Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/09/2021

Điểm báo Pháp - Pháp hòa giải với Mỹ, tăng cường quan hệ với Ấn Độ

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng tàu ngầm : Pháp hòa giải với Mỹ, tăng cường quan hệ với Ấn Độ

Báo chí Pháp ra ngày 23/09/2021 lẽ dĩ nhiên đều thở phào nhẹ nhõm trước sự kiện quan hệ Paris-Washington có dấu hiệu hòa dịu trở lại, sau một tuần lễ cực kỳ căng thẳng vì thương vụ bán tàu ngầm cho Úc. Cú điện thoại mà tổng thống Mỹ Biden gọi cho đồng nhiệm Pháp Macron tối hôm qua (theo giờ Paris) đã nhanh chóng được nhiều tờ báo phân tích cho dù tựa chính được dành cho những chủ đề khác.

hoagiai1

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng (Washington) ngày 22/09/2021. Ảnh chính thức do Nhà Trắng công bố.  Reuters – White House

Les Echos là tờ báo nhạy bén nhất, đã chạy ngay trên trang nhất một tựa nhỏ cho cuộc nói chuyện rất được mong đợi giữa hai nguyên thủ Pháp-Mỹ và nhấn mạnh rằng "Joe Biden thừa nhận trục trặc trong vụ tàu ngầm Úc".

Trong bài viết trang trong mang tựa đề khách quan hơn : "Tàu ngầm Úc : Đối thoại được tái lập giữa Pháp và Mỹ", Les Echos giải thích : "Joe Biden đã gọi điện cho Emmanuel Macron và thừa nhận rằng "tình hình sẽ phải có lợi từ các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh".

Lời lẽ của Biden "giống như một lời xin lỗi"

Đối với tờ báo kinh tế Pháp, lời lẽ của ông Biden "trông giống như một lời xin lỗi sau cuộc khủng hoảng chưa từng có trong những ngày gần đây". Les Echos đã trích dẫn nguyên văn một đoạn trong bản thông cáo chung công bố sau cuộc điện đàm : "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng tình hình sẽ phải có lợi từ các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề có lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác Châu Âu của hai bên. Tổng thống Biden đã cho biết cam kết tiếp tục chiều hướng này".

Theo Les Echos, hai tổng thống còn dự kiến ​​gp nhau ti Châu Âu vào cui tháng 10 - có th là bên l Thượng đỉnh G20 ở Ý. Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định "tầm quan trọng chiến lược của sự can dự của Pháp và Châu Âu vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", cũng như tầm quan trọng của một nền quốc phòng Châu Âu "mạnh mẽ và hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, có tính chất bổ trợ cho khối NATO".

Ông Biden cũng cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố mà Châu Âu thực hiện ở vùng Sahel, Châu Phi.

Macron đã thắng khi đọ sức với Biden ?

Cũng về cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp-Mỹ vào hôm qua, nhật báo thiên hữu Pháp Le Figaro thấy rằng : "Macron và Biden tháo gỡ ngòi nổ của cuộc khủng hoảng ngoại giao" - tựa bài báo trên trang quốc tế.

Theo Le Figaro, hai kết quả nổi bật sau cuộc điện đàm nhằm giảm nhiệt sau vụ "tàu ngầm Úc" là việc đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Philippe Étienne sẽ trở lại nhiệm sở ở Washington vào tuần tới, và những cuộc "tham vấn sâu rộng" sẽ được thực hiện để tái lập lòng tin giữa hai nước.

Câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra là sau khi "đập bàn" để phản đối cách ông Joe Biden đối xử với đồng minh quân sự chính của mình trong Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Emmanuel Macron đã nhận được những gì ?

Đối với Le Figaro, Pháp thu hoạch được ba điểm : Thứ nhất là Hoa Kỳ công nhận rằng sự tham gia của Pháp và Liên Âu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có "tầm quan trọng chiến lược". Thứ hai là Mỹ cũng nhận ra rằng quốc phòng của Châu Âu phải mạnh hơn và hiệu quả hơn, đồng thời cho biết sẵn sàng đóng góp tích cực vào dự án "bổ sung cho vai trò của NATO". Cuối cùng, Washington cam kết tăng cường hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố mà các quốc gia Châu Âu tiến hành khu vực Sahel Châu Phi.

Đối với Le Figaro, từ trước đến nay, các quan chức Mỹ luôn luôn chỉ trích các ý tưởng về quyền tự chủ chiến lược mà Pháp đề ra, bị họ cho là chỉ làm suy yếu NATO. Giờ đây, nếu những đề xuất mới của Mỹ được đưa vào thực tế, tổng thống Macron, người đã đặt phát triển của quốc phòng Châu Âu làm nền tảng trong chính sách quốc tế của ông, sẽ trở thành người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng này.

Hòa giải đơn giản như một cú điện thoại

Về cuộc điện đàm Pháp-Mỹ, nhật báo cánh tả Libération chạy tựa hóm hỉnh ở trang quốc tế : "Khủng hoảng tàu ngầm : Macron và Biden đã hòa giải với nhau, đơn giản như gọi một cú điện thoại"

Theo Libération, sáu ngày sau khi nổ ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao gay gắt giữa Paris và Washington, hai tổng thống Pháp và Hoa Kỳ cuối cùng đã nói chuyện với nhau qua điện thoại vào hôm qua và dự trù khởi động các cuộc "tham vấn sâu rộng" cũng như hẹn gặp nhau vào tháng tới.

Câu hỏi mà Libération đặt ra là trước cơn giận dữ không hề được che giấu của Paris, liệu tổng thống Mỹ có tìm ra được những từ ngữ phù hợp và đặt ra được nền móng cho những "biện pháp cụ thể" mà Paris yêu cầu hay không ?

Vấn đề là liệu ông Joe Biden có sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của Pháp hay không, trong khi mà chính ông trong suốt các cuộc đàm phán bí mật trong những tháng gần đây đã chọn việc ủng hộ một đồng minh (Úc) được coi là quan trọng hơn - và chắc chắn là ngoan ngoãn hơn - hơn một đồng minh khác (Pháp) trong chiến lược lớn chống Trung Quốc, nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ hiện nay.

Dẫu sao thì, theo Libération, cả hai bên đều đã cho thấy mong muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này, cho dù những hệ quả chắc chắn còn dai dẳng.

Đối với tờ báo Pháp, cuộc gọi hôm qua chính là cú điện thoại được trông đợi nhiều nhất trong tuần, đặc biệt từ phía điện Elysée (Phủ Tổng thống Pháp), Quai d'Orsay (Bộ Ngoại giao) và giới ngoại giao, báo chí ở Paris. Thông tin xác nhận cuộc điện đàm đã nổi bật trên các trang mạng truyền thông Pháp - từ các báo Le Parisien, Le Figaro, cho đến các đài truyền thanh và truyền hình BFMTV, Europe 1.

Ngược lại, như một biểu tượng về khoảng cách giữa Mỹ và Pháp, không chỉ là về múi giờ hay không gian, Libération thấy rằng không có phương tiện truyền thông lớn nào của Mỹ nhắc đến vấn đề này, mà tập trung vào dòng người di cư khổng lồ của Haiti đến vùng biên giới Mỹ-Mexico, hoặc hai sự kiện trong chương trình nghị sự trong ngày thứ Tư của tổng thống Mỹ : Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19, và một loạt các cuộc họp với các nghị sĩ đảng Dân Chủ mà sự chia rẽ đe dọa toàn bộ chương trình xã hội, kinh tế và sinh thái đang được trình ra Quốc hội.

Sau AUKUS, Pháp và Ấn Độ tăng cường quan hệ chiến lược

Trong bối cảnh quan hệ của Paris với Canberra và Washington đột ngột căng thẳng do cuộc khủng hoảng tàu ngầm, Le Monde Les Echos đã rất chú ý đến quan hệ giữa Pháp và Ấn Độ, một nước rất thân cận với cả Mỹ lẫn Úc.

Ấn muốn được Pháp giúp về tàu ngầm hạt nhân

Trong bài viết mang tựa đề : "Sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm, Ấn Độ tìm cách lấy lòng Pháp", Les Echos nêu bật sự kiện là sau khi liên minh quân sự AUKUS, kết hợp ba nước Anh-Mỹ-Úc, được loan báo, Ấn Độ và Pháp đã tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Đối với các nhà phân tích Ấn Độ được tờ báo trích dẫn, cuộc khủng hoảng tàu ngầm Pháp-Mỹ-Úc là cơ hội để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong lãnh vực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Pháp cũng nắm vững và Ấn Độ rất ao ước.

Theo ghi nhận của Les Echos, tập đoàn đóng tàu chiến Naval Group của Pháp đã hỗ trợ Ấn Độ từ năm 2005 trong việc chế tạo 6 tàu ngầm quy ước lớp Scorpene, một loại tàu ngầm 1.800 tấn. Từng bước, Naval Group đã giúp ngành công nghiệp Ấn Độ nâng cấp. Sau chiếc tàu ngầm Kalvari đầu tiên hoàn thành vào năm 2017, từ đó đến nay, bốn chiếc đã được chuyển giao.

Theo ông Uday Bhaskar, một cựu sĩ quan Hải quân Ấn Độ, hiện là giám đốc một think tank ở New Delhi, vào năm 2015, Ấn Độ đã thông qua dự án đóng 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vấn đề theo chuyên gia này là "Hoa Kỳ luôn từ chối chuyển giao công nghệ này cho Ấn Độ với danh nghĩa không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng giờ đây với Úc, họ đã mở rộng cánh cửa cho Pháp và Ấn Độ".

Kể từ khi Pháp bán 36 máy bay Rafale vào năm 2016 cho Ấn Độ, Paris và New Delhi đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, với việc gia tăng các cuộc tập trận quân sự chung. Thực tế tuy nhiên là Ấn Độ vẫn phân vân giữa những lựa chọn trái ngược nhau, giữa việc mua từ nước ngoài những thiết bị quân sự mới nhất hiện có, hoặc sản xuất trong nước.

Pháp muốn siết chặt thêm quan hệ đối tác chiến lược với Ấn

Cũng về quan hệ Pháp-Ấn, báo Le Monde lại nhận thấy rằng : "Sau AUKUS, Pháp tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ". Theo tờ báo, Paris có điều kiện thuận lợi trong bối cảnh thủ tướng Ấn Narendra Modi đang cần đến một đối tác để trang bị cho mình 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân và có thể viện đến công nghệ Pháp.

Về phía Paris, theo tờ Le Monde, vì bị suy yếu với hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc, Pháp đang tìm cách củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tờ báo Pháp nhắc lại rằng tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 21/09 với thủ tướng Ấn Narendra Modi, và theo điện Elysée, hai bên đã "tái khẳng định mong muốn chung là cùng hành động trong một không gian Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở và hòa nhập, kể cả trong khuôn khổ quan hệ Châu Âu - Ấn Độ và các chương trình của Châu Âu tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Thông cáo nhấn mạnh rằng "cách tiếp cận này nhằm phát huy ổn định khu vực và việc tôn trọng pháp quyền, đồng thời loại trừ mọi hình thức bá quyền".

Hoa Kỳ không được đề cập đến, nhưng người ta có thể dễ dàng đọc được phản ứng về "sự phản bội" của người Mỹ. Nguyên thủ Pháp nhắc lại "cam kết của Pháp trong việc góp phần củng cố quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cơ sở công nghiệp và công nghệ của nước này, trong khuôn khổ mối quan hệ chặt chẽ dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa hai đối tác chiến lược".

Đoạn này rất quan trọng vì Ấn Độ, vừa là đồng minh của Washington trong Bộ Tứ - Quad (cơ chế đối thoại an ninh giữa Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ), vừa là đồng minh của Pháp thông qua quan hệ đối tác chiến lược.

Pháp có thể đóng tàu ngầm hạt nhân cho Ấn Độ ?

Ấn Độ đang tìm cách hiện đại hóa hạm đội của mình, và muốn trang bị cho mình sáu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. New Delhi đặt mục tiêu tăng cường an ninh cho khu vực bờ biển của mình để đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và giải tỏa áp lực ở vùng biên giới trên bộ.

Narendra Modi, theo Le Monde, rất cần một đối tác để thực hiện dự án đóng 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, mang tên 75 Alpha, được phê duyệt vào năm 2015. Từ trước đến nay, Mỹ luôn từ chối với danh nghĩa không phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ có chấm dứt điều cấm kỵ này sau AUKUS hay không ? New Delhi có thể yêu cầu được hưởng những lợi ích tương tự như những lợi ích được cấp cho Úc hay không ? Nếu không, các nhà phân tích Ấn Độ đảm bảo rằng thủ tướng Ấn Độ sẽ quan tâm đến việc quay sang nhờ Pháp.

Trong một bài đăng trên tờ báo Ấn Indian Express có tựa đề "Thời điểm của chính tri thực tế (realpolitik)", Arun Prakash, cựu tham mưu trưởng Hải quân Ấn, phân tích : "Lời hứa của ông Biden về việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả động cơ đẩy hạt nhân của tàu ngầm, cho Úc là một vấn đề đáng để New Delhi suy nghĩ. Điều này cho thấy Ấn Độ không có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến đáng kể từ Hoa Kỳ, mặc dù quan hệ song phương đã phát triển ổn định trong mười lăm năm qua".

Manoj Joshi thuộc Quỹ nghiên cứu ORF tại New Delhi lưu ý : Trong trường hợp không có thỏa thuận với "Hoa Kỳ hoặc Vương quốc Anh, Pháp có thể là một lựa chọn, mặc dù rất đắt đỏ". Nhà phân tích này cũng cho rằng "không chắc Washington hoặc Luân Đôn có khả năng dễ dàng cung cấp bất kỳ công nghệ nào".

Thủ tướng Narendra Modi đã không bình luận gì từ khi liên minh AUKUS được thông báo. Ông sẽ có các cuộc họp với đồng minh Bộ Tứ tại Nhà Trắng ngày 24/09, và có cuộc gặp song phương với tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Các chuyên gia Ấn Độ khuyên New Delhi nên thận trọng vì Trung Quốc có thể đáp trả đòn tấn công của Mỹ bằng cách trang bị cho Pakistan, kẻ thù lớn nhất của Ấn Độ, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Một kịch bản ác mộng đối với New Delhi và các đồng minh của Ấn Độ.

Dự thảo ngân sách Pháp 2022 trên "bàn mổ"

Không hẹn mà gặp cả ba tờ Les Echos, Le Figaro, và Le Monde đều dành tựa lớn trang nhất và rất nhiều phân tích bình luận bên trong cho ngân sách Pháp năm 2022, vừa được chính phủ công bố hôm qua.

Những ưu tiên cuối nhiệm kỳ của Macron

Dưới tựa đề rất khách quan và khô khan : "Ngân sách : Những chọn lựa sau cùng của Macron", nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận là cho dù phần chi tiêu dự trù trong ngân sách mới tăng cao, tổng thống Pháp vẫn tìm cách cho thấy ông là một người đáng tin tưởng, biết sử dụng công quỹ một cách có trách nhiệm chứ không "phung phí" vì mục tiêu tranh cử như các cáo buộc của đối lập tả cũng như hữu.

Theo Les Echos, trên giấy tờ, dự thảo ngân sách Pháp cho năm 2020 chứa đựng nhiều yếu tố tích cực : Sau một năm 2021 phải chi tiêu mạnh để giúp nên kinh tế khỏi suy sụp vì dịch bệnh Covid, kéo theo tình trạng thâm thủng ngân sách nặng nề thêm trong lúc mức nợ công tăng cao, tình hình cho năm 2022 dự báo sáng sủa hơn, với thiếu hụt ngân sách từ 8,4% GDP được kéo xuống còn 4,8%, trong lúc tỷ lệ nợ công từ 115,6% trong năm nay, sẽ giảm nhẹ còn 114% trong năm tới.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể tuyên bố thành công trong việc giảm thuế, một lời hứa quan trọng mà ông Macron đưa ra khi tranh cử tổng thống Pháp cách nay 5 năm. Theo Les Echos, như vậy là mức "áp lực thuế khóa" (taux de pression fiscale) trong năm 2022 sẽ giảm xuống còn 43,5% GDP, tức là mức thấp nhất từ năm 2011, sau một chục năm thuế tăng vọt dưới thời hai tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande.

Có điều là những thành quả kể trên như đã bị những thông báo về những khoản chi tiêu lớn gần đây xóa nhòa, cho dù đó là những chi phí cải thiện dân sinh. Đảng Xã Hội, thuộc cánh tả đối lập đã chỉ trích ngân sách của "tổng thống-ứng cử viên", trong lúc đảng Những Người Cộng Hòa thuộc cánh hữu đối lập thì tố cáo việc "Emmanuel Macron đi vận động tranh cử bằng tập ngân phiếu của nước Pháp".

"Dự luật tài chính : Thời điểm để chi tiêu"

Tương tự như đồng nghiệp Les Echos, Le Monde cũng dành trang nhất cho dự thảo ngân sách 2022 của Pháp và nhưng nhấn mạnh trong tựa lớn : "Dự luật tài chính : Thời điểm để chi tiêu".

Theo tờ báo trọng tâm của ngân sách Pháp năm 2022 sẽ là chi tiêu và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng, với 4 lãnh vực được ưu tiên là giáo dục, nội vụ, tư pháp và chuyển đổi sinh thái, trong lúc bộ Kinh Tế sẽ phải thắt lưng buộc bụng và giảm bớt biên chế.

Đối với Le Monde, chính phủ đang đặt cược trên đà vực dậy đang rõ nét của nền kinh tế để kiểm soát hướng đi của nền tài chính công và duy trì đường lối ổn định lãnh vực thuế. Nhiều khoản chi, đặc biệt là sau những lời hứa của tổng thống trong những tuần lễ qua, sẽ được thêm vào ngân sách bằng những đề nghị bổ sung.

Điểm đen đối với dự thảo ngân sách Pháp là ý kiến dè dặt của Hội Đồng Tài Chính Tối Cao, cho rằng dữ liệu về thâm hụt ngân sách trong tương lai chưa đầy đủ

Ngân sách cuối nhiệm kỳ bị chỉ trích mạnh mẽ

Riêng nhật báo cánh hữu Le Figaro thì không ngần ngại phê phán chính quyền về vấn đề ngân sách. Dưới hàng tựa lớn trang nhất : "Một ngân sách cuối nhiệm kỳ bị ồ ạt chỉ trích", tờ báo đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Hội đồng Tài chính tối cao Pháp đã từ chối cho ý kiến về dự thảo ngân sách 2022, nhận thấy rằng văn bản không đầy đủ vì không bao gồm hai biện pháp "có tầm ảnh hưởng sâu rộng" được Emmanuel Macron công bố : Thu nhập cam kết đối với thanh niên hoặc kế hoạch đầu tư.

Le Figaro còn ghi nhận sự kiện ngân sách mà chính phủ cho là thể hiện một sự "quản lý nghiêm túc, hiệu quả, chu đáo" và "hoàn toàn chân thành", đã bị chỉ trích nặng nề do việc gia tăng chi tiêu, bất chấp tình hình đã được cải thiện.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)