm chủng. Đây có lẽ là cách tốt nhất để ngừa những biến thể mới. Vì thế chia sẻ vac-xin không chỉ là tình đoàn kết mà còn là hành động thông minh duy nhất để có thể giúp tất cả các nước thoát khỏi đại dịch.

Thứ hai là phân phối những liều vac-xin không sử dụng. Cơ chế Covax chia sẻ vac-xin mới chỉ giao được 100 triệu liều cho 135 nước, và chỉ có 0,8% người dân sống ở những nước nghèo được tiêm liều đầu tiên. Vào tháng 04, Pháp là nước đầu tiên tặng vac-xin cho Covax, khoảng 60 triệu liều được mua với giá bán cho nước giầu sẽ được giao từ giờ đến cuối năm 2021. Tác giả bài viết cho rằng các nước giầu cần giữ lời hứa và nhóm G7 cần tiếp tục nỗ lực theo hướng này.

Điểm thứ ba, mang tính tiên quyết, là cần duy trì đóng góp tài chính cho chương trình Covax. Mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức có thể đóng góp và như vậy tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Taliban trước cửa quyền lực ở Afghanistan

Thời sự quốc tế nổi bật trên nhật báo Le Monde là "Tại Afghanistan, đà tiến không thể tránh khỏi của phe Taliban" và "Taliban trước cửa quyền lực". Thế nhưng, cùng với đà tiến của Taliban, số phận của phụ nữ Afghanistan cũng bị đe dọa. 

Phe Taliban chưa thắng trận nhưng gặm nhấm từng tấc đất tại Afghanistan và đang tiến gần đến thủ đô Kabul. Từ lực lượng nổi dậy, Taliban trở thành một lực lượng vũ trang hùng hậu, không còn tuyển thiếu niên Pakistan từ các trường Hồi giáo như cách đây hai thập niên. Theo giáo sư khoa học chính trị Gilles Dorronsoro, đại học Panthéon-Sorbonne (Paris), "Taliban giờ là những quân nhân chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ, vừa có khả năng đánh du kích, vừa tiến hành được những chiến dịch phức tạp hơn, mà việc họ tập trung các nhóm quân bên ngoài các thành phố cho thấy điều này".

Khi thông báo rút quân khỏi Afghanistan, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "chỉ có người Afghanistan quyết định tương lai và cách họ muốn điều hành đất nước". Nhưng bài xã luận của Le Monde lo ngại phụ nữ Afghanistan sẽ không tự định đoạt được số phận của họ. Trong vòng 20 năm, họ được đến trường (khoảng 40% trẻ em đến trường hiện nay là bé gái), học đại học, làm việc. Thế nhưng, những người theo chủ nghĩa chính thống làm mọi cách để ngăn chặn sự thay đổi này, kể cả sát hại nhiều phụ nữ là phóng viên, bác sĩ, cảnh sát, nghệ sĩ… Taliban trở lại cầm quyền sẽ kéo phụ nữ về thời Trung cổ.

Mỹ hồi sinh các mối quan hệ đồng minh ở Đông Nam Á

Chuyến công du của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được báo La Croix cho là nhằm mục đích "hồi sinh các mối quan hệ liên minh ở Đông Nam Á".

Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á, khu vực có tuyến đường biển huyết mạch đối với lưu thông hàng hải toàn cầu và cũng là nơi cạnh tranh sức mạnh Mỹ-Trung. Đó là thông điệp từ chuyến công du ba nước Singapore, Việt Nam và Philippines của người đứng đầu Lầu Năm Góc. Washington muốn tái khẳng định cam kết trong nhiều cơ chế đa phương như với ASEAN, Đối thoại An ninh Bốn bên Bộ Tứ - QUAD, cũng như ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Dù có vị trí chiến lược, nhưng các nước Đông Nam Á cảm thấy bị rơi xuống hàng thứ yếu khi ngoại trưởng Blinken và bộ trưởng quốc phòng Mỹ dành chuyến công du đầu tiên của nội các Biden đến khu vực Đông Á vào tháng Ba. Chuyến công du của ông Austin là nhằm tái khẳng định mối quan hệ đồng minh với khu vực. Tuy nhiên, theo La Croix, chuyến thăm Philippines được cho là như một bài trắc nghiệm do tổng thống Duterte luôn dọa chấm dứt hiệp định quốc phòng hỗ tương có từ năm 1951 giữa Washington và Manila.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)