Khí hậu : Bài toán khó giải tại thượng đỉnh G7
Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc hôm nay 26/05/2017 tại thành phố Taormina trên đảo Sicilia, miền nam nước Ý. Đây là lần đầu tiên tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tân tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự thượng đỉnh G7. Nhật báo Le Figaro có bài viết với tựa đề : "Khí hậu, tâm điểm không ai nắm rõ tại thượng đỉnh G7 ở Taormina".
Các nguyên thủ quốc gia G7 tại thượng đỉnh Taormina - Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
"Khí hậu sẽ là chủ đề phức tạp nhất" là nhận định về thượng đỉnh G7 Taormina mà các cộng sự thân cận của tân tổng thống Pháp Macron đưa ra vì trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016, Donald Trump hứa sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa Thuận Khí Hậu Paris. Tuy nhiên, theo Le Figaro, hiện mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Trump có vẻ vẫn đang do dự trong khi cô con gái Ivanka của tổng thống Mỹ có thái độ rõ ràng là ủng hộ thỏa thuận chống hiện tượng Trái Đất nóng dần. Còn Nhà Trắng đã hai lần trì hoãn ra quyết định về chủ đề này.
Trong suốt 10 năm qua, khí hậu luôn là chủ đề trọng tâm trong các thông cáo của G7 và G8. Vì thế, theo Le Figaro, Pháp - nước tổ chức hội nghị COP21 cách đây 2 năm - chắc chắn sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng tại Taormina. Cái khó của các nước G7, theo điện Elysée, là "thể hiện được tham vọng, đưa ra yêu cầu cao nhưng phải tránh được việc Washington rút khỏi thỏa thuận". Việc ban soạn thảo thông cáo cuối cùng không đưa được chủ đề khí hậu vào văn bản đó sẽ bị công luận coi là một bước thụt lùi nghiêm trọng và ảnh hưởng tới tính năng động của Thỏa Thuận Khí Hậu Paris.
Trong những ngày qua, vì ban cố vấn của Thượng đỉnh không đạt được đồng thuận về tuyên bố cuối cùng nên Ý, nước chủ nhà Thượng đỉnh G7 lần này đã đề xuất nhiều phương án. Thứ nhất là ra một văn bản duy nhất mà có thể gây được sức ép đối với phái đoàn Hoa Kỳ. Giải pháp thứ hai là chuẩn bị hai văn bản nhằm "cứu vãn khí hậu" nếu Mỹ vẫn không muốn thực thi thỏa thuận.
Các cố vấn thân cận của tổng thống Pháp không loại trừ khả năng sẽ có giải pháp thứ ba : Thượng đỉnh G7 sẽ không đưa ra thông cáo cuối cùng nếu các bên không đạt được đồng thuận. Các nhà ngoại giao thì dự báo cuộc thảo luận giữa các bên sẽ phải kéo dài rất nhiều giờ trong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy.
Theo Le Figaro, tân tổng thống Pháp có thể tin tưởng vào sự đồng lòng của các đối tác Châu Âu như Ý và Đức, những nước sẽ đề cao tầm quan trọng của việc phải duy trì Thỏa Thuận Khí Hậu Paris. Emmanuel Macron cũng có thể "trông chờ" vào Trung Quốc. Mặc dù có thế mạnh về công nghệ, nhưng Mỹ có thể rất sợ bị các nước như Trung Quốc, Ấn Độ vươn lên dẫn trước vì trong tương lai các nước này sẽ đầu tư mạnh vào thị trường năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Chắc chắn là Mỹ không muốn bị "bỏ rơi" trong lĩnh vực này.
Để thuyết phục Donald Trump, lãnh đạo các nước G7 sẽ phải nhấn mạnh đến những lợi ích của cuộc chiến chống hiện tượng Trái Đất nóng dần : có cơ hội phát triển công nghệ sạch, hạ tầng cơ sở được bảo vệ, sức khỏe người dân được cải thiện, hạn chế được làn sóng di cư, giảm thiểu nguy cơ mâu thuẫn, bất đồng …
Tuần này, hai báo cáo theo hướng trên đã được công bố. Báo cáo của NATO một lần nữa nhấn mạnh mối liên hệ giữa an ninh và khí hậu, đặc biệt là Trái Đất nóng dần lên có khả năng gây khủng hoảng. Còn báo cáo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế - OCDE đánh giá chỉ riêng nhờ các chính sách bảo vệ khí hậu theo Thỏa Thuận Paris, tổng sản phẩm quốc nội của các nước G20 vào năm 2050 sẽ tăng thêm 2,8%.
Và cuối cùng, theo Le Figaro, thượng đỉnh G7 Taormina nên làm theo chiến thuật mà tổ chức phi chính phủ Anh E3G đã nêu ra : Tìm cách để tổng thống Mỹ có thể ra về và nói "chúng ta đã không đi quá xa" còn các nước khác thì có thể khẳng định "không hề có bước thụt lùi".
Nước Mỹ của Trump và Châu Âu của Macron
Vẫn liên quan tới thời sự quốc tế, báo Le Figaro nhận định về cuộc gặp đầu tiên giữa hai vị tân tổng thống Pháp và Mỹ : "Đối mặt với Trump, Macron bảo vệ Châu Âu" còn báo Libération có bài "Nước Mỹ của Trump và Châu Âu của Macron".
Lần gặp gỡ đầu tiên của hai vị tân tổng thống tại Bruxelles, bên lề hội nghị NATO là dịp để hai nhà lãnh đạo làm quen. Nhưng quan trọng hơn, theo Libération, đó là dịp để là để hai tổng thống "đối chọi" nhau về quan điểm chính trị. Tổng thống Mỹ có quan điểm bảo thủ và chủ trương bảo hộ mậu dịch. Tổng thống Pháp lại có quan điểm cởi mở và ủng hộ tự do mậu dịch. Phục hồi Châu Âu là trọng tâm bài phát biểu của tân tổng thống Pháp trong chuyến công du đầu tiên tới Bruxelles. Phát biểu trong cuộc gặp với chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, tổng thống Macron nói : "Ngài sẽ có một đồng minh giúp Châu Âu mạnh hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn và đúng đắn hơn". Tổng thống Pháp cũng đề cập đến nhiều vấn đề xã hội tới mức chủ tịch Ủy ban Châu Âu phải ngạc nhiên thốt lên : "Đây là lần đầu tiên một tổng thống tới gặp tôi mà bắt đầu cuộc trao đổi bằng các chủ đề xã hội".
Trong bữa ăn trưa tại đại sứ quán Mỹ ở Bruxelles với tổng thống Macron, tổng thống Mỹ đã gọi đó là một vinh dự cho ông. Donald Trump ca ngợi Emmanuel Macron đã có "chiến dịch tranh cử không thể tin được" để đạt được "một chiến thắng tuyệt vời". Sau cuộc gặp, tổng thống Macron đã đánh giá là buổi trao đổi "vô cùng thẳng thắn và thành thật".
Tai tiếng đầu tiên của tân nội các Pháp
Liên quan đến thời sự nước Pháp, Le Monde có bài viết về vụ tai tiếng đầu tiên của tân nội các liên quan đến bộ trưởng Quy Hoạch Phát Triển Richard Ferrand.
Ông Ferrand thuộc đảng Xã Hội và là một nhân vật thân cận với tân tổng thống Emmanuel Macron. Hôm thứ Tư 24/05, tờ báo Le Canard enchaîné (Con vịt bị xiềng) đã tiết lộ 2 thông tin mà họ gọi là "vụ dàn xếp trong gia đình".
Ông Richard Ferrand là tổng giám đốc công ty Les Mutuelles de Bretagne từ năm 2008 đến năm 2012. Vào năm 2011, ông Ferrand thuê một cơ sở ở thành phố Brest (tỉnh Finistère) của văn phòng bất động sản do bà Sandrine Doucen - vợ ông - quản lý. Vụ việc thứ hai liên quan tới việc ông Ferrand thuê con trai làm trợ lý trong vài tháng năm 2014. Khi đó ông đang là nghị sĩ.
Chính phủ Pháp ngay lập tức lên tiếng bảo vệ bộ trưởng Quy Hoạch Phát Triển Richard Ferrand và giải thích là vụ thuê bất động sản không có gì mờ ám, bất hợp pháp : công ty Les Mutuelles de Bretagne của Ferrand thuê tòa nhà của văn phòng bất động sản của bà Sandrine Doucen vì giá cả hợp lý và cơ sở đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Còn việc ông Ferrand thuê con trai làm trợ lý nghị sĩ, chính phủ giải thích vào thời điểm 2014, chuyện một nghị sĩ thuê người thân trong gia đình làm trợ lý là hợp pháp, việc con trai ông Ferrand hỗ trợ ông trong công việc là có thật và chỉ diễn ra trong vài tháng. Thêm vào đó, con trai ông chỉ hưởng mức lương tối thiểu.
Như vậy là việc này khác hẳn vụ tai tiếng tạo việc làm giả cho vợ con mà ứng viên tổng thống François Fillon thuộc cánh hữu vướng phải và cũng không giống vụ cựu bộ trưởng Bruno Le Roux thuê các con gái làm trợ lý nghị sĩ trong khi các con gái ông còn đang là học sinh phổ thông và sinh viên. Chính vì thế, không thể gọi đây là "vụ tai tiếng Ferrand".
Theo Le Monde, phát ngôn viên chính phủ, ông Christophe Castaner, chỉ lấy làm tiếc là vụ việc bị tiết lộ vào "thời điểm nhạy cảm" nên đã "tạo ra một sự ngờ vực" trong một bối cảnh vốn đã đầy rẫy những mối nghi ngờ.
Pháp : Tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm trong tháng Tư
Vẫn trong lĩnh vực kinh tế-xã hội Pháp, nhật báo Les Echos cho biết "tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm trong tháng Tư". Theo số liệu của Viện Thống Kê Pháp, số người hoàn toàn thất nghiệp giảm 1% so với tháng trước đó. Vào tháng cuối trong nhiệm kỳ của tổng thống Francois Hollande, số người thất nghiệp tăng gần 580.000 người so với khi ông bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2012. Con số này là 750.000 người vào cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy.
Trái với truyền thống, lần này bộ Lao động không bình luận về số liệu người thất nghiệp. Les Echos nhận xét dân chúng sẽ phải làm quen với điều này vì tân bộ trưởng Lao động, bà Muriel Pénicaud, đã quyết định không bình luận số liệu thất nghiệp hàng tháng. Còn tân tổng thống Pháp Macron thì sẽ dựa vào số liệu quý 3 tháng theo khuyến cáo của tổ chức Lao động quốc tế : Tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp là 9% vào quý 1 năm 2017. Mục tiêu của Macron là đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông, tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp giảm còn 7%.
"Hand spinner" làm mưa, làm gió trên thị trường
Chuyển sang lĩnh vực giải trí, báo Les Echos có bài giới thiệu đồ chơi "Hand spinner" - một loại đồ chơi đang làm mưa, làm gió trên thị trường đồ chơi Châu Âu. "Hand spinner" là một loại con quay có 3 cánh. Mỗi chiếc "Hand spinner" có giá 2-10 euro, thường được sản xuất tại Châu Á.
Thực ra, "Hand spinner" không phải một loại đồ chơi mới. "Hand spinner" được một người Mỹ tạo ra cách đây hơn 20 năm, nhưng "bùng nổ" trên mạng xã hội từ Anh Quốc hồi tháng 04/2017. Chỉ trong vòng 3 tuần, nhờ có mạng xã hội, "Hand spinner" đã tạo ra "một cơn sốt", trở thành một "hiện tượng" và mang lại doanh thu một triệu euro trên toàn Châu Âu. "Hand spinner" thu hút không chỉ các bé trai mà cả các bé gái, không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Một số người coi "Hand spinner" là món đồ chơi giảm căng thẳng.
Thông thường, đồ chơi được bán trong các cửa hàng đồ chơi hoặc siêu thị nhưng "cơn sốt Hand spinner" mạnh tới mức loại con quay này được bán cả ở chợ, các cửa hàng tạp hóa và thậm chí là cả ở… trạm bán xăng.
Trang nhất các báo Pháp
"Trump đối mặt với Châu Âu : đã tới lúc tự do phát biểu" là tựa trang nhất của Les Echos. Tờ báo kinh tế cho biết tổng thống Mỹ đã yêu cầu các nước thành viên NATO nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, đả kích các nước không đóng góp nhiều tài chính để bảo đảm quốc phòng của Liên Minh. Trong khi đó, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo Donald Trump là nước Mỹ là không nên nóng vội rút lui khỏi hiệp định Paris về khí hậu.
Trong khi đó, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến thời sự nước Pháp với hàng tít "Macron muốn một nhà nước trung thực và hiệu quả".
Báo Libération lại dành trang nhất để nói về người cao tuổi với bức ảnh minh họa là một bà cụ đeo kính râm, nét mặt giận dữ và giơ "ngón tay thối". Tại Pháp, gần 700.000 người đang sống trong các trại dưỡng lão mặc dù nhiều người không mong muốn cuộc sống như vậy. Nhiều bác sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, trí thức, nhà chính trị đã cùng nhau đưa ra lời kêu gọi "vì một tuổi già tự do và được tự quyết định" để "tất cả người cao tuổi đều được hạnh phúc".
Thùy Dương