Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/10/2021

Quan hệ Pháp-Mỹ : giây phút tái hội khó khăn

RFI tổng hợp

Khủng hoảng tầu ngầm : Tổng thống Pháp bất ngờ tiếp ngoại trưởng Mỹ

Trọng Thành, RFI, 06/10/2021

Quan hệ Pháp – Mỹ trên đường hàn gắn cho dù cần nhiều thời gian. Hôm 05/10/2021, ngoại trưởng Hoa Kỳ trong chuyến công du Pháp đã bất ngờ được tổng thống Emmanuel Macron tiếp. 

phapmy1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước điện Elysée, Paris, ngày 25/06/2021.  AP - Lewis Joly

Theo AFP, tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp ngoại trưởng Antony Blinken sáng hôm qua tại Paris. Hai bên có một buổi làm việc dài. Không có bất cứ hình ảnh và cử chỉ hữu nghị nào của cuộc gặp được công bố. Theo kế hoạch, ngoại trưởng Mỹ dự kiến chỉ làm việc với cố vấn ngoại giao của tổng thống, ông Emmanuel Bonne.

Điện Elysée ra thông báo, nhấn mạnh buổi làm việc giữa tổng thống và ngoại trưởng Mỹ "nhằm góp phần vào việc khôi phục niềm tin giữa Pháp và Mỹ" sau vụ khủng hoảng tầu ngầm. Thông cáo cho biết cụ thể là Paris và Washington "tiếp tục nỗ lực phối hợp về các vấn đề nằm trong lợi ích chung, như hợp tác Liên Âu – NATO, về khu vực Sahel hay vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Một nguồn tin ngoại giao Pháp bảo đảm là phía Mỹ đã nghiêm túc nhìn nhận nỗi giận dữ của bạn đồng minh lâu năm, sau vụ hợp đồng tầu ngầm thế kỷ với Úc bất ngờ bị hủy bỏ với sự ra đời của liên minh AUKUS Mỹ - Anh - Úc, và lưu ý Washington không có ý định hàn gắn quan hệ với Paris chỉ bằng "liệu pháp vuốt ve". Nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Pháp coi đây là một hành động phản bội từ phía Washington. 

Một giới chức cao cấp Hoa Kỳ đã hoan nghênh một buổi làm việc "tích cực" và "hiệu quả" giữa tổng thống Macron và ngoại trưởng Blinken. Tuy nhiên, vẫn theo quan chức này, "còn nhiều việc khó khăn cần làm để xác định được các hành động cụ thể" sẽ được trình lên tổng thống Pháp và đồng nhiệm Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc hội kiến cuối tháng 10 tại Châu Âu, theo dự kiến. 

Về mặt ngoại giao, buổi làm việc giữa tổng thống Pháp và ngoại trưởng Mỹ rõ ràng cho thấy quan hệ Paris – Washington đã bớt căng thẳng. Về mặt chính thức, vấn đề khủng hoảng tầu ngầm Úc đã không còn được hai bên nhắc đến. Tuy nhiên, quan hệ còn lâu mới trở lại bình thường. Sau buổi hội kiến giữa hai ngoại trưởng Pháp – Mỹ hôm qua, đã không có họp báo chung.

Trọng Thành

*******************

Paris–Washington : Làm sao tái hợp sau khi bị "phản bội"

Anh Vũ, RFI, 05/10/2021

Không giống như chuyến công du hồi tháng 6 được đón tiếp như người thân trong nhà, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở lại Paris trong bối cảnh mới : Quan hệ đồng minh Pháp - Mỹ đang rơi vào khủng hoảng niềm tin chưa từng có, từ sau thông báo lập liên minh AUKUS.

phapmy2

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (thứ hai từ bên phải), gặp đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian (thứ ba từ bên trái), tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp ở Paris (Pháp) ngày 05/10/2021.  AP - Patrick Semansky

Tới Paris tối qua 04/10/2021 trong chuyến công du 2 ngày, chính thức là để dự cuộc họp Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), nhưng lãnh đạo ngoại giao của cường quốc lớn nhất thế giới có sứ mệnh quan trọng hơn là tìm cách làm dịu căng thẳng giữa Washington và Paris.

Ông Blinken bắt đầu ngày làm việc hôm nay bằng cuộc gặp với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian và sau đó tiếp kiến tổng thống Emmanuel Macron. Mục tiêu chủ yếu của các cuộc trao đổi để "xác định các giai đoạn" để "giúp tái lập lòng tin" sau vụ khủng hoảng tàu ngầm Úc. Tuy nhiên Paris đã cảnh báo là việc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này cần phải có thời gian và đòi hỏi có nhưng hành động cụ thể của cả hai bên.

Quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ trở nên căng thẳng từ hôm 15/09 vừa qua, khi tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden thông báo hình thành một liên minh mới với Úc và Anh trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương, trong khuôn khổ một ưu tiên chiến lược quốc tế là ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Bộ ba đối tác chiến lược mới này với tên gọi tắt AUKUS, ngay lập tức đã khiến Pháp nổi giận vì cảm thấy bị gạt ra ngoài lề và đặc biệt là hậu quả Pháp bị mất trắng hợp đồng trang bị tàu ngầm cho Úc đã được ký trước đó.

Paris bị sốc mạnh, từ đó trở đi liên tiếp tỏ sự bất đồng dù vẫn ý thức không bỏ được mối quan hệ đồng minh với Washington cũng như ý thức được những hạn chế thực lực của mình. Phải sau một tuần căng thẳng mới có cuộc điện đàm đấu dịu giữa tổng thống của hai nước. Joe Biden thừa nhận là đáng ra Hoa Kỳ phải thông tin tốt hơn cho đồng minh lâu đời của mình về sự việc trên và nhắc lại những cam kết và tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh lâu đời Pháp-Mỹ. Nhưng dường như các cố gắng của tổng thống Mỹ vẫn dừng lại ở mức độ xã giao, chưa có thực chất.

Chuyến công du của ngoại trưởng Angtony Blinken lần này là tiếp tục sứ mệnh xoa dịu đồng minh đồng thời chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa Macron và Biden vào cuối tháng này ở Châu Âu.

Tuy nhiên giới quan sát đã thấy trước cuộc hội ngộ giữa lãnh đạo ngoại giao hai nước diễn ra lạnh nhạt. Ngoại trưởng Pháp, ngay khi xảy ra cuộc khủng hoảng này là người tỏ phẫn nộ nhiều hơn cả, liên tục đưa ra các bình luận gọi hành động của Úc, Mỹ là "cú đâm sau lưng", thông báo về liên minh AUKUS là "tàn nhẫn" hay đó là sự "rạn vỡ lòng tin"… Ông Jean-Yves Le Drian không thể nồng nhiệt đón tiếp ông Antony Blinken như người trong nhà giống hồi tháng 6 vừa qua.

Để chứng minh nước Pháp không đơn độc nếu không có Hoa Kỳ, ngoại trưởng Pháp trước cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã có các cuộc trao đổi với một loạt các đồng nghiệp Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell. "Cuộc khủng hoảng này tác động đến lợi ích của tất cả các nước Châu Âu liên quan đến sự vận hành của đồng minh chúng ta và cam kết của các nước Châu Âu trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương", một nguồn tin ngoại giao được AFP trích dẫn nhận định. Liên Âu cũng hy vọng cuộc khủng hoảng lòng tin này sẽ là cơ hội để làm "sáng tỏ" quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương về tham vọng tự chủ quốc phòng của Châu Âu bên cạnh liên minh NATO.

Ngoại trưởng Mỹ gặp đồng nhiệm Pháp ở Paris lần này để giải thích sự việc đã qua hay nhắc lại những cam kết "nước Mỹ trở lại" là điều không còn cần thiết nữa. Hai đồng minh giờ đây phải tìm được những "hành động cụ thể" để hàn gắn lại lòng tin. Điều cụ thể ở đây có thể là vị thế "cường quốc Ấn Độ-Thái bình Dương" của nước Pháp phải được thừa nhận trong một khuôn khổ cam kết nhất định, như tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ gần đây.

Để làm được việc đó, giờ đây Paris tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương, như gợi ý của giới chuyên gia.

Sau những bài học có thể nói là cay đắng vừa qua với đồng minh, làm sao dung hòa được chủ trương tự chủ trong quan hệ đồng minh, khi thế và lực chưa đủ thuyết phục quả là bài toán khó cho Pháp lúc này. Ngay sau buổi làm việc sáng nay tại Paris của ngoại trưởng Blinken, một quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp đã cho biết "còn nhiều việc khó khăn phải làm để xác định những quyết định cụ thể" trong cuộc gặp giữa hai tổng thống Macron và Biden tới đây.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 05/10/2021

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Anh Vũ
Read 368 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)