Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/01/2022

Lithuania : Phương Tây không để yên cho Trung Quốc ỷ lớn hiếp nhỏ

RFI tổng hợp

Mỹ phái quan chức cấp cao đến Lithuania để ủng hộ đồng minh chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 29/01/2022

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ sẽ thăm Lithuania (Litva) vào tuần tới để thảo luận về việc tăng cường hợp tác kinh tế với quốc gia nhỏ bé vùng Baltic, vốn đang phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc, vì đã tăng cường quan hệ với Đài Loan. 

litva3

Đại sứ quán Lithuania tại Bắc Kinh, Trung Quốc đóng cửa ngày 15/12/2021. Quan hệ Lithuania và Trung Quốc căng thẳng sau khi Lithuania cho mở văn phòng Đại diện Đài Loan tại nước này. Ảnh chụp ngày 16/12. AP - Mark Schiefelbein

Bộ Ngoại Giao Mỹ ra thông cáo cho biết thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez, sẽ thăm Lithuania từ Chủ Nhật 30/01 cho đến Thứ Ba 01/02. Theo bản thông cáo, tại Vilnius, quan chức Mỹ sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế song phương và "sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ dành cho Lithuania khi đối mặt với áp lực chính trị và ép buộc kinh tế từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa". Ông Fernandez sẽ cùng với các quan chức Ngân Hàng Eximbank Hoa Kỳ thảo luận về việc thực hiện bản ghi nhớ trị giá 600 triệu đô la nhằm mở rộng cơ hội cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ và khách hàng Lithuania trong các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, dịch vụ kinh doanh và năng lượng tái tạo. 

Hoa Kỳ, vốn đang tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn thế giới, đã ủng hộ Lithuania trong tranh chấp với Trung Quốc về Đài Loan. 

Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và thúc ép các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với nước này sau khi Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Vilnius vào năm ngoái, với tên gọi Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania, thay vì sử dụng từ Đài Bắc như thông thường. 

Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng đã kiện Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào thứ Năm, 27/01, cáo buộc Trung Quốc có các hành vi thương mại phân biệt đối xử đối với Lithuania, thành viên EU, đe dọa tính toàn vẹn của thị trường chung châu Âu. 

Tiếp theo chuyến đi Lithuania, quan chức ngoại giao Mỹ sẽ ghé Bruxelles trong hai ngày 2 và 3/2, để thảo luận với Liên Âu về những nỗ lực chống lại chính sách "ép buộc" kinh tế của Trung Quốc. 

Úc muốn tham gia vụ kiện Trung Quốc của EU 

Theo Reuters, Úc sẽ cố gắng tham gia vào các cuộc tham vấn về tranh chấp thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, đã được EU đưa ra tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Bộ trưởng Thương Mại Úc cho biết như trên vào hôm nay. 

Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan cho biết: "Úc có lợi ích đáng kể" trong các vấn đề tranh chấp giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc. 

Trọng Nghĩa

**********************

Liên Âu khó bảo vệ Lithuania chống Trung Quốc về kinh tế

Trọng Nghĩa, RFI, 28/01/222

Để bảo vệ Lithuania, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đang bị Trung Quốc bức hiếp về mặt thương mại, Bruxelles ngày 27/01/2022 sẽ kiện Bắc Kinh ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới về những hành vi vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.

litva1

Trụ sở WTO tại Genève : Liên Âu kiện Trung Quốc trước WTO vi bắt chẹt Lithuania.  Flickr/ Creative Commons

Giới quan sát cho đây là một quyết định mang ý nghĩa chính trị quan trọng, nhưng sẽ không có hiệu quả để chống lại chiến thuật "vùng xám" Trung Quốc sử dụng để tấn công các nước bị Bắc Kinh cho là không thân thiện, trong đó có Lithuania. 

Theo trang mạng tạp chí Mỹ Politico, ấn bản Châu Âu ngày 27/01, khi nhấn mạnh đến tính toàn vẹn của thị trường Châu Âu, EU đã bắn đi tín hiệu là một cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên Liên Âu về nguyên tắc, là một cuộc tấn công vào toàn khối. 

Ngoài ra, về mặt ngoại giao, động thái của EU có ý nghĩa quan trọng vì khi chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bruxelles công khai buộc tội Trung Quốc đã hành động bất hợp pháp, bất chấp việc Bắc Kinh luôn phủ nhận việc ngăn chận hàng hóa có xuất xứ từ Lithuania.

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 27/01 cũng trích dẫn Sébastien Jean, nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu Pháp CEPII, phân tích : "Tính biểu tượng của đơn kiện này quan trọng vì đồng nghĩa với việc tố cáo Trung Quốc lạm dụng và thao túng hệ thống WTO, một tổ chức mà nước này luôn bảo vệ". 

Chuyên gia này đã nêu bật thái độ nước đôi của Bắc Kinh, một mặt liên tục tuyên bố gắn bó với các quy tắc đa phương của thương mại thế giới, nhưng mặt khác không ngần ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại như một vũ khí ngoại giao. Vào năm 2020 và 2021, Bắc Kinh đã chặn hoặc hạn chế nhập khẩu than, lúa mạch, thịt bò hoặc quặng sắt của Úc, sau khi Canberra lên án chính sách đàn áp của Trung Quốc tại Hồng Kông hoặc yêu cầu mở điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19. Bản thân Úc cũng đã nộp đơn kiện Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới. 

Vấn đề được các nhà phân tích nhấn mạnh là cho dù có ý nghĩa chính trị to lớn, những vũ khí kiện tụng ra trước WTO mà Liên Âu sử dụng sẽ không hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc vì lẽ do vấn đề thủ tục, cần phải mất nhiều năm mới có kết quả. 

Bên cạnh đó, do chiến thuật gọi là "vùng xám" mà Bắc Kinh đang dùng để tấn công các đối thủ, việc chứng minh các hành vi bị coi là "bức hiếp" về kinh tế, thương mại trước Tổ Chức Thương mại Thế giới là một quá trình phức tạp và rủi ro. 

Chẳng hạn Bắc Kinh luôn phủ nhận việc chính quyền can dự vào các vụ tẩy chay hàng xuất xứ từ Lithuania, mà cho rằng tình trạng đó bắt nguồn từ "sở thích" của các doanh nghiệp trong việc không buôn bán với Lithuania. 

Một ví dụ khác : Vào đầu tháng 12/2021, khi các container từ Lithuania đến cảng Trung Quốc bị chặn lại, không được phép dỡ hàng, Bắc Kinh đã đổ lỗi cho "sự cố kỹ thuật". Theo Le Monde, sau đó Trung Quốc loan báo là "vấn đề" đó dường như đã được giải quyết, nhưng theo Vilnius, các công ty đa quốc gia làm việc với Lithuania đã thấy sản phẩm của họ bị chặn ngay ở cửa vào Trung Quốc. 

Theo nhận định của tờ báo Mỹ Politico, vấn đề cơ bản là các quy tắc thương mại quốc tế trong khuôn khổ WTO không được thiết kế để đối phó với sự ép buộc kinh tế và việc chứng minh nó có thể bấp bênh về mặt pháp lý. 

Chuyên gia Jeffrey Wilson, thuộc Trung tâm Perth USAsia, một tổ chức tư vấn của Úc, cũng nhấn mạnh trên sự không rõ ràng về pháp lý khi cho rằng "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tức Trung Quốc, đã triển khai biện pháp cấm đoán ‘vùng xám" đối với hàng hóa của Lithuania, vốn nổi tiếng là khó chứng minh trước tòa án thương mại". 

Sau cùng, theo giới quan sát, Bắc Kinh thậm chí có thể thắng vụ kiện tại WTO. Ngay cả khi EU có bằng chứng chắc chắn, Bắc Kinh vẫn có thể viện dẫn lý do an ninh quốc gia - điều sẽ đẩy Liên Hiệp Châu Âu vào tình trạng bối rối.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 28/01/2022

**************************

Liên Âu kiện Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới trên vấn đề Lithuania

Trọng Nghĩa, RFI, 28/01/2022

Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 27/01/2022 đã nộp đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để kiện Trung Quốc về những hành vi trừng phạt kinh tế và thương mại nhắm vào Lithuania, thành viên của Liên Âu. Bắc Kinh đã lập tức phản đối, cho rằng Châu Âu đã có những cáo buộc "vô căn cứ"

litva2

Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kiêm Ủy viên đặc trách Thương mại thông báo kiện Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới về hồ sơ Lithuania. AP - Olivier Matthys

Trong một thông cáo báo chí, Ủy Ban Châu Âu cho biết đã khởi động vụ kiện sau khi thu thập được đầy đủ bằng chứng về những hành động của Trung Quốc đối với Lithuania bị cho là "phân biệt đối xử và trái với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới", tác hại đến giới xuất khẩu của cả Lithuania lẫn các thành viên Liên Âu khác. 

Ủy Ban đã liệt kê một số hành vi của Trung Quốc như từ chối thông quan cho hàng hóa Lithuania, bác bỏ đơn xin nhập khẩu hàng hóa từ Lithuania và gây áp lực buộc các công ty Châu Âu loại Lithuania ra khỏi chuỗi cung ứng khi xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Theo ông Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kiêm Ủy Viên đặc trách Thương mại thì việc kiện Trung Quốc "không phải là một quyết định vội vã", nhưng sau nhiều nỗ lực giải quyết song phương thất bại, Liên Hiệp Châu Âu "không còn cách nào khác là nhờ Tổ chức Thương mại Thế giới can thiệp". Đối với ông Dombrovskis, Liên Hiệp Châu Âu "luôn luôn hành động thống nhất và nhanh chóng chống các hành vi vi phạm quy định của WTO, đe dọa sự toàn vẹn của thị trường chung (của Liên Âu)". 

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Vilnius bùng lên vào tháng 11/2021 sau khi Đài Loan được phép mở một văn phòng đại diện Lithuania dưới tên gọi "Đài Loan" thay vì Đài Bắc như áp đặt của Trung Quốc. 

Bắc Kinh đã trục xuất đại sứ Lithuania và triệu hồi Trung Quốc về nước, trong lúc Vilnius cũng đóng cửa đại sứ quán Lithuania tại Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bị tố cáo là đã cho chặn hàng hóa nhập khẩu từ Lithuania tại biên giới, và nghiêm trọng hơn nữa là đã gây sức ép trên các tập đoàn đa quốc gia để buộc họ tẩy chay Lithuania.

Trung Quốc : Tranh chấp với Lithuania không liên quan gì đến EU 

Bắc Kinh luôn phủ nhận hành động cấm vận Lithuania. Phản ứng trước đơn kiện của Liên Hiệp Châu Âu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày hôm 27/01/2022 tuyên bố : "Việc khẳng định rằng Trung Quốc tiến hành điều gọi là bức ép Lithuania hoàn toàn vô căn cứ". Đối với phát ngôn viên Trung Quốc, tranh chấp với Lithuania "liên quan đến chính trị chứ không phải kinh tế". 

Hơn nữa, theo ông Triệu Lập Kiên, đó là một vấn đề "song phương" giữa Lithuania và Trung Quốc, chứ "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu". 

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 28/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)