Trung Quốc tự cô lập, Tập Cận Bình vắng mặt suốt hai năm trên trường quốc tế
"Trung Quốc, ý định cô lập",đó là tựa trang nhất của Le Monde hôm nay. Tờ báo lưu ý rằng ông Tập Cận Bình không ra khỏi Hoa lục từ tháng Giêng 2020, không dự các hội nghị thượng đỉnh quan trọng. Hai năm vắng mặt trên trường quốc tế, điều chưa từng thấy đối với một nhà lãnh đạo G20.
Ông Tập Cận Bình sau khi đọc diễn văn kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 09/10/2021. AP - Andy Wong
Trong khi thế giới mở cửa trở lại, thì Trung Quốc tự đóng cửa. Tập Cận Bình không đến Roma ngày 30 và 31/10 để tham dự thượng đỉnh G20 cũng như không đi Glasgow từ 01-12/11 dự hội nghị khí hậu thế giới COP26. Tương tự đối với Senegal, nơi diễn ra thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi cuối tháng 11. Tại Châu Âu, ngoại trưởng Vương Nghị sẽ thay mặt ông.
Đã tuyên bố chiến thắng virus, ông Tập phải tiếp tục Zero Covid
Đó là do kiểu xử lý khủng hoảng dịch tễ của Bắc Kinh. Sau ba tuần lễ hoảng loạn, dối trá đầu tháng Giêng 2020, Trung Quốc gây ngạc nhiên cho cả thế giới khi cô lập Vũ Hán trong 76 ngày. Rồi đến khi thế giới dần dà phong tỏa, Trung Quốc thoát khỏi đại dịch và áp dụng chính sách zero Covid. Hễ có ca dương tính là lại xét nghiệm hàng triệu người và cách ly cả khu phố, thậm chí cả thành phố.
Hậu quả trực tiếp là từ 27/03/2020 Trung Quốc hoàn toàn cô lập. Các hộ chiếu Trung Quốc không còn được gia hạn, các chuyến bay quốc tế giảm trên 97%. Và những người ít ỏi đi vào Hoa lục, dù đã tiêm chủng bằng vac-xin Trung Quốc, vẫn bị cách ly nghiêm ngặt hai, thậm chí ba tuần trong khách sạn. Những nhà lãnh đạo ngoại quốc hiếm hoi như John Kerry cũng chỉ được tiếp ở tỉnh.
Vấn đề là còn chưa đầy 100 ngày nữa đến khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh (vào ngày 04/02/2022), xuất hiện những ca dương tính mới. Các thành phố nhiều triệu dân lại bị phong tỏa, không còn giao thông công cộng. Chính quyền khuyến cáo cư dân Bắc Kinh không ra khỏi thủ đô. Từ nhiều tháng qua, hàng triệu công chức bị cách ly trên thực tế.
Mỗi thành phố lớn đều đang chuẩn bị dựng lên những trung tâm cách ly (20 giường/10.000 dân) để buộc những người nhập cảnh phải vào. Hàng ngàn căn phòng giống nhau được camera giám sát, có robot mang bữa ăn đến, đang được xây dựng. Chiến lược zero Covid vừa là y tế vừa mang tính chính trị. Tập Cận Bình hồi tháng 9/2020 đã loan báo "chiến thắng của nhân dân Trung Hoa" trước con virus và không gì có thể khiến ông ta nói ngược lại.
Chính sách này trùng hợp với sự trỗi dậy trở lại của dân tộc chủ nghĩa, và ý định muốn bớt lệ thuộc vào nước ngoài. Viện Merics (Đức) nhận định, Bắc Kinh tin rằng Hoa Kỳ muốn cản bước Trung Quốc không cho thăng tiến, độc quyền các công nghệ chủ chốt. Thế nên các công ty ngoại quốc vẫn được hoạt động tại Hoa lục nhưng chỉ trong những lãnh vực không mang tính chiến lược, và với điều kiện phải "Hán hóa", nhất là về dữ liệu và quản trị.
Bắc Kinh đóng cửa trong khi Đài Loan liên tục thành công về đối ngoại
Cho dù Tập Cận Bình vẫn giữ liên lạc thường xuyên bằng điện đàm, nhưng việc ông ta không đi công cán càng làm tăng thêm sự cô lập của Trung Quốc. Thượng đỉnh G20 lẽ ra là dịp để chủ tịch Trung Quốc gặp gỡ tổng thống Mỹ - cả hai chỉ mới trao đổi qua điện thoại có hai lần. Trong lúc đó bất đồng ngày càng chồng chất, nhất là về Đài Loan.
Khi Trung Quốc cộng sản hôm 25/10 tưng bừng kỷ niệm 50 năm gia nhập Liên Hiệp Quốc, thì Đài Loan liên tục gặt hái thành công trên trường quốc tế. Ở Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố đảo quốc cần phải "đóng một vai trò lớn hơn" trong Liên Hiệp Quốc. Tại Châu Âu, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) trong những ngày qua đến thăm Slovakia, ở Praha ông được chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech tiếp và kêu gọi một liên minh dân chủ chống lại các chế độ toàn trị. Một số còn nói rằng ông Ngô có đến Ba Lan.
Theo trang Politico, ông Ngô Chiêu Tiếp còn có thể được tiếp tại Bruxelles, một chuyến thăm "không mang tính chính trị", và gặp gỡ các nghị sĩ Châu Âu. Một chuyến công du của ngoại trưởng Đài Loan tại nhiều nước Liên Hiệp Châu Âu là sự kiện vô tiền khoáng hậu. Hồi 2019, ông cũng đã đến Đan Mạch.
Ngoài ra, bộ trưởng Đài Loan phụ trách phát triển Cung Minh Hâm (Kung Ming Hsin) vừa dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp đến Slovakia, Cộng hòa Czech và Litva. Nhiều nghị sĩ Châu Âu cũng tuyên bố sẽ đến Đài Bắc tuần tới. Bấy nhiêu là sáng kiến làm Bắc Kinh tức tối, tố cáo những kẻ "phản bội", "tội phạm", "lãnh đạo ly khai" của hòn đảo. Đã hẳn Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga và ở tầng thấp hơn là với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Nhưng quan hệ với hầu như tất cả các quốc gia phương Tây đều xấu đi. Khi nào lại xuất ngoại, Tập Cận Bình sẽ phải vất vả nhiều.
Hy Lạp : Công nhân cảng Piraeus biểu tình phản đối Vương Nghị
Tại Hy Lạp, thông tín viên Le Monde cho biết "Phẫn nộ tăng lên ở Piraeus trong chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc". Ở cách trụ sở tập đoàn Trung Quốc Cosco - đang nắm 67% cổ phần cảng Piraeus - chỉ vài mét, những công nhân giận dữ dành một phút im lặng để tưởng niệm Dimitri, 45 tuổi, bị một cần cẩu đè chết hôm thứ Hai 25/10. Một công nhân cầm biểu ngữ "Không để một ai thiệt mạng nữa vì lợi nhuận của Cosco", cho biết tại các cầu cảng bị Trung Quốc mua lại, máy móc không được bảo trì, đôi khi phải làm việc liên tục 8 đến 12 tiếng đồng hồ. Cùng lúc ấy ở trung tâm Athens, Vương Nghị được thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thân mật đón tiếp. Hồi tháng 6/2020, một công nhân 35 tuổi cũng đã tử thương trên cùng một bến cảng container. Đại diện nghiệp đoàn tố cáo sau 12 năm người Trung Quốc đặt chân vào Piraeus, cuộc sống người lao động ngày càng tệ hại.
Cách đây vài ngày, Quốc hội Hy Lạp đã đồng ý cho Cosco Shipping mua thêm 16% cổ phần cảng Piraeus (thêm vào 51% đã sở hữu từ 2016), trị giá 368,5 triệu euro. Đổi lại, Cosco cam đoan đầu tư thêm 293 triệu euro đến cuối 2021, nhưng thực tế rót vào chỉ 58%. Các đơn vị đóng tàu, đại biểu dân cử và cư dân vùng Piraeus cáo buộc Cosco không quan tâm đến môi trường, người dân địa phương không được hưởng lợi tuy "Piraeus đã trở thành dự án tiêu biểu cho Con đường tơ lụa mới" - theo lời Vương Nghị.
Dù tỏ ra thân thiện với Trung Quốc, Athens gần đây càng ngả sang các đối tác khác. Nhiều công ty được tư nhân hóa như đường sắt, bảo hiểm, phi trường cũ... mà Trung Quốc muốn mua lại, rốt cuộc đã được nhượng cho những nước khác. Nhà nghiên cứu George Tzogopoulos của Quỹ Hy Lạp về Chính sách Đối ngoại và Châu Âu (Eliamep) giải thích, Athens không muốn mất đầu tư Trung Quốc và giữ quan hệ tốt vì Bắc Kinh luôn có cùng quan điểm về vấn đề Cyprus. Nhưng vì lý do an ninh trước Thổ Nhĩ Kỳ, những tháng gần đây Hy Lạp quay sang Pháp và Hoa Kỳ. Athens đi dây giữa Bắc Kinh và Washington.
Người Mỹ đoàn kết trước mối đe dọa Trung Quốc
Về quan hệ Pháp-Mỹ, sử gia kiêm chiến lược gia Walter Russell Mead ở New York khi trả lời phỏng vấn Le Figarođã có những phân tích thẳng thắn tuy khó "lọt tai" người Pháp. Ông nhấn mạnh đến sự vững chải của hệ thống tư pháp Mỹ, khả năng đoàn kết trước kẻ thù Trung Quốc, và logic phía sau vụ thành lập liên minh AUKUS.
Trước hết, cựu tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ, nhưng đó là những người giỏi giang có trách nhiệm, chứ không phải là luật sư riêng Rudolph Giuliani hay con gái ông là Ivanka Trump. Về Trung Quốc, sự hung hăng của Tập Cận Bình đã đoàn kết người Mỹ, cả tả lẫn hữu. Theo thăm dò mới nhất của Pew, 52% dân Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc xâm lăng Đài Loan. Xoay trục sang Châu Á luôn là trung tâm.
Ba đời tổng thống liên tiếp Obama, Trump và Biden đều tập trung chú ý vào Trung Quốc, và có cải thiện ngoạn mục trong quan hệ với Ấn Độ, cho thấy sự phân cực trong nội bộ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Giáo sư Mead nhấn mạnh, sau cuộc nội chiến làm 650.000 người thiệt mạng, các tướng lãnh Nam và Bắc đều hợp sức trong cuộc chiến năm 1898, cho thấy mối đe dọa từ bên ngoài luôn gắn bó người Mỹ.
Hoa Kỳ muốn có mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng các tiêu chí, cạnh tranh không thù địch về công nghệ, nhưng Trung Quốc không chấp nhận. Thế nên tuần này hải quân Nga và Trung Quốc đi vào eo biển Nhật Bản và Nga tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh. Theo ông, chính Trung Quốc quyết định có tiến hành chiến tranh lạnh hay không, và hiện Bắc Kinh đang gia tăng việc tách rời khỏi phương Tây, đặc biệt là sản phẩm công nghệ, viễn thông.
Washington không tin tưởng khả năng của Paris tại Ấn Độ-Thái Bình Dương
Tại sao loại Pháp khỏi AUKUS ? Đối với người Mỹ, Pháp là một nước không kiểm soát được hồ sơ Địa Trung Hải nhưng lại muốn tham gia vào hồ sơ Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Đành rằng Pháp có 2,7 triệu công dân trong khu vực và sở hữu vùng biển rộng lớn, nhưng không phải sự hiện diện này có thể giúp Pháp "xuất khẩu an ninh" sang Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tahiti vẫn là của Pháp một khi Mỹ và Nhật có thể ngáng chân Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Mỹ vẫn mong Nhật thắng thầu hợp đồng tàu ngầm Úc thay vì Pháp, để củng cố thêm sức mạnh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Còn về ý nghĩ Washington muốn bỏ rơi Châu Âu, giáo sư Mead nhắc nhở, ưu tiên dành cho Châu Âu trong thời chiến tranh lạnh không ngăn trở Hoa Kỳ tiến hành hai cuộc chiến lớn ở Thái Bình Dương là Triều Tiên và Việt Nam. Châu Âu đã suy diễn quá rộng việc xoay trục sang Châu Á.
Hợp đồng tàu ngầm : Còn quá sớm để Pháp hòa giải với Úc
Trong khi đó, hợp đồng tàu ngầm Úc tiếp tục làm tốn giấy mực : Les Echos cho biết hôm 28/10, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên trao đổi với thủ tướng Úc Scott Morrison. Hiện chưa thể có được sự hòa giải, dù Pháp đã cho đại sứ quay lại Canberra. Tại G20, ông Macron sẽ gặp Joe Biden, nhưng không có cuộc gặp tay đôi nào được dự kiến với Morrison.
Theo điện Elysée, Macron nhắc lại rằng quyết định đơn phương của Úc đã bẻ gãy mối quan hệ tin cậy giữa hai nước, và ông đòi hỏi phải có những động thái cụ thể nếu muốn tiếp tục hành động chung ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hiện giờ theo Les Echos, bản thân người Úc còn chưa biết sẽ đi đến đâu, tờ "Australian Defence Magazine" cho biết thương vụ mua tàu ngầm nguyên tử vẫn chưa hoàn tất. Bộ trưởng quốc phòng Peter Dutton chỉ mới xác nhận không yêu cầu một mẫu riêng để thích ứng với Hải quân Úc như từng đòi hỏi với Pháp.
Úc có thể đóng nửa trước của tàu ngầm, còn phía sau, nơi có động cơ nguyên tử thì dành cho Anh hay Mỹ, như vậy sản xuất tại Úc chỉ chiếm 40% giá trị hợp đồng trong khi đối với Pháp lên đến 60%. Nhưng có thực hiện được hay không thì còn phải chờ ê-kíp Anh và Mỹ sang năm đến nơi, và cần 18 tháng để hoàn tất nghiên cứu tiền khả thi. Chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên có thể hạ thủy năm 2040, trong khi Barracuda của Pháp có thể sẵn sàng từ 2034.
Biden phải "đại hạ giá" cuộc cách mạng xã hội và khí hậu
Tựa chínhLe Figarohôm nay nói về "Kế hoạch bí mật của Macron cho chiến dịch tranh cử 2022". Libération phỏng vấn một số cử tri cánh hữu, cho rằng "không còn lãnh đạo đúng nghĩa". Tựa trang nhất của La Croix và Les Echos được dành cho hồ sơ khí hậu với hội nghị COP26 Chủ nhật tới, mà hai tờ báo cho là giờ phút quyết định. Về nước Mỹ, Libérationnói về "Joe Biden, cuộc cách mạng xã hội và khí hậu bị đại hạ giá", còn theoLes Echos, tham vọng của Biden phải giảm xuống.
Trở thành tổng thống ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp chính trị, ông Biden phải xích gần lại cánh cực tả trong đảng, nhưng lại đối mặt với sự chống đối của các thành viên bảo thủ nhất – trong một đảng Dân chủ bao gồm cả cánh tả chống tư bản lẫn phe trung hữu. Sau nhiều tháng thương lượng gay gắt, rốt cuộc đã có được thỏa thuận khung. Nhưng kế hoạch từ 3.500 tỉ đô la đã giảm xuống phân nửa còn 1.750 tỉ, chủ yếu để có được sự đồng ý của hai thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin (West Virginia) và Kyrsten Sinema (Arizona).
Nhà Trắng phải lần lượt hy sinh nhiều biện pháp mang tính biểu tượng, bị cặp thượng nghị sĩ được mệnh danh là "Manchema" cho là quá tốn kém hoặc quá "tả". Kỳ nghỉ có lương sau khi bệnh, sinh nở, hoặc để chăm sóc con cái, người thân từ 12 tuần xuống còn 4 tuần và giờ đây biến mất. Không miễn phí đại học cộng đồng, không mở rộng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, không thể thương lượng giảm giá dược phẩm, không tăng thuế doanh nghiệp. Điều khoản liên quan đến than đá bị bỏ rơi dưới áp lực của Joe Manchin, đại diện một tiểu bang có nhiều hầm mỏ.
Thụy My