Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/03/2022

Cuộc chiến do Nga khởi đông : thế nào thì bị Putin cho là tuyên chiến

BBC tiếng Việt - RFI tiếng Việt

Ukraine : Vùng cấm bay, vũ khí nguyên tử, nguy cơ đối đầu trực diện Nga-NATO ?

Minh Anh, RFI, 07/03/2022

Cuộc chiến tại Ukraine hôm 07/03/2021 đã bước sang ngày thứ 12 và ngày càng gia tăng cường độ. Bất chấp nhiều lời kêu gọi từ một số chính khách, chuyên gia, Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO vẫn bác khả năng lập vùng cấm bay để chặn đà tiến của quân Nga. Theo một chuyên gia Mỹ, đây là một tiền đề nguy hiểm, có thể được áp dụng cho bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các nước có vũ khí hạt nhân, kể cả ở Châu Á.  

vung1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương trong khuôn khổ khóa họp các ngoại trưởng NATO tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ở Bruxelles (Bỉ) ngày 04/03/2022.  Reuters - Pool

Trên trang mạng The Diplomat, ông Jacob Parakilas, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ và an ninh quốc tế trước hết lưu ý một vùng cấm bay (NFZ) không thể tuyên bố một cách tùy tiện. Kiểu lô-gic chiến lược này chẳng khác gì một hành động tuyên chiến với Nga. Máy bay phản lực của NATO khó có thể buộc tuân thủ NFZ do bị hệ thống phòng không của Nga đe dọa và dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công từ nhiều loại tên lửa như S-400 Triumf. Do vậy, để có thể tiến hành tuần tra trên không, những hệ thống này của Nga cần phải bị hủy diệt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc NATO phải tiêu diệt các binh sĩ Nga ngay trên lãnh thổ của Nga và Belarus, với khả năng thương vong dân sự rất cao.   

Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đó. Vẫn theo chuyên gia này, cho đến hiện tại, lực lượng không quân Nga đóng một vai trò rất hạn chế trong cuộc xung đột, dù rằng sự hiện diện của họ có thể giúp cải thiện hiệu quả chiến thuật của Nga trên bộ. Hiểm họa thật sự cho thường dân Ukraine đến giờ chủ yếu là từ pháo binh. Nếu NATO áp dụng vùng cấm bay, điều này nhanh chóng trở thành vùng cấm lái xe như những gì từng diễn ra ở Libya.  

Đương nhiên, tình trạng này sẽ không dẫn đến chiến tranh hạt nhân tức thì. Nhưng đối với các nước có trang bị vũ khí hạt nhân, một khi leo thang bắt đầu, thì việc giảm leo thang sẽ càng khó, và có nguy cơ đi đến trượt đà nhiều hơn. Bởi vì, theo tác giả, việc NATO can dự trực tiếp sẽ còn mở cửa cho các đòn trả đũa của Nga, tuy không gây chết người nhưng có tính đột phá, chẳng hạn, cắt đường dây viễn thông dưới biển, làm nổ các vệ tinh của Hoa Kỳ bằng vũ khí chống vệ tinh hoặc mở cuộc tấn công lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng trên khắp Châu Âu và Mỹ.  

Vladimir Putin cũng có thể « ăn miếng trả miếng » nếu thiệt hại nhân mạng phía Nga cao. Điện Kremlin có thể huy động không quân và hạm đội tầu ngầm tấn công các mục tiêu quân sự trên bộ và trên biển của NATO. Và các đơn vị tác chiến độc lập của Nga có thể tiến hành các hoạt động phá hoại phía sau tuyến phòng thủ của NATO.   

Vào thời điểm hai chiến binh có vũ khí hạt nhân giao đấu, quá trình trượt đà khó mà cản được. Và trước những rủi ro tổn thất cả về chính trị lẫn chiến lược, nguy cơ một bên thua mất khả năng nắm giữ các đòn bẩy quyền lực – hoặc chính tính mạng của mình, thì rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân lại càng cao. Đó chẳng khác gì như một giải pháp sau cùng, một hành động điên cuồng tự sát, hoặc để cứu vãn một cuộc bại trận toàn diện, hoặc ngăn chặn một cuộc đảo chính trong nội bộ, hay dập tắt một cuộc nổi dậy của quần chúng.  

Điều đáng lo đối với tác giả, khi đôi bên rơi vào tình huống mất cân đối thế mạnh, vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng. Đơn cử ví dụ hồ sơ Bắc Triều Tiên chưa thể thực hiện được đòn tấn công hạt nhân thứ hai và các lực lượng chính quy của Bắc Triều Tiên vẫn còn xa mới bằng Nga. Khi xảy ra chiến tranh, rào cản cho Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân – hoặc trên bán đảo Triều Tiên, hoặc nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Thái Bình Dương hay lãnh thổ Bắc Mỹ, hầu như là rất thấp.  

Tuy nhiên, nguy cơ leo thang hạt nhân với Trung Quốc – cho đến lúc này là rất thấp – tính đến chiều sâu chiến lược và kho vũ khí hạt nhân vẫn còn khiêm tốn, thì những chuyển động gần đây cho thấy Trung Quốc hướng tới khả năng lớn hơn mở rộng cửa cho một loạt các kịch bản leo thang tiềm tàng.  

Nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ và an ninh quốc tế kết luận, cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay nhắc nhở thế giới rằng những hiểm họa hạt nhân tồn tại từ năm 1945 chưa bao giờ thật sự biến mất !  

Minh Anh

************************

Nga xâm lược Ukraine : Tổng thống Putin xem các lệnh trừng phạt như là lời tuyên chiến

Tổng thống Nga Vladimir Putin xem các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine "tương tự như lời tuyên chiến".

tuyenchien1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án NATO về việc loại trừ khả năng lập vùng cấm bay

"Nhưng cảm ơn Chúa chưa tới mức như vậy", ông Putin nói thêm.

Vladimir Putin cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực thiết lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine sẽ được xem là tham gia vào cuộc xung đột vũ trang.

Ông bác bỏ những đề nghị sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp hay thiết quân luật tại Nga.

Những bình luận trên được đưa ra trong buổi gặp gỡ giữa ông Putin với một nhóm các nữ tiếp viên hàng không tại một trung tâm huấn luyện của hãng hàng không Aeroflot gần Moscow.

Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine cách đây 11 ngày, thì phương Tây đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng tài sản ở nước ngoài của ông Putin và cắt đứt một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đã tuyên bố dừng hoạt động tại Nga. Mới nhất ngày 05/03 thì Zara, Paypal và Samsung đã trở thành những thương hiệu toàn cầu dừng hoạt động tại Nga.

Những biện pháp trừng phạt kinh tế đã khiến đồng rouble của Nga mất giá kỷ lục và khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng gấp đôi lãi suất.

Trong bình luận mới nhất, Putin đã tìm cách biện minh của cuộc chiến tại Ukraine, lặp lại các khẳng định rằng đang muốn bảo vệ cộng đồng người dân nói tiếng Nga tại Ukraine thông qua "việc giải trừ quân sự và phi phát xít hóa" Ukraine.

Đáp trả với những cáo buộc của giới phân tích quốc phòng phương Tây rằng chiến dịch quân sự của Nga đang không diễn ra tốt như mong đợi, ông Putin nói rằng : "Quân đội chúng ta sẽ hoàn thành tất cả nhiệm vụ. Tôi không nghi ngờ gì về điều này. Mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch".

Putin nói thêm rằng chỉ có những binh sĩ chuyên nghiệp tham gia giao chiến và không có chuyện ép người đến tuổi tham gia quân ngũ ra trận, mặc dù có những thông tin trái ngược với tuyên bố của ông.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết các nỗ lực nhằm thiết lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine sẽ bị quốc gia này xem là một bước tham gia vào cuộc xung đột quân sự và những ai chịu trách nhiệm sẽ bị xem như lực lượng thù địch.

"Giới lãnh đạo hiện nay cần hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm điều mà họ đang làm thì họ đang liều lĩnh về tương lai quốc gia của Ukraine", Putin nói.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên án NATO về việc loại trừ khả năng lập vùng cấm bay. Tuy nhiên các lãnh đạo phương Tây nói việc đưa ra biện pháp này sẽ là một bước leo thang.

Ông Putin nói không có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật tại Nga, và cho biết rằng bước đi như vậy sẽ chỉ tiến hành "trong trường hợp có sự uy hiếp từ bên ngoài, trong những lĩnh vực hoạt động quân sự xác định".

"Thế nhưng chúng ta không rơi vào tình huống như vậy và tôi hy vọng sẽ là không", Putin nói.

Cũng có những đồn đoán rằng Putin đang có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật, khi đó luật dân sự bị ngưng có hiệu lực hoặc quân đội kiểm soát hoạt động của chính phủ.

Ông cho biết cũng có tình trạng khẩn cấp đặc biệt khác được ban bố trong trường hợp có "mối đe dọa quy mô lớn từ bên ngoài" thế nhưng Putin khẳng định không có kế hoạch cho điều này.

Trong khi đó thì các hoạt động ngoại giao tiếp tục diễn ra bên lề của cuộc xung đột.

Thủ tướng Anh đã đề ra một kế hoạch gồm 6 điểm bao gồm việc củng cố năng lực quốc phòng của các quốc gia trong NATO.

Ông Boris Johnson cũng kêu gọi các lãnh đạo thế giới tiếp tục gia tăng các nỗ lực để khiến Nga thất bại trong cuộc xâm lược vào Ukraine.

Kế hoạch 6 điểm

tuyenchien2

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề ra bản kế hoạch 6 điểm

Trang New York Times đăng tải ý kiến của ông Boris Johnson rằng "không phải là các sử gia tương lai mà chính người dân Ukraine sẽ phán xét chúng ta".

Bản kế hoạch 6 điểm của ông Boris Johnson bao gồm :

- Các nhà lãnh đạo thế giới nên "huy động một liên minh nhân đạo quốc tế" cho Ukraine

- Các nhà lãnh đạo thế giới nên hậu thuẫn Ukraine trong các nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ"

- Tăng cường gây áp lực lên nền kinh tế Nga

- Cộng đồng quốc tế nên chống lại việc Nga "dần bình thường hóa" hành động tại Ukraine

- Theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhưng chỉ với sự tham gia toàn diện của chính phủ hợp pháp của Ukraine

- Cần có "một chiến dịch nhanh chóng để củng cố an ninh và sức mạnh" của các quốc gia trong NATO

Dự kiến Thủ tướng Anh sẽ truyền đi thông điệp này trong các cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Downing Street vào ngày thứ Hai 07/03.

Vào ngày thứ Ba 08/03, ông Boris Johnson cũng sẽ chủ trì một cuộc họp với các quốc gia Trung Âu gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng cảnh báo ông Putin đừng nên "thử thách" Anh Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph, ông Wallace nói : "Lịch sử vương vãi những kẻ độc tài đánh giá thấp phương Tây và Anh Quốc. Ông ta [Putin] rõ ràng đã đánh giá thấp cộng đồng quốc tế".

"Nếu chúng ta cùng đoàn kết và can trường thì tôi tin ông ta sẽ thất bại", ông Wallace nói thêm.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moscow vào ngày thứ Bảy 05/03 và có buổi trao đổi kéo dài 3 giờ về cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Ông Bennett sau đó đến Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Mặc dù Israel là một đồng minh quan trọng của Mỹ, thế nhưng Bennett đã nỗ lực gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với phía Nga. Tổng thống Zelensky, người Do Thái, đã kêu gọi Israel làm trung gian trong cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và cho biết ông ngưỡng mộ sự dũng cảm của Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp nhau tại biên giới giữa Ba Lan và Ukraine. Ông Kuleba cũng lặp lại mong muốn NATO hỗ trợ thêm về mặt quân sự bao gồm thiết lập một vùng cấm bay.

BBC, 06/03/2022

***********************

Tổng thống Vladimir Putin đe dọa xóa bỏ quy chế Nhà nước của Ukraine

Trọng Thành, RFI, 06/03/2022

Cuộc tấn công của Nga chống Ukraine chuyển sang một khúc quanh mới. Bước vào ngày thứ 10 của cuộc chiến, ngày 05/03/2022, tổng thống Nga đe dọa sẽ xóa bỏ "Nhà nước Ukraine", nếu chính quyền Ukraine không thay đổi chính sách.

tuyenchien3

Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện với các nhân viên trong chuyến thăm trường đào tạo tiếp viên của hãng hàng không Nga Aeroflot,ngoại ô Moskva ngày 05/03/2022.  AP - Mikhail Klimentyev

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Poutine cảnh báo Ukraine sẽ có thể mất "quy chế Nhà nước", nếu Kiev tiếp tục từ chối nhân nhượng các đòi hỏi của chính quyền Moskva. Nhân chuyến thăm trường đào tạo tiếp viên của hãng hàng không Nga Aeroflot, ở ngoại ô Moskva, nói chuyện với các nữ nhân viên tại đây nhân sắp tới ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chính quyền Kiev "cần phải hiểu rằng nếu họ tiếp tục làm những điều như hiện nay, họ sẽ đe dọa tương lai của chính Nhà nước Ukraine. Nếu điều này xảy ra, họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm". 

Thừa nhận bán đảo Crimea là của Nga, vùng Donbass thuộc lực lượng ly khai thân Nga, đòi hỏi chính quyền Kiev "phi quân sự hóa", cam kết tuân thủ "quy chế trung lập", không gia nhập các liên minh là các đòi hỏi chính của điện Kremlin với Ukraine. Chính quyền Kiev cương quyết bác bỏ các yêu sách nói trên, được coi như đồng nghĩa với hành động đầu hàng.

Tổng thống Nga cũng so sánh các trừng phạt quốc tế chống cuộc can thiệp quân sự của Nga giống như một "hành động tuyên chiến". Tuy nhiên, ông Putin cũng thừa nhận là tình hình hiện nay "chưa đến mức như vậy". Chủ nhân điện Kremlin cũng cảnh báo sẽ coi tất cả các quốc gia tham gia vào việc thiết lập một vùng cấm bay tại Ukraine, theo yêu cầu của chính quyền Kiev, là "bên tham chiến", bởi việc thành lập vùng cấm bay "đe dọa quân đội Nga".

Hàng không Nga : lĩnh vực chịu thiệt hại hàng đầu do các trừng phạt quốc tế 

Không phải ngẫu nhiên tổng thống Nga chọn đưa ra phát biểu đe dọa xóa bỏ Nhà nước Ukraine trước các nhân viên hàng không Nga. Hàng không là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng do các đòn trừng phạt quốc tế. Hãng hàng không Nga Aeroflot đã phải tuyên bố đình chỉ toàn bộ các tuyến bay quốc tế kể từ ngày 08/03. Cơ quan quản lý hàng không quốc gia Nga Rossaviatsia cũng yêu cầu tất cả các hãng hàng không Nga đình chỉ các tuyến bay ra nước ngoài, để tránh nguy cơ các phương tiện bay bị tịch thu, bởi một số lớn máy bay dân dụng Nga đang sử dụng hiện nay là thuê của các hãng phương Tây.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, BBC tiếng Việt, Trọng Thành
Read 288 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)