Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/01/2022

Nga Mỹ Liên Âu muốn ra khỏi vũng lầy Ukraine

RFI tổng hợp

Khủng hoảng Ukraine : Mỹ - Nga nhất trí duy trì đối thoại

Thu Hằng, RFI, 22/01/2022

Sau hai tiếng đối thoại tại Geneve (Thụy Sĩ) ngày 21/01/2021, ngoại trưởng Mỹ và Nga chỉ đồng ý được ở một điểm là "cần duy trì đối thoại" và hẹn gặp lại "tuần tới" để tiếp tục bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine. Kết quả này không nằm ngoài dự đoán dù hai ông Blinken và Lavrov đánh giá cuộc thảo luận là "thẳng thắn và thực tế".

ukraine1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, trước khi hội đàm tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 21/01/2022.  AP - Alex Brandon

Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tại Genève tóm lược cuộc họp :

"Trước ống kính máy quay là cái bắt tay trân trọng nhưng không nhiệt tình. Còn ngôn từ đều được cả hai nhà ngoại giao cẩn thận lựa chọn. Nhưng chỉ vài giờ sau, trong hai cuộc họp báo riêng biệt, không có gì thực sự thay đổi.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tiếp tục khẳng định Moskva không hề có ý định xâm chiếm nước láng giềng Ukraine và chính Mỹ mới là bên mở rộng tầm ảnh hưởng, chứ không phải là Nga.

Về phần ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken một lần nữa yêu cầu Moskva chứng minh lời nói bằng việc rút quân ngay lập tức khỏi biên giới Ukraine. Ông tiếp tục đe dọa Moskva nếu tấn công, sẽ phải hứng chịu đáp trả nhanh chóng và cứng rắn.

Washington chỉ đưa ra một nhân nhượng là đồng ý trả lời bằng văn bản những yêu cầu của Nga, kể cả về việc không kết nạp Ukraine vào NATO. Tuy nhiên đây chỉ là nhân nhượng hình thức vì Washington từng nói rõ là không có chuyện cấm bất kỳ nước nào gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Đối thoại chính thức được mở ra và đây là điểm tiến bộ duy nhất trong cuộc họp tại Genève".

Khủng hoảng Ukraine : Căng thẳng tiếp diễn

Vào lúc Nga, Mỹ đồng ý tiếp tục đàm phán để tháo gỡ bế tắc trên hồ sơ Ukraine, thì tại hiện trường, tình hình vẫn căng thẳng. Đôi bên phô trương sức mạnh : Ba nước trong vùng Baltic hôm 21/01/2022 thông báo giúp Kiev tăng cường khả năng phòng thủ. Mỹ thông báo NATO chuẩn bị tập trận ở Địa Trung Hải với mục đích răn đe.

Mỹ không để Nga độc quyền thao diễn trong vùng Địa Trung Hải. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 21/01 thông báo khởi động chiến dịch tập trận trên biển kể từ Thứ Hai 24/01. Chiến dịch mang tên Neptune Strike dự trù kết thúc ngày 04/02. Mục tiêu đề ra nhằm "chứng minh khả năng của NATO làm chủ những công nghệ mới, hỗ trợ các chiến dịch phòng thủ và răng đe".

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Hoa Kỳ huy động hàng không mẫu hạm USS Harry Truman trong chiến dịch Neptune Strike lần này và đây là chương trình đã được lên kế hoạch từ 2020 "không nhằm đối phó với những diễn biến có thể xảy ra chung quanh vấn đề Ukraine".

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn nhận quan hệ với Nga đang căng thẳng và chiến dịch tập trận của Hải Quân Mỹ cùng với NATO lần này đã làm dấy lên tranh luận trong nội bộ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Hàng không mẫu hạm USS Harry Truman hiện diện tại Đại Trung Hải từ giữa tháng 12/2021 nhằm trấn an các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ.

Nga mở các cuộc thao diễn trên biển từ Thái Bình Dương đến Địa Trung Hải, huy động 140 tàu chiến và khoảng 10.000 quân. 

Về phía ba nước trong vùng Baltic, Estonia, Litva và Latvia trong một thông cáo chung hôm 21/01 cho biết với sự đồng thuận của Washington, các quốc gia này đã huy động tên lửa Javelin và Stinger giúp Ukraine tăng cường khả năng tự về trong trường hợp bị tấn công. Javelin là tên lửa chống tăng còn Stinger là tên lửa phòng không.

Về phía Đức, Berlin không cung cấp vũ khí cho Kiev nhưng sẽ ủng hộ Ukraine về mặt nhân đạo. Hôm 22/01, bộ trưởng quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo tháng 2 tới sẽ hoàn tất việc xây dựng một bệnh viện dã chiến với nhân viên và các trang thiết bị cần thiết cho Ukraine. Phí tổn dự án lên tới hơn 5 triệu euro.

Thanh Phương

**********************

Nga - Mỹ buộc phải tìm được tiếng nói chung về Ukraine để tránh nguy cơ chiến tranh

Thu Hằng, RFI, 20/01/2022

Hai ngày trước cuộc họp với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov ngày 21/01/2022 về cuộc khủng hoảng Ukraine, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi tổng thống Vladimir Putin chọn "con đường hòa bình". Còn nếu tấn công Ukraine, Nga sẽ phải chịu "các biện pháp trả đũa nghiêm khắc", theo lời cảnh báo của tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, một số chuyên gia Pháp cho rằng Nga và Hoa Kỳ "buộc phải tìm được tiếng nói chung" nếu không sẽ "là chiến tranh". 

Tình hình dọc biên giới Ukraine và Nga, cũng như trong lĩnh vực ngoại giao, vẫn rất căng thẳng từ nhiều tuần qua. Dù phủ nhận mọi ý đồ tấn công Ukraine nhưng Nga kiên quyết không rút hàng trăm nghìn quân được triển khai ở biên giới nếu không được NATO cam kết bằng văn bản sẽ không kết nạp Ukraine và triển khai vũ khí chiến lược ở nước láng giềng. Nhiều nhà nghiên cứu Pháp cho rằng Ukraine chỉ là một mặt trận gây sức ép để tổng thống Putin đạt mục đích, được nêu trong hai văn bản lần lượt gửi đến Mỹ và NATO vào giữa tháng 12/2021. 

ukraine2

Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman (trái) và đồng nhiệm Nga Sergei Ryabkov tại cuộc đàm phán về Ukraine và an ninh Châu Âu tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 10 tháng 1 năm 2022  Reuters – Denis Balibouse

Nga dùng Ukraine để tái lập thế cân bằng với Mỹ và NATO

Dù nhiều nước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đánh giá những điều kiện này là "không chấp nhận được", nhưng Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng đàm phán. Văn bản thứ nhất liên quan đến việc thiết lập một quy chế an ninh mới ở Châu Âu được bắt đầu nghiên cứu lần đầu tiên tại Geneve vào tuần trước và cuộc họp tiếp theo được dự kiến vào tuần tới. Ông Jean de Gliniasty, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), được trang 20’ trích dẫn, cho rằng "trước một tiến trình đàm phám, các bên đều làm căng để gây sức ép với đối thủ". Nhìn rộng hơn, theo nhà nghiên cứu Bruno Drweski, giảng viên trường Inalco khi trả lời trang Radio France ngày 19/01, "Nga muốn dùng Ukraine để gây sức ép với Mỹ trong nhiều cuộc đàm phán lớn khác. Moskva cần tái lập thế cân bằng giữa Nga, Hoa Kỳ và NATO". 

Ngoài ra, Moskva cũng tìm cách "trắc nghiệm quyết tâm ủng hộ Ukraine của Hoa Kỳ và các nước Châu Âu", theo nhận định của giáo sư Cyrille Bret, trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. Chuyến công du Kiev của ông Blinken ngày 19/01 "chứng minh với Nga rằng Mỹ không bỏ rơi Ukraine và ông Putin không nên đi quá xa trong việc leo thang quân sự". Hoa Kỳ và các nước đồng minh NATO không muốn để điện Kremlin áp đặt "luật chơi" khi sẵn sàng chuẩn bị một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, được cho là "nghiêm khắc", từ giao dịch ngân hàng đến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. 

Leo thang căng thẳng nhưng tránh chiến tranh 

Tuy nhiên, tất cả các bên đều không muốn xảy ra xung đột vũ trang. Châu Âu sẽ thiệt khi chiến tranh xảy ra sát sườn. "Hoa Kỳ lại quá bận chống ảnh hưởng của Trung Quốc". Còn "phía Nga, nhìn chung công luận không muốn chiến tranh", vẫn theo giáo sư Jean de Gliniasty. Trong trường hợp Moskva muốn dùng vũ lực giải quyết xung đột, quân đội Nga phải đối phó với một Ukraine kiên cường hơn cách đây 6 năm khi chiến tranh nổ ra ở vùng Donbass. Tinh thần dân tộc tại Ukraine đã lên cao, quân đội được củng cố, cùng với sự hỗ trợ từ Mỹ và một số nước láng giềng.

Cuộc họp giữa hai ngoại trưởng Nga và Mỹ tại Geneve (Thụy Sĩ) ngày 21/01 được cho là một kỳ vọng mới để giải quyết xung đột theo "con đường hòa bình". Hai cường quốc buộc phải tìm được tiếng nói chung vì nếu không sẽ xảy ra chiến tranh, không chỉ ở Ukraine mà có thể là một cuộc thế chiến mới, theo ông Bruno Drweski. 

Tuy nhiên, cả hai bên cần nhanh chóng tìm ra giải pháp ngoại giao vì có nhiều nguy cơ xảy ra sai lầm, dẫn đến "sự cố". Quân đội Nga đã được triển khai từ hai tháng nay ở biên giới với Ukraine và sẽ tiếp tục đồn trú trong quá trình đàm phán, được dự kiến lâu dài. Giáo sư Cyrille Bret cho rằng khi tập trận trong một thời gian dài, quân nhân mệt mỏi nên có thể sẽ "phạm sai lầm". Ngoài ra, còn phải kể đến hoạt động của lực lượng ly khai Ukraine ở vùng Donbass. Chỉ cần một vài sự kiện nhỏ, kể cả hoạt động vũ trang, có thể khiến tình hình xấu đi và kéo theo phản ứng dây chuyền.

Thu Hằng

********************

Tổng thống Mỹ : Nga sẽ chịu "thảm họa" nếu xâm chiếm Ukraine

Thu Hằng, RFI, 20/01/2022

Washington ưu tiên con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, nếu quân Nga xâm chiếm Ukraine, Hoa Kỳ sẽ có biện pháp đáp trả "nghiêm khắc". Lời cảnh cáo của tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 19/01/2022, nhưng có phần mập mờ, không rõ nghĩa vì phân biệt một "cuộc xâm lược quy mô lớn" và những cuộc "thâm nhập nhỏ" đơn lẻ, đã bị đối lập chỉ trích và buộc phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phải cải chính. 

ukraine3

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, ngày 19 tháng 1 năm 2022.  Reuters – Kevin Lamarque

Theo AFP, trong buổi họp báo dài, nguyên thủ Mỹ cho rằng tổng thống Nga Putin "không muốn một cuộc chiến trên quy mô lớn", nhưng "ông ấy sẽ trắc nghiệm phương Tây" nên "sẽ tiến vào" Ukraine bằng cách này hay cách khác và "ông ấy sẽ làm điều gì đó".

Về khả năng đáp trả, theo ông Biden, các nước thành viên NATO có nguy cơ bị chia rẽ về quy mô trừng phạt "nếu là một vụ thâm nhập nhỏ". Tuy nhiên, nếu Nga "làm với khả năng họ có cùng với lực lượng đóng ở biên giới, thì sẽ là một thảm họa cho Nga". Tình hình sẽ "vượt khỏi tầm kiểm soát", kéo theo "thiệt hại nặng nề về nhân mạng" trên chiến trường. 

Chính việc phân biệt một "cuộc xâm lược quy mô lớn" và "thâm nhập nhỏ" khiến đối lập Mỹ chỉ trích tổng thống Joe Biden "bật đèn xanh cho Putin xâm chiếm Ukraine", theo cáo buộc trên Twitter của thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton. Tương tự, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio chỉ trích : "Nếu như ông ấy (Putin) chỉ sáp nhập một vài vùng của Ukraine, thì biện pháp đáp trả của chúng ta sẽ ít nghiêm khắc hơn là ông ấy sáp nhập tất cả ?"

Ngay sau đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phải cải chính rằng "nếu lực lượng quân sự Nga vượt biên giới Ukraine, đó sẽ là một cuộc xâm lược mới và sẽ dẫn đến việc đáp trả khẩn cấp, nghiêm khắc và thống nhất giữa Hoa Kỳ và các đồng minh"

Mỹ bàn biện pháp trừng phạt Nga với các đồng minh Châu Âu 

Để có được giải pháp trừng phạt Nga "thống nhất" với các nước Châu Âu, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Kiev và Berlin trước khi gặp đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov ngày 21/01 tại Geneve. Washington thông báo hỗ trợ thêm 200 triệu đô la cho "an ninh và quốc phòng" Ukraine, khoản hỗ trợ trước đó là 450 triệu đô la. Ngoài ra, theo ba nguồn tin của Reuters, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng cho phép ba nước Litva, Latvia và Estonia gửi tên lửa và nhiều loại vũ khí khác, nhưng không nêu cụ thể loại nào, do Mỹ sản xuất đến Ukraine để giúp nước này "tăng cường khả năng phòng thủ" đối phó với khả năng xâm lược từ Nga.

Ngày 20/01, ông Blinken đến Berlin họp với ba đồng nhiệm Đức, Pháp và Anh về các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Khả năng đầu tiên là loại Nga khỏi hệ thống "swift", từng được tổng thống Biden nêu trong buổi họp báo là "không để Nga sử dụng hệ thống ngân hàng và giao dịch bằng đô la Mỹ". Đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 cũng sẽ được đề cập. Luôn được coi là dự án thuần túy kinh tế dưới thời thủ tướng Merkel, chính quyền mới của Đức để ngỏ khả năng chặn dự án này nếu Moskva tấn công Ukraine.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)