Barack Obama sẽ có bài diễn văn cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ vào ngày 10/01/2017. REUTERS/Carlos Barria
Chỉ còn một ngày nữa là tới ngày ông Barack Obama đọc bài diễn văn cuối cùng trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ và cũng chỉ còn có hơn chục ngày nữa là diễn ra lễ nhậm chức chính thức của tổng thống Donald Trump. Trong bài viết có tiêu đề "Barack Obama là một tổng thống ngoại hạng dưới góc nhìn lịch sử", nhật báo Libération giới thiệu với độc giả bài phỏng vấn hai chuyên gia Pháp về vị trí của tổng thống Barack Obama trong lịch sử nước Mỹ.
Giáo sư Vincent Michelot, chuyên gia về lịch sử chính trị Hoa Kỳ tại Đại Học Khoa Học Chính Trị Sciences-Po Lyon và chuyên gia Romain Huret, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ, đều có chung quan điểm là tổng thống Obama đã ghi được dấu ấn trong lịch sử chính trị Mỹ.
Giáo sư Vincent Michelot đánh giá ông Obama là tổng thống cấp tiến đầu tiên sau một thời gian dài nước Mỹ nằm dưới quyền lãnh đạo của những bộ óc bảo thủ. Trong suốt 40 năm, từ năm 1968 đến năm 2008, Hoa Kỳ chỉ có hai tổng thống thuộc đảng Dân Chủ là Jimmy Carter và Bill Clinton. Ba cuộc cải cách ghi đậm dấu ấn của Obama là kế hoạch phục hồi kinh tế, chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và luật cải cách tài chính Wall Street.
Còn chuyên gia Romain Huret thì nhắc lại là ông Obama lên nắm quyền lãnh đạo trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn : cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và cuộc khủng hoảng về chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Dân chúng đã quá mệt mỏi, chán nản với chính sách can thiệp quân sự của tổng thống George Bush.
Từ thời Roosevelt, không có tổng thống nào, trừ tổng thống Obama, tìm ra giải pháp thoát khỏi những cuộc khủng hoảng ở quy mô lớn như vậy. Ở trong nước, tỉ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế được hồi phục, tài chính ổn định. Còn ở nước ngoài, tổng thống Obama đã kết thúc các cuộc chiến mà chính quyền Georges Bush để lại. Cho dù Obama làm được ít hơn những điều ông ấy đã hứa khi ra tranh cử, nhưng điều quan trọng là ông ấy đã ổn định được đất nước.
Theo chuyên gia Vincent Michelot, có một điều chắc chắc là tổng thống mãn nhiệm Obama không để lại một vụ tai tiếng lớn nào. Trong lịch sử nước Mỹ, tổng thống Bush đã bị chỉ trích vì đã không kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão Katrina. Nhiều người dân có cảm giác Nhà nước không thể bảo vệ họ. Tổng thống Bill Clinton thì dính vào vụ bê bối tình dục Lewinsky, tổng thống Nixon lại vướng vào vụ Watergate. Còn tổng thống Obama thì "giữ mình" theo phương châm "Obama không tai tiếng", "Đừng làm gì ngu ngốc !". Đây cũng là phương châm ông dùng để lãnh đạo đất nước hàng ngày và cả trong chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, chuyên gia Romain Huret thì nhận xét điều mới mẻ giúp vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đi vào lịch sử nước này là khả năng hùng biện và phân tích mang tính xã hội của Obama. Ông là một tổng thống trẻ, đã từng làm việc trong lĩnh vực xã hội chứ không theo lộ trình truyền thống, cổ điển như các tổng thống Mỹ khác. Ông hợp với giới trẻ và đã trở thành hình mẫu lý tưởng về đạo đức trong sạch trong con mắt một bộ phận giới trẻ Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đại diện cho một giai đoạn lịch sử Mỹ, một lãnh đạo hiện đại, hiện thân của phép lịch sự phù hợp với nhiều nền văn hóa. Theo giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ Romain Huret, ông Obama đã mở ra một con đường mới và là tổng thống đầu tiên trong danh sách các nhà lãnh đạo đi theo con đường mới này.
Tuy nhiên, điểm hạn chế là cho dù ông Obama đã ổn định được cuộc sống cho tầng lớp trung lưu nhưng lại không làm được điều gì lớn lao cho người nghèo và người da màu. Tổng thống Obama nhận thức được vấn đề kỳ thị sắc tộc tại Mỹ nhưng không thể giải quyết vấn nạn này.
Tại sao Samsung "đứng vững" hơn Apple ?
Trên lĩnh vực kinh tế, hãng Apple hôm thứ Sáu 06/01/2017 thông báo là từ khi ra mắt điện thoại iPhone, con át chủ bài của Apple, vào năm 2007, lần đầu tiên tổng số iPhone bán được đã sụt giảm. Lợi nhuận của hãng "Quả táo cắn dở" đã giảm 16%.
Trong khi đó, tập đoàn Samsung Electronics lại thông báo lãi suất cao ở mức kỷ lục. Tính theo cả năm, tiền lãi quý ba năm 2016 của Samsung đã tăng vọt thêm 50%, đạt 7,7 tỉ đô la. Đây là con số cao kỷ lục từ năm 2013. Nếu không vướng vụ tai tiếng điện thoại Galaxy Note 7 buộc Samsung phải thu hồi lại toàn bộ sản phẩm và thiệt hại rất nhiều, thì lợi nhuận của Samsung có lẽ phải lên tới 9,73 tỉ đô la. Theo một chuyên gia nghiên cứu, điều này cũng có nghĩa là Samsung có khả năng sẽ phá kỷ lục lợi nhuận này vào cuối năm nay, và ở mức rất cao nếu thành công với Galaxy 8.
Trả lời cho câu hỏi "Tại sao Samsung "đứng vững" hơn Apple ?", nhật báo kinh tế Les Echos cho biết cho dù từ lâu nay, tiền lãi từ điện thoại smartphone chiếm hơn 50% lợi nhuận của Samsung, nhưng "gã khổng lồ" của Hàn Quốc vẫn tăng cường đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất linh kiện vốn cũng mang lại cho hãng rất nhiều lợi nhuận. Nhờ thế, Samsung đã trở thành tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất thẻ nhớ DRAM, NAND và chiếm lĩnh thị trường màn hình Oled mà tất cả các hãng công nghệ lớn đều cần mua. Và chính Apple đã góp phần làm giàu cho Samsung Electronics khi đặt mua hàng chục triệu màn hình Oled cho iPhone 8.
Đường sắt Trung Quốc phát triển nhanh chóng
Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng, năm 2017, Trung Quốc sẽ đầu tư tới 110,3 tỉ euro cho ngành đường sắt để mở hệ thống, điện khí hóa 4.100 km đường sắt, tăng số lượng tàu, kéo dài thêm 2.100 km đường ray.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết là tính tới cuối năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng 124.000 km đường sắt, sở hữu hệ thống tàu cao tốc lớn nhất thế giới với 20.000 km đường ray. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, hệ thống đường sắt cao tốc của nước này chiếm tới 65% hệ thống cao tốc trên toàn thế giới.
Bắc Kinh dự tính sẽ tăng gấp đôi quy mô mạng lưới tàu cao tốc từ nay tới năm 2030. Năm 2016, Trung Quốc đã khai trương thêm 4 tuyến đường sắt cao tốc, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới (2.252 km) nối Thượng Hải ở miền Đông với Côn Minh ở miền Tây Nam, và chạy qua 5 tỉnh, rút ngắn hành trình từ 34 giờ xuống còn 11 giờ.
Theo dự báo của tập đoàn đường sắt Trung Quốc China Railway Corp, năm nay số hành khách đi tàu sẽ vượt qua con số 3 tỉ người. Năm ngoái, tổng cộng 2,77 tỉ người Trung Quốc đã từng đi tàu, trong đó 52% đi tàu cao tốc.
Facebook Live : nước Mỹ phẫn nộ
Chuyển sang lĩnh vực xã hội, tại Hoa Kỳ, ngày 03/01/2017, một người đàn ông da trắng bị bốn thanh niên da màu tra tấn và nhục mạ trong vòng vài chục phút ở ngoại ô Chicago. Điều đáng nói là cảnh tượng này đã được quay và phát trực tiếp trên Facebook Live. Ngay lập tức nó đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người và một cuộc tranh luận về quay phim, chụp ảnh đã nổ ra tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong bài viết "Hoa Kỳ : cảnh tra tấn trực tiếp trên Facebook", Le Monde cho biết đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Với cách sử dụng rất đơn giản, ngày 07/07/2016, nhiều người đã quay và phát trực tiếp trên Facebook Live cảnh xả súng giết hại 5 cảnh sát ở Dallas (bang Texas). Cũng trong tháng Bảy này, cảnh tượng một người lái xe hơi bị cảnh sát nổ súng giết chết trên đường cũng đã được quay và phát trên mạng Internet. Đầu tháng 12/2016, vụ tai nạn xe hơi ở bang Pennsylvania khiến hai thanh niên chết thảm đã được 7.000 người theo dõi trực tiếp trên Facebook Live. Còn tại Florida, một cô bé 12 tuổi đã phát trực tiếp cảnh em thắt cổ tự tử. Vụ này hiện vẫn đang được cảnh sát điều tra.
Nhưng theo Le Monde, có lẽ cái chết của một bà mẹ trẻ ở Arkansas mới là vụ gây nhiều phản ứng nhất trong dư luận. Keiana Herndon, 25 tuổi, bị ung thư tuyến giáp, tự quay video hàng ngày để phát trực tiếp cho bạn bè xem. Thế nhưng, ngày 28/12 vừa qua, cô đã ngã gục bên cạnh con khi trong một cảnh quay live. Một người bạn tới cứu cô sau đó 30 phút, nhưng khi anh tới thì đã quá muộn : Keiana Herndon đã chết.
Nhiều người xem Facebook Live trách móc gia đình Keiana Herndon vì đã không gọi cấp cứu. Còn một người chú của Keiana Herndon thì phẫn nộ nói với Washington Post là ông không hiểu tại sao lại có nhiều người có thể khoanh tay ngồi xem cô ấy ngất đi trong khi đứa bé thì gào khóc. Ông cũng không hiểu nổi tại sao lại có những người đang tâm phát tán trên mạng Internet cảnh một đứa bé đang tận mắt nhìn thấy mẹ nó chết.
Tháng 07/2016, hãng Facebook đã tăng cường đội ngũ nhân viên giám sát các băng vidéo được phát trực tiếp trên Facebook Live, để tránh các cảnh quay gây sốc bị phát tán rộng rãi trên mạng. Ekip này túc trực 24/24h và 7/7 ngày. Tuy nhiên, Facebook không tự động gỡ bỏ các video bạo lực hay gây sốc. Chúng chỉ được kiểm tra nếu Facebook nhận được lời báo của người dùng.
Tuy nhiên, theo Le Monde, không phải hiệu quả của ekip giám sát của Facebook mà chính thái độ của người xem mới gây ra cuộc tranh cãi tại Mỹ. Một cuộc tranh cãi tương tự cũng đã nổ ra tại Pháp vào năm 2016, sau khi một phụ nữ trẻ phát trực tiếp trên Periscope, một đối thủ canh tranh của Facebook, cảnh cô tự tử.
Brazil : Tổng thống Temer và làn sóng bạo lực trong nhà tù
Chỉ trong vòng vài ngày đầu năm, tại Brazil đã có hơn 90 tù nhân bị giết chết trong các vụ bạo động tại các nhà tù và hàng trăm tù nhân đã bỏ trốn.
Trong bài viết "Temer đối mặt với ngọn lửa bạo lực trong nhà tù", nhật báo Les Echos phê phán là trong khi cả thế giới bàng hoàng thì phản ứng của tổng thống Temer lại rất chậm chạp. Phải đợi 24 giờ sau khi xảy ra bạo loạn, công chúng mới thấy tổng thống Temer lên tiếng. Nhưng ông chỉ gọi đó là "tai nạn khủng khiếp".
Nhà chức trách Brazil đã không thể kiểm soát được làn sóng bạo lực, chém giết xảy ra thường xuyên trong tù và từ rất nhiều năm. Lần gần đây nhất lực lượng an ninh can thiệp vào bạo loạn trong nhà tù là vào năm 1992, và đã giết chết 111 tù nhân ở Sao Paolo.
Cựu Bộ trưởng Nội Vụ Brazil dưới thời tổng thống Dilma Rousseff đã từng tuyên bố là các điều kiện giam giữ tù nhân tồi tệ như "ở thời trung cổ", các nhà tù quá tải nặng và tính trung bình, mỗi ngày có 1 tù nhân bị giết chết. Năm 2016, tổng cộng có 372 tù nhân bị sát hại trong tù. Tại đây, các băng nhóm tội phạm ma túy đấu đá, tranh giành nhau và chính các băng nhóm này đề ra luật chơi.
Theo nhận xét của Les Echos, điều khẩn thiết là tổng thống Temer phải tìm ra giải pháp chấm dứt các vụ tàn sát lẫn nhau trong tù, và trấn an dân chúng hiện đang hoảng loạn vì các giết vụ giết người dã man này.
Thùy Dương