Một năm lãnh đạo Hoa Kỳ, Biden sa lầy, dân Mỹ thất vọng
Ngày 20/01, đánh dấu đúng 1 năm Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, trang nhất nhật báo La Croix đăng tấm hình tổng thống Mỹ, mắt nhìn suy tư vào xa xăm với hàng tựa đánh giá kết quả năm đầu nhiệm kỳ : "Joe Biden bị sa lầy".
Tổng thống Joe Biden phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington DC, Thứ Tư, ngày 19 tháng 1 năm 2022. AP - Susan Walsh
La Croix ghi nhận, "cách đây một năm, tại Washington, Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Sau những năm dưới thời Trump đầy bão táp và đúng hai tuần sau vụ tấn công vào đồi Capitol, ông Joe Biden đã hứa sẽ làm nước Mỹ hòa hợp và chiến thắng đại dịch Covid-19. Một năm sau, đó là nỗi thất vọng lớn, kể cả ở những người ủng hộ ông".
Bài phóng sự dài của đặc phái viên La Croix mang tiêu đề : "Ngày kỷ niệm đầu tiên ảm đạm của Biden" cho thấy một năm sau khi bước vào căn phòng Bầu dục trong Nhà trắng, vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ đang ở trong hoàn cảnh xấu. Đại dịch và giá cả sinh hoạt tăng đang tác động đến tinh thần người dân Mỹ và ông Joe Biden dường như bất lực. Uy tín của lãnh đạo nước Mỹ ngày càng xuống thấp trong lúc mà năm nay là năm cực kỳ quan trọng với nhiệm kỳ tổng thống của ông, tháng 11 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ hai viện Quốc hội. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện này, cán cân quyền lực của ông Joe Biden có thể sẽ bị đe dọa.
Tuy nhiên tờ báo cũng hy vọng Joe Biden là người trong quá khứ chính trị của mình vẫn thường có những cú đột phá ngoạn mục. Như năm 2020, có ai ngờ từ một ứng cử viên ban đầu đứng ở cuối nhóm đua tranh trong đảng Dân chủ, ông Biden sẽ đắc cử tổng thống Mỹ. Nhưng năm 2022 này để có được cú đột phá, ông Biden phải tìm được bàn đạp mà đến giờ chưa ai thấy cái bàn đạp đó ở đâu.
Nhật báo Le Figaro có chung nhận định qua bài viết mang tựa đề : "Joe Biden trong ngõ cụt".
Bài viết đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy cả về đối nội cũng như đối ngoại tổng thống Joe Biden đều đang bị sa lầy, trong cách lãnh đạo cũng như chủ trương chính sách quan trọng. Trong nước thì khó khăn chồng chất, uy tín giảm sút, xã hội chia rẽ. Bên ngoài nước Mỹ, tổng thống Joe Bden đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn ở Châu Âu, như thời chiến tranh lạnh.
Theo Le Figaro, "trước những mưu đồ của Putin, cho đến giờ Joe Biden không hề tạo được cảm giác ông biết làm gì hay tóm tắt rõ lập trường của Hoa Kỳ để đối phó với những thách thức trực tiếp trật tự mà Mỹ áp đặt sau thời kỳ chiến tranh lạnh".
Le Figaro cho rằng kỳ bầu cử lập pháp giữa kỳ tới đây khả năng hành động của tổng thống Biden sẽ còn bị co lại nhiều, khi mà khả năng đảng Dân chủ của ông thất bại đã thấy rõ.
Dân chủ xuống cấp dẫn đến xung đột xã hội
Vẫn trong chủ đề một năm cầm quyền của ông Joe Biden, Le Figaro có bài nhận định "nền dân chủ Mỹ đang chìm vào khủng hoảng". Theo tờ báo, cách đây một năm việc ông Biden đắc cử tổng thống đã không mang lại yên bình cho nước Mỹ. Đất nước ngày càng chia rẽ, thậm chí một số học giả còn cho rằng nước Mỹ có thể còn đến gần một cuộc nội chiến. Tờ báo nhận xét : "các rạn nứt lớn dần trong xã hội Mỹ giờ đây có thể thấy trong hầu hết các vấn đề. Đại dịch càng làm cho không khí chia rẽ sâu sắc hơn. Trong một nước Mỹ mà người dân sở hữu súng nhiều hơn bất kỳ nước phát triển nào thì không khí nghi kỵ thù hằng nhau trong xã hội quả là đáng lo ngại".
Tờ báo trích dẫn nhiều học giả nghiên cứu tình hình xã hội Mỹ hiện nay đều có chung nhận định những rạn nứt xã hội Mỹ ngày nay có thể dẫn đến các xung đột, hay một kiểu nội chiến dưới hình thức khác.
Bầu cử tổng thống Pháp tràn vào nghị trường Châu Âu
Hôm qua trên cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra trước Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, trình bày quan điểm chủ đạo trong nhiệm kỳ lãnh đạo luân phiên Liên Âu.
Diễn văn của tổng thống Emmanuel Macron chỉ là thủ tục hình thức ra mắt nước Pháp chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên Châu Âu. Nhưng các báo Pháp đều ghi nhận một điểm chung là Nghị Viện Châu Âu đã trở thành diễn đàn cho cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp. Nghị trường Châu Âu hôm qua giống một cuộc điều trần chất vấn trước Quốc hội Pháp nhiều hơn. Còn ba tháng nữa, nước Pháp bước vào bầu cử tổng thống mới, ông Macron chưa chính thức tuyên bố ra tái tranh cử, nhưng ai cũng hiểu ông Macron cũng muốn nhân diễn đàn Châu Âu để đưa ra những thông điệp của một ứng viên tổng thống sắp tới. Những ưu tiên chính sách của Châu Âu mà ông Macron nêu ra ít nhiều gần với các chủ đề đang được đặt ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống ở trong nước.
Bài diễn văn về các vấn đề lớn của Liên Hiệp chỉ dài chưa đầy 30 phút nhưng cuộc chất vấn tổng thống Pháp kéo dài đến hơn 2 giờ rưỡi. Các nghị sĩ Châu Âu của Pháp, tả cũng như hữu, đã lần lượt lên diễn đàn chỉ trích ông Emmanuel Macron về mọi phương diện. Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : Bầu cử tổng thống : "Macron đánh cược vào Châu Âu" cùng với bài viết dài cho thấy nguyên thủ Pháp hôm qua trước nghị trường Strasbourg đã trình bày các tham vọng của mình trên cương vị nước Pháp là chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, nhưng ông đã bị các đối thủ trong nước tấn công dữ dội về nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo nước Pháp vừa qua. Les Echos ghi nhận : "Châu Âu : Macron đối mặt với đối lập ở nghị trường Strasbourg". Các nghị sĩ Pháp chỉ trích ông Macron lợi dụng diễn đàn Châu Âu để vẫn động tranh cử tổng thống Pháp. Tất nhiên ông Macron không bỏ lỡ cơ hội này để thể hiện vai trò vị thế của một lãnh đạo có tầm nhìn lớn, một hình ảnh rất cần thiết cho bất kỳ ứng viên tổng thống Pháp nào.
Thế nhưng chính cách thức và nội dung chất vấn của các nghị sĩ Pháp đã tạo thành không khí của một buổi tranh luận tranh cử tổng thống.
Trung Quốc – Iran : mối quan hệ nguy hiểm ?
Về chủ đề Châu Á, trang quốc tế nhật báo La Croix chú ý đến Trung Quốc trong mối quan hệ với Iran, trở lại sự kiện hôm 14/01 hai nước chính thức triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược trong 25 năm.
Thỏa thuận hợp tác này bao trùm lên nhiều lĩnh vực từ năng lượng, an ninh, hạ tầng cơ sở và viễn thông, nhưng La Croix tập trung chủ yếu phân tích vào khía cạnh hợp tác quân sự trong đó bao gồm tập trận chung, phát triển hệ thống vũ khí và chia sẻ tin tức tình báo.
La Croix, trích dẫn các chuyên gia quốc phòng Mỹ mới đây cho rằng việc củng cố trục quan hệ Trung Quốc-Iran là một mối đe dọa trực tiếp tới ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Tờ báo cho biết, đến năm 2014, Iran đã trở thành khách hàng lớn thứ 3 của công nghiệp quân sự Trung Quốc. Bắc kinh vẫn còn lưỡng lự chưa bán cho Tehran một số thiết bị nhạy cảm như máy bay chiến đấu vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ với những nước khác trong vùng như Saudi Arabia, nhưng chủ yếu tránh dính vào các trừng phạt của Mỹ.
Các chuyên gia được La Croix trích dẫn cho rằng Trung Quốc vẫn nói ủng hộ mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng trong việc làm, Trung Quốc vẫn tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình và ủng hộ một phần chương trình hạt nhân Iran, theo cách kín đáo, ở phạm vi kỹ thuật. Chính chiến lược mập mờ này giúp Bắc Kinh đóng vai trò như là nhân tố không thể thiếu ở Trung Đông.
Vẫn theo La Croix, bất chấp trừng phạt Mỹ, Trung Quốc đã tăng lượng dầu mua của Iran lên tới 700 nghìn thùng mỗi ngày trong những tháng vừa qua. Lượng dầu này vẫn được nhập qua trung gian một số nước như Oman, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Malaysia.
Về phía Iran, chính quyền nước này tính toán rằng quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp họ thoát khỏi thế cô lập về ngoại giao và kinh tế hiện nay, làm đối trọng trong các cuộc thương lượng với Mỹ. Còn Trung Quốc bảo đảm đa dạng hóa nguồn dầu mỏ mà họ đang rất khát cho phát triển kinh tế.
La Croix nhận thấy, trái với chính sách gây áp lực tối đa của Donald Trump, chính quyền Biden hiện giờ chọn cách nhắm mắt làm ngơ cho việc mua bán dầu thô của Iran vì Washingon muốn trông cậy vào sự hợp tác của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran. Trong trường hợp các cuộc đàm phán ở Vienna bế tắc, Hoa Kỳ sẽ trở lại áp dụng chặt các trừng phạt nhằm vào các vụ mua bán lậu của Trung Quốc.
Hệ lụy của chính sách zero Covid
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde chạy tựa trang nhất : "Trung Quốc bị tê liệt vì Omicron, trước Thế Vận Hội Mùa Đông". Nguyên do là từ chính sách zero Covid của nước này. Chỉ cần một vài ca nhiễm được phát hiện là cả khu dân cư, hay thậm chí cả thành phố hàng triệu dân bị phong tỏa ngày lập tức. Tất cả vì mục tiêu lớn tổ chức thành công kỳ Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Thế nhưng đến sát ngày khai mạc sự kiện, biến thể Omicron xuất hiện khiến chính quyền lúng túng chống đỡ. Vì theo đuổi chính sách zero Covid, Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 sẽ diễn ra không có khán giả. Le Monde nhận thấy cuộc chiến chống đại dịch ở Trung Quốc mang tính chất chính trị không kém gì y tế.
Anh Vũ