Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/08/2021

Điểm báo Pháp – Quan hệ Litva - Đài Loan : Bắc Kinh tự lố bịch hóa

RFI tiếng Việt

Gây căng thẳng với Litva về Đài Loan, Trung Quốc sẽ bị "già néo đứt dây" ?

Vào lúc công luận phương Tây đang bất bình trước việc Trung Quốc kết án tù công dân Canada trong một động thái bị cho là để gây sức ép trong vụ Mạnh Vãn Châu, nhật báo Pháp Le Monde số đề ngày 13/08/2021 lại nêu bật một hành vi quá đáng khác của Bắc Kinh nhắm vào một nước Châu Âu nhỏ bé là Litva trên vấn đề Đài Loan. Đối với tờ báo, Trung Quốc có thể bị lâm vào tình thế "già néo đứt dây".

litva1

Vilnius, thủ đô Litva, ngày 22/05/2020. AP/Mindaugas Kulbis

Trong bài "Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Litva về Đài Loan", Le Monde đã tóm lược vụ việc như sau : Litva sẽ cho Đài Loan mở một văn phòng đại diện thương mại trên nước mình. Thế nhưng Trung Quốc đã cho rằng tính toàn vẹn lãnh thổ của họ bị xâm phạm, và đã triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius về nước, cũng như yêu cầu đại sứ Litva tại Bắc Kinh rời đi.

Theo Le Monde, việc Đài Loan mở văn phòng đại diện của mình tại các nước trên thế giới không hiếm. Hiện chính quyền Đài Bắc có tất cả 57 văn phòng loại này - một cơ sở tương đương với đại sứ quán một nước - tại 57 quốc gia mà Đài Loan không có quan hệ ngoại giao.

Bắc Kinh nổi giận vì Vilnius dùng tên "Đài Loan"

Tuy nhiên, vấn đề khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ, là chính quyền quốc gia vùng Baltic này không gọi cơ sở đó là văn phòng đại diện của Đài Bắc, theo cách mà Trung Quốc áp đặt, mà lại dùng tên Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên án một động thái "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất".

Như thông lệ, Trung Quốc đã lớn tiếng đe dọa Litva. Trong một bài xã luận hôm 11/08, Hoàn Cầu Thời Báo đã tố cáo "hành vi cực kỳ liều lĩnh" của Vilnius và cho rằng "Trung Quốc và Nga cần hợp tác để trừng phạt Lítva". Theo tờ báo diều hâu Trung Quốc : "Nếu Litva không đổi ý, Trung Quốc phải chuẩn bị cắt đứt quan hệ. Ngoài ra, Trung Quốc nên tham gia với Nga và Belarus, hai quốc gia có biên giới với Litva, trong việc trừng phạt này".

Trước đó một hôm, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo là Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), đã mô tả Litva như là một "quốc gia nhỏ bé và điên rồ với đầy rẫy những lo âu về địa chính trị" và là tay sai của Mỹ.

Ba lý do khiến Litva "thân thiện" với Đài Loan

Phân tích về quyết định của Vilnius khi chọn tên "Văn phòng Đài Loan", dù biết rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ nổi trận lôi đình, Le Monde nêu bật ba lý do :

Trước hết Litva là một trong những quốc gia khu vực Bắc và Đông Âu đã "sáng mắt" trước bản chất của Trung Quốc nhân đại dịch Covid-19 vừa qua và đã quyết định xích lại gần Đài Loan hơn, ngay cả khi họ không chính thức công nhận đảo này về mặt ngoại giao.

Ngoài ra, Đài Loan không chỉ chia sẻ với các nước này các giá trị dân chủ, mà còn có thể là một đối tác kinh tế phù hợp hơn cả về quy mô lẫn trình độ phát triển.

Hơn nữa, các đòn trả đũa của Trung Quốc trong những năm gần đây nhắm vào các nước Châu Âu như Thụy Điển đã cho khu vực thấy mức độ khó lường của Bắc Kinh.

Cộng hòa Czech và Litva cùng giới tuyến

Đây là trường hợp của Cộng hòa Czech, nước mà chủ tịch Thượng Viện đã có chuyến thăm lịch sử và đáng chú ý tới Đài Bắc vào tháng 9 năm 2020, với tuyên bố "Tôi là người Đài Loan" trước Nghị Viện đảo này. Cùng năm, thủ đô Cộng hòa Czech Praha tuyên bố kết nghĩa với Đài Bắc mà không sợ Bắc Kinh trả đũa.

Riêng Litva thì đã nằm trong tầm nhắm của Bắc Kinh sau khi các phương tiện truyền thông của nước này bị Trung Quốc cho là đã dành chỗ quá nhiều cho giả thuyết virus Covid-19 bắt nguồn từ một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Vào mùa xuân năm 2021, Vilnius quyết định rút khỏi diễn đàn hợp tác 17+1 mà Bắc Kinh thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ của họ với 17 quốc gia trong khu vực Balkan và khối Liên Xô cũ. Qua tháng 6, Litva đã tặng 20.000 liều AstraZeneca cho Đài Loan, nơi đang thiếu vac-xin, để cảm ơn khẩu trang và sản phẩm vệ sinh do Đài Bắc cung cấp vào năm trước.

Litva : Nước Châu Âu đầu tiên chọn Đài Bắc thay vì Bắc Kinh ?

Phản ứng trước việc Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Lítva, Hoa Kỳ đã tuyên bố "sát cánh cùng đồng minh Litva" và "hỗ trợ các đối tác Châu Âu trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan".

Còn phát ngôn viên Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu, Nabila Massrali, thì nhắc lại rằng Liên Hiệp Châu Âu không coi "việc mở văn phòng đại diện ở Đài Loan hoặc đến từ Đài Loan là vi phạm chính sách một nước Trung Hoa của EU", và lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc triệu hồi một đại sứ về vấn đề này.

Theo Le Monde, nếu đoạn giao với Litva, Trung Quốc có nguy cơ lập ra một tiền lệ nghiêm trọng : Lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia Châu Âu kết nối lại với kẻ thù không đội trời chung Bắc Kinh.

Kabul biến thành thùng thuốc súng về nhân đạo

Nếu có một đề tài được hầu như tất cả các báo Pháp ra ngày hôm nay, 13/08/2021 chú ý, thì đó là đà tiến công thần tốc của lực lượng Taliban tại Afghanistan.

Tình hình ở thủ đô Afghanistan hiện nay đã được Libération mô tả trong hình tượng : "Một thùng thuốc súng nhân đạo ở Kabul". Theo tờ báo, "hàng nghìn người di tản đang đổ về đây, các trại tạm bợ đang sinh sôi nẩy nở trong điều kiện vệ sinh tồi tệ".

Tờ báo đã chuyển tiếp cảnh báo từ các tổ chức phi chính phủ về một "tình huống hỗn loạn", với dân thường bị kẹt giữa một bên là quân đội Afghanistan đang "lâm nguy" và bên kia là Taliban.

Le Figaro cũng ghi nhận đà tiến của Taliban : "Trong một tuần, phiến quân đã chiếm 11 thủ phủ địa phương", và hôm qua đã chiếm giữ Hérat, thành phố thứ ba của đất nước ở phía Tây, "vài giờ sau khi chiếm được Ghazni, chỉ cách Kabul 150 km về phía tây nam".

Tờ báo Pháp lưu ý là "đối mặt với tình hình quân sự ngày càng xấu đi", Kabul đã đề xuất với Taliban ý định "chia sẻ quyền lực để đổi lấy việc chấm dứt bạo lực", một đề xuất mà theo Le Figaro rõ ràng là "một sự thừa nhận bất lực".

Ảo ảnh Mỹ

Trang nhất báo Pháp ra ngày hôm nay rất tản mạn, với những chủ đề rất khác nhau, từ tình hình Covid-19 tại Pháp trên Le Monde, cuộc chiến chống biển lửa ở Algeria trên Libération, cho đến chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Biden trên Le Figaro, không kể đến sinh hoạt hành hương được tái lập tại thánh địa Lourdes trên La Croix, và tình trạng tiền tệ quốc tế trên Les Echos.

Đáng chú ý hơn cả là nhận định của tờ báo cánh hữu Pháp Le Figaro : "Joe Biden nhọc nhằn trong việc tập hợp Châu Âu theo đường lối ngoại giao của mình"

Le Figaro ghi nhận là kể từ khi vào Nhà Trắng, tổng thống Mỹ đã nỗ lực liên kết các đồng minh trở lại nhằm xây dựng một "liên minh của các nền dân chủ" chống lại Trung Quốc. Cho đến lúc này, theo tờ báo Pháp, ông Biden vẫn chưa thành công.

Về mặt tích cực, tờ báo Pháp công nhận rằng sau tính chất đôi khi lộn xộn của thời Donald Trump, ông Joe Biden đã biết dựa vào một đội ngũ các nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Thế nhưng điều đó không loại bỏ những hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tương lai.

Lý do là vì, vào lúc tổng thống Hoa Kỳ tự cho nước Mỹ một vai trò quan trọng trong cuộc chiến sắp tới giữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài, người ta vẫn cảm thấy có một khoảng cách giữa lời nói và năng lực hành động thực sự, do sự chia rẽ sâu sắc trong Quốc Hội Mỹ.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Ảo ảnh Mỹ", Le Figaro ghi nhận tâm lý nôn nóng của Châu Âu, muốn khép lại trang sử hỗn loạn của quan hệ với Hoa Kỳ thời Donald Trump.

Ông Joe Biden đã hứa hẹn sự trở lại của nước Mỹ, và đã nối lại với chủ nghĩa đa phương. Thế nhưng Le Figaro cảnh báo là nên coi chừng ảo ảnh Mỹ đó vì trên nhiều mặt, nền ngoại giao của Biden vẫn là sự tiếp nối đường lối của Trump, chủ yếu dựa trên lợi ích của nước Mỹ.

Nhân chuyến công du đầu tiên của mình đến Châu Âu, Biden đã thành công bước đầu trong việc lôi kéo đồng minh chống lại Trung Quốc. Thế nhưng, theo Le Figaro, đối với Châu Âu, sẽ không có chuyện "tách biệt" nền kinh tế của lục địa già ra khỏi nền Trung Quốc, theo mô hình của Mỹ.

Khủng hoảng Covid-19 tại Pháp vẫn còn đó

Riêng về nước Pháp, nhật báo Le Monde trở lại với diễn biến vẫn khó lường của dịch bệnh Covid-19 với hàng tựa trang nhất trích lời tổng thống Pháp Macron : "Cuộc khủng hoảng y tế chưa phải là đã ở phía sau chúng ta"

"Chúng ta sẽ sống thêm nhiều tháng nữa với loại virus này", tổng thống Pháp đã cho biết hôm thứ Tư trong cuộc họp hội đồng an ninh quốc phòng về dịch bệnh.

Tờ báo ghi nhận là trước sự lưu hành mạnh mẽ của virus và tình hình ngày càng tồi tệ ở vùng quần đảo Antilles thuộc Pháp, các biện pháp mới đã được hành pháp công bố : Việc kiểm soát sẽ quyết liệt hơn ở biên giới, liều vac-xin thứ ba được lên kế hoạch cho những người trên 80 tuổi, các xét nghiệm sẽ không còn miễn phí kể từ tháng 10

Đối mặt với phong trào chống đối chứng nhận y tế, ông Macron một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc tiêm chủng và duy trì các mục tiêu đã đề ra.

Le Monde lo ngại : Tại vùng Polynésie thuộc Pháp, được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ hôm qua, tỷ lệ nhiễm Covid-19 thuộc diện cao nhất trên thế giới.

Nhật báo cánh tả Libération đã dành hồ sơ chính cho tình hỉnh hỏa hoạn tại Algeria. Tựa lớn trang nhất tờ báo ghi nhận : "Cả một dân tộc đối mặt với lửa".

Theo Libération, để đối phó với thiên tai, người dân trong nước và cộng đồng người Algeria hải ngoại đã ồ ạt động viên nhau lao vào chữa cháy nhằm bổ khuyết những thiếu sót của chính quyền, từng bị chỉ trích vì cách quản lý thảm hại của cuộc khủng hoảng y tế.

Còn tờ báo kinh tế Les Echos thì nêu bật kỷ niệm 5 năm ngày Washington xóa bỏ hệ thống kim bản vị, còn được gọi là hệ thống Bretton Woods.

Đối với tờ báo, hệ thống Bretton Woods cáo chung đã thúc đẩy sự phát triển chưa từng có của nền tài chính toàn cầu và hiện tượng đầu cơ. Tờ báo chạy tựa không khoan nhượng : "Tiền tệ : Tình trạng đại hỗn loạn toàn cầu".

Riêng nhật báo công giáo La Croix đã dành hồ sơ chính để nói về "Thánh địa Lourdes hồi sinh", tựa lớn ngay trang nhất.

Theo tờ báo, sau một năm 2020 vắng bóng người bệnh tật đến hành hương, thánh địa Lourdes ở miền Nam nước Pháp (còn được gọi là Lộ Đức) sẽ đón nhận 300 khách hành hương trong diện này, trong tổng số 3.000 khách đến đây nhân dịp lễ Quy Thiên (Assomption).

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 304 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)